Vua Đồng khánh: Những chuyện ít biết về vua Đồng Khánh

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Gương Nga, 4 Tháng tư 2020.

  1. Gương Nga

    Bài viết:
    175
    Đồng Khánh (chữ Hán: 同慶 19 tháng 2 năm 1864 – 28 tháng 1 năm 1889), tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Thị (阮福膺豉) và Nguyễn Phúc Ưng Đường (阮福膺禟, lên ngôi lấy tên là Nguyễn Phúc Biện (阮福昪), là vị hoàng đế thứ chín của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, tại vị từ năm 1885 đến 1889.

    Đồng Khánh nguyên là con nuôi của vua Tự Đức. Năm 1885, sau khi triều đình Huế bị thất bại trước quân đội Pháp trong trận Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết bỏ chạy ra Quảng Trị, người Pháp đã lập ông lên làm vua, lập ra chính quyền Nam triều bù nhìn dưới sự Bảo hộ của Pháp. Trong thời gian trị vì của ông, thực dân Pháp bắt đầu những công việc đầu tiên để thiết lập nền đô hộ kéo dài hơn 60 năm ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, trong khi triều đình Huế tỏ thái độ thần phục và hòa hoãn, không dám gây xích mích với người Pháp. Đồng Khánh chủ trương tiếp thu nền văn minh Pháp, dùng các mặt hàng Tây phương và từng được người Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Cũng vì nguyên do đó mà các sử sách của Việt Nam sau thời Nguyễn thường đánh giá ông như một ông vua phản động, vì quyền lợi của riêng mình mà cam tâm làm bù nhìn, tay sai cho ngoại bang.

    Đầu năm 1889, Đồng Khánh nhuốm bệnh nặng và qua đời khi còn khá trẻ, chỉ trị vì được 4 năm, miếu hiệu là Cảnh Tông (景宗). Kế nhiệm ông là vua Thành Thái.

    Trích đoạn về vua Đồng Khánh từ "Phần 19 Thời kỳ bắt đầu thuộc Pháp" thuộc "Các triều đại Việt Nam" - Quỳnh Cư

    [​IMG]

    Vua Đồng Khánh (1864-1889), ảnh chụp vào năm 1886 trên Tạp chí L'echo du Nord.​

    Sau khi đầy Hàm Nghi, thực dân Pháp bàn với đại thần cơ mật Nguyễn Hữu Độ và Phan Đình Bình lập Kiến Giang quận công làm vua mới.

    Kiến Giang quận công tên thật là Ưng Đường, sinh ngày 12/1 năm Giáp Tí (1864) con trưởng của Kiên quốc công Hồng Cai, mẹ là Bùi Thị. Năm Ất Sửu (1865) lên 2, được đưa vào cung làm con nuôi thứ 2 của Tự Đức. Năm Quí Mùi (1883) được sắc phong là Kiến Giang quận công. Ngày 19/9 năm Ất Tị (1885) dưới quyền bảo trợ và quyết định của Giám quốc người Pháp, Ưng Đường được lập lên làm vua lấy hiệu là. Ngay từ đầu, vua đã trở thành công cụ trong tay người Pháp. Lễ rước vua mới từ Phu Văn Lâu vào điện Càn Thành do Đờ Cuốc-xy và Săm-pô dẫn đầu. Dọc đường rước vua đi qua có lính Pháp bồng súng và lính Nam vác gươm giáo đứng bảo vệ. Lên ngôi, Đồng Khánh không quên ơn người đã tạo dựng cho mình nên ban liền ba đạo dụ phong Đờ Cuốc-xy tước "Bảo hộ quân vương", phong Săm-pô tước "Bảo hộ công" và tướng Oa-rơ-nô tước "Dực quốc công". Đồng Khánh còn nhờ Đờ Cuốc-xy chuyển tới tổng thống Pháp bức điện thư cảm ơn nước Đại Pháp đã hết lòng vun trồng cho mình và cam đoan sẽ mãi mãi giữ trọn tình giao hảo giữa hai nước. Từ đó, ngày nào, vua cũng tiệc tùng với các quan chức cao cấp Pháp, nhất là sau khi đã cưới con gái Nguyễn Hữu Độ.

