TAM ĐẠI CON GÀ Ngày xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ", đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt. – Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy con trẻ. – Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ "tước" là chim sẽ, đến chữ "kê" là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: "Du dỉ là con dù dì". Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy cậy, trong long vẫn thấp thỏm. – Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là "dù dì" không. Thổ công cho ba đài được cả ba. – Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào: Dủ dỉ là con dù dì.. Dủ dỉ là con dù dì.. – Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy: Chết chửa! Chữ "kê" là gà, sao thầy lại dạy ra "dủ dỉ" là con "dù dì"? – Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: "Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa", nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ: "Tôi vẫn biết ấy là chữ" kê ", mà" kê "nghĩa là" gà ", nhưng tội dạy thế là dạy cháu biết đến tận tam đại con gà kia." – Nhà chủ càng không hiểu, hỏi: Tam đại con gà nghĩa làm sao? – Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!
Anh Chàng Nói Hay Chữ Bấm để xem Một phú hộ muốn chọn cho con gái cưng của mình một người chồng hay chữ. Ở cùng làng có một anh nông dân mồ côi cha mẹ, phải đi cày thuê cuốc mướn sống qua ngày. Biết tin phú hộ kén rể, anh ta tìm đến ông mai trình bày hoàn cảnh và cầu cạnh ông lo việc mối lái cho mình. Vốn không ưa nhà phú hộ, lại thương số phận của anh nông dân, ông mai nhận lời giúp đỡ. Khi được ngỏ ý, vì tin tưởng ông mai, nên phú hộ nhận lời với điều kiện: Anh nông dân phải ở rể ba năm, nếu anh ta là người hay chữ, biết làm ăn thì phú hộ sẽ gả con gái cho. Một hôm anh nông dân cùng phú hộ lên rẫy. Muốn thử tài chàng rể tương lai, phú hộ mới ra câu đối: - Tích cốc phòng cơ! Đứng trước đám rẩy xanh tốt, nghĩ mãi không ra, tưởng là công cốc ở rể cực khổ từ bấy đến nay, anh tức mình đặt cây rựa xuống chửi đổng: - Con c! Rồi chạy một mạch về nhà, lão phú hộ giận quá đến nhà ông mai than oán: - Ông bảo nó hay chữ lắm, thế khi tôi ra câu đối nó lại hỗn xược, bảo "con c.." rồi bỏ ra về. Ông mai nhanh nhẩu trả lời: - Ra vế "tích cốc phòng cơ" như thế nó đối là "tứ tôn kế nghiệp" là hay quá còn gì. Ông nghĩ lại coi: Lão phú ông thấy có lý bèn vội vàng đến đón anh nông dân về lại nhà hậu đãi. Hôm sau ông và anh chàng rể tương lai lại lên rẩy. Trời nắng, lão đưa tay lên che đầu và ra câu đối: - Ngũ duyên lai định thượng. Anh nông dân lúng túng đưa tay vỗ vào bụng cái bạch, rồi bỏ ra về. Lão phú hộ không hiểu ra làm sao đ ành đến học lại chuyện với ông mai. Ông mai làm ra vẻ giận dữ nói: - Có thế mà ông cũng không biết! Nó đối thế là hay quá, ý nó là: "Phúc trung ấp thư tịch" từ đây trở về sau ông đừng thử tài nó nữa, nó mà giận bỏ về lần thứ ba thì tôi không chịu trách nhiệm đâu. Một lần nọ anh nông