Bài văn mẫu Tôi là Sáu- một người chiến sĩ xung phong trên chiến trường Nam Bộ. Ngày tôi tạm biệt mái ấm gia đình để lên đường ra trận, con gái tôi- bé Thu mới chỉ được một tuổi. Với tôi, bé Thu là niềm hạnh phúc nhất cuộc đời này, cũng chính là động lực để tôi hết mình chiến đấu và sớm ngày trở về gặp con. Đằng đẵng bảy năm trôi qua, tôi mới có dịp quay về quê nhà. Dẫu cho tấm ảnh má con nó tôi vẫn luôn nâng niu và nhìn ngắm mỗi ngày thì cái cảm giác được gặp con, được ôm con vào lòng vẫn khiến tôi khao khát, mong chờ vô cùng. Khi tôi lên đường nhập ngũ, bé Thu nhà tôi chưa đầy một tuổi. Những lần vợ tới thăm, tôi có nhắc vợ mang con theo để tôi thỏa nỗi nhớ thương con ấy thế nhưng hoàn cảnh lại chẳng thể cho phép. Chình vì thế mãi sau ngày khi ngày được về thăm quê tôi mới có cơ hội được gặp con. Cái tình nhớ con thương con cứ nao nao trong lòng tôi. Tôi bồn chồn cả đêm chẳng thể ngủ được, chỉ mong sao thời gian trôi thật nhanh để sớm được gặp con, ôm con vào lòng. Xuồng vừa cập bến nhác thấy bóng cô bé độ 8 tuổi, tóc cắt ngang vai mặc quần bông áo đỏ đang chơi trước nhà chòi, bằng giác quan thứ 6 và tình cha con mãnh liệt tôi linh cảm đó chính là Thu- con của tôi. Tôi nhảy vội lên bờ, kêu to: - Thu, con Tôi hét thật to và chạy đến gần con. Với cuộc trở về đầy bất ngờ này tôi nghĩ con bé sẽ chạy thật nhanh đến mà ôm chầm lấy tôi, sẽ kêu to lên cho má nó trong nhà biết. Tôi dang hai tay, mở sẵn lòng để đón đứa con gái bé bỏng. - Ba đây con! Nhưng, lạ chưa kìa, con bé ngơ ngác, tròn mắt ngạc nhiên như cố vắt óc ra xem tôi là ai. Tôi vẫn hi vọng và bước đến gần nó với đôi tay dang rộng. Nhưng thật lạ, con bé không chạy lại như tôi tưởng, nét mặt nó trở nên sợ sệt. Nó hét toáng lên: "Má! Má!" rồi vội vàng chạy vô nhà. Tôi như chết lặng đi. Tôi nhìn theo nó đang chạy vô nhà thật nhanh với má, chẳng dám quay mặt lại. Quay sang anh Ba, chúng tôi cùng lắc đầu. Anh Ba an ủi: - Thôi, cứ yên tâm, trước sau gì nó cũng nhận ra cậu. Ba nó chứ ai mà nó lại không chịu nhận. Tôi cười mà nước mắt như muốn trào ra. Lần này tôi về nghỉ phép được 3 ngày. 3 ngày ngắn ngủi tôi chẳng dám đi đâu xa, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà để vỗ về con, thân thiết với con hơn. Tôi chỉ mong một phút giây nào đó con sẽ nhận ra và gọi tôi là "Ba". Tiếng ba lúc nào cũng thường trực trong tâm trí tôi, trở thành nỗi khao khát cháy bỏng trong tôi. Có lần má nó đang nấu cơm thì chạy vội đi mua thức ăn, dặn nó trông nồi. Nồi cơm sôi sùng sục, nó cầm đôi đũa đảo đi đảo lại mấy lượt. Nhưng đến công đoạn chắt nước, nó lượng sức mình không nhấc nổi mới cầu viện đến tôi: – Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái! Lại một câu nói trổng, tôi lặng im không đáp, tiếp tục nhâm nhi chén trà đặc với anh Ba. Tôi cố tình tỏ ra không nghe thấy để mong sao con bé sẽ gọi một tiếng "ba" ấm áp, trìu mến. Nhưng không, con bé vẫn chẳng chịu gọi tôi là ba. Nó loay hoay hồi lâu rồi lấy cái vá múc ra từng vá nước. Con bé đáo để thật! Và trong bữa cơm ngày hôm đó, chọn miếng trứng cá ngon nhất to nhất tôi gắp cho con bé. Nhưng nó lại ngỗ nghịch hất miếng trứng cá ra khiến cơm văng tung tóe mâm. Vừa giận vừa thương, tôi vung tay đánh vào mông nó quát to: - Sao mày cứng đầu quá vậy. Tưởng rằng với tính cách bướng bỉnh nó sẽ lăn ra khóc rồi giãy, đạp đổ cả mâm cơm nhưng không nó ngồi xuống, cúi gằm mặt rồi gắp cái trứng cá vào lại bài, lặng lẽ đứng dậy, đi ra ngoài và chèo thuyền qua phía nhà ngoại. Chiều hôm ấy, vợ tôi có sang dỗ dành vậy mà con bé cũng không chịu về về, ngày mai là ngày tôi phải lên đường, nghĩ đến con lòng tôi xót xa khôn nguôi. Sáng hôm sau bà con nội ngoại tập trung đông đủ đến tiễn tôi đi. Vì bận bịu với việc tiếp khách nên cũng chẳng có nhiều thời gian để chú ý đến con bé còn vợ tôi thì đang chuẩn bị đồ đạc xếp từng chiếc áo vào balo vậy là con bé lúc này như bị bỏ rơi, lưng tựa vào