Review Đồng Hồ Mặt Trời: Đồng Hồ Thái Dương Ở Bạc Liêu

Thảo luận trong 'Địa Điểm' bắt đầu bởi Susuvivi1993, 23 Tháng ba 2019.

  1. Susuvivi1993

    Bài viết:
    26

    Đồng Hồ Thái Dương - Di Tích Độc Đáo Duy Nhất Ở Việt Nam


    Chào mọi người, tôi tên Thúy Vi là một người con của quê hương Bạc Liêu thân thương, được biết đến với những bản dạ cổ hoài lang, những giai thoại về công tử Bạc Liêu một thời lừng danh. Ngoài ra có nhiều địa điểm tham quan thú vị khác như Chùa Xiêm Cán, Công trình điện gió, vườn chim Bạc Liêu.. nhưng hôm nay tôi muốn giới thiệu cho mọi người biết đến đó chính là Di tích Đồng hồ Thái Dương hay còn gọi là chiếc Đồng hồ đá.

    [​IMG]

    Ảnh: Tôi và chiếc đồng hồ xuất hiện trong chương trình chiếc nón kỳ diệu năm thứ 13.

    Đây là chiếc đồng hồ Đá do Ông Lưu Văn Lang – một vị Bác Vật đầu tiên ở Việt Nam chế tác vào thế kỉ XIX. Là một công trình kiến trúc mang tính khoa học cao ở Bạc Liêu.

    Ông Lưu Văn Lang sinh năm 1880, mất năm 1969, tại làng Tân Phú Đông, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Từ nhỏ, ông theo học chữ nho, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, vốn có sẵn trí thông minh, học giỏi nên ông thi đỗ tú tài 2 (Pháp) là trường đào tạo kỹ sư lớn nhất nước Pháp thời bấy giờ.

    Năm 1904, ông tốt nghiệp trường đào tạo kỹ sư tại Pháp hạng giỏi, là người kỹ sư đầu tiên của Nam bộ được đào tạo ở Pháp, người dân Nam bộ lúc bấy giờ thường gọi ông là bác vật Lang.

    Từ năm 1909 – 1940, ông làm việc tại Sở Công chánh Sài Gòn. Là nhà khoa học xuất sắc nên được người Pháp giao theo dõi xây dựng cầu đường ở miền Tây Nam bộ. Các tỉnh trưởng khu vực Tây Nam bộ lúc bấy giờ rất quý trọng ông, đặc biệt là tỉnh trưởng Bạc Liêu có mối giao hữu thâm tình. Mỗi lần ông về công tác đều được tỉnh trưởng mời tới chơi, dùng cơm thân mật. Để đáp lại lòng hiếu khách, ông đã xây tặng tỉnh trưởng Bạc Liêu chiếc đồng hồ Thái Dương.

    Đồng hồ được xây bằng gạch thẻ, mặt đồng hồ ốp gạch Tàu, cao 1 mét, rộng 0, 8 mét, xem giờ dựa vào bóng nắng. Nguyên lý hoạt động của đồng hồ được lý giải như sau: Nhìn trên bề mặt đồng hồ có ba phần! Phần ở giữa là một khối hình chữ nhật nhô ra phía trước, hai khối hình vuông xây bằng gạch cân đối hai bên, mỗi bên vạch 6 số La Mã từ I-XI để chỉ giờ. Phần khối hình chữ nhật chính giữa nhô lên giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các số ở hai bên đồng hồ, chia mặt đồng hồ thành hai mảng sáng tối rõ rệt. Điểm giờ nằm trên lằn ranh giới giữa hai mảng sáng - tối này đến đâu là chỉ thời gian đến đó.

    [​IMG]

    Đồng hồ đá được nghiên cứu xây dựng và ứng dụng theo đường chiếu ánh sáng của mặt trời, do vậy chỉ có thể ứng dụng vào ban ngày. (Nói thêm: Chính vì sự chính xác cao của chiếc đồng hồ đá nên trong tư liệu còn ghi rất rõ là "Lúc bấy giờ, không chỉ ông thông, ông phán, ông huyện ghé xem giờ trước khi vào dinh trình giấy tờ, mà cả quan ba, quan năm cũng ghé xem và vặn lại dây cót đồng hồ Tây cho chuẩn").

    Một điều kỳ diệu là nó không cần đến bất cứ một loại máy móc, kim loại nào, chất liệu đơn thuần bằng gạch, đá, chỉ lấy ánh sáng mặt trời để xem giờ. Nhưng sau gần 100 năm, chiếc đồng hồ này vẫn "chạy" khá chính xác như những chiếc đồng hồ hiện đại, chỉ sai lệch khoảng 2-5 phút vào những ngày ảnh hưởng chu kỳ của vòng quay trái đất.

    Mọi người biết không, đồng hồ mặt trời là công cụ theo dõi thời gian dựa vào thiên văn và toán học. Chính vì vậy, Đồng hồ Thái Dương (hay còn gọi là Đồng hồ Đá – Đồng hồ Mặt trời) ở Bạc Liêu hiện nay có thể xem là một di tích độc đáo duy nhất ở Việt Nam.

    Tôi vừa giới thiệu đến mọi người về điểm tham quan đồng hồ Thái Dương ở Bạc Liêu quê tôi. Hi vọng mọi người sẽ có dịp đến tham quan nhé!
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng chín 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...