dân đi làm đồng về, phải trời mưa tạt vào nhà ông mai trú nhờ. Nghe ông mai cao hứng đọc thơ về mưa: "Lác đác mưa sa làn gió thị" chiều anh về tới nhà, trời vẫn còn mưa, sấm chớp lại nổi lên. Lão phú hộ tức cảnh đọc: - Ầm ầm sấm chớp dậy đất kim bôi. Chàng rể được lời liền đọc tiếp: - Lác đác mưa sa làn gió thị. Lão phú hộ nghe như mở cờ trong bụng, khen chàng rể tương lai hết lời. Từ đó về sau lão không "thử tài" anh nông dân nữa. Anh hết hạn ba năm ở rể, lão phú hộ y lời tổ chức đám cưới linh đình, bao nhiêu chi phí lão chịu hết. Dân làng biết chuyện cười với nhau rằng: Dốt thôi dốt đặc cán mai. Gặp may chàng cũng thành trai lão làng.
Cuộc phiêu lưu của anh chàng ngốc Bấm để xem Ngày xưa có một anh chàng ngốc nghếch đần độn. Từ ngày có vợ, vợ anh thấy chồng ăn không ngồi rồi ngày này sang tháng khác, thì không được vui lòng. Cho nên một hôm, nàng thủ thỉ: - Ngồi ăn núi lở. Anh phải đi làm một nghề gì nuôi thân, nếu không thì khó mà ăn ở với nhau được lâu dài. Ngốc ta đáp: - "Tôi chữ nghĩa đã không có, đi cày thì dở, làm thợ thì dốt, biết làm nghề gì đây?". - "Đi buôn vậy!" - người vợ trả lời. - "Tôi sẽ đưa tiền cho anh để anh đi buôn". - "Buôn gì?". - "Cái gì có lãi thì buôn. Đầu thì buôn vịt buôn gà, sau thì buôn gỗ làm nhà cũng nên". Mấy hôm sau Ngốc ta cầm tiền ra đi. Nhớ tới câu dặn của vợ, nên anh có ý đi buôn vịt. Qua một thôi đường, anh nhìn thấy có một bầy vịt độ một chục con đang kiếm ăn trên mặt đầm. Không biết đó là vịt trời, anh quyết tâm đi tìm chủ bầy vịt để hòi mua. Gặp một đám trẻ chăn trâu đang chơi trên bờ đầm, anh ghé lại hỏi: - "Vịt của ai đó?". Bọn chúng hỏi lại: - "Ông hỏi làm gì?"... " Ta muốn mua buôn". Thấy có người hỏi trớ trêu, bọn chúng đáp liều: - "Vịt ấy là của chúng tôi. Nếu ông mua được cả, chúng tôi bán rẻ mỗi con năm tiền, mười con vị chi là năm quan". Nghe chúng cho biết giá rẻ, Ngốc ta không ngại ngần gì nữa ngồi xuống xỉa tiền ra trả. Biết là gặp phải anh ngốc, bọn chúng nhận lấy tiền, chia nhau, rồi bảo anh: - "Đó, bầy vịt bây giờ là của ông. Ông ngồi đây mà canh, đến chiều lại lùa chúng về". Đoạn chúng mỗi đứa cưỡi trâu đi một ngả. Ngốc ta ngồi lại bờ đầm canh chừng vịt. Chưa quá trưa, anh định lội xuống nước để lùa vịt về thì bầy vịt nhác thấy hóng người, bay vụt lên trời một chốc mất biến. Ngốc ta tưng hửng, đành trở về kể lại với vợ. Vợ tiếc của mắng cho chồng một trận nên thân rồi bảo: - Đó là vịt trời giống hệt vịt nhà, nhưng nó biết bay. Sau này trước khi mua muốn biết vịt biết bay hay không, anh cứ giơ gậy lên dứ vào chúng là biết ngay! Mấy ngày sau chàng Ngốc lại cầm tiền ra đi. Đến chợ thấy có người bán ba con lợn con. Lợn được thả trong một cái rặc quây thành vòng tròn, bờ thành không cao lắm. Anh sà vào hỏi mua. Nhớ lại lời vợ dặn, nên trước khi trả tiền, anh giơ gậy lên dứ vào mấy con lợn. Mấy con lợn thấy vậy sợ quá nhảy tót ra ngoài rặc, rồi chạy vào bụi mất cả. Người hàng lợn bèn nắm lấy áo anh bắt