    Đồng Khánh càng thân Pháp thì phong trào Cần Vương chống Pháp ngày càng lan rộng khắp nơi. Thực dân Pháp đã phải thừa nhận: "Chưa hề ở xứ nào, thời nào có một ông vua bị thần dân oán ghét như vua bù nhìn Đồng Khánh!" Đồng Khánh cũng tự thú nhận: "Không đời nào tôi có thể tin rằng Hà Tĩnh, Quảng Bình trung thành với tôi, vì hai tỉnh ấy có nhiều sĩ phu quá!"

    Song đời làm vua của Đồng Khánh không được lâu, ngày 25/12 năm Quí Mùi (1888), Đồng Khánh chết bệnh tại chính điện Càn Thành (Huế), 25 tuổi, ở ngôi 3 năm, có 9 người con (6 nam, 3 nữ).

    Những chuyện ít biết về vua Đồng Khánh

    Sau này do những biến động, Ưng Kỷ được đưa lên ngôi trở thành vua Đồng Khánh, đây là việc chẳng đặng trong tình thế rối loạn tại triều đình Huế chứ thực ra việc này là trái với di chiếu của Tự Đức.

    Khi Hàm Nghi xuất cung, trở thành linh hồn của phong trào Cần Vương, giặc Pháp vội vã lập vua là Kiên Giang quận công Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (còn có tên khác là Ưng Đường, Ưng Xụy) lên ngôi để dễ bề thao túng, làm công cụ đàn áp các lực lượng chống lại nền bảo hộ của mình. Ưng Kỷ đăng cơ, lấy niên hiệu là Đồng Khánh có nghĩa là "cùng chung niềm vui", tuy nhiên "niềm vui chung" triều đình Huế và chính phủ Pháp chỉ ở ngôi thiên tử được 3 năm thì "về trời" vào ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tý (1888), thọ 25 tuổi, vì thế có những điều thú vị ít người biết về ông vua thứ 9 của nhà Nguyễn.

    Bị bố nuôi đánh giá không tốt

    Bố nuôi của Đồng Khánh chính là vua Tự Đức, vì không có con nên lấy con của người em trai thứ 4 Thoại Thái Vương (Nguyễn Phúc Hồng Y) là Ưng Chân và hai con của em trai thứ 26 Kiên Thái Vương (Nguyễn Phúc Hồng Cai) là Ưng Kỷ và Ưng Đăng làm con nuôi, dự phòng ngày sau có người kế vị.

    Trong ba người con nuôi ấy, Tự Đức thương yêu Ưng Đăng hơn cả (Ưng Đăng sau này là vua Kiến Phúc), hai người còn lại vua đánh giá không tốt. Tuy nhiên vì Ưng Chân (sau là vua Dục Đức) là con trưởng, đã lớn nên buộc lòng Tự Đức phải cho nối ngôi: "Mắt hơi có tật dù xưa nay vẫn giấu kín, sợ sau này không còn thấy sáng, tính lại hiếu dâm và tâm tính rất xấu, chắc không đương nổi việc lớn. Nhưng đất nước cần có vua lớn tuổi, trong thời thế khó khăn này, không dùng Ưng Chân thì dùng ai?" (Đại Nam thực lục).

    Sau này do những biến động, Ưng Kỷ được đưa lên ngôi trở thành vua Đồng Khánh, đây là việc chẳng đặng trong tình thế rối loạn tại triều đình Huế chứ thực ra việc này là trái với di chiếu của Tự Đức. Trong di chiếu, vua đã đánh giá về người con nuôi thứ 2 của mình như sau: "Ưng Kỷ người yếu hay ốm, có tâm tật, chưa học thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người khác cho lạm thẳng, đều không phải là tư chất thuần lương, theo lời phải; sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được" (Đại Nam thực lục).

