Câu hỏi này thuộc "Hãy trả lời em tại sao?" - Robert Mathews, Huỳnh Thu Hương dịch. Một vài ngày sau khi cơn sóng thần Ấn Độ Dương nổi lên (26-12-2004), các báo cáo bắt đầu cho thấy một mức tử vong thấp tới kì lạ của động vật hoang dã. Theo các nhân viên của Công viên quốc gia Yala ở Sri Lanka, nơi đã có 60 người thiệt mạng, thì họ đã không tìm thấy một động vật nào chết - mặc dù đây là vùng bị tàn phá nhiều nhất. Điều gây bất ngờ nhất là các báo cáo từ bờ biển Cuddalore của Ấn Độ, nơi có hàng ngàn người chết, trong khi trâu, dê và các động vật khác thì dường như đã thoát chết mà không hề bị tổn thương. Đừng nghĩ đây chỉ là những lời đồn thổi hay phóng đại về một quyền lực siêu nhiên nào đó. Bởi vì nhiều nhân chứng đã xác nhận rằng họ đã nhìn thấy những con voi chạy lên vùng đất cao hơn, hồng hạc rời khỏi những vùng đất sinh sản thấp cùng nhiều hành động bất thường khác. Mặc dù hiện tượng này cũng xảy ra tương tự như trong những cơn động đất lớn khác, những người hoài nghi vẫn có lý khi phản biện rằng tất cả đó chỉ là những suy luận. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng khoảng thời gian giữa các cơn động đất là quá dài để cho phép các động vật liên hệ những điều chúng đang cảm thấy với kí ức về một thảm họa trong quá khứ hay là để cho quá trình tiến hóa có thể ưu tiên cho tính trạng "cảm nhận động đất". Nhưng có một học thuyết khác đặc biệt đáng chú ý: Có lẽ động vật được hưởng lợi từ những năng lực cảm giác có được nhờ những lý do khác, chẳng hạn như sự liên lạc. Năm 1997, các nhà nghiên cứu ở Đại học California đã báo cáo rằng voi có thể phát hiện tiếng rống của những con voi khác ở cách xa hơn 30 dặm. Hay có thể động vật đã phản ứng lại với những hiệu ứng động đất nhẹ thường báo trước những cơn động đất chính; đã có rất nhiều chuyện như vậy trong những đợt động đất ở Sumatra - vùng này đã phải gánh chịu ba trong bảy cơn động đất mạnh nhất được ghi nhận mọi nơi trên thế giới, trong năm 2004. Một cách khác, có thể chúng đã cảm nhận được những xáo động điện từ mà các nhà khoa học cho rằng đi kèm với sự vỡ của đá trước cơn động đất. Năm 1998, một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã kiểm tra khả năng này bằng cách xem những hành vi của các động vật trong phòng thí nghiệm, trong khi những khối đá granite được nghiền cơ học ở bên cạnh. Khi áp suất trên những tảng đá tăng lên, các con vật trở nên kích thích cao độ. Và điều này có thể được liên kết với sự xuất hiện của các hiệu ứng điện từ từ những tảng đá bị nghiền. Họ gợi ý rằng điều này có thể giải thích được bằng cách nào nhiều loài động vật có thể cảm nhận được cơn động đất lớn nhiều giờ hay nhiều ngày trước đó. Thảm họa tháng 12 năm 2004 chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn trong lối giải thích thật lôi cuốn này.