vạ. Có bao nhiều liền vốn mang đi, anh phải lấy ra đền. Xót của, anh mếu máo về kể chuyện lại cho vợ nghe. Vợ lắc đầu: - Khốn nạn! Mấy con lợn thì làm gì biết bay mà phải dứ. Anh cứ mua đưa về đàng hoàng chả phải thử làm gì mất công. Ít ngày sau anh lại mang tiền đi. Lần này anh mua được một gánh nồi đất. Nhớ lời vợ dặn anh cứ gánh nồi đi nghênh ngang giữa đường. Người đi đường gặp anh đều phải tránh xuống ruộng. Không ngờ hôm ấy có một bầy trâu đến mấy chục con được chủ lùa đi ăn. Đường hẹp, trâu không biết tránh nên va vào gánh nồi của anh vỡ gần hết. Anh về kể lại với vợ. Vợ bảo: - Chết nỗi. Nồi là vật dễ vỡ, gặp trâu bò hay con vật nào khác thì ta phải tránh đi lối khác, hoặc cho cho chúng đi qua sẽ gánh về cũng không muộn. Ít lâu sau nữa, anh lại đi buôn. Lần này anh mua được một gánh vôi đá mới nung. Gánh về dọc đường anh thấy có một con chuột chết nằm chính giữa mặt đường. Nhớ lời vợ dặn, anh lẩm bẩm: - "Chà chà, có con vật này nằm cản đường ta phải tránh nó mới được!". Nghĩ vậy anh không dám bước qua con chuột, bên lội xuống ruộng nước để tránh. Nhưng không ngờ nước ở đấy hơi sâu, vôi đá chạm phải nước tự nhiên sôi lên ầm ầm, anh hoảng quá vứt cả gánh mà chạy. Về nhà anh khóc lóc kể lại cho vợ hay. Người vợ giẫm chân kêu trời, đoạn bảo anh: - Quả là không ai ngu ngốc bằng anh. Thôi bây giờ tiền trong nhà chẳng còn một đồng để buôn với bán nữa rồi. Ngày mai anh tìm cách gì kiếm lấy ít quan mà tiêu. * * * Hôm khác, Ngốc ta bỏ nghề buôn, quyết định làm nghề ăn trộm. Chờ tối đến, anh lẻn vào nhà một người nọ trong lúc họ còn ngủ say. Cuối cùng anh cũng lần mò lục tìm được một số tiền. Nhân trong nhà đèn chưa tắt, anh đưa đến gần để đếm và nhờ tinh mắt anh phân biệt được mấy đồng "xoèng" [1] . Anh liền tìm đến chỗ chủ nhà ngủ, lay họ dậy và nói: - Dậy! Dậy mà đổi tiền xấu! Chủ nhà đang ngủ ngon giấc sực tỉnh, thấy trong nhà có kẻ lạ mặt bèn hô hoán lên: - "Bắt, bắt lấy nó!". Ngốc ta hoảng hồn bỏ cả tiền mà chạy, may thoát được. Về được đến nhà, anh kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo: - Trời ôi! Còn đổi mấy chác mà làm gì. Thôi mai đi kiếm ít gạo, về ăn, nhà chẳng còn hột nào nữa. Tối hôm sau Ngốc ta lại đi ăn trộm. Anh cũng đào ngạch vào được nhà nọ một cách dễ dàng. Nhớ lời vợ dặn nên anh không chú ý đến những cái khác mà chỉ đi tìm gạo. Nhưng những chỗ mà anh sờ soạng đều chứa thóc là thóc, chẳng có hạt gạo nào. Sẵn có cối xay gần đó, anh bèn đổ thóc vào xay. Tiếng xay lúa ầm ầm làm cho nhà chủ tỉnh dậy. Khi họ xông tới toan bắt, anh may mắn lại chạy thoát. Về kể lại với vợ, vợ kêu lên: - "Ngốc ơi là ngốc! Thôi mai thì thấy gì lấy nấy, cứ đưa về đây, chằng cần phân biệt gì nữa". Tối hôm sau, Ngốc lại lọt vào một nhà khác. Anh vừa vào đến sân đã thấy nhiều thứ đồ đạc nhắm chừng có thể lấy được. - "Hừ, vợ ta dặn có gì lấy nấy chẳng cần phải đào ngạch vào nhà làm gì cho mất công". Nghĩ vậy anh nhặt nhạnh đủ thứ chất một gánh nặng quảy về nhà. Vợ thắp đèn lên xem thì hóa ra toàn là chổi cùn, rế rách, đòn ghế, gỗ vụn, cào tre, cuốc gãy, lại có cả một nồi nước giải. Vợ chắt lưỡi hồi lâu rồi bảo chồng: - Thôi! Mai đừng đi ăn trộm nữa mà có ngày chết oan. Anh cứ chịu nhục làm nghề ăn xin, may ra được miếng gì bỏ vào miệng nuôi lấy tấm thân là được rồi. * * * Mấy hôm sau, anh nghe lời vợ làm nghề nghiệp mới. Gặp một ông quan ăn mặc sang trọng đang đi dạo anh bước đến ngửa tay xin ăn. Nhưng vừa mở miệng nói mấy câu học được: - "Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại.." thì có hai tên lính theo hầu quan đã bước tới quất roi vào đít. Để khỏi ăn thêm đòn, anh ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Về kể lại với vợ, vợ bảo anh: - Đó là ông quan, đừng có đụng đến mà chết. Đi xin thì tìm chỗ đông người, không xin được người này thì còn người khác thế nào cũng được ăn. Hôm sau anh đi xin gặp một đám ma. Nhớ lời vợ dặn anh sà vào chỗ đông người đang xúm xít khóc than ở sau linh cữu rồi ngửa tay xin hết người này đến người khác. Nhưng anh đã chẳng được gì mà lại còn bị mắng chửi đuổi đánh. Anh về kể lại với vợ. Vợ bảo: - Đó là đám ma, anh cứ đi theo "ô hô" ít câu là sẽ được người ta cho ăn. Ít hôm sau, anh ra đi lại gặp một đám đông người khác. Không biết là đám rước dâu, anh làm theo lời vợ dặn, đuổi theo đám đông vừa đi vừa bụm mặt nấc lên mấy tiếng "ô hô!". Những người trong đám rước dâu cho là anh cố ý làm cho họ xui xẻo, liền hò nhau đánh đập tới tấp. Bị đòn đau, nhưng anh cũng cố giật ra được chạy về. Sau khi kể cho vợ nghe, vợ bảo: - Đó là đám cưới. Anh chỉ cần đi theo nói mấy câu "tốt đôi, tốt đôi" là có ăn rồi. Ít hôm sau anh lại đi. Gặp một đám đông người đang chữa cháy. Nhớ lời vợ dặn anh đến gần, mồm nói lia lịa: "Tốt đôi! Tốt đôi!". Thiên hạ cho anh là thủ phạm đốt nhà vì "tốt đôi" ' nói lái là "tôi đốt", liền bắt anh trói lại nện cho một trận, lại định giải lên quan. Anh phải vất vả lắm mới lạy lục xin thả cho về. Về nhà anh kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo: - Đó là đám cháy. Thấy vậy anh cứ múc nước dội vào rồi người ta sẽ thưởng công cho. Mấy hôm sau anh lại đi. Gặp mấy người thợ rèn đang hì hục đập trên đe một thanh sắt nung đỏ. Anh bèn múc một vò nước đến dội vào sắt, vào bể lửa nhà thợ rèn. Thấy chuyện trớ trêu, cả mấy người thợ quăng búa xúm lại giã cho một trận nhừ đòn rồi mới cho về. Về nhà anh mếu máo kể cho vợ hay. Vợ bảo: - Đó là những người thợ rèn sắt. Anh cứ xông vào quai búa với họ là họ sẽ cho ăn. Ít lâu sau nữa anh lại đi. Lần này Ngốc cũng tìm đến một đám dông người. Thấy có mấy người đánh nhau, chẳng nói chẳng rằng anh hùng hổ xông vào giơ tay thụi người này, co cẳng đá người nọ. Mấy người đánh nhau tuy đang la hét giận dữ, nhưng thấy một người lạ vô cứ đánh đá mình, bèn bỏ đánh nhau, quây lại thụi cho anh những quả bằng trời giáng. Anh đau điếng chạy về kể lại về vợ. Vợ bảo: - Đó là đám đánh nhau. Anh hãy can người ta ra miệng nói "dĩ hòa vi quý" không khéo được người ta rủ rê chè chén cũng nên. Ít lâu sau anh lại đi, gặp một đám đông người khác. Thì ra họ đang xem hai con trâu húc nhau chí tử. Ngốc ta nhớ lời vợ dặn, chạy vào cố sức vỗ về can hai con vật, miệng nói: - "Thôi thôi dĩ hòa vi quý, đừng báng nhau nữa". Nhưng không may cho anh, trong lúc đổi thế, một con đã húc nhằm vào người anh làm anh thủng bụng chết. Thế là hết đời anh chàng ngốc[2] . KHẢO DỊ Một số người khác ở Quảng-bình kể đoạn cuối của truyện này là không phải Ngốc gặp hai con trâu húc nhau mà là hai con hổ cắn nhau. Anh cũng nhớ lời vợ dặn, xông vào can ra, cuối cùng bị hổ ăn thịt. Nguyễn Văn Ngọc có truyện kê Tù lì tám tiền, gần như là một dị bản của truyện trên, nhưng ở đây không có việc Ngốc đi buôn và đi ăn trộm: Một chàng Ngốc thấy vợ ở cữ thì thương, luôn luôn đến bên giường hỏi vợ ăn gì để mua. Hỏi mãi, vợ bực mình, đáp: - "Ăn gì? Ăn cái con tù lì". Kiếm được tám tiền Ngốc liền ra đi. Đến chợ hỏi khắp nhưng chẳng ai bán tù lì cả. Đi nhiều nơi không tìm ra, trở về, mệt quá, thấy sông bèn cởi khố xuống tắm. Tắm xong bước lên, thì khố đã bị mất. Bèn cứ trần truồng đi tìm khố. Từ đây diễn biến gần giống với truyện trên. Gặp đám ma thấy có ngọn cờ, Ngốc ta tưởng là khố của mình bèn đến đòi. Tang gia cho là láo xược bèn đánh cho một trận. Ngốc bỏ chạy về kể lại với vợ. Vợ thương hại, bảo: - "Phải chi anh vào" ô hô "mấy tiếng sẽ được người ta mời mọc". Hôm sau Ngốc lại đi mua tù lì, gặp một đám rước dâu. Nhớ lại vợ dặn bèn đến "ô hô" ba tiếng. Lại bị đánh. Về, vợ bảo: - "Phải chi mang trầu cau đến mừng" tốt đôi "thì sẽ được mời ăn cỗ". Hôm sau cũng gặp một đám cháy nhà, bèn kiếm cơi trầu đến mừng tốt đôi. Chủ nhà tưởng nói "tốt đôi" là "tôi đốt", bèn đánh, định trói đưa lên quan. Về, vợ hảo: - "Phải chi lấy cuốc cào giúp người thì sẽ được ăn". Hôm sau gặp đám đánh nhau, Ngốc sẵn cuốc, cuốc vào cả hai người, lại bị đánh. Về, vợ bảo: - "Nếu gặp đám đánh nhau thì nên lánh cho xa kẻo mang họa". Hôm sau gặp hai chim cu chọi nhau, Ngốc chạy ù một mạch về nhà. Vợ nghe kể lại, bảo: - "Hoài của. Phải chi bắt về làm thịt đánh chén". Ngốc tiếc, đi tìm chim, lạc lối lên rừng, thấy hổ mẹ đang giỡn với hổ con, bèn đến toan bắt, may có bọn thợ săn cứu khỏi hồ vồ (có người kể là Ngốc bị hổ ăn thịt). Ngốc lại đi tìm mua tù lì, gặp một người bán mèo không ai mua nên xách về. Thấy Ngốc chạy theo hỏi mãi bán con gì, người kia bực mình đáp: "Bán cái con tù lì". Thế là Ngốc đưa cả tám tiền để mua cho được. Dọc dường về gặp ao bèo lại xuống tắm. Sợ mất khố như lần trước, nhưng lại không biết để đâu cho khỏi mất, bèn buộc khố vào mèo. Tắm xong lên bờ chẳng thấy "tù lì" lẫn khố. Lại chạy, gặp ai cũng hỏi: "Tù lì của tôi". Chạy theo bờ sông một quãng, Ngốc nhìn xuống thấy bóng của tù lì dưới nước, toan nhảy xuống bắt. Nhờ một em bé cho biết là con vật còn ở trên cây cùng với cái khố. Anh mừng quá trèo lên, đưa về. Đến nhà reo