Chia sẻ Du Lịch Huế Bằng Xe Máy

Thảo luận trong 'Địa Điểm' bắt đầu bởi dollarupload39, 19 Tháng bảy 2019.

  1. dollarupload39

    Bài viết:
    376
    Giới thiệu

    Hà Nội – Huế, một là thủ đô nay, một là thủ đô xưa. Cả hai đều là điểm đến nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Ngày ngày đều có những chuyến bay, chuyến ô tô nối liền giữa hai thành phố. Thành phố Huế là trung tâm văn hóa của miền Trung, với dòng sông Hương và những di sản của Huế. Du khách từ Hà Nội đến Huế có thể chọn bằng nhiều đường khác nhau:

    Chúng tôi rất vui mừng được thông báo về việc tích hợp các chuyến tàu đến Huế, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền trung Việt Nam nổi tiếng với các tòa nhà và di tích lịch sử được liệt kê là Di sản Thế giới của UNESCO.

    [​IMG]

    Huế là cố đô của Việt Nam thời nhà Nguyễn. Ở trung tâm thành phố, Thành cổ chứa Hoàng thành cũ, cung điện cũ từng là nơi sinh sống của các hoàng đế cầm quyền của Việt Nam ở Tử Cấm Thành. Ngoài ra, chùa Thiên Mụ nằm bên bờ sông Hương là biểu tượng chính thức của thành phố. Bên ngoài Huế, khách du lịch có thể ghé thăm các lăng mộ hoàng gia của Minh Hoàng, Khải Định và Hoàng Đức.

    [​IMG]

    Khách du lịch có thể dễ dàng đi từ Hà Nội đến Huế bằng tàu hỏa với Đường sắt Việt Nam và nhiều công ty đường sắt tư nhân khác điều hành tàu hỏa chạy tuyến đường sắt Bắc – Nam, và hành trình mất từ 12 đến 13 giờ.

    Khi đến ga Huế là 8 giờ tối, chúng tôi gồm 5 người thuê một phòng đôi giá 500 ngàn một ngày ở đường Đội Cung. Sau đó chúng tôi đi dạo sông Hương và ăn quà vặt ở bên kia sông. Chúng tôi thuê 2 người chở chúng tôi đi bằng chiếc xe xích lô. Nhưng chúng tôi rất bức xúc vì bị bọn xe xích lô lừa, đầu tiên nó bảo là 120 ngàn cho 2 xe xích lô chở cả đoàn gồm 5 người là đi qua cầu Trường Tiền, qua cầu Lim và ăn vặt ở đó và còn cả đi đến 12 phố phường. Nhưng không giữ lời hứa, các bạn hãy cẩn thận kẻo bị lừa như chúng tôi nhé!

    Rồi sáng hôm sau đoàn chúng tôi thuê 2 chiếc xe máy đi các lăng cụ thể như lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, và lăng Tự Đức.

    1. Lăng Khải Định (Ứng Lăng) :

    Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự "ra đi" của một ông vua vào buổi mạt kỳ của chế độ phong kiến. Bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31, Khải Định say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng. Những công trình này làm hao tổn nhiều nhân lực, của cải của binh dân, song đó cũng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

    [​IMG]

    Trị vì được một thời gian, vua Khải Định đã lo nghĩ việc tạo dựng sinh phần cho mình. Sau khi tham khảo nhiều tấu trình của các thầy Địa, Khải Định chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) làm vị trí để xây cất lăng mộ. Tọa lạc tại vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm "Tả thanh long" và "Hữu bạch hổ"; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm "thủy tụ", gọi là "minh đường". Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ - vừa là hậu chẩm, vừa là "mặt bằng" của lăng - thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi: Ứng Lăng.

    Lăng khởi công ngày 4-9-1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn tất. Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy với sự trưng tập nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng.. Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động nay của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt.

    [​IMG]

    Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise, cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu.. để kiến thiết công trình. So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có một diện tích rất khiêm tốn: 117m x 48, 5m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Người đời sau thường đặt lăng Khải Định ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng.. tạo ra từ phong cách kiến trúc. Toàn cảnh lăng Khải Định có một cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Tổng thể của lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao với 127 bậc cấp như muốn thể hiện khát vọng tự chủ của ông vua bù nhìn này. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique.. đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể.. Điều này là kết quả của hai yếu tố: Sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định. Sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã đột phá cánh cửa phong kiến để làn gió của văn hóa Tây Âu tràn vào Việt Nam. Mặt khác Khải Định là một ông vua hiếu kỳ, chuộng cái mới nhưng có sự sàng lọc, một ông vua "mặc complet bên trong khoác long bào, bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc Đẩu Bội Tinh, thắt lưng gắn bóng đèn điện chớp đỏ" (lời L. Cadière) nên chẳng có gì phải "kiêng nể" trong việc "thâu tóm điều hay, cái lạ" của thế giới vào ngôi nhà vĩnh cửu của mình. May thay! Ý muốn kỳ quặc của ông vua ngông nghênh đó đã không bị bê nguyên xi vào trong kiến trúc. Bằng óc thông minh, sự chọn lọc tinh tế và đôi tay tài hoa khéo léo, người thợ Việt Nam đã tạo cho công trình những tuyệt tác nghệ thuật.

    Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, nơi mà tài hoa của những người thợ được phô diễn, gởi gắm. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: 2 bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định; chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua và mộ phần phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của ông vua quá cố. Toàn bộ nội thất của 3 gian giữa trong cung Thiên Định đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện.. kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa.. cũng được trang trí nơi đây. Những vật liệu cứng, biệt lập, qua bàn tay vàng khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mềm mại, sống động và vô cùng rực rỡ. Đặc biệt chiếc bửu tán bên trên pho tượng đồng trong chính tẩm với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác nó được làm bằng nhung lụa, có thể xao động trước gió mà quên đi rằng đó đích thực là một khối bê tông cốt thép nặng gần 1 tấn. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920. Tượng do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua.

    Toàn bộ trang trí bên trong cung Thiên Định không chỉ phản ánh những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn đề cập đến vấn đề nhận thức, chủ đề tư tưởng của công trình và ý muốn của nhà vua. Bên cạnh các đồ án trang trí rút từ các điển tích Nho giáo và cuộc sống của chốn cung đình, còn có những đồ án trang trí của Lão Giáo và đặc biệt là hàng trăm chữ Vạn - một biểu trưng của nhà Phật được đắp bằng thủy tinh xanh trên tường hậu tẩm. Phải chăng đó là sự thể hiện "Tam Giáo đồng hành" trong tư tưởng của vua quan và Nho sĩ đương thời? Phải chăng nhà vua cũng mong muốn được thư nhàn lúc về già và được nhập Niết Bàn, được siêu thoát sau khi băng hà? Hay đó là sự bế tắc về tư tưởng của Khải Định nói riêng và tầng lớp quan lại thuở đó? Tất cả là những gợi mở đầy thú vị để du khách chiêm nghiệm mỗi khi tham quan công trình này.

    Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa "Cửu long ẩn vân" lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Nhờ những đóng góp của ông và bao nghệ nhân dân gian tài hoa của nước Việt, lăng Khải Định đã trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.

    Cho dù bị lên án dưới nhiều góc độ khác nhau, lăng Khải Định đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nó làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế, xứng đáng với đôi câu đối đề trước Tả Trực Phòng trong lăng:

    "Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ.

    Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư.

    (Bốn mặt đều là kỳ quan, phong cảnh mở ra một vũ trụ biệt lập.

    Muôn năm hun đúc nên vượng khí, núi sông giúp đỡ mãi hoài). "

    2. Lăng Minh Mạng - Nghệ Thuật Lịch Sử Và Triết Lí Nhân Sinh

    Nếu Lăng Tự Đức là một bức tranh sơn thủy hữu tình, phản ánh tính cách thi sũ của vua Tự Đức. Lăng Khải Định độc đáo với nét văn hóa Đông Tây kết hợp thể hiển phần nào tính cách Vua Khải Định thích chơi ngông. Thì lăng Minh Mạng lại bộc lộ đầy đủ cá tính của một ông vua đắc đạo.

