Đói Yêu Thương - Thèm Tàn Nhẫn Tác giả: Mai Thanh Thể loại: Truyện ngắn Mưa hôm nay tầm tã. Con đường đêm đông đúc người xe qua lại. Họ đội mưa và chỉ cắm mặt vội vã chạy về nhà. Những ánh đèn đường rực rỡ trong đêm như làm sáng cả thành phố nhỏ. Có lẽ, ai cũng nghĩ những em bé được sinh ra và lớn lên ở chốn thị thành là những đứa trẻ hạnh phúc và may mắn. Lẽ đơn giản, chúng được sống nơi phồn thị hào hoa, nơi có những khu vui chơi hay công viên khắp các tuyến đường, nơi mà chúng được bố mẹ cho đi giải trí ăn uống vào cuối tuần. Những cô cậu tiểu thư khi lớn lên, lại thường xuyên tiệc tùng cùng bè bạn ở những nhà hàng sang trọng. Nhưng, đối với Mỹ Hạnh thì khác, cô bé chỉ mới 17 tuổi - