(Bản audio do kênh Đất Quê phát hành, diễn đọc bởi Hoàng Uyên) Đờn Cò Ai Gieo Chi Nửa Đoạn Tác giả: Bách Tuế Miêu Thể loại: Truyện ngắn, làng quê Nam Bộ Bỗng dưng thấy đời sầu thêm mấy khúc.. Chiều ui ui nắng, người trong xóm Ruộng đang chuẩn bị dọn cơm thì nghe văng vẳng tiếng ai than từ phía suối truyền về, giọng hờn nỉ non ai oán tới mức làm cho tất thảy mọi người dù đang làm gì cũng phải lập tức khựng lại, ngay cả mấy đứa con nít đã há đến mỏi miệng chờ mẹ đút cơm cũng phải ấm ức mà ngậm họng. Rõ ràng là tiếng khóc! Lại còn là tiếng khóc quen đến nỗi chẳng ai còn muốn đứng dậy nhìn coi là có cái chuyện gì. Họ chỉ dỏng tai lên, thở dài mấy hơi, đảo mắt ngó ra cửa một cái rồi ai lại làm việc nấy, nhịp đời chẳng mấy mà đã trở lại như bình thường, người lớn lại làm việc của người lớn, mấy đứa nhỏ lại làm việc của mấy đứa nhỏ - cụ thể là híp mắt cười hì hì ngậm lấy cái muỗng cơm đầy ăm ắp thịt cá đang kề sát miệng mình, có đứa gật gù cười bập bẹ hô ngon ngon, cũng có đứa ọ ẹ nhăn nhó rồi phun hết ra ngoài. Kèm theo đó là tiếng "chư vị phụ huynh" hoặc khen ngợi hoặc gắt gỏng cất lên làm lấn át cả cái âm thanh chát tai vừa vang lên từ mé suối. Ông Năm vừa è ạch bưng mâm cơm để xuống cái giường tre đặt dưới hiên nhà, thấy tôi đứng chỗ bậc thềm nhướng cổ ngóng ra hướng ruộng thì có hơi ái ngại, ổng vừa xới cơm vừa cười cười giải thích: - Thầy đừng lấy làm lạ! Bà Hai Hậu đó, chuyện này xảy ra kể cũng lâu rồi, từ khi con bả không còn thì mỗi ngày một bận, cứ chiều chiều là bả lại bắt đầu cất tiếng khóc hờn con, không biết vô tình hay cố ý mà mỗi lần bả khóc đều đúng vào giờ cơm. Ban đầu người trong xóm còn thấy xót bẻ, còn thấy rầu, thấy ăn không vô, ai cũng lo lắng chạy xuống nhà bả để hỏi han, nhưng tình trạng cứ kéo dài mấy tháng nay thì đành chịu, chẳng ai còn có hơi sức đâu mà quan tâm tới nữa. Tôi vừa xỏ dép bước xuống được mấy bước, nhưng vì những lời này mà phải quay trở vào. Thấy cơm nước đã bày biện xong xuôi, tôi bỏ đôi "vó" cũ mèm dưới đất rồi phủi chân nhích người ngồi lên giường, mấy thanh tre kêu lên keo kẽo mấy tiếng như đang lầm rầm mắng tôi thừa cân dư kí, tôi cũng mặc kệ, đưa tay nhận lấy bát cơm nấu củi thơm nứt được xới vun và đôi đũa tre từ tay ông Năm rồi với tay gắp một cọng củ cải ngâm nước tương vùa cơm cho đỡ nhạt miệng nhưng khi nuốt xuống, cái vị mặn đơn thuần "nhạt nhẽo" của nó lưu lại ở cổ làm tôi bỗng dưng có chút bực mình. Ngừng đũa, tôi ngẩng đầu nhìn vị chủ nhà đang bình thản thưởng thức mấy món thanh đạm trước mặt, cố tình chọc nguấy: - Tui với ông chơi chung từ hồi cởi truồng tắm mưa chứ xa lại gì mà giờ bắt chước ai kêu tui bằng thầy? Học tui bữa nào mà kêu thầy? Ông Năm nghe tui nói lẫy, cũng chỉ cười cười, không tỏ ý trách. Tôi thấy ổng như vậy, cũng tự biết mình "dở hơi". Ông này mà kiếm chuyện làm