    A) Đôi nét về Vua Minh Mạng và vị trí lăng Minh Mạng

    Vua Minh Mạng tên là Nguyễn Phúc Đảm - con thứ của Vua Gia Long. Năm 1820, Thái tử Đảm lên ngôi và lấy hiệu là Minh Mạng. Vua Minh Mạng lên ngôi khi chế độ quân chủ trung ương tập quyền nhà Nguyễn đã củng cố triệt để. Là một người tinh thâm Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, không thích phương Tây vì vậy toàn bộ kiến trúc của lăng Minh Mạng được xây dựng trên cơ sở tư tưởng chịu ảnh hưởng của Nho Học. Sau khi làm vua được 7 năm, vua Minh Mạng cho người đi tìm đất để xây dựng Sơn Lăng cho mình. Đến năm 1840, công cuộc kiến thiết Hiếu Lăng bắt đầu. Bốn tháng sau, Minh Mạng lên kiểm tra thấy công việc đào hồ Trừng Minh không vừa ý nên giáng chức các quan trông coi và đình chỉ công viêc. Một tháng sau, công việc cừa được tiếp tục thì Vua Minh Mạng lâm bệnh qua đời vào tháng 1 năm 1841. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, đã huy động gần 10000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Tháng 8 năm 1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành và đầu năm 1843 việc xây lăng mới hoàn tất. Vua Minh Mạng có rất nhiều vợ nên đã có 78 hoàng tử và 64 công chúa, tổng cộng 142 người con.

    [​IMG]

    Lăng Minh Mạng nằm ở quốc lộ 49, Hương Thọ, Tp Huế, trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12km.

    B) Quy mô và cấu trúc Lăng Minh Mạng

    Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm khoản 40 công trình lớn nhỏ bao gồm Cung điện, Lâu đài, Đình tạ.. được bố trí cân đối trên một trục dọc từ Đại Hồng Môn tới chân thành của La Thành sau mộ vua. Các công trình đều được phân bố trên ba trục lớn và song song với nhau lấy đường Thần Đạo làm trung tâm. Tổng thể của lăng được chia ra như sau:

    Đại Hồng Môn là cổng chính ra vào lăng. Cổng có 3 lối đi với 24 mái lô nhô cao thấp được trang trí đẹp mắt. Cổng chính chỉ mở một lần lúc đưa quan tài vua vào lăng, muốn ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.

    [​IMG]

    Bi Đình là sân rộng nằm sau Đại Hồng Môn vớ 2 hàng tượng quan viên và voi ngựa. Bi Đình nằm trên đồi Phụng Thấn Sơn, bên trong có bia "Thánh Đức Thần Công" do vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha Minh Mạng.

    [​IMG]

    Khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua): Mở đầu khu vực tẩm điện là Hiếu Đức Môn, điện Sùng Ân nằm ở trung tâm thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu. Hoàng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện và ngát thơm hoa đại.

    Lầu Minh Lâu: Đi tiếp qua ba cây cầu Trung Đạo, Tả Phụ, Hữu Bật bắc qua hồ Trường Minh là đến lầu Minh Lâu xây dựng trên quả đồi có tên là Tam Đài Sơn. Tòa nhà có hình vuông, hai tầng, tám mái. Phía sau Minh Lâu là hai vườn hoa hình chữ Thọ đối xứng qua đường Thần Đạo.

    [​IMG]

    Bửu Thành (thành quanh mộ) : hồ Tân Nguyệt hình trăng non ôm lấy Bửu Thành hình tròn nằm ở giữa. Qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc qua Hồ Tân Nguyệt có 33 bậc đá thanh là đến nơi yên nghỉ của nhà vua nằm giữa trung tâm ở đồi mang tên Khai Trạch Sơn.

    [​IMG]

    C) Triết lí nhân sinh của Lăng Minh Mạng

    Khi tham quan lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng), hầu hết du khách đều cảm nhận được sự khác biệt so với các lăng tẩm vua nhà Nguyễn bởi vẻ đẹp hài hòa, sự yên tĩnh và ẩn chứa nhiều sự sống tiềm tàng. Đến với lăng Minh Mạng con người không cảm thấy không khí u tịch, tang khóc mà là sự thanh lọc, hồi sinh giữa sự sống và cái chết. Ta thấy ở Vua Minh Mạng có thái độ thanh thản khôn ngoan đối với cái chết, là một người chịu ảnh hưởng học thuyết Lão - Trang nên ông có quan niệm: "Trong các loại sinh vật chỉ có con người là ý thức được bản thân mình và vũ trụ xung quanh, do đó mà biết lựa chọn thái độ với thiên nhiên. Có khi là hòa hợp với thiên nhiên, có khi là chinh phục và kiểm soát hoặc lợi dụng thiên nhiên".

    [​IMG]

    Theo ông, chết không phải là hết mà chết là bước sang một thế giới mới với nhiều hạnh phúc và nhiều điều tốt đẹp. Nên việc ông cố gắng tìm cho mình một mảnh đất tốt và biến nó trở thành thiên đường trên mặt đất, nên yên nghỉ đầy nhạc và thơ, đặc biệt hơn là nơi không thấy bóng dáng của cái chết, sự tang tóc. Thế nên, Lăng Minh Mạng là lăng thể hiện kết nối giao hòa giữa trời đất và con người, cân đối hài hòa để tạo nên linh hồn. Điều ấn tượng khiến mọi người đến tham quan lăng là vẻ đẹp của bức tranh phong cảnh thủy mạc mà thiên nhiên ưu đãi dành cho nơi đây. Một quan niệm sâu sắc về sự giao hòa, thống nhất, hòa hợp tự nhiên và con người; sự cân đối, hiền hòa trong suy tưởng. Đó là cách Minh Mạng tạo ra sự sống sau cái chết. Và cũng là một trong những địa điểm du lịch Huế hàng đầu được du khách thập phương muốn trải nghiệm, khám phá.

    3. Lăng Tự Đức - Vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc thời nhà Nguyễn

    Được mệnh danh là một trong những công trình đẹp nhất của thời nhà Nguyễn, lăng Tự Đức là nơi yên nghỉ của ông vua thi sĩ Tự Đức. Với kiến trúc mang đậm nét tinh tế, bao bọc bởi một không gian xanh mượt của núi rừng cây cỏ, lăng Tự Đức được xây dựng phù hợp với một tâm hồn thi sĩ lãng mạn, mộng mơ nhưng không kém phần uyên bác, thâm thúy!

    Với những đường nét mềm mại, Lăng Tự Đức nhìn từ trên cao hiện ra như một bức tranh sơn thủy tuyệt mĩ, lăng được liệt vào một trong những công trình đẹp nhất thế kỉ XIX. Liệu có ai biết rằng vua Tự Đức cho xây dựng khu lăng tẩm này để giải khuây, tiêu sầu và đề phòng "ra đi bất chợt", bởi như lời vua nói: "Người khỏe còn lo chuyện bất thường huống chi kẻ yếu!" (Theo Khiêm Cung Ký).

    [​IMG]

    Toàn cảnh lăng Tự Đức (Khiêm lăng)

    Lăng Tự Đức (thành phố Huế) có phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Lăng được xây dựng trong bối cảnh lịch sử khó khăn của đất nước và của chính bản thân nhà vua.

    Trong số các vị vua thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức được đánh giá là người uyên thâm nhất về nền học vấn Ðông Phương, nhất là Nho học. Ông giỏi về cả sử học, triết học, văn học nghệ thuật và đặc biệt là rất sính thơ. Vua đã để lại 600 bài văn, 4.000 bài thơ văn chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm, biểu lộ tư chất nghệ thuật và sự đa cảm. Điều đó cũng thể hiện rõ trên kiến trúc của lăng Tự Đức (Khiêm lăng).

    Đôi nét về lịch sử hình thành lăng Tự Đức

    Lăng Tự Đức được vua Tự Đức cho xây dựng như một chốn nghỉ ngơi, thoát khỏi việc triều chính. Theo sử sách ghi lạ, Tự Đức là vị vua nổi tiếng của thời nhà Nguyễn, với thời gian tại vị lâu nhất trong 13 vị vua thời này. Tên thật của ông là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Sinh ra là con trai thứ của vua Thiệu Trì, đáng nhẽ ngôi vị ngai vàng phải do người con trai cả là Hồng Bảo đảm nhận nhưng do tài năng không đủ lại không có ý chí, tính cách ham chơi, thất thường nên Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức được vua cha trọng dụng đưa lên ngai vàng, tiếp quản người cha của mình xây dựng non sông đất nước. Nhưng không may mắn thay Tự Đức không phải là một vị vua thạo việc triều chính, tính toán khôn lường mà tính cách đơn thuần, hiền lành, đôi lúc có phần nhu nhược, đúng như tính cách của một người thi sĩ, sống với cỏ cây, hoa lá.

    [​IMG]

    Vua Tự Đức (Ảnh: Sưu tầm)

    Năm 1864, khi mới khởi công xây dựng lăng, vua Tự Đức đã lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với ước vọng được trường tồn. Tuy nhiên, do việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, nhiều người oán giận. Tương truyền, dân thán: "Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân".