lên là đã mua được tù lì. Vợ bật cười. Từ đó người ta cũng gọi con mèo là con tù lì (hay cũng gọi là đù đì) [3] . Chúng tôi cho rằng người kể vô tình hay hữu ý đã ghép cả hai truyện: Tù lì tám tiền và Phiêu lưu của anh chàng Ngốc (phần sau) lại làm một. Truyện Phiêu lưu của anh chàng Ngốc cũng có dị bản ở một số dân tộc mặc dầu hình ảnh trong mỗi dị bản có những biến thái khác nhau. Truyện của Miến-điện (Myanmar) : Một thằng Ngốc nghe lời mẹ vào rừng đi kiếm thức ăn. Hắn bắt được một con chim mắc bẫy. Ngốc ta bảo chim: "Nào cho mày bay đến chỗ mẹ tao để cho bà ấy làm thịt mày chốc nữa về tao ăn". Nói rồi thả cho chim bay đi. Khi hắn về nhà không thấy chim mới kể chuyện cho mẹ nghe. Mẹ hắn bảo: - "Đồ ngốc, phải dùng dao giết chết rồi mang về chứ". Hôm khác Ngốc lại vào rừng kiếm thức ăn, thấy một đám nấm mọc dưới gốc cây. Ngốc ta dùng dao băm tiệt rồi vơ về. Mẹ trông thấy bảo: - "Mày là đồ ngốc làm nát hết nấm còn ăn với uống gì. Lần sau phải nhớ nhổ cả rễ đưa về nhé!". Hôm khác thấy một tổ ong. Ngốc kêu lên: - "Ta có mật ăn rồi!". Sực nhớ lời mẹ dặn, hắn định nhổ cả cây có tổ ong. Nhưng vừa lay mấy cái đã bị ong xông ra đốt cho sưng vù mặt mũi. Đau quá, Ngốc kêu ầm ĩ rồi bỏ chạy về nhà. - "Mày là đồ ngốc, - mẹ hắn bảo - con phải lấy lửa đốt để khói hun cho chúng bay đi mới lấy được". Lần khác Ngốc gặp một nhà sư: - "Nhất định ông sẽ bắt được!". Bèn rón rén đi đến sau lưng, châm lửa đốt cháy áo cà sa. Nhà sư bị nóng lăn lóc mấy vòng trên cỏ. Ngốc cứ chạy theo châm nữa. Cuối cùng hắn bị nhà sư và những người đi đường đánh cho một trận nên thân. Khi gặp mẹ, Ngốc kể lại, mẹ Ngốc bảo: - "Mày là đồ ngốc. Thấy mặc áo cà sa thì biết đó là nhà sư, phải quỳ xuống mà vái chào chứ". Lần sau Ngốc lên rừng gặp một con hổ. Thấy bộ lông vàng, hắn cho là nhà sư, bèn quỳ xuống vái chào, hổ liền vồ lấy ăn thịt[4] . Người Miến-điện (Myanmar) còn có một dị bản nữa nhan đề là Bốn chàng ngốc xem Khảo dị truyện Rủ nhau đi kiếm mật ong (số 196). Truyện Trung-quốc: Một chàng ngốc có một người bố cũng vào loại ngớ ngẩn. Bố có một con lừa, một hôm con hỏi bố: - "Lừa ấp ra đấy phải không?"... " Phải", bố đáp - "Vậy cho con con lừa ấy đẻ bố cho ấp con khác". - "Không được, tao cho một quả trứng lừa về mà ấp". Bèn đưa cho con một quả dưa. Con đưa về ấp ngày ấp đêm chẳng thấy gì cả, bèn ném dưa vỡ tan. Thấy trong quả dưa có ruột đỏ hắn kêu lên: - "À, nó đã bắt đầu có máu rồi, nếu ta ấp thêm vài ngày nữa thì hẳn thành con". Hắn bèn đến xin bố một trứng lừa khác. Ấp mãi không được, ngốc lại ném đi. Không ngờ ném đúng vào chỗ có con thỏ nấp. Thỏ từ chỗ nấp vụt chạy ra. Thấy thế, hắn nói: - "À đúng rồi nó đã nở thành con, đã có tai dài" . Bèn đuổi theo. Thỏ chui vào một cái lỗ. Hắn lấy khăn bọc trên miệng lỗ rồi đứng rình. Được một chốc, thỏ chạy vụt ra mang cả khăn đi mất. Từ đây truyện xích gần với truyện của ta. Hắn đuổi theo thỏ, đến một làng đang có đám ma, dừng lại hỏi mấy người đưa ma: - "Các người có thấy một con lừa đội miếng vải trắng trên đầu không?" Họ tưởng hắn hỏi có ý châm chọc, bèn đánh cho một trận. Về nhà hỏi bố, bố bảo: - "Đáng lẽ con khóc lên ba tiếng, rồi nói, tôi sẽ có văn điếu mang đến". Hôm sau hắn lại đi tìm, gặp một đám cưới, bèn làm theo lời bố, bị họ đánh nhừ tử. Lại về hỏi bố, bố bảo: - "Đáng lý con phải nói xin chúc mừng, xin chúc mừng". Hôm sau lại đi gặp một đám cháy, bèn làm theo lời bố, lại bị họ đánh cho. Lại về hỏi bố, bố bảo: - "Đó là đám cháy, phải kêu to lên và tưới nước cho tắt". Hôm sau lại đi, gặp thợ rèn đang rèn sắt, bèn kêu cháy và giội nước vào cho tắt cũng bị thợ rèn đánh cho. Về hỏi bố, bố bảo: - "Đáng lý phải nói:" Nào ta đánh nào ", rồi cầm búa đánh với họ". Hôm sau lại đi gặp đám dân làng đánh nhau, hắn làm theo lời bố, bị họ nện cho một trận. Về hỏi bố, bố bảo: - "Đáng lý con phải can ra và nói:" Thôi thôi, tôi can hai người ". Hôm cuối cùng lại đi và gặp hai con bò húc nhau, hắn làm theo lời bố bị chúng húc chết[5] . Truyện Pháp: Pi-e, anh chàng ngốc: Một hôm Pi-e được mẹ sai mang hạt đi đến xưởng xay bột thuê. Vì sợ con nhầm nên bà mẹ dặn nhớ thu lại cho đủ: -" Hãy bảo chủ cối xay rằng: Một cúp (chỉ số ít cám lấy ra khi xay) mỗi xơ-chê ". Đi dọc đường vì sợ quên nên hắn lắp bắp mãi câu này. Không ngờ khi qua cánh đồng, lúc này nông dân ở đây đang trỉa hạt, nghe Pi-e nói mãi câu ấy họ cho là điềm xấu, bèn lên đường mắng cho một trận. Pi-e về hỏi mẹ vì sao lại như vậy. Mẹ bảo: -" Đáng lý khi đi qua những người trỉa lúa thì cần phải nói: Chúc cho được đầy xe ". Anh lại lắp bắp học câu ấy trong khi đi đường. Qua một chỗ có một đám ma, những người đi đưa đám nghe Pi-e chúc thế thì chửi lại anh. Pi-e lại về hỏi mẹ. Mẹ bảo: -" Đáng lý con phải nói: Chúc cho Chúa mang hồn của nó đi! ". Hôm sau Pi-e lại lắp bắp câu ấy. Bấy giờ có một con chó sói tha một con cừu, người chăn cừu đang đuổi theo chó sói, nghe Pi-e nói thế thì tức quá bèn xuỵt chó cho cắn anh. Pi-e lại về hỏi mẹ. Mẹ bảo: -" Đáng lý phải nói câu: Để đó không phải của mày ". Lần khác, Pi-e gặp một đám cưới. Chàng rể nghe anh nói câu ấy thì nổi giận bèn đánh đuổi. Pi-e ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Ngày khác Pi-e lại được mẹ sai mang hạt đi xay. Dọc đường thấy gió thổi, anh mở túi hạt ném cho gió, bảo gió chuyển hộ đến cối xay. Khi đến nơi anh hỏi chủ cối xay xem đã xay xong chưa -" Chẳng có ai mang hạt đến cả ", chủ cối xay đáp. Khi về hỏi mẹ, bà mẹ đáp: -" Đồ ngốc, con phải mang nó ở sau lưng chứ gió có làm hộ cho ai đâu ". Lần khác được mẹ sai đem một con lợn ở chợ về. Nhớ lời mẹ dặn, Pi-e mang con lợn lên lưng cầm hai chân trước của lợn lên vai đến nỗi bị lợn nhấm cho tai chảy máu vẫn không thả. Về nhà bà mẹ bảo: -" Sao con không buộc dây vào cổ lợn mà dắt có hơn không? ". Lần nữa dược mẹ sai đi đến nhà người bà con lấy cái bình sành về muối thịt. Pi-e buộc dây vào cố bình kéo về, đến nhà nhìn lại đầu dây chẳng còn