khó ổng thì khác nào là tự mình ôm cục tức, chớ thằng cha Năm Hiền này xưa nay nổi tiếng không biết nóng giận là "cái giống gì", ai giận thì giận, ai lớn tiếng thì lớn tiếng, ổng cũng chỉ cười, gật gà gật gù ra bộ "anh nói gì cũng đúng" chớ trong bụng xem đối phương như không khí, tôi còn lạ gì? Nhiều lần nói chuyện với ổng tự dưng tôi nghĩ, đời này có khi nào cũng giống như trong truyện cổ tích xưa, có tiên nhân trên trời ngẫu hứng chu du cõi phàm cõi tục, gặp người trần mắt thịt có làm cái gì sai quấy cũng chỉ nói một câu "chấp mê bất ngộ" rồi cho qua. Đương nhiên, ổng là tiên, còn tôi là tên người phàm đang đứng dưới đất ngóng cổ lên trời mà nhìn trăng ngó sao. Tôi chậc lưỡi, không muốn bẽ mặt thêm nên đành lựa lời lấp liếm cho qua: - Nói thì nói vậy thôi, dù gì thì ba cái xưng hô cũng chỉ là lời nơi cửa miệng, có quan trọng gì mấy đâu? Nãy ông nói bà Hai Hậu, con bả là thằng Tâm đúng không? Hai năm trước tui về thăm quê thấy nó vẫn còn khỏe mạnh, giờ sao lại chầu ông bà rồi? Ông Năm Hiền lại cười không vội đáp, ổng nhón tay gắp mấy cọng rau lang xào tỏi cho vào miệng nhai nhóp nhép, chỉ có mấy món chay "nhạt thếch" mà ổng ăn ngon lành, miệng ngồm ngoàm như rồng cuốn làm cho tôi phải nghi ngờ không biết vị giác của mình có phải là có vấn đề hay không nên cứ ngồi đơ ra như vậy, ngơ ngác giống như đang nhìn thấy cái chuyện lạ nhất trên đời. Chắc là cái nhìn của tôi quá mức chăm chú hay giả như ổng đã mọc thêm con mắt thứ ba trên đỉnh đầu, nên dù không ngẩng lên nhưng ổng vẫn biết tôi nhìn, tưởng đâu ông "bạn già" nuốt cơm không trôi nên ổng cứ thong thả vừa nhai vừa nói: - Thầy về quê chơi mà ăn cơm với tui là khổ cho thầy, nông dân mà, ăn rau ăn rác quen rồi, thịt thà cá mắm gì thấy cũng không ưng được, thầy chờ một lát để tui gọi bả bưng lên mấy món mặn. Biết ông Năm không nói giỡn chơi nhưng tôi vẫn lắc đầu từ chối nhã ý của ổng, bởi cái lẽ ở xứ này ai cũng biết Năm Hiền ăn chay trường, ngay từ cái thuở còn chưa lên mười, tính tới nay là phải hơn bốn chục năm rồi. Không hiểu vì sao, nhưng tôi luôn có cảm giác không được thoải mái khi nghĩ đến việc đem thịt thà cá mắm bày ra trước mắt "thằng cha" này. Bởi vậy, tôi quơ đũa chối đây đẩy: - Thôi thôi! Tui ăn uống thì bao nhiêu, mà ông nói thử coi, sao thằng Tâm nó lại chết? Thấy tôi lần nữa nhắc lại chuyện thằng Tâm, ông Năm không kiềm được tiếng thở dài, ổng gác đũa ngó ra ruộng, nhìn về cái căn chòi lá nằm heo hút sát bên mí suối, cặp mắt in đầy dấu chân chim trong phút chốc bỗng dưng trầm xuống mấy phần, lại thở dài thêm mấy lượt. Chần chừ một hồi, không thể làm lơ trước sự trông chờ của tôi, ổng chậc lưỡi mấy bận, cuối cùng lại lắc đầu giống như đang từ chối sự thật làm như khó xử, hoặc giả là ổng biết chuyện mình sắp nói sau đây sẽ khiến cho tôi đây chả còn tâm trạng nào để mà cơm nước. - Thôi! Chuyện đó thầy với tui ăn cho xong bữa rồi nói. Nghe đâu con thầy vừa đậu Đại học hả? Tôi gật đầu, biết ổng cố tình lại sang chuyện khác nên tôi cũng thôi không gây khó dễ, trong tiếng chén đũa chạm nhau khe khẽ, tôi với ông Năm chỉ nói với nhau qua loa vài chuyện vụn vặt hàng ngày, một bữa ăn thanh đạm kéo dài đến hơn một tiếng cứ vậy mà trôi qua. Đằng mé chân trời, mấy tia sáng màu cam cam đã bị tối tăm vội vàng lôi đi đâu mất, không gian chẳng mấy chốc mà chìm nghỉm vào bóng đêm đen như đổ mực. Thấy tôi gác đũa, ông Năm kêu mấy thằng nhỏ, đứa thì đi đun nước, đứa cùng với ông khiêng giường ra giữa sân, lúc tôi đi tắm ra thì thấy ổng đã tự mình pha một bình trà đặc, đốt nhang muỗi ngồi đó mà chờ. Giữa đêm tối u u tiếng gió đồng, trời vắng trăng thưa sao, ông ấy ngồi xếp chân trên cái giường tre được đánh sơn bóng loáng, ôm cây đờn cò "gia bảo" mà kéo. Cây cung kéo đờn đưa qua đưa lại, tay ổng rung rung, cả người lắc lư thả trôi theo dòng âm thanh héo hắt nghe mà "rầu thúi ruột". Tiếng đờn sầu hòa cùng tiếng dế ri ri và những thanh âm không thể gọi tên vọng vào từ bốn phía hệt như một đoạn nhạc bi thương mà còn không kém phần sầu thảm. Ở trên nền nhạc ai oán đó, giọng ông Năm trầm trầm bắt đầu kể lại câu chuyện liên quan đến mẹ con Hai Hậu xảy ra vào hai năm trước – sau khi tôi trở về thành phố chưa lâu. - Chuyện bắt đầu từ khi thằng Tâm dắt một đứa con gái về ra mắt bả.. Con nhỏ là dân miền Tây, đẹp người đẹp nết, cái gì cũng tốt, ngặt nỗi.. Bà Hai Hậu ban đầu cũng vừa ý lắm, còn đi khoe khắp xóm khắp làng, người ở đây ai cũng tưởng, cũng trông chờ về một cái đám cưới rình rang vui vẻ sắp sửa diễn ra ở cái chốn đồng không mông quạnh này, có ai mà ngờ.. Tôi bưng chung trà uống cái ực, dòng nước ấm thơm đậm hương sen đã trôi qua cổ mà cái dư vị đắng nghét vẫn còn chưa phai trong cổ làm tôi suýt sặc. Nhưng tôi biết, vị đắng của trà chắc cũng chẳng là gì so với cuộc đời của những người trong câu chuyện mà mình sắp sửa phải nghe. Theo giọng kể của ông Năm, tôi bỗng thấy trước mắt mình hiện lên hình ảnh một người đàn bà khắc khổ.. Bà Hai đẩy chiếc xe đạp cũ bong sơn lê từng bước nặng nhọc trên đường bờ, con đường này bà đã qua lại không biết bao nhiêu lần trong đời, nhưng lần này, bà bỗng dưng thấy chân mình nặng nề đến lạ. Từng lời "phán" bằng cái giọng the thé chói tai cùng điệu bộ trợn mắt há mồm của một gã trung niên mặc áo dài phi bóng màu xanh chuối có đôi môi mỏng tô son đỏ ối, da trắng như trứng gà bóc và mái tóc để dài buông kín lưng ngồi trong ngôi nhà mù mịt khói hương mà người ta hay gọi là Cô Chín như châm vào tim bà từng nhát kim, nửa đau nửa nhói mà không biết làm thế nào mới có thể dứt ra được. "Con bà với nữ này là nghiệt duyên, đại kị, nó mệnh hỏa, con bà mệnh kim, nó tuổi dần, còn con bà tuổi