    Năm 1866 tức năm Tự Đức thứ 19, cuộc nổi loạn Chày Vôi bắt đầu. Nhân sự bất mãn của những người đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn Niên Cơ, Đoàn Hữu Trưng (cháu ruột Tự Đức) cùng với các em đã phát động khởi nghĩa, nhưng chỉ với võ khí thô sơ (chày vôi - một dụng cụ lao động) nên cuộc đảo chính nhanh chóng thất bại. Sau đó, vua Tự Đức phải đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung, và viết bài biểu trần tình để tạ tội.

    Năm 1873, Khiêm Cung hoàn thành. Sau khi vua băng hà, gọi là Khiêm Lăng. Nay thường gọi lăng Tự Đức.

    Giá trị kiến trúc Lăng Tự Đức

    Trong vòng La thành rộng khoảng 12 hécta, toàn cảnh lăng Tự Đức có gần 50 công trình kiến trúc bề thế được dàn trải thành cụm trên những thế đất phức tạp, cao thấp hơn nhau gần 10m. Nhưng các hệ thống bậc cấp được lát đá thanh, các lối đi quanh co lát gạch bát tràng, đã nối tất cả các công trình lại thành một thể thống nhất, tương quan, gần gũi. Và tất cả công trình đều có chữ Khiêm trong tên gọi.

    Qua khỏi Khiêm Cung Môn (cửa tam quan hai tầng dựng trên một thế đất cao) của lăng Tự Đức, là hệ thống cung điện gồm vài chục tòa nhà lớn nhỏ được dành cho vua ở lại nghỉ ngơi, giải trí. Chính giữa là điện Hòa Khiêm, nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu, hiện còn lưu giữ nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời. Đặc biệt, nơi đây còn có Minh Khiêm Ðường với giá trị nghệ thuật trang trí đặc sắc, được xem là một trong những nhà hát cổ nhất Việt Nam. Tạo thế đối với Khiêm Cung Môn là hồ Lưu Khiêm, giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảng hoa cỏ, bên bờ hồ có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ là 2 công trình thủy tạ, nơi nhà vua ngắm hoa, làm thơ, đọc sách..

    Nếu kiến trúc ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ thì các công trình ở khu vực lăng mộ đều được xây bằng gạch, đá. Nổi bật là tấm bia lăng Tự Đức bằng đá lớn nhất Việt Nam, cao 5m, nặng tới 22 tấn, được bảo vệ bằng một tòa nhà đồ sộ kiên cố (Bi đình) với cột to và vách dày. Bệ bia được tạo từ một phiến đá thanh nguyên khối với dáng chân quỳ và được chạm trổ công phu các đồ án rồng mây, mặt hổ phù và hồi văn chữ S gấp khúc. Trên bia có khắc bài "Khiêm Cung Ký" do chính nhà vua biên soạn, là một bản tự thuật về cuộc đời, vương nghiệp cũng như kể công và nhận tội của vua Tự Đức trước lịch sử. Đặc biệt, bia Khiêm Cung Ký đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2015.

    Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm, là Bửu Thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, là nơi vua yên nghỉ. Bửu thành được bao phủ bởi một rừng thông xanh ngát bốn mùa. Ngoài ra, hệ thống tháo thoát nước trong toàn lăng tẩm cũng được thiết kế, xây dựng ở trình độ cao và lưu thông rất tốt.

    Nhìn chung, mỗi công trình kiến trúc trong lăng Tự Đức đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình, không trùng lặp và rất sinh động. Cách phân bố các khu vực và bố cục các công trình kiến trúc cũng phá bỏ thông lệ đối xứng thường thấy ở một số lăng khác. Khách đến tham quan lăng Tự Đức còn thấy các đường nét kiến trúc phóng khoáng, hài hòa với thiên nhiên, gợi nhiều cảm xúc thẩm mỹ và phản ánh được tâm hồn của một ông vua thi sĩ.

    [​IMG]

    Lăng Tự Đức Huế với cảnh trí hữu tình

    [​IMG]

    Điện Linh Khiêm (Ảnh: Sưu tầm)

    [​IMG]

    Lăng Tự Đức Huế - nhà bia Khiêm Cung Ký

    Một điểm đến cần đặt chân tới đó chính là nhà hát Minh Khiêm, nơi vua hay ghé tới để xem hát. Đây là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kì vua Tự Đức, khiến không ít du khách cảm thấy vô cùng thích thú. Để phục vụ cho du lịch của khách trong nước và nước ngoài, hiện nay người ta vẫn thường tổ chức những buổi trình diễn văn hóa, văn nghệ vô cùng hấp dẫn.

    [​IMG]

    Nhà hát Minh Khiêm (Ảnh: Sưu tầm)

    Vượt qua khu tẩm điện chính là khu lăng mộ. Di chuyển tới Bái Đình bạn sẽ được tận mắt chứng kiến hai hàng tượng quan viên văn võ rất hùng dũng. Ngay sau đó chính là Bi Đình với tấm bia đá nặng 20 tấn khắc bài Khiêm Cung Kí của nhà vua. Đây được coi như một cuốn tự truyện của nhà vua về cuộc đời mình.

    Ra khỏi khu vực tẩm điện, du khách theo con đường quanh co dẫn sang khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn có khắc bài "Khiêm Cung Ký" do nhà vua soạn thảo. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia "Thánh đức thần công" trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình. Tự Đức muốn dùng tấm bia khổng lồ đó để kể công và nhận tội trước lịch sử. Ông tự nhận tội mình: "Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả.." và ông nhường cho sử sách đời sau đánh giá công, tội của mình. Tiếp sau tấm bia kia, hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng quyền uy và tài đức của nhà vua cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội, thì đúng là Tự Đức thật chu toàn đối với việc đón nhận cái chết. Mới hay, Tự Đức là hiện thân sự thâm thúy siêu tuyệt của Nho gia! Giờ đây, yên nghỉ trong ngôi nhà bằng đá bên trong Bửu Thành, giữa một rừng thông vi vu gió lộng hẳn nhà vua hoàn toàn mãn nguyện với sự dàn xếp, lựa chọn cho cái chết của mình.

    Ông vua thi sĩ đã nằm xuống giữa một không gian của thơ và nhạc, của sự yên bình trong tổng thể kiến trúc trác tuyệt về nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn. Người đời sau mỗi khi đứng trước khung cảnh thơ mộng này, ai cũng nghĩ đến một câu thơ đề tặng "ngôi nhà vĩnh cửu" của vua Tự Đức với sự tâm đắc, ngưỡng mộ:

    "Tứ bề núi phủ mây phong, Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên".

    Lăng Tự Đức được xây dựng thể hiện rõ nét con người của nhà vua thời nhà Nguyễn: Có sự uy nghiêm, uy quyền nhưng không kém phần nhẹ nhàng, thanh thoát, đầy chất văn thơ, nghệ sĩ. Những đầm sen bát ngát, những cây cầu nhỏ nhỏ bắc qua hồ, những khu đến chùa miếu mạo ngập mùi khói hương nghi ngút.. chắc chắc sẽ khiến cho khách du lịch có một chuyến đi không thể nào quên!

    Video: Du khách tham quan ở lăng Tự Đức cho cá chép ăn


    4. Ghé chợ Đông Ba – Huế

    Đi Huế lần này ghé vào chợ Đông Ba ngó qua một lượt cảm giác như bao nhiêu nét đặc trưng của Huế đều hội tụ ở đây vậy. Vậy mới nói, du khách đến với du lịch Huế mà không vào đây mua vài món đồ về làm quà hay thưởng thức món ngon địa phương ở khu chợ này thì thật là đáng tiếc. Cùng khám phá khu chợ độc đáo này ngay bây giờ nhé.

    Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, tuyến đường huyết mạch của TP Huế. Chợ Đông Ba không chỉ là trung tâm buôn bán mà còn là hồn Cố đô Huế lưu giữ những nét đẹp khó trộn lẫn.

    A - Nguồn gốc của chợ Đông Ba - Huế

    Trước khi có chợ Ðông Ba, bên ngoài cửa Chánh Ðông (tức cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một chợ lớn mang tên "Quy Giả thị" (Chợ cho những người trở về). Tên chợ đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Năm 1885, kinh đô thất thủ, chợ Quy Giả bị đốt sạch. Đến năm 1887, vua Đồng khánh cho xây dựng lại và đổi tên thành chợ Đông Ba. Từ thời Thành Thái, chợ có 4 dãy quán lợp ngói phong lưu, và "lầu chuông" bắt đầu được khởi sự từ ấy.