    Lên ngôi nhưng vẫn dùng niên hiệu của Hàm Nghi

    Giờ Tỵ ngày Đinh Sửu 11 tháng 8 năm Ất Dậu (1885) tại điện Thái Hòa, Kiên Giang quận công Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (còn gọi là ông hoàng Chánh Mông) làm lễ đăng quang, lên ngôi hoàng đế nước Đại Nam. Điều thú vị là không như thông lệ, đáng ra tân vương phải ban bố niên hiệu của mình nhưng Ưng Kỷ thì không, ông vẫn dùng niên hiệu Hàm Nghi của vị vua tiền nhiệm và cũng là em trai của mình trong các văn bản giấy tờ, chiếu lệnh.

    Trước tình huống lạ lùng này, triều thần đã vào cầu kiến Thái hoàng thái hậu Từ Dũ để xin ban ý chỉ đề nghị vua đặt niên hiệu cho mình. Sách Đồng Khánh chính yếu cho biết như sau: "Tháng 9, chuẩn mệnh lấy từ tháng 10 năm ấy trở đi làm năm Đồng Khánh Ất Dậu. Trước đó đình thần tấu bàn, vâng theo ý chỉ của Từ Dũ Thái hoàng thái hậu nói rằng, Hoàng thượng lên ngôi đã hơn một tháng nhưng vẫn giữ niên hiệu Hàm Nghi khiến trong dân chúng còn đem lòng nghi hoặc. Vì vậy nghị bàn nên dùng ngay niên hiệu Đồng Khánh để ổn định nhân tâm mà không phải đợi đến sang năm. Nay xin tính từ ngày mồng 1 tháng 10 năm nay trở đi đề là ngày tháng năm Đồng Khánh Ất Dậu, đến ngày mồng 1 tháng Giêng sang năm là năm Đồng Khánh nguyên niên cho mới mẻ và thống nhất lòng người. Vua chuẩn y, cho sao chép ý chỉ cùng bản nghị tâu của triều đình ban bố khắp trong ngoài".

    Bị người Pháp ép mua đại bác với giá "cắt cổ"

    Trong biến động thời vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương chống bọn xâm lược, qua các cuộc giao tranh quân Pháp đã thu được một số lượng lớn đại bác. Khi vua Đồng Khánh lên ngôi, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã kiếm cách "xoay" tiền của ông vua bù nhìn này bằng cách ép triều đình Huế mua lại những khẩu đại bác đó với giá "cắt cổ". Theo sách Đồng Khánh chính yếu, Pháp thương lượng "trả lại 9 khẩu đại bác bằng đồng Đại tướng quân, còn lại hơn 600 khẩu thì giao cho nước ta nhận lấy rồi trả bằng tiền, tổng cộng hơn 2 vạn 500 đồng bạc".

    Bị ép trong tình cảnh thiếu thốn, vua Đồng Khánh than thở rằng: "Sau sự biến, phủ khố trống rỗng, nếu chiếu theo giá nhận mua những khẩu súng ấy, không những khuôn máy trước kia đã nhờ mua nhưng từ lâu mà vẫn chưa có, mặt khác tiền bạc cấp thiết dùng cho binh lính thợ hiện nay còn đang liệu xét cắt giảm, đến chi phí nuôi quan binh e còn không đủ cung cấp cho 1-2 năm, thế thì lấy gì để mua.. Thực đúng như ngạn ngữ đã nói tiền mất tật mang, phải lấy đó làm gương. Việc này còn phải suy xét, một đằng e mất tình hòa hiếu, một đằng lại sợ tốn phí, nhưng đây là việc trọng đại, nên giao cho Tôn nhân và đình thần bàn bạc, tâu trình".

    Sách Đồng Khánh chính yếu viết: "Sau đó đình thần phúc tấu, xin cứ tạm mua cho êm chuyện. Vua nghe theo".

    Trừng phạt các bà vợ vì tội lười biếng, tham lam

    Giống như bao vị hoàng đế khác, trong nội cung của vua Đồng Khánh có rất nhiều cung tần, mỹ nữ. Tháng 8 năm Ất Dậu (1885) ngay sau khi lên ngôi, Đồng Khánh đã ban dụ phong tước cho những người vợ của mình theo các bậc khác nhau là phi, tần, tiệp dư, quý nhân, mỹ nhân, tài nhân.. chia nhau phụ trách, cai quản công việc ở tam cung, lục viện và vua căn dặn rằng: "Những người trên phải kính cẩn thực thi nội chức để việc trong nội cung được nghiêm chỉnh. Người xưa từng nói, phải tề gia rồi sau mới trị quốc, đó là điều trẫm vô cùng mong mỏi vậy".