hợi, nó sinh vào ngày, tháng, năm đều chí âm, lại còn nhầm vào cung Thiên Sát, là người sinh ra đã mang sẵn số sát phu, sát phụ, sát mẫu. Cưới nó về, không chỉ bà khó an mà con bà cũng sống không quá một năm." Làm sao được? Chồng bà mất sớm, bà nuôi con một mình đến tận bây giờ, bà chết thì cũng thôi nhưng nếu nó cũng chết rồi thì bà biết sống làm sao cho được? Cuộc hôn nhân này, nếu Cô đã nói vậy thì bà nhất định không đồng ý. Bà vừa đi vừa ngẫm lại, hình như con bà từng nói cha mẹ của con nhỏ đó đều mất sớm, nó sống với bà ngoại. Hai cái điều sát phụ sát mẫu vậy là không có gì để bàn cãi, còn cái sát phu, chắc cũng không thể nào sai được. Bà Hai Hậu bặm môi, bước chân mỗi lúc một nhanh, chiếc xe đạp bong sơn rỉ sét bị đẩy gấp trên con đường ruộng gồ ghề làm cho sợi xích cũ mèm lỏng lẻo liên tục va vào khung sắt làm vang lên những tiếng lốp cốp. Bà đi vội vàng, giống như chỉ chậm thêm một chốc nữa thôi thì toàn bộ quyết tâm của bà sẽ bị gió đồng cuốn bay đi bằng hết. Chẳng bao lâu, căn nhà nhỏ quen thuộc đã hiện lên trước mắt, bà đá chống xe trước cửa rào bằng tre gai, bước chân vội vã như đang chạy. Bà đi vòng qua hông nhà, rồi lại vào nhà, gấp gáp, cuống cuồng đến mức mồ hôi trán đầm đìa từ lúc nào mà bà không hề hay biết, bà hổn hển, thấy lồng ngực mình thắt lại. Bất chợt, tiếng cười giòn giã của đôi trai gái trẻ cất lên làm đôi mày thưa thớt trên gương mặt già nua lập tức chau chặt lại. Bà Hai thấy thực bực mình. Chồng bà chết đã lâu như vậy, bà ở góa nuôi con lớn như vậy, mà bọn nó còn cười. À ha! Còn cười! Vui vẻ gì mà cười! Sắp hại chết con bà mà còn cười. Cái đồ quỷ đồ ma u mê chướng khí! Cái đồ mất nết mất na! Bước chân già hùng hục, cơn tức len lỏi lan tràn trong từng mạch máu khiến cho mặt bà Hai đỏ phừng phừng. Cánh cửa gỗ bị đẩy ra bất ngờ, đập mạnh vào tường kêu cạch một tiếng làm cho hai người đang đùa giỡn bên trong giật nảy mình. Nhưng tụi nó còn giật mình hơn khi người mẹ hiền lành mọi người bỗng dưng biến thành một bà già chanh chua hung tợn. Đôi môi nhợt nhạt liên tục khép mở, mấy lời chói tai như nước chảy từ đó nối gót nhảy ra, chạy tứ tán vào không gian xiêu vẹo của văn nhà, mấy nếp nhăn xô đập vào nhau, gương mặt bà Hai lúc này hung ác hệt như mụ phù thủy độc địa trong mấy câu chuyện cổ. Cô gái trẻ ứa nước mắt, tự dưng phải nhận những lời sỉ vả cay nghiệt nặng nề vô căn cứ, cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra, càng không thể chấp nhận được việc mình khi không lại bị người ta xúc phạm, cho dù người đó có là mẹ thằng Tâm. Cổ giận xanh mặt, giận tím gan, vậy mà cổ lại không nói không rằng, chỉ dùng đôi mắt đỏ au nhìn thằng Tâm như người xa lạ, trả nhãn rồi gật đầu chào hai mẹ con, cổ quay lưng vơ hết quần áo cho vào va-li, bước ra khỏi cửa mà không them quay đầu nhìn lại lấy một lần, thằng