    Chợ Đông Ba nằm giữa cầu Trường Tiền và cầu Gia Hội, thoạt nhìn chợ không mấy khác biệt so với những khu chợ khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi khám phá rồi nơi đây thật sự xứng đáng với tên gọi "Khu chợ tinh hoa của xứ Huế".

    [​IMG]

    Chợ Đông Ba xưa

    [​IMG]

    Chợ Đông Ba thời nay

    Diện tích chợ Đông Ba gần 15.600m², kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền với hàng ngàn gian hàng phục vụ nhu cầu buôn bán, nếu không có định hướng, bạn rất dễ lạc và bỏ sót nhiều lựa chọn thú vị.

    Chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm có 4 dãy quán: Trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian.. đều lợp ngói. Giữa chợ có một tòa lầu vuông, ba tầng. Tầng dưới có 4 bức tường, mỗi tường có 2 cửa. Tầng trên 4 mặt đều có cửa, đều có mặt đồng hồ để điểm giờ khắc. Trong chợ xây một giếng đá, có hệ thống máy giúp cho việc múc nước. Khi lấy nước dùng tay quay máy, tự nhiên nước trong giếng tràn lên, phun ra. Ðầu thế kỷ 20, chợ Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chính quyền Sài Gòn cho triệt hạ chợ cũ và xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì bị bom pháo Mỹ trong chiến dịch Huế Xuân 1968 bắn phá tan tành. Sau đó chính quyền Sài Gòn cho sửa chữa tạm để buôn bán. Ðến năm 1987, chợ Ðông Ba được đại trùng tu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Ðông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ.. với tổng diện tích mặt bằng xây dựng 15.597m². Ngoài ra ban quản lý chợ còn quản lý khu Hoa Viên Chương Dương, các bến bãi đỗ xe ôtô, xe lam, nơi giữ xe đạp, xe máy.. nâng tổng diện tích mặt bằng thuộc chợ lên trên 47.614m² với 2.543 hộ kinh doanh cố định, 141 lô bạ, 500 – 700 hộ buôn bán rong. Bình quân mỗi ngày có từ 5.000 đến 7.000 khách đến chợ. Vào những dịp lễ tết, chợ đông hơn, có trên 1, 2 vạn người.

    Những tinh túy văn hóa vật chất của Thừa Thiên Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: Nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quýt Hương Cần, Thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình.. và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: Cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván.. Chợ Ðông Ba đã trở thành trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế, bán các món đặc sản Huế cho khách du lịch từ bốn bể năm châu đến tham quan di sản thế giới tại Huế.

    Ngày nay chợ Ðông Ba giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho thành phố, chợ Ðông Ba còn là nơi tạo việc làm cho hàng ngàn người thất nghiệp và đóng vào ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Hàng ngày, chợ Đông Ba đón hàng ngàn lượt khách du lịch cả trong và ngoài nước tới thăm quan, mua sắm, tìm hiểu đời sống mua bán của người dân nơi đây. Chợ Ðông Ba, cầu Trường Tiền cùng với sông Hương được coi là biểu tượng của xứ Huế thơ mộng.

    B - Lộ trình khám phá chợ Đông Ba theo kiểu Huế

    Tới chợ Đông Ba, nghe tiếng Huế của các dì các mệ líu lo, phương ngôn miền Trung uyển chuyển, bạn sẽ đắm trong nhịp sống hồn nhiên, chân thực nhất của cố đô. Đây không chỉ là niềm tự hào của của người dân xứ Huế mà còn là nơi để du khách tìm hiểu văn hóa đất cố đô. Chẳng thế mà ai đến Huế cũng phải đi chợ Đông Ba cho bằng được.

    Chợ Đông Ba với hàng ngàn gian hàng phục vụ nhu cầu buôn bán, nếu không có định hướng, bạn rất dễ lạc và bỏ sót nhiều lựa chọn thú vị. Gồm một khu nhà 3 tầng ở trung tâm, gọi là "lầu chuông" và bao quanh bởi những dãy nhà tạo thành vài đai hình chữ U bán hàng tấp nập ôm trọn lấy lầu chuông.

    Vào chợ, cơ man nào là quốc hồn quốc túy, là sản vật tươi ngon, là trăm nghìn món Huế quyến rũ lòng người. Này cơm hến cay rát lưỡi, bánh bột lọc hiền lành, bánh bèo mỏng mướt, với nước mắm ớt xanh, bánh canh Nam Phổ, bún sợi Vân Cù. Hãy thử tô bún bò giò heo chợ Đông Ba chân truyền không thể giống với bún bò 53 tỉnh thành khác. Lượn qua những góc đồ nướng để tận hưởng mùi thơm ngạt ngào của bánh tráng Sịa, bún thịt nướng Kim Long, nem chả tré ở Phú Hòa.. Để kết luận cho một vòng ẩm thực, không thể nào lại bỏ lỡ trăm món chè Huế 7 sắc cầu vồng, kết tinh từ bao sản vật miền quê thơm thảo. Một chén chè Tuần, chè Truồi nấu với gừng tươi đủ để xua đi cái mệt rã rời khi lang thang từng góc chợ. Nước trái cây tươi nguyên sóng sánh, một ly nước mía Mỹ Lợi, Tứ Hạ mát lành hoặc chén chè hạt sen Tịnh Tâm thơm hương ngọt dịu.

    Đi trong chợ, ta như nhìn thấy cả ba đời người Huế góp mặt, trong những tinh túy của mảnh đất kinh kỳ này. Nơi đây như một phố nghề thu nhỏ, với đủ sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên mảnh đất Thừa Thiên. Từ chiếc nón bài thơ của làng nón Phú Cam, chiếc kéo cắt phủ nước thép xanh mướt của làng rèn Hiền Lương, đến những món đồ tinh xảo của làng kim hoàn Kế Môn hay hàng mã hoa giấy làng Sình. Phường Đúc nổi tiếng một thời cũng gom về đây những sản phẩm từ bàn tay của những người thợ cả như đỉnh lư, chuông đồng, om đất, siêu thuốc, bình vôi, lu, ảng, chén, bát đủ màu đủ kiểu. La liệt là đồ tre Bầu La, Dạ Lê, Phú Thứ với thúng mủng, rổ, rá, tấm mành gót, giường, chõng.

    Sà vào từng sạp hàng ăn ở chợ Đông Ba như lạc vào một thế giới khác vậy. Bạn có thể thưởng thức đủ loại món ăn Huế mà không phải lo lắng về ví tiền của mình. Đó là bún nghệ, bánh tráng Sịa, bún thịt nướng Kim Long, nem chả tré Phú Hòa, Vỹ Dạ, bánh canh Nam Phổ, bún sợi Vân Cù. Và dù đã thưởng thức ở nhiều nơi nhưng bạn cũng phải tấm tắc rằng, bánh khoái, bánh lá chả tôm, bánh nậm, bánh ướt, chè đậu ván đặc, chè thập cẩm, chè thịt quay.. bán ở chợ Đông Ba là đúng điệu và thơm ngon nhất.

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Chè Huế – món quà vặt hấp dẫn

    Ăn xong các món bạn nhớ ghé hàng nước uống một bát chè Tuần, chè Truồi nấu với gừng tươi, hoặc chọn nước trái cây tươi nguyên sóng sánh. Một ly nước mía Mỹ Lợi, Tứ Hạ mát lành hoặc chén chè hạt sen Tịnh Tâm thơm hương ngọt dịu càng đủ sức xua tan hết mệt mỏi.

    [​IMG]

    Món bánh bột lọc Huế trứ danh

    [​IMG]

    Một vài hình ảnh không thể diễn tả hết được nét đặc trưng độc đáo của chợ Đông Ba. Rất nhiều người đã tin rằng, chỉ cần ghé chợ Đông Ba Huế, là bạn có thể trải nghiệm trọn vẹn hương sắc xứ Huế và mang về nhà những món quà đặc biệt nhất chỉ trong một buổi chiều. Vậy nên, mình khuyên bạn đừng bỏ qua điểm đến thú vị này cho dù hành trình của bạn có ít hay nhiều thời gian ở Huế, thật là một ý tưởng không tồi đúng không nào.

    Video: Ăn bún nghệ trộn lòng ở thành phố Huế mộng mơ


    5. Đại Nội Huế – Khám phá lịch sử chốn cung đình triều Nguyễn

    [​IMG]

    Đại Nội Huế (Ảnh: Sưu tầm)​

    Nằm ở bên bờ dòng sông Hương, Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và còn lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của nét phong kiến triều đình nhà Nguyễn hàng trăm năm trước. Đại Nội Huế là cụm di tích bao gồm Hoàng Thành (nơi vua thiết triều và làm việc) và Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc).