gì nữa. Bà mẹ mắng: -" Sao con không thọc gậy vào bình rồi cầm lấy đầu gậy kia vác lên vai ". Lần sau khi phải mang một khối bơ đặc, Pi-e thọc gậy vào giữa rồi vác gậy lên vai. Về đến nhà thì bơ đã chảy hết, chẳng còn một chút gì. Bà mẹ bảo: -" Mày thật là ngốc. Sao không đựng vào một cái gì cho im mát mà đưa về ". Lần cuối cùng mẹ bảo anh đi mua năm cây kim đan. Pi-e đi sau một cái xe chở rơm -" Lần này thì không thể mất đi đâu được ". Nghĩ vậy, hắn cắm tất cả kim vào đống rơm. Lúc về anh lục tìm trong đống rơm mãi không thấy. Bà mẹ hỏi: -" Sao con không mua được cái kim nào? ". Pi-e đáp: -" Con đã cho vào một chỗ im mát, không thể chảy như bơ hôm nọ được "[6] . Xem thêm Khảo dị truyện số 196. [1] Xoèng: tiếng cổ lưu hành ở Nghệ - Tĩnh chỉ loại tiền có pha đồng đỏ, theo thị trường ngày xưa là kém giá trị. Có câu thơ " Tiền đồng trăm trự (chữ), sáu mươi xoèng". [2] Theo lời kể của người Quảng-bình, Nghệ-an, Hà-tĩnh. [3] Theo Truyện cổ nước Nam, A. Người ta; đã dẫn. [4] Theo Miến-điện dân gian cổ sự. [5] Theo Vi-ê-jê (Wiéger) : Sách sơ yếu (bạch thoại) : Truyện kể. [6] Theo Mê-ra-vi-ơ (Méraville). Truyện dân gian miền Ô-véc-nhơ. Chúng tôi có lựa vào đây một số trên mười truyện cùng các dị bản của chúng. Những truyện này kể ra về nội dung cũng có thể sắp xếp vào loại truyện khôi hài hay hoạt kê như đã phân loại trong phần nghiên cứu ở tập I. Tuy nhiên, về hình thức, chúng lại khó phân biệt với truyện cổ tích. Chúng là những truyện thường kết cấu chặt chẽ, có đầu có đuôi, hơn nữa, nói chung, thường mang tính mục đích: Mỗi truyện có ý nghĩa nhất định: Cũng không phải là những truyện có tính cách tập hợp từng mẩu, mỗi mẩu thường mang một ý nghĩa, hợp thành một chùm truyện như loại truyện Trạng Quỳnh, truyện Ông Ó, v. V.. cũng không phải là những truyện có kết thúc nửa chừng khi nụ cười hay ý nghĩa câu chuyện đã tới điểm nút như phần nhiều các truyện tiếu lâm, ngụ ngôn, v. V.. Tất nhiên, trong những truyện kể ở đây, cái không khí vui tươi dí dỏm thường được thay vào cái không khí nghiêm trang của phần đông các truyện cổ tích, chẳng khác gì một số truyện đã kể ở các tập trước, như Thầy hít (Số 40), Dì phải thằng chết trôi, tôi phải đôi sấu sành (số 53), Nói dối như Cuội (số 60), Chàng ngốc được kiện (số 108), v. V.. Những truyện như vậy không phải là hiếm hoi trong kho tàng truyện cổ tích của các dân tộc. Có điều, như ở cổ tích, sự dắt dẫn của các tình tiết có làm bật ra tiếng cười thì đấy cũng là những tiếng cười nhẹ nhàng lành mạnh, không hoặc ít mang cái chất tục tĩu, thô bạo như phần nhiều truyện tiếu lâm. Chúng tôi tập hợp chúng vào mục cuối cùng này để bạn đọc có thể thấy nghệ thuật truyện cổ tích (và cả thần thoại) nói chung không phải không hề biết đến cái vui tươi dí dỏm, hơn nữa, để có điều kiện so sánh và phân biệt ranh giới giữa một số truyện cổ tích với truyện khôi hài (cũng như với các loại truyện khác) vốn không phải lúc nào cũng tách bạch dễ dàng.