Tâm muốn đuổi theo thì bà Hai lại sống chết ngăn cản. - Mày mà theo nó! Tao chết cho mày coi! - Má! Rốt cuộc là tại sao vậy má? Nó hỏi, mà mắt nó rơm rớm. Nó khóc? Đã bao nhiêu năm rồi bà Hai không thấy con mình khóc? Mười năm? Hai mươi năm? Hay hơn? Bà cũng không nhớ nữa. Vậy mà hôm nay nó lại khóc, khóc vì một đứa con gái không phải máu mủ cũng chẳng ruột rà. Cô Chín nói không sai, cưới con nhỏ này về nhất định mẹ con bà sẽ không thể nào mà sống yên thân cho được. Bằng tất cả quyết tâm của một bà mẹ thương con, bà Hai Hậu lôi tuột con mình vào buồng, vừa khóc vừa kể cho nó nghe những vất vả gian truân suốt cả cuộc đời mình, kể cho nó nghe mình đã phải cực khổ thế nào, phải đau đớn ra sao khi chồng mất sớm, dòng họ nội ngoại hai bên ở xa không giúp ích được gì, kể cho nó nghe những lúc nó ốm đau, bà phải bỏ làm, nhịn đói nhịn khát để ở nhà chăm sóc nó, cũng không quên kể lại những lời mình vừa được "Bề Trên" dạy dỗ, cuối cùng kết luận bằng câu: "Không có con, má sống không nổi". Sau hôm đó, thằng Tâm có quay lên Thành phố để lấy đồ đúng một lần, sau thì không đi nữa, nó đem tấm bằng cử nhân kinh tế về đóng khung treo lên tường. Rồi cứ vậy mà ở nhà với má nó, ở lại xóm Ruộng, ở lại nơi đồng quê trống trải vắng bóng đèn hoa, làm một chàng nông dân chân lấm tay bùn, làm một người con ngoan theo như mong muốn của má nó. Rồi từng chiều, khi mà đám cò ma nháo nhác tìm về tổ hết, nó lại ngồi bên bờ suối ngóng theo mấy tia sáng hời hợt mà vầng tịch dương tùy tiện ném lên trời. Mắt nó buồn đến lạ, hình như nó nhớ.. Bà Hai Hậu đứng dưới chái hiên, lặng thinh nhìn bóng lưng cằn cõi của đứa con trai duy nhất, rõ ràng là nó đang bên cạnh bà, nhưng bà vẫn thấy dường như mẹ con hai người đã cách xa nhau đến mức không bút mực nào còn có thể tả xiết. Bà đã nhờ người mai mối, giới thiệu cho nó không biết bao nhiêu đứa con gái quê chất phác hiền lành, tuổi tác tính tình đều hợp, "Bề Trên" cũng rất ưng, bà cũng ưng dữ, mà nó vẫn lắc đầu, vẫn im lặng cười buồn buồn rồi lủi mất, chẳng lẽ trong lòng nó vẫn cứ nhớ về con nhỏ đó sao? Bà siết chặt bàn tay nhăn nheo do nhiều năm ngâm nước và phơi dưới nắng mưa, bên trong là một gói nước bùa mà bà vừa xin được, có lời Cô Chín dặn dò cặn kẽ, bà còn cái gì không nỡ nữa đây? Thằng Tâm tiếc nuối nhặt một hòn gạch dẹp ném ra giữa suối rồi đứng dậy đi vào nhà, rõ ràng bên trong đã có điện sáng choang nhưng lòng nó vẫn tối tăm nặng nề như có ai đem cột vào đá tảng. Tâm ngước mắt nhìn căn nhà nho nhỏ được lợp ngói vẩy cá và tường trát màu vàng đã úa màu rêu phong – đây đã từng là ngôi nhà của nó, vẫn tấm ảnh cũ nằm trên bàn thờ, vẫn cái phản gỗ, vẫn cái xe đạp cũ đã tróc đi không ít mảng sơn, vẫn ngồi ở kia – mẹ nó, nhưng sao bây giờ dù cảnh hay người cũng đều không còn chút cảm giác thân thuộc? Tâm len lén thở dài, âm