    Đại Nội Huế là tên gọi chung của Hoàng Thành - vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế và Tử Cấm Thành - vòng thành thứ ba và cũng là vòng thành trong cùng, là nơi ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Tọa lạc ở bờ Bắc sông Hương, Đại Nội Huế không chỉ là cơ quan đầu não của Việt Nam trong thời phong kiến nhà Nguyễn mà ngày nay, khu vực này còn là một điểm tham quan nổi tiếng của xứ Huế.

    A - Lịch sử Đại Nội Huế

    Với vị trí thuận lợi nằm hai bên bờ hạ lưu sông Hương và tựa lưng vào dãy Trường Sơn nên từ rất sớm, Huế đã được chọn làm thủ phủ dưới các đời chúa Nguyễn. Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long lại một lần nữa chọn Huế làm nơi đóng đô. Để xây dựng quần thể kinh thành làm nơi hội họp triều đình và sinh hoạt hoàng gia, năm 1803, vua Gia Long đích thân tiến hành khảo sát chọn ví trí xây thành mới. Là người có hiểu biết rộng nên vua Gia Long đã rất cân nhắc trong việc chọn vị trí xây dựng kinh thành để làm bền long mạch. Và vùng đất rộng bên bờ Bắc sông hương, gồm các làng Phú Xuân, Vạn Xuân, An Hòa, An Mỹ, An Vân, Diễn Phái, An Bảo, Thế Lại cùng một phần của sông Bạch Mã và Kim Long được chọn.

    [​IMG]

    Đại Nội là điểm tham quan nổi tiếng của thành phố Huế

    Là một công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam, Di tích Đại Nội Huế có quá trình xây dựng kéo dài tới 30 năm với hàng vạn người thi công cùng hàng loạt các công việc như lấp sông, đào hào, đắp thành, dời mộ.. cùng khối lượng đất đá khổng lồ lên đến hàng triệu mét khối.

    Đến thăm quan quần thể di tích Đại Nội Huế, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm công trình cung điện nguy nga, đền đài và miếu thờ bề thế. Với vẻ đẹp tráng lệ và kiến trúc cung điện đắc sắc, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thích thú trên hành trình thăm quan Đại Nội.

    Bao quanh là hệ thống thành quách lưu giữ tinh hoa kiến trúc của phương Đông kết hợp phương Tây. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quang có hào bảo vệ, có 4 cửa ra vào chính: Ngọ Môn (cửa chính) nằm ở phía Nam, Cửa Hiển Nhơn nằm ở phía Đông, Cửa Chương Đức nằm ở phía Tây, Cửa Hòa Bình nằm ở phía Bắc. Các cầu và hồ được đào xung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.

    B - Hoàng thành Huế

    Hoàng Thành Huế bao gồm nhiều khu vực như khu vực phòng vệ, khu vực cử hành đại lễ, khu vực miếu thờ.. được đặt giữa một không gian thiên nhiên đẹp hài hòa của những hồ nước, vườn hoa, cầu đá, hòn đảo và cây cối xanh tươi tỏa bóng mát. Hoàng thành có 4 cổng được đặt ở 4 mặt, trong đó cổng chính lớn nhất và có kiến trúc đẹp nhất là cổng Ngọ Môn.

    C - Kiến trúc Đại Nội Huế

    Như đã đề cập ở trên, Đại Nội Huế bao gồm hai phần là Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hoàng Thành gồm khoảng 100 công trình được xây dựng trên một khu đất gần như vuông với mỗi cạnh dài khoảng 600m. Cửa chính của Hoàng Thành là Ngọ Môn quay mặt về hướng Nam, ba cửa còn lại là Hiển Nhơn (phía Đông), Chương Đức (phía Tây) và Hòa Bình (phía Bắc).

    Hầu hết các công trình bên trong Hoàng Thành đều được xây dựng trên trục đối xứng theo nguyên tắc (tính từ trong ra) tả nam hữu nữ và tả văn hữu võ, riêng trục chính giữa là các cung điện dành cho vua. Điểm ấn tượng của các công trình này là được xây dựng hài hòa với thiên nhiên. Phần lớn các cung điện đều có hồ nước, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và những loại cây lâu năm để giữ sinh khí.

    Tử Cấm Thành nằm trong lòng Hoàng Thành, có chu vi 324m×290, 68m và cũng được xây dựng đối xứng qua trục chính, kéo dài từ Ngọ Môn đến lầu Tứ Phương Vô Sự. Tử Cấm Thành có 7 cửa và hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ. Trong đó, đáng chú y nhất là điện Cần Chánh, nơi vua làm việc và thiết triều. Ngoài ra, còn có nơi sinh hoạt của vua, hoàng tộc, các công trình phục vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giải trí..

    D - Những điểm tham quan nổi bật bên trong Đại Nội Huế

    Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam cận đại, kinh thành Huế là công trình đồ sộ và quy mô nhất. Nó không chỉ biểu hiện cho sự phát triển của đất nước mà còn là kết tinh thẩm mỹ, kiến trúc, sự tài hoa và sáng tạo của con người. Nếu có dịp du lịch đến thành phố ven sông Hương, du khách đừng quên ghé thăm những địa điểm du lịch Huế sau:

    D. 1 - Cổng Ngọ Môn Huế

    Ngọ Môn là cổng chính nằm ở phía nam của Hoàng Thành. Ngọ Môn gồm hai thành phần chính: Đài - Cổng và Lầu Ngũ Phụng. Ngọ Môn là chiếc cổng xây mặt về hướng Ngọ - Hướng Nam là hướng quy định cho các bậc Vua Chúa.

    Ngọ Môn là cửa phía Nam và cũng là cửa chính của Hoàng Thành. Công trình được xây dựng vào năm 1834 với hai phần chính là đài - cổng và lầu Ngũ Phụng. Đài - cổng có bình diện hình chữ U vuông góc với diện tích hơn 1560m2, gồm 5 lối đi. Trong đó, lối chính chỉ dành cho vua, hai lối bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho quan văn, quan võ theo cùng đoàn Ngự đạo, và hai lối bên cùng là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu.

    Lầu Ngũ Phụng đặt phía trên đài - cổng, chạy dọc theo thân đài hình chữ U. Lầu có hai tầng với khung được xây dựng bằng 100 cây cột gỗ lim và nhiều đường nét thiết kế tinh xảo. Đặc biệt, mái tầng trên chia thành 9 bộ, bộ chính giữa lợp ngói lưu ly vàng và tám bộ còn lại lợp màu xanh. Chính vì thế, dân gian hay truyền tai nhau câu ca dao: Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu, 1 lầu vàng 8 lầu xanh, 3 cửa thẳng 2 cửa quanh..

    Là một kiến trúc độc đáo thời phong kiến, Ngọ Môn còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam, trong đó nổi bật là sự kiện vua Bảo Đại đọc Tuyên ngôn Thoái vị và trao chính quyền lại cho chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 25/8/1945.

    D. 2 - Điện Thái Hòa

    Đi vào phía trong cổng Ngọ Môn chính là cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch đến điện Thái hóa và sân Đại Triều Nghi. Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi được sử dụng cho các buổi Triều Nghi như lễ Đăng Quang, sinh nhật Vua, đón tiếp Sứ Thần và các buổi Đại Triều tổ chức 2 lần hàng tháng. Điện Thái Hòa được xem là trung tâm quyền lực của Việt Nam thời phong kiến bấy giờ.

    Điện Thái Hòa là một biểu trưng quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn. Nằm trong khu vực Hoàng thành, Điện Thái Hòa cùng Sân Đại Triều Nghi từng là nơi diễn ra các buổi thiết triều quan trọng của triều đình.

    [​IMG]

    Điện Thái Hòa (Ảnh: Sưu tầm)​

    Ngoài những địa điểm kể trên, Đại Nội Huế còn rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo như điện Cần Chánh, điện Kiến Trung, Thái Bình Lâu, cung Trường Sanh..

    Năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế (bao gồm Kinh thành Huế) được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là một sự động viên mạnh mẽ để chính quyền và người dân địa phương ra sức bảo tồn cũng như giới thiệu với khách du lịch gần xa biết về di sản kiến trúc này.

    D. 3 - Nhà hát Duyệt Thị Đường

    Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm 1826, dưới thời vua Minh Mạng. Đây là nhà hát dành riêng cho vua, hoàng thân quốc thích và các quan đại thần trong triều. Ngày nay, nhà hát Duyệt Thị Đường là nơi tham quan và xem biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế quen thuộc của du khách gần xa.

