Total War: Three Kingdoms là tựa game chiến thuật quy mô lớn, lấy đề tài lịch sử Trung Hoa với lối chơi kết hợp giữa chiến thuật theo lượt và thời gian thật. Đây là một game chiến lược theo lượt pha trộn chiến thuật thời gian thực do hãng Creative Assembly phát triển và Sega phát hành trên PC. Trò chơi là phần game thứ 12 trong series game Total War, được phát hành cho PC vào ngày 23 tháng 5 năm 2019. Total War: Three Kingdoms nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình, nhiều người đặc biệt ca ngợi cơ chế chơi trò chơi dựa trên nhân vật và các yếu tố dẫn chuyện. Trò chơi lập kỷ lục người chơi đồng thời cho series Total War, với hơn 160.000 người chơi cùng lúc vào ngày phát hành và đạt 192.000 vào cuối tuần đầu tiên, trở thành trò chơi chiến lược được chơi đồng thời lớn nhất trên Steam. Bên cạnh đó, trò chơi cũng là game bán chạy nhất trong lịch sử nhượng quyền thương mại, bán được hơn 1 triệu bản trong vòng chưa đầy một tuần kể từ khi phát hành lần đầu. Download: Fshare - Total War Three Kingdoms - CODEX Fshare - Total War Three Kingdoms Việt Hóa Google Drive - Total War Three Kingdoms Việt Hóa Total War là một tượng đài game chiến thuật khá nổi tiếng gần 20 năm nay. Tuy nhiên, do chưa từng chơi bất kỳ tựa game này trong series này nên tôi cũng không muốn "chém gió" về nó. Total War: Three Kingdoms là phần chơi mới nhất trong series này, lấy đề tài thời Tam Quốc ở giai đoạn giữa của khởi nghĩa Khăn Vàng, khi các phe phái đánh nhau khắp nơi nơi. Trò chơi là sự kết hợp giữa yếu tố chiến thuật theo lượt và thời gian thật cực kỳ hấp dẫn với đồ họa ấn tượng, hệ thống nhân vật tuyệt vời, mang đến một trải nghiệm "một lượt nữa thôi rồi nghỉ", gần như không bao giờ khiến bạn cảm thấy nhàm chán. Trò chơi lấy bối cảnh năm 190, khi Trung Hoa đang hỗn loạn với các cuộc giao tranh giữa các phe phái. Điểm thú vị dễ thấy nhất của Total War: Three Kingdoms là trải nghiệm Campaign của trò chơi dựa trên hai pho sách Tam quốc chí và Tam quốc diễn nghĩa. Trong đó, Tam quốc chí là một sử liệu chính thức về thời đại Tam Quốc của Trung Hoa từ năm 189 đến năm 280, do Trần Thọ ghi chép vào thế kỷ thứ ba từ các mẩu chuyện nhỏ kể về các nước Ngụy, Thục và Ngô ở thời đại nói trên. Đây cũng là nền tảng để tác giả La Quán Trung viết nên pho tiểu thuyết lịch sử rất được nhiều người chơi Việt biết đến là Tam quốc diễn nghĩa vào thế kỷ 14. Mặc dù bối cảnh game đều tôn trọng các chi tiết lịch sử, nhưng phần kể chuyện thì lấy cảm hứng chủ yếu từ tác phẩm của La Quán Trung. Total War: Three Kingdoms chia Campaign thành hai kiểu chơi Romance và Records tùy vào lựa chọn của bạn. Romance thiên về tính tiểu thuyết, do vậy các vị tướng trong game chiếm một vị trí khá quan trọng. Họ là những võ tướng được tiểu thuyết hóa, một mình có thể diệt vạn binh rất hấp dẫn. Ngược lại, Records mang đến trải nghiệm gần với lịch sử cổ đại hơn, nên cảm giác chiến đấu khá hụt hẫng. Tướng ở trải nghiệm này không khác gì một loại quân và thậm chí còn yếu hơn quân bình thường nữa. Họ chỉ là những phàm nhân, giao chiến cùng đoàn quân binh một cách chậm chạp, cưỡi ngựa ra chiến trường cũng đã thấm mệt. Chính vì vậy mà tôi chủ yếu chơi Romance do mang đến cảm giác hào hứng hơn. Trải nghiệm trong Total War: Three Kingdoms mang đến cho tôi một cảm giác khá choáng ngợp. Có thể vì đây là lần đầu tôi chơi một tựa game có hệ thống chiến đấu quy mô lớn như thế. Về cơ bản, trò chơi