thanh tưởng chừng thật khẽ này lại khiến cho bà Hai thấy lòng mình ầm ầm như sóng dậy. Con bà không dám nhìn bà, nó đang né tránh. Bà tin rồi, bà tin lời Cô Chín nói, thằng con bà đã bị con nhỏ đó bỏ bùa, ba hồn bảy phách đã đi theo nó hết nửa, vậy nên con bà mới như vậy, mới thờ ơ lạnh nhạt với chính cả mẹ mình. Bà Hai ngầm siết tay một cái, vờ như không có chuyện gì đẩy li cà phê sữa đá vừa pha xong về phía con trai, gương mặt gượng gạo phải cố hết sức mới có thể nặn ra một nụ cười: - Uống thử đi con! Tâm cũng không hỏi, chỉ nhận lấy ngửa cổ nốc một hơi. Sau khi tận mắt thấy con mình uống hết non nửa li, bà Hai mới vui vẻ xới cơm, hai mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, Hai Hậu cảm thấy hình như khoảng cách giữa hai mẹ con được kéo lại thật gần. Cũng chính điều này, đã vô tình khiến cho bà Hai Hậu càng thêm tin tưởng "thuốc thánh" mà Cô Chín cho mình. Và từ đó, người xóm Ruộng lại có dịp trông thấy một người đàn bà gầy nhom ốm yếu mỗi tuần lại có hai ba ngày phấn khởi đạp xe qua xã bên, bà đi một mình, không lúc nào cho phép đứa con quý hóa của mình đi theo. Mới đó mà đã qua hơn năm, chỉ một năm ngắn ngủi vậy thôi, thằng Tâm từ một chàng trai vẻ ngoài thư sinh đẹp mã, đã biến thành một anh nông dân đen nhem nhẻm suốt ngày quần quật với ruộng trâu. Chính nắng gió nơi vùng quê nghèo này và những nỗi u uất trong lòng không biết tỏ cùng ai đã khiến nó gầy xộp đi, má lõm sâu mà hai mắt cũng phờ phạc thất thần, thay đổi nhanh đến mức ai thấy cũng phải kinh ngạc. Duy, chỉ có má nó là vui vẻ, bà vui bởi con bà từ lâu đã không còn ngồi ngoài mé suối vô định ngóng về một phương hay thi thoảng cất tiếng thở dài, nó chỉ biết có bà, chỉ trông đợi bà, hay đúng hơn là trông chờ đến tối để được uống những li cà phê sữa mà bà tự tay pha. Cô Chín nói rồi, con nhỏ đó thỉnh bùa rất cao tay, nếu không dùng thuốc thánh của Cô thì sớm muộn gì bà cũng sẽ mất con, ốm thì có thể mập mạp lên, nhưng hồn vía đã bị mất đi thì không tài nào tìm lại được. Nhưng thằng Tâm không chờ được đến lúc đó. Một ngày nọ, nó còn chưa kịp uống li nước mà má nó đưa thì đã gục xuống bàn, đầu nghiêng một bên, mắt trắng dã còn mở trừng trừng, lồng ngực lõm thật sâu rồi lại phình căng ra, phập phồng ngắt quãng giống như nó đang dùng hết sức lực còn sót lại để thở. Bà Hai hốt hoảng, lớn tiếng hét lên. Tiếng hét của bà vang vọng giữa đêm làm cho người dân xóm Ruộng đang say giấc phải choàng tỉnh. Ông Năm cùng với mấy thằng con trai là những người đầu tiên xuất hiện, không để bà Hai kịp nói rõ đầu đuôi, họ đã vội vã mang theo đèn pin vác thằng Tâm chạy băng băng trên đường bờ, tiếng động cơ xe máy nổ lên, chẳng mất bao nhiêu thời gian thì thằng Tâm đã an tường nằm trên giường bệnh trắng tinh. Đáng lí lúc này bà con phải vì thằng Tâm qua cơn nguy kịch mà vui mừng, nhưng nhìn đến cơ thể ốm yếu như người đói lâu ngày của nó thì không ai có thể cười nổi. Rốt cuộc là vì cái gì mà nó tàn tạ đến nông nỗi này? Nhưng dù thắc mắc, cũng không ai hé môi hỏi lấy nửa lời. Ở với nó một đêm, chờ bà Hai tới thì mọi người cũng về hết cả. Qua đôi ba bữa, ông Năm lại lên thăm, mới hay bà Hai Hậu đã đưa con trai về nhà, ông vội vã đến tìm thì thấy trong nhà tràn ngập khói nhang, thằng Tâm không nhúc nhích, nó nằm trên giường, hai mắt mở to nhìn lên trần nhà, còn bà Hai đang quỳ trước một cái bàn thờ mới đặt, thành tâm khấn nguyện với tấm "ảnh thờ" được phủ bằng vải trắng không nhìn rõ hình dáng mà bà gọi là "Bề Trên", ai hỏi cũng nói con mình bị cô người yêu kia hãm hại bằng bùa ngải, bác sĩ không thể làm gì được, chỉ có Cô Chín mới cứu được con bà.. Tiếng Bà Năm gọi hai anh em vào ngủ từ trong nhà vọng ra đánh thức tôi từ trong tiềm thức. Thấy ông Năm đã buông cây cung đờn, cẩn thận cất vào trong hộp rồi sửa soạn đứng dậy, tôi vội vã níu tay áo ổng, hỏi gấp: - Sau đó thì sao? Ông Năm lắc đầu thở dài, buồn rầu nói: - Còn sao nữa, tui không biết thằng "Chín bóng" đưa bà Hai thuốc gì, chỉ biết bả liên tục cho thằng Tâm uống thứ đó, ai can cũng không nghe, ban đầu nó không có thấy nhung nhớ buồn khổ gì, cũng không thấy đau đớn mệt mỏi, nhưng lâu dần cứ nhớ nhớ quên quên, nội tạng và xương cốt bên trong đều mục rửa, chỉ còn cái túi da bọc bên ngoài, đến lúc không còn chịu được nữa thì.. giống như thầy đã thấy đó, bỏ lại bả. Rồi kể từ đó bả cứ chạng vạng mỗi ngày đều ngồi ở mé suối khóc con, khóc chán rồi lại nỉ non gọi tiên gọi thánh vì sao không cứu con mình, lại còn mắng chửi cô con dâu hụt là kẻ ác nhơn hãm hại con bả. Nhưng bả có biết đâu, bả mới là người hại con, rồi hại cả mình. Tôi chậc lưỡi, cũng không biết nên nói thế nào cho phải. - Chắc là do bả khổ quá, mới mê muội.. Năm Hiền vậy mà lắc đầu, tỏ ý không đồng tình. - Theo tui thấy, đức tin là sáng cũng là tối, nhưng sáng hay tối thì trước hết cũng xuất phát từ chính trong tâm của mình. Trên đời có bao nhiêu tôn giáo, đếm không nổi, nhưng đều phải hướng con người tới cái thiện cái tốt, còn hướng người ta đi sai đường lạc lối, thì không có xứng.. Lúc đó tôi chợt cười rầu, nụ cười này xuất phát từ thật tâm nhưng cũng mang đầy gượng gạo, bởi cái lẽ tôi cảm thấy vốn ngôn từ mình đã tích góp mấy chục năm lúc đối diện với ông Năm lại không còn đủ để dùng. Ông ấy nói không sai, đời có vạn đạo, nhưng ngẫm thật kĩ thì cái xứng đáng gọi là "đạo" đều phải quy về một chữ "nhân". Còn những thứ mê tín dị đoan xúi giục người ta làm ra những chuyện hại mình hại người, thì làm sao có thể xưng là "đạo"? Ông Năm nói xong, bưng cái mâm trà với cây đờn quý của ổng thủng thẳng đi vào trong nhà, từ mé suối thi thoảng vẫn vọng lên tiếng ai oán ai than làm đêm đã sầu càng thêm não ruột. Tôi ngớ người nhìn đốm đèn lúc tối lúc sáng ở phía suối, không hiểu vì sao lại thấy bồn chồn. Trời tang tảng sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng người nháo nhác ồn ào, có người hoảng hốt, có người hờ hững, cũng có người thở dài. Nhưng chung quy là bọn họ đều nhắc đến một chuyện: Bà Hai chết rồi. Bà Hai Hậu chết rồi. Người đàn bà cô độc đó chết rồi. Chết khi không còn chồng mà cũng chẳng có con. Tôi nghe loáng thoáng chẳng biết là người nào nói: Đêm qua bả khóc một trận dai dẳng đến tận nửa đêm thì im bặt, đến gần sáng thì người đi gỡ lưới nhìn thấy thì bả đã lạnh ngắt dưới suối. Tôi lần thần khoác áo đi ra ngoài, vừa hay chạm mặt ông Năm vận bộ áo dài trắng đội khăn đóng từ ngoài cửa đi vào, thấy tôi, ổng lại thở dài, dường như áy náy lắm. - Thầy, tui không định phiền thầy, nhưng sẵn lúc thầy ở đây, nhờ thầy viết dùm tui bài điếu.. Tôi gật đầu, quay trở vào trong nhà, tìm đại một chỗ ngồi xuống, lướt tay viết đầy ra trang vở trắng mà ông Năm mới đưa. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là mấy lời ai ai oán oán, tiếc tiếc thương thương người vắn số, còn tôi, tôi không biết bản thân đang có cảm giác gì, là dửng dưng hay là thương tiếc? Kí ức về người đàn bà khổ sở ấy trong đầu tôi vốn chỉ mơ hồ, bây giờ lại rõ ràng hơn ít nhiều. Giống như đang lần mở sách, hình ảnh bắt đầu từ khi mà chúng tôi còn trẻ, Hai Hậu như một bông lúa ngậm sữa xanh mơn mởn theo ba má về đây lập nghiệp, hình như ông Năm đã từng có ý với bà Hai, nhưng vì lí do gì đó, duyên hai người lại không thành. Hình như là không hợp tuổi, đúng như vậy, cũng là không hợp tuổi! Nhớ năm xưa, ông Năm còn từng tìm tôi khóc lóc một trận. Sau đó, ba má bà Hai lần lượt qua đời, bà lấy ông Hai qua sự mai mối của một người họ hàng xa, nghe đồn rằng bọn họ rất đẹp đôi, tuy chưa quá thân quen nhưng tuổi tác ngày giờ hết thảy đều là "trời sinh một cặp", vậy mà được có hai năm.. Bà Hai ở vậy nuôi thằng Tâm khôn lớn.. Ba ngày sau, tôi trở về Thành phố trong một chiều mưa tầm tã, sau khi tang lễ của người đàn bà khắc khổ kia đã xong xuôi. Ngồi trên xe, tôi ngiêng đầu tựa vào cửa kính, thả hồn mình theo những giọt nước đang thi nhau va vào bên tai lộp độp, tôi lại nhớ về người đàn ông mặc áo dài trắng đội khăn tang, ôm đờn cò ngồi trên phản tấu lên mấy khúc nhạc cổ xưa sầu não mà không phải ai cũng nghe quen được, trong đó có khúc nhạc gọi là "Nam Ai" mà ổng đã đờn cho tôi nghe không ít lần. Chẳng biết là do cây đờn đó đã quá cũ hay do tâm trạng người đánh đờn sầu não mà khúc Nam Ai mới tấu non nửa thì sợi tơ đồng đã rưng rưng rồi đứt phựt. Tôi bất giác lẩm bẩm: "Nam Ai ai tấu buồn thay Nửa chừng lỗi nhịp đứt dây tơ đờn. Đờn chi nửa khúc chẳng hơn Đờn chi mấy tiếng đời hờn Nam Ai." _____________________HẾT______________________ Bách Tuế Miêu