    Ngoài những địa điểm vừa kể trên, Đại Nội Huế còn nhiều công trình kiến trúc độc đáo như Cung Diên Thọ, Hưng Miếu, Cung Trường Sanh, Triệu Miếu, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh v. V..

    [​IMG]

    Nhà hát Duyệt Thị Đường (Sưu tầm)​

    Đại Nội Huế là biểu hiện sự kết tinh về thẩm mỹ nghệ thuật và sự giao cảm giữa thiên nhiên, môi trường và con người. Bước ra ngoài không gian cổ kính của Đại Nội, xứ Huế vẫn sẽ làm say lòng du khách với khung cảnh mộng mơ, êm đềm mà chỉ nơi đây mới có. Những danh lam thắng cảnh ở đây sẽ khiến du khách mê đắm và nhớ mãi về mảnh đất cố đô.

    D. 4 - Tử Cấm Thành

    Tử Cấm Thành là một trong những khu vực quan trọng và quan trọng nhất của Đại Nội. Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc - Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh các khu vực cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương)..

    [​IMG]

    D. 5 - Cung Diên Thọ

    Trong nhiều cung điện trong Hoàng thành Huế, Cung Diên Thọ là hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất ở Huế còn lại cho đến ngày nay. Nơi đây từng là nơi ở của các Hoàng Thái Hậu và các Thái Hoàng Thái Hậu.

    [​IMG]

    Một góc Cung Diên Thọ (Ảnh: Sưu tầm)

    [​IMG]

    Nơi thư giãn của Hoàng Thái Hậu (Ảnh: Sưu tầm)

    [​IMG] '

    Kiến trúc nội thất cổ bên trong Cung Diên Thọ (Ảnh: Sưu tầm)

    D. 6 - Hưng Miếu

    Hưng Miếu (tức Hưng Tổ Miếu) - nơi thờ ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh của vua Gia Long. Lúc sinh thời ông không ở ngôi chúa nhưng vẫn được truy tôn miếu hiệu là Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế. Miếu được xây dựng và năm Gia Long 3 (1804) ở góc Tây Nam Hoàng Thành.

    [​IMG]

    D. 7 - Thế Miếu

    Thế Miếu hay còn được gọi với tên khác là Thế Tổ Miếu, tọa lạc tại góc Tây Nam bên trong Hoàng Thành, nơi thờ các vị Vua triều Nguyễn và cũng là nơi triều đình đến cũng tế các vị Vua quá cố, nội giới trong triều.

    [​IMG]

    D. 8 - Hiển Lâm Các

    Hiển Lâm Các nằm trong khu vực Miếu Thờ Hoàng Thành Huế, được xây dựng vào năm 1821. Cao 17 mét là công trình cao nhất trong hoàng thành, là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích các Vua triều Nguyễn và các đại thần có công lớn trong triều đại.

    [​IMG]

    Cửu Đỉnh là 9 cái đỉnh bằng Đồng đặt ở trước Hiền Lâm đối diện Thế Miếu, được đúc ở Huế cuối năm 1835, mang ý nghĩa biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại vững bền. Mỗi đỉnh có khắc một tên riêng được lấy từ Miếu hiệu mang biểu tượng của vị vua đó. Cao đỉnh: Vua Gia Long, Nhân Đỉnh: Minh Mạng, Chương Đỉnh: Vua Thiệu Trị, Anh Đỉnh: Vua Tự Đức, Nghị Đỉnh: Vua Kiến Phúc, Thuần Đỉnh: Vua Đồng Khánh, Tuyên Đỉnh: Vua Khải Định. Dũ Đỉnh và Huyền Đỉnh chưa tượng trưng cho ông vua nào.

    D. 9 - Tả Vu và Hữu Vu

    Tả Vu và Hữu Vu, xây dựng đầu thế kỷ 19 và trung tu vào năm 1899, Tả Vu là nơi dành cho các quan Văn, Hữu Vu cho quan Võ là nơi các quan chuẩn bị ghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của Cơ Mật Viện, nơi tổ chức thi Đình và Yến Tiệc.

    [​IMG]

    D. 10 - Thái Bình Lâu

    Thái Bình Lâu nằm ở bên trong Tử Cấm Thành, nơi đây được nhà Vua dùng để nghỉ ngơi lúc rảnh rỗi, đọc sách, viết văn hay làm thơ thư giãn. Thái Bình Lâu được xây dựng và năm 1919 do Vua Khải Định khởi công và hoàn thành năm 1921.

    [​IMG]

    Chính vì vẻ đẹp về kiến trúc cũng như giá trị lịch sử lâu đời nên Đại Nội được xem là biểu tượng du lịch Huế. Du khách trong nước và nước ngoài khi đặt chân đến Huế đều ghé tham quan Đại Nội Huế, tìm hiểu những giá trị lịch sử, nét sinh hoạt truyền thống của các vị vua triều Nguyễn thời xưa.

    6. Thả hồn vi vu cùng ca Huế trên sông Hương chỉ từ 100k/1 vé

    "Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền

    Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng!

    Tương tư với nguyệt cùng mây

    Hỏi non nước ấy đắm say bao tình?"

    Đến với Cố đô mà chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì xem như chưa một lần đến với Huế. Còn gì thú vị khi được lênh đênh du thuyền trên dòng sông Hương thơ mộng thả hồn vào những điệu hò, những câu hát nam ai, nam bình sâu lắng.. ắt hẳn sẽ làm bạn khó quên trong chuyến du lịch về miền Trung yêu dấu này.

    Mỗi lần về với Huế, không biết đã bao nhiêu con người thổn thức bùi ngùi trước vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của dòng sông Hương. Con sông này đã làm hao tốn giấy mực của bao thi sĩ với những ai mang nặng nỗi lòng nhớ Huế.

    Sông Hương như một dải lụa hiền hòa bao quanh Huế. Đến với miền đất cố đô xưa mà không tận hưởng vẻ đẹp dòng sông ấy xem như chưa được đặt chân tới Huế.

    Tìm hiểu tên gọi dòng sông Hương

    Từ xa xưa, sông Hương chảy qua những cánh rừng mang hương thơm thảo mộc. Khi đến với Huế, sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co mang theo hương thơm của cây cỏ thiên nhiên như một sự sắp đặt mà tạo hóa ban tặng cho miền đất này.

    [​IMG]

    Sông Hương nét biểu tượng miền đất cố đô Huế

    Vài nét về dòng sông Hương

    Dòng sông Hương chảy lượn uốn quanh qua Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành và qua Đại nội, càng làm tô điểm thêm nét đẹp tự nhiên của một kinh đô phong kiến độc đáo này. Sông Hương có chiều dài tới tận 80km, riêng đoạn từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An dài 30km.

    [​IMG]

    Sông Hương tô điểm nét đẹp Huế

    Độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm. Đoạn sông chảy qua Huế uốn lượn như sự sắp đặt của tự nhiên nhằm tôn tạo thêm vẻ kiều diễm cho thành phố Huế. Sông Hương là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho miền đất này. Con sông này là yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô, là nơi hội tụ của cảnh quan và di sản văn hóa Huế.

    Sông Hương có hai nhánh lớn, đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Nhánh Tả Trạch xuất phát từ Động Dài, chảy qua 55 ngọn thác lớn nhỏ đến ngã ba Bằng Lãng. Nhánh Hữu Trạch bắt đầu từ phía đông núi Chấn Sơn, chảy qua 14 dòng thác rồi đến nhập với dòng Tả Trạch ở ngã ba trên. Kể từ ngã ba Bằng Lãng về đến biển dòng sông trở nên rộng rãi, nước chảy hiền hòa.

    Nước sông Hương quanh năm đều xanh biếc ngoại trừ những lúc lũ lụt nước dâng cao. Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi ra biển.

    [​IMG]

    Sông Hương chảy quanh thành phố Huế

    Nét đẹp dòng sông Hương

    Thành quách, lầu xá, những công trình kiến trúc hai bên bờ soi hình bóng xuống dòng sông tựa như bức tranh phong thủy hữu tình đẹp như tranh vẽ. Dòng sông Hương duyên dáng như cô gái Huế e ấp nụ cười dưới vành nón lá. Màu trắng bạc của sông càng tô điểm hơn khi chiếc cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương.

    Sông Hương dẫn đường xuôi dòng nước đưa du khách đến thăm vẻ đẹp miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngược dòng lên Thiên Mụ thả hồn phiêu diêu theo tiếng chuông chùa văng vẳng. Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày.

    [​IMG]

    Nét đẹp sông Hương nhìn từ chùa Thiên Mụ

    Dưới ánh sáng mặt trời ban ngày, màu xanh ngọc bích trong vắt lung linh của dòng sông, những con thuyền lênh đênh trên mặt nước làm du khách lưu luyến khó quên. Đi thuyền ngắm vẻ đẹp Hương Giang, thả hoa đăng hay nghe ca trù, điệu hò xứ Huế vào lúc giữa đêm thanh vắng là thú vui tao nhã khó gì sánh bằng được.

    Sông Hương cùng với núi Ngự trở thành biểu tượng trường tồn mãi mãi của cố đô Huế. Nhắc đến Huế là du khách liền nhớ đến dòng sông Hương thơ mộng xuôi dòng. Quanh năm suốt tháng, dòng sông hiền hòa ấy vẫn chảy quanh trong lòng thành phố, là điểm nhấn tô thêm nét đẹp cho miền đất này. Nét đẹp vốn dĩ của dòng sông xanh đã đem lại cho thành phố cái chất thơ trầm lắng được tỏa ra từ vùng đất có chiều sâu văn hiến.

    Huế không chỉ dừng lại chỉ là một trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo của triều đại nhà Nguyễn cho đến 1945 mà còn đẹp hơn khi được dòng sông Hương chảy qua tô điểm thêm vẻ đẹp tự nhiên của một kinh đô phong kiến độc đáo này. Nếu có cơ hội du lịch Huế xin đừng bỏ quên việc du thuyền rồng ngắm nhìn sông Hương qua từng khoảnh khắc, chắc hẳn bạn sẽ khó quên trong chuyến hành trình về miền đất Kinh kỳ xa xưa.

    Đi tìm giá trị lịch sử ca Huế

    Ca Huế trên sông Hương là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Cố đô Huế. Bao gồm khoảng trên 80 làn điệu, bài bản của dòng âm nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và một phần Nhã nhạc cung Huế.

    Ca Huế mang âm điệu hài hòa hòa giữa con người, âm nhạc với sông nước và cảnh vật của dòng sông Hương thơ mộng.

    Khoảng thế kỷ XVII, ca Huế dường như trở thành thú vui tao nhã của tầng lớp hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).

    Vào thời vua chúa, ca Huế rất thịnh đạt nhưng đến giai đoạn 1885-1945 đã ngưng đọng, mãi cho đến giai đoạn từ 1945-1989 bị suy thoái. Từ lúc tái lập tỉnh Thừa Thiên - Huế đến nay dưới dạng ca Huế như là một sản phẩm du lịch, diễn xuất trên thuyền sông Hương hoặc ở các thính phòng. Vì vậy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên cần phải truyền bá ca Huế, nhằm góp phần tôn vinh, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

    Giữ gìn văn hóa ca Huế ngày nay

    Đứng trước ngưỡng cửa có xu thế bị suy thoái trầm trọng, ngày 8/6/2015 vừa qua, ca Huế vừa được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia . Đồng thời chính quyền tỉnh hiện nay tìm kiếm giải pháp nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca Huế.

    Bên cạnh đó, hiện các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tổ chức sưu tầm, tập hợp tài liệu các bài Ca Huế cổ, tổ chức các hội đồng thẩm định để nâng cao chất lượng Ca Huế trên sông Hương. Đồng thời, vinh danh các nghệ sĩ, nghệ nhân cả đời gắn liền với loại hình dân tộc nay, có công gìn giữ, biểu diễn và truyền bá Ca Huế, nhằm góp phần tôn vinh, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo của đất Cố đô.

    Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, được hình thành từ sự kết hợp dòng ca nhạc dân gian với ca nhạc cung đình . Ca Huế thể hiện theo hai dòng là điệu Bắc và điệu Nam.

    Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng. Điệu Nam là những bài âm điệu buồn, nỉ non, ai oán.

    Ca Huế bao gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hệ thống bài bản phong phú.

    Dàn nhạc để biểu diễn ca Huế gồm có nhạc công với trang phục áo the đầu đội khăn xếp, chơi các nhạc cụ đàn nhị, đàn nguyệt, sáo và đàn bầu. Các ca công là nữ với trang phục áo dài truyền thống và chơi các nhạc cụ sanh loan, sanh tiền.

    [​IMG]

    Những loại dụng cụ truyền thống trong ca Huế

    Ca Huế mang đậm sắc thái địa phương, phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của người Huế do đó gần gũi với Hò Huế, Lý Huế đồng thời là chiếc cầu nối giữa nhạc cung đình và âm nhạc dân gian.

    Lênh đênh cùng dòng nước nghe ca Huế trên sông Hương

    Khi màn đêm buông xuống, thành phố bắt đầu lên đèn, cầu Trường Tiền bắc ngang sông Hương lại lấp lánh đủ màu sắc tạo nên khung cảnh vô cùng thơ mộng. Những con thuyền rồng màu vàng neo đậu ở bờ lần lượt rủ nhau rời bến, trôi chầm chậm trên dòng sông Hương và đêm ca Huế chính thức bắt đầu.

    Thuyền rồng trôi lững lờ, khán giả trên thuyền, kẻ háo hức ngắm thành phố Huế thơ mộng từ sông Hương, người thì chăm chú xem các đờn ca chuẩn bị biểu diễn. Thuyền rồng đưa du khách đi nghe ca Huế. Ban nhạc trên thuyền tuy không đông nhưng phải có đủ bầu, nhị, nguyệt, còn phách thì do chính ca nhi kiêm giữ. Những bản ca Huế đưa người xem quay ngược dòng thời gian về với những cung đình, những nét đẹp của một quá khứ vàng son đã khép lại mà chúng ta thường hay nhìn thấy trên những bộ phim hoàng cung.

    [​IMG]

    Ca Huế được biểu diễn trên sông Hương

    Du khách chú ý lặng lẽ, chìm đắm thưởng thức và chiêm nghiệm. Hay những màn đối dáp giao duyên của đôi nam nữ vô cùng vui nhộn, những điệu hò lý tươi vui của Mười Thương.. và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của lời ca, câu thơ được thể hiện qua những giọng hò mượt mà, sâu lắng ấy. Tiếng hò ngân vang kèm theo đó là những âm thanh của tiếng gõ phách, tiềng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị đan xen như một làng điệu miên man vang vọng một khung trời xứ Huế.

    Trong đêm thanh tịnh, ngồi trên thuyền rồng nghe ca Huế với âm sắc ngọt ngào của giọng nói xứ Huế khiến bất cứ ai đến đây cũng khó quên. Hòa trong không gian tĩnh mịch của đêm tối, ánh đèn lung linh phảng phất dưới nước sẽ làm cho bất cứ ai cũng có được một cảm giác lắng đọng tuyệt vời. Một lần được trải nghiệm là một lần nhớ mãi, là hơn một lần muốn quay trở lại..

    Người dân Cố đô luôn trân trọng và gìn giữ nét đẹp ca Huế trên sông Hương như một tài sản văn hóa vô giá của mảnh đất thần kinh này. Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, ca Huế vẫn trường tồn cho đến hôm nay và mai sau. Nghe ca Huế như thú vui tao nhã, món ăn tinh thần mà bất cứ du khách nào đến với Huế cũng được thưởng thức âm vị độc đáo này.

    [​IMG]

    Ca Huế trên sông Hương trường tồn mãi cho đến bây giờ

    Vào một đêm trăng sáng, được nghe ca Huế trên dòng Hương Giang thơ mộng quả là tuyệt hảo. Chiếc thuyền rồng trôi nổi lơ đểnh giữa dòng sông Hương, gió thổi vi vu nhẹ nhàng man mát làm cho ta luôn cảm nhận cuộc sống lúc nào cũng bình yên và dễ chịu biết bao. Những ưu phiền, sầu khổ sẽ được gửi về với nước và trôi lênh đênh trên dòng sông khi tự tay thả những chiếc hoa đăng mang nhiều ước nguyện, hy vọng.

    [​IMG]

    Thả hoa đăng trên sông Hương vào buổi tối mang theo nhiều ước nguyện

    Ngắm nhìn vẻ đẹp chiếc cầu Tràng Tiền lung linh sắc đèn bắc ngang qua dòng sông Hương thơ mộng và nghe ca Huế lúc trầm lúc bổng:

    "Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió

    Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình;

    Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh,

    Sông bao nhiêu nước dạ em si tình bấy nhiêu.

    Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,

    Sông An Cựu nắng đục mưa trong,

    Mặc ai một dạ hai lòng,

    Em ôm duyên thủ tiết loan phòng đợi anh"

    Đến Huế, ngoài việc đến thăm các lăng tẩm của triều Nguyễn, du khách cũng nên tận hưởng loại hình nghệ thuật tao nhã một thời của giới tao nhân mặc khách xứ cố đô. Được nghe những điệu hò làm say lòng người ắt hẳn du khách sẽ muốn quay lại lần nữa miền đất Cố đô này. Còn chần chừ gì nữa mà không đặt vé ngay và đến khám phá trải nghiệm vẻ đẹp văn hóa xứ Huế.

    Diễn hàng đêm 2 show:

    Show 1: 19h00 – 20h00

    Show 2: 20h00 – 21h00

    Ý nghĩa việc thả đèn hoa đăng

    Đèn hoa đăng là một sản phẩm văn hóa độc đáo của phố cổ Hội An, trước đây, hàng tháng vào ngày 14 âm lịch, thành phố Hội An tổ chức tái hiện lại đêm phố cổ và hoa đăng được thả trôi dọc theo sông Hoài sáng lung linh cả một khúc sông dài và trở thành biểu tượng của dòng sông nằm giữa đô thị cổ nhỏ bé. Từ trước đến nay mọi người thường thả hoa đặng khi đến Hội An và được người bán những chiếc đèn này lí giải thả hoa đăng để cầu may mắn nhưng ít ai hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của tục lệ này.

    [​IMG]

    Theo nguyên nghĩa, Hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội thả Hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Hoa đăng được thắp sáng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ hội đầu năm mới, lễ Thượng Nguyên, đốt đèn mừng lễ hội, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu âm siêu dương thái. Hoa đăng được thả trên sông vừa ấm cúng, thẩm mỹ, giàu truyền thống vừa mang lại giá trị tâm linh mở đầu cho một năm mới tốt đẹp.

    Có thể thấy rõ hơn ý nghĩa ấy về Hoa đăng trong Phật giáo. Một trong những danh hiệu của đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang. Nghĩa là, hào quang của Ngài chiếu phắp mọi nơi, soi rọi đường cho chúng sanh bước ra khỏi sinh tử. Ánh sáng còn tượng trưng cho trí huệ. Ngài dùng trí huệ để giáo hóa chúng sanh, từ trong đêm tối nhờ vào ánh sáng trí huệ mà thoát khỏi vô minh tăm tối. Đây là điều có thể lý giải được. Trong thế giới ngày nay, vấn đề ánh sáng rất cần thiết cho mọi sinh hoạt của con người, cũng như vậy ánh sáng của trí huệ đưa con người ra khỏi u mê. Ngoài ra, trong Phật giáo còn có Phật Dược Sư cũng được gọi là Lưu Ly Quang Như Lai cũng cùng chung một ý nghĩa này. Trong kinh Dược Sư còn dạy cách đốt đèn cúng dường và cầu nguyện. Đèn có thể làm nhỏ như quả cam hoặc to như bánh xe, có thể xếp thành 7 tầng, thắp suốt 49 ngày đêm thành tâm cầu nguyện thì mọi việc được an lành.

    Trong ý nghĩa đó, việc thả đèn hoa đăng trên sông cũng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau.

    [​IMG]

    Ngày đầu xuân năm mới khai mở lễ hội thả đèn Hoa đăng là một lễ hội thuần túy của người Việt Nam vốn có từ xưa, vừa cầu nguyện cho đất nước vinh quang, mưa thuận gió hòa, nhà nhà được no ấm, người người được bình an. Đây là một việc làm hữu ích của Ban tổ chức và những người tham gia.

    Đối với Phật giáo, vào những ngày lễ lớn hoặc tổ chức những khóa lễ tu tập hay cầu nguyện đều có tổ chức lễ hội phóng sanh đăng. Có thể tổ chức đốt đèn trong chùa tháp, tổ đường, hoặc thả đèn trên sông và thả các loại thủy sinh. Đây là một nghĩa cử đầy nhân bản, nhân văn về việc bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho lễ hội càng thêm nhiều ý nghĩa, tâm niệm tốt đẹp và truyền cho nhau. Cầu chúc nhau một tâm niệm yêu thương nhân bản.

    Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.

    Hãy đến với Hội An vào bất cứ ngày nào trong năm để được thả đèn hoa đăng xuống dòng sông Hoài để chiếc đèn trôi về hạ lưu mang theo những tâm tư, nguyện vọng của du khách thắp sáng một dòng sông, thắp sáng một bản sắc văn hóa và giúp bạn nhẹ nhõm tâm hồn và còn lưu luyến mãi vẻ đẹp lung linh ấy khi đã rời Hội An.

    7. Chùa Thiên Mụ - Ngôi chùa cổ, linh thiêng nhất ở Huế

    Ẩn mình ở một nơi không ồn ào nhộn nhịp nhưng chùa Thiên Mụ vẫn thu hút khách thập phương khi đến Huế bởi những câu chuyện huyền thoại kỳ bí, bởi vẻ đẹp cố kính thâm nghiêm và sự bình yên bên dòng sông Hương thơ mộng..

    A) Vị trí chùa Thiên Mụ

    Chùa Thiên Mụ (hay còn gọi là chùa Linh Mụ) nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km về hướng Tây thuộc địa phận huyện Hương Trà. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601) đời chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.

    [​IMG]

    Trước thời điểm khởi lập chùa, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Đỗ (Thiên Mẫu) là ngôi chùa của người Chăm.

    Theo truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị mưu đồ mở mang bờ cõi, xây dựng giang sơn. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngước lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên bờ dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như một con rồng đang quay đầu nhìn lại - ngọn đồi này có tên là Hà Khê.

    Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi nói với mọi người: "Rồ i đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh" . Vì vậy nơi đây còn được gọi với tên linh thiêng là Thiên Mụ Sơn.

    [​IMG]

    Tư tưởng của chúa Nguyễn Hoàng dường như đã bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng, Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 chúa Nguyễn đã cho xây dựng một ngôi chùa trên đồi, nhìn thẳng ra sông Hương và đặt tên là "Thiên Mụ".

    B) Cảnh quan kiến trúc

    Điện Đại Hùng: Là ngôi nhà chính điện trong chùa, kiến trúc kiểu Trùng thiền điệp ốc. Đền được phục chế năm 1959, các cột kèo được xây dựng bằng bê tông bên ngoài là một lớp sơn giả gỗ. Trong điện thờ tượng phật Di Lặc miệng cười bao dung. Ở bức hoành phi trên cao có 4 chữ "Linh Thửu Cao Phong" do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1714.

    [​IMG]

    Điện Địa Tang, điện Quan Âm: nằm sau lưng điện Đại Hùng, cách một khoảng sân rộng nhiều cây cảnh, hoa quả, phía bên trong chùa. Là nơi thờ Quan Công (từ năm 1907). Theo truyền thuyết kể rằng sau khi chết Quan Công hiển thánh biết việc âm dương, tốt xấu trong tương lai, vì thế mặc dù của chùa là nơi thờ Phật nhưng trong điện thờ Quan Công người ta thường thờ cả một bộ thẻ xăm và các sư ở chùa làm luôn việc đoán xăm cho người đến cầu xăm.

    [​IMG]

    Tháp Phước Duyên: Đây là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Đây còn được gọi là Phước Duyên Bửu Tháp. Tháp hình bát giáp cao 7 tầng dưới lớn trên nhỏ. Số 7 là con số linh của đạo Phật. Tầng một thờ đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi, tầng hai thờ đức Phật Thi Khí, tầng ba thờ đức Phật Tỳ Xá Phù, tầng bốn thờ đức Phật Câu Lưu Tôn, tầng năm thờ đức Phật Na Hàm, tầng sáu thờ đức Phật Ca Diếp, tầng bảy thờ đức Thích Ca Mâu Ni, Tây Phương Cực lạc Pháp Vương.

    [​IMG]

    Những ai đến Huế đều ghé tham quan điểm tâm linh này với tâm lí muốn cầu an may mắn cho người thân và bạn bè xung quanh. Chùa Thiên Mụ là một công trình phục vụ đời sống tâm linh của con người xứ Huế, cũng là một địa điểm góp phần rất lớn cho cảnh đẹp kinh đô Huế - nét đẹp đặc trưng riêng có ở mảnh đất thần kinh, điểm nhấn ấn tượng trong khách thập phương du lịch Huế.

    Như vậy sau 1 ngày rưỡi chúng tôi đã khám phá những cảnh đẹp của Huế nên thơ.
     
    shasha thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng sáu 2019
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...