chia làm hai trải nghiệm. Người chơi và AI dời binh và quản lý mọi yếu tố theo lượt. Các yếu tố này không quá xa lạ trong những tựa game cùng thể loại như xây dựng các công trình, các chính sách đối nội đối ngoại và làm kinh tế ở các kinh thành, cánh đồng, v. V.. mà bạn chiếm được và rất nhiều thứ khác thông qua các lượt chơi. Yếu tố nào cũng quan trọng. Trong khi đó, chiến đấu lại thiên về yếu tố thời gian thật, người chơi sẽ điều binh dụng tướng chiến đấu với kẻ thù trên chiến trường quy mô vô cùng rộng lớn. Đây là một trong những điểm hấp dẫn nhất mà Total War: Three Kingdoms mang đến trên chiến trường, với tính chiến thuật rất có chiều sâu khi buộc bạn phải vận dụng hợp lý ưu và khuyết điểm của mỗi loại quân và tướng để đánh dẹp kẻ thù, thống nhất Trung Hoa. Điểm trừ là mỗi trận như vậy mất thời gian chờ tải dữ liệu trước khi vào trận khá lâu. Tuy nhiên, người chơi có thể "tua nhanh" bằng cách chọn Delegate để giao cho các tướng dưới quyền xung trận và nhận ngay kết quả về trận chiến thay vì trực tiếp chỉ huy thế trận. Nắm bắt việc dụng quân binh cũng là một yếu tố quan trọng trong suốt trải nghiệm. Tùy thuộc vào các loại quân đặc chủng trong đội quân chinh phạt mà kết quả nhãn tiền có thể rất khác biệt. Mỗi phe phái trong Total War: Three Kingdoms cũng có những yếu tố độc đáo riêng, không chỉ là cốt truyện quen thuộc với những ai từng đọc tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa mà còn là sự tranh đua hết sức phức tạp. Chẳng hạn như Tào Tháo dù trong chính sử được ghi nhận là một chính trị gia lỗi lạc, có tầm nhìn và tài lãnh đạo hơn người cũng như tài thi phú. Thế nhưng trong game, ông lại được xem là một kẻ gian hùng, nhiều mưu mô xảo quyệt. Nhân vật này có một biệt tài rất thú vị và có tính chiến thuật rất cao là tín nhiệm, dùng để kích động hoặc cải thiện mối quan hệ giữa hai phe. Người chơi có thể gây hiềm khích giữa đôi bên khiến họ đánh nhau tan tác, để rồi sau đó bạn thừa nước đục thả câu chinh phạt cả hai. Tướng cũng vậy. Mỗi tướng đều được gán cho một lớp nhân vật với những ưu và khuyết điểm trong mối quan hệ, tính cách và chiến trận. Về mối quan hệ, bạn sẽ không muốn hai vị tướng có hiềm khích với nhau vào chung một quân đội, thay vào đó nên xếp những anh em kết nghĩa cùng chiến đấu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Trong trận chiến cũng vậy, phải biết sử dụng các lớp nhân vật tướng phù hợp. Chẳng hạn Strategist rất giỏi trong việc dẫn dắt cung thủ hoặc các loại quân chiến đấu tầm xa, nhưng Champion lại là lựa chọn tuyệt vời khi cần diệt tướng của kẻ thù. Tất nhiên, mỗi lớp nhân vật tướng cũng có những điểm yếu riêng, như Champion mà lâm vào tình huống hỗn loạn cận chiến vốn là "nghề" của Vanguard thì vô cùng tai họa. Nuôi quân và dụng binh không phải là yếu tố duy nhất trong trải nghiệm Total War: Three Kingdoms. Người chơi còn phải quản lý ngoại giao, cài cắm gián điệp để phá rối giao thương hoặc kinh thành của kẻ thù, đặc biệt ở thời điểm ban đầu khi bạn rất yếu trên nhiều phương diện và thường xuyên bị các phe phái khác nhũng nhiễu, yêu sách nên phải có kế sách phù hợp. Không chỉ vậy, các tướng dưới quyền nắm việc cai quản mỗi khu vực cũng có mức độ hài lòng và toan tính riêng mà bạn phải quan tâm chú ý, chẳng hạn như tặng quà hay cho họ cơ hội thăng quan tiến chức. Nếu để chỉ số hài lòng của họ quá thấp, hậu quả sẽ là một cuộc nội chiến do họ gây ra rất đáng quan ngại khi