    Thế nhưng chỉ hai năm sau, vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1887) Đồng Khánh đã ban dụ nêu tội trạng và biện pháp trừng phạt đối với các bà vợ của mình. Sách Đồng Khánh chính yếu cho biết vua bực tức nói rằng: "Đặt ra chức vị phi, tần để chia nhau cai quản lục viện và kính cẩn cần mẫn, tiết kiệm cái ăn cái mặc hàng ngày, ngoài việc đó ra không có gì khác gọi là báo đáp.. Nào ngờ bọn sâu mọt đó cam tâm vứt bỏ ân huệ, mỗi ngày một thêm lười biếng.. vì vậy không thể không nghiêm khắc, tùy theo hạnh kiểm của từng người mà phân biệt nghị xử cho nghiêm nội cung".

    Kết quả, vợ chính của vua là Hoàng quý phi do cai quản không tốt hậu cung nên bị nhắc nhở nghiêm khắc, Giai phi vì sớm biết hối lỗi nên được tha. Còn lại các phi tần khác, người thì bị vua đánh giá có cử chỉ thô tục, người bị coi là chơi bời lêu lổng, người thì bị quy kết có tính tham lam, đố kị.. nên đều bị giáng cấp. Trong bài dụ của mình, vua còn răn rằng: "Nếu vẫn giữ thói ấy thì mệnh lệnh đã đưa ra pháp luật sẽ tuân theo mà thi hành, lúc ấy khó bảo toàn được vị thứ" (Đồng Khánh chính yếu).

    Đến thời Đồng Khánh lên ngôi thì chủ quyền quốc gia của nước Đại Nam đã hoàn toàn bị tước đoạt, quyền lực của hoàng đế chỉ là hư vị, bản thân vua Nguyễn chỉ là bù nhìn. Chính vì được Pháp dựng lên, do đó ngay sau khi đăng quang, Đồng Khánh đã gửi quốc thư sang Pháp cảm ơn với lời lẽ xưng tụng thái quá, nào là "nhờ có oai linh ân sủng bảo hộ của quý quốc khiến tệ quốc chúng tôi bảo tồn được tôn xã sau cơn suy vong, ơn huệ ấy thực là to lớn", nào là "sông núi, cỏ cây nước Đại Nam lại có được ngày nay đều nhờ có công của quý quốc", "những mong quý quốc che chở, giúp đỡ để cùng hưởng phúc hòa bình".. (Đồng Khánh chính yếu).

    Sự thần phục, chấp nhận nền đô hộ của Pháp còn được vua Đồng Khánh thể hiện bằng việc cho làm lá cờ bảo hộ để treo khắp nơi, nhất là vào những ngày lễ lớn. Một số tài liệu cho rằng lá cờ của chế độ bảo hộ Pháp được sử dụng từ năm 1923 đến ngày 9/3/1945 nhưng thực ra vào tháng 11 năm Ất Dậu (1885) vua Đồng Khánh đã sai làm 8 lá cờ "Bảo hộ" và ra lệnh cho Viện Cơ mật, Ty Hành nhân cùng sáu Bộ (Lại, Hộ, Hình, Lễ, Binh, Công) phải treo cờ này trong các ngày lễ tết như: Tết Nguyên đán, ngày Quốc khánh Pháp (14 - 7 dương lịch).. Lá cờ bảo hộ có nền vàng, ở góc trái trên cao là hình quốc kỳ Pháp, sách Đại Nam thực lục Chính biên mô tả như sau: "Mẫu cờ (chia làm 4 phần) :3 phần dùng sắc vàng, trong đó một phần phía trên ở chỗ gần mặt trên trục, 1 phần 3 dùng sắc xanh, trắng, đỏ; giao cho các địa phương tuân theo mà làm."

    Theo Lê Thái Dũng (PL&XH)
     
    Last edited by a moderator: 11 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...