gốc cửa, nhìn mọi người. Thoáng nhìn con, tôi thấy vẻ mặt hôm nay của con con có vẻ khác nó không bướng bỉnh hay cau mày như mọi hôm mà nó buồn rầu, sầm lại đi trên gương mặt ngây thơ dễ thương, trong đôi mắt của con tôi nhìn thấy điều gì đó khó nói trong vẻ đăm chiêu, nghĩ ngợi sâu xa. Giây phút chia tay mang ba lô trên vai, khi đã bắt tay hết tất cả mọi người, tôi đưa mắt nhìn về con bé. Nó vẫn đứng trong góc nhà lặng lẽ, lòng tôi rất muốn ôm con, hôn con nhưng lại lo sợ rằng con sẽ bỏ chạy nên chỉ dám đứng nhìn con từ xa, lòng tôi đầy buồn bã. Rồi tôi khẽ nói: - Thôi ba đi đây con nghe Bất ngờ thay tôi vừa dứt lời con bé bóng cất tiếng kêu: - B.. a.. a.. ba Trời con bé gọi tôi là ba, nó đang gọi tôi là ba, tôi có nghe nhầm không chứ. Không tiếng ba của nó thật rõ, xé tan không gian im lặng, tiếng ba đầy nghẹn ngào như bóp chặt trái tim tôi. Tôi chạy lại ôm con vào lòng. Dường như cảm nhận được điều gì đó, bé Thu ôm chặt lấy tôi, vừa khóc vừa nói: - Không cho ba đi nữa, ba ở lại với con Tôi thương con bé nhiều lắm. Đến bây giờ là phút giây tôi cảm nhận rõ nhất tình phụ tử ấy thế mà tôi lại sắp phải chia xa. Nghẹn ngào chẳng nói được nên lời, tôi nói với con bé và cũng tự trấn an mình: - Ba đi rồi ba sẽ về thôi con Nhưng con bé nào có nghe, nó đưa hai chân ghì chặt lấy người tôi. Nó sợ tôi đi mất, tôi cũng sợ, sợ phải xa con. Tôi muốn gần bên con thêm vài ngày nữa để trao cho con những yêu thương cất giấu từ bấy lâu trong lòng nhưng vì nhiệm vụ cấp bách chiến trường không cho phép tôi được làm thế. Rồi cũng đến lúc phải đi, bà con chòm xóm an ủi bé con nhà tôi để tôi an tâm lên đường. Chứng kiến cảnh này ai nấy cũng chẳng thể cầm nổi nước mắt. Con bé có vẻ hiểu ra, không còn bướng bỉnh nữa nhưng vẫn ôm lấy tôi mếu máo: "Ba đi ba về ba mua cho con một cây lược nghe ba" rồi từ từ tuột xuống. Mãi sau này nghe kể lại tôi mới biết thì ra nó không nhận ra tôi vì vết thẹo dài, khác với ảnh má nó đã cho nó xem. Rồi ngoại đã giải thích và nó đã hiểu. Thì ra nó không hề quên tôi, không hề quên người cha này chỉ là vì chút trẻ con ngây dại, vì vết sẹo chiến tranh khiến nó không nhận ra tôi mà thôi. Chia tay trong nghẹn ngào, chúng tôi từ biệt mọi người trở về nhận nhiệm vụ. Chúng tôi phải trở lại miền Đông để chiến đấu. Mỗi đêm rừng, nằm trên võng nhớ về con tôi lại ân hận vô cùng trước đây đã trót đánh con. Yêu thương chưa là bao mà lại đánh con. Tôi dằn vặt, đau đáu suốt những năm tháng chiến dịch. Hôm đó là buổi chiều mưa rừng, tôi trở về đơn vị. Hôm nay tôi vui lắm vì tôi nhặt được một khúc ngà voi. Tôi hí hửng thích chí đem lên khoe với đồng đội. Cái ngà voi này dùng để làm cho bé con chiếc lược chắc có lẽ nó sẽ thích lắm. Rồi tôi lấy vỏ đạn hai mươi li của Mỹ đập thành chiếc cưa nhỏ. Những ngày tháng về sau, tranh thủ phút giây rảnh rỗi nghỉ ngơi tôi lại lôi ra, tỉ mỉ cưa từng chiếc răng lược. Ấy thế mà chẳng mấy chốc chiếc lược cũng hoàn thành. Tôi dùng tất cả niềm thương nỗi nhớ nắn nót khắc từng chữ nhỏ lên chiếc lược: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba" Cái lược dài độ hơn một tấc, ngày nào tôi cũng đem nó ra ngắm nghía cho vơi bớt nỗi nhớ con. Chiếc lược cho tôi thêm ý chí vượt qua mọi gian lao, hiểm nguy, chiến đấu và chiến thắng để sớm ngày được trở về đoàn tụ cùng con. Chiến tranh khiến con người phải xa cách, chiến tranh khiến cho những đứa trẻ không còn nhận ra ba của nó nữa, đến khi nhận ra lại chẳng được ở bên nhau. Có lẽ không chỉ có con tôi, gia đình tôi mà con rất nhiều người như thế, gia đình cũng lâm vào hoàn cảnh éo le như chúng tôi. Chỉ có hòa bình, có thống nhất con người ta mới hạnh phúc, ấm no. Chúng tôi- những người lính cách mạng nhất định sẽ chiến đấu và chiến thắng để nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam được sống trọn trong thống nhất, độc lập, tự do, an bình, để trẻ thơ được yêu thương, chăm sóc bên cha mẹ, gia đình.