bạn phải lo dẹp thù trong giặc ngoài. Điều đó cũng đồng nghĩa Total War: Three Kingdoms có rất nhiều việc phải làm và cần lên kế sách cẩn thận. Ngoại giao là một ví dụ khá điển hình và gần như là một sức ép khá lớn ngay từ khoảng chục lượt chơi đầu tiên. Đây là thời điểm các phe phái cần liên minh hoặc đưa ra những yêu sách, đòi hỏi người chơi phải suy nghĩ cẩn thận. Liên kết với một phe mạnh về quân sự với những hiệp ước hợp lý sẽ giúp bạn rất nhiều ở thời điểm ban đầu còn yếu, tránh được sự dòm ngó của các nước chư hầu luôn muốn thâu tóm địa phận và đánh dẹp phe của bạn. Tuy nhiên, càng về sau thì số lượng yêu cầu càng tăng quá nhiều, đôi lúc khiến tôi cảm thấy hơi rối khi phải xem xét quá nhiều yếu tố trước khi quyết định. Không những thế, Total War: Three Kingdoms còn có hàng loạt các hiệp ước khác nhau mà bạn phải chú ý, từ hiệp ước không xâm lược cho tới yêu cầu lập liên minh chiến tranh để cùng tiêu diệt một kẻ thù chung nào đó. Vấn đề ở chỗ, những "liên minh ma quỷ" như thế này thường không đồng nghĩa một mối giao hảo tốt đẹp, vì mọi quyết định đều cần sự thông qua từ người đứng đầu các phe phái mới được phép thực hiện. Hệ thống chư hầu cũng đóng một vai trò khá quan trọng trong trải nghiệm. Họ hay tự nguyện cống nạp cho bạn, nhưng đổi lại thường yêu cầu được phép tự chủ. Trong khi đó, kẻ thù đang thất thế cũng biết dùng mưu xin làm chư hầu dưới trướng đồng minh của bạn, nhằm mục đích tránh chiến tranh và bị đánh dẹp. Những tình huống như thế này thường dẫn đến những quyết định khó khăn cho người chơi: Từ bỏ ý định "dạy cho kẻ thù một bài học" hoặc bất chấp hiệp ước ký kết ban đầu để đánh dẹp kẻ thù. Với những kẻ thù từng khiến quân của bạn lên bờ xuống ruộng và thường xuyên quấy rối con đường thống nhất Trung Hoa của người chơi, chắc chắn việc bất chấp tất cả và vi phạm hiệp ước liên minh ban đầu là rất khó tránh khỏi với không ít người chơi. Đã vậy, hành động này còn khiến hình ảnh một nhà lãnh đạo tài ba như bạn trở nên xấu đi rất nhiều trong mắt các tướng lĩnh thuộc liên minh, điều mà bạn không bao giờ muốn xảy ra nếu biết vì đại nghĩa mà bỏ đi cái lợi riêng trước mắt. Quả nhiên không có lựa chọn nào là dễ dàng cả. Đồ họa cũng là một trong những điểm khiến tôi khá ấn tượng. Chiến trường trong Total War: Three Kingdoms vô cùng rộng lớn với mỗi cuộc chiến có đến vạn binh cùng xuất hiện. Người chơi có thể quan sát từ xa trên cao hoặc phóng to gần hơn để nhìn rõ các cảnh đánh nhau hỗn loạn của quân sĩ hay cuộc đối đầu giữa hai vị tướng, cảm giác như đang xem một bộ phim về chiến tranh vậy. Đặc biệt là các trận chiến về đêm mang đến những hình ảnh chiến trận cực kỳ đẹp mắt. Bạn có thể thấy quân sĩ treo những đèn lồng rực đỏ trên các cây cột khi hành quân hay hình ảnh cả kinh thành ngập trời với đèn lồng khi bị vây hãm. Ngay cả hiệu ứng thời tiết cũng rất đẹp mắt, nhất là những cảnh mùa đông tuyết rơi phủ trắng xóa khắp nơi. Sau cuối, Total War: Three Kingdoms mang đến một trải nghiệm chiến thuật kết hợp tuyệt vời giữa chiều sâu chiến thuật cùng các yếu tố lịch sử thời Tam Quốc và không kém phần thử thách. Tuy nhiên, trò chơi có quá nhiều yếu tố gameplay, có thể là một trở ngại không nhỏ với những người chơi mới khi phải tiếp cận với một lượng thông tin chỉ dẫn đồ sộ trước khi có thể bước vào trận. Dù vậy, nếu yêu thích thể loại này, đây chắc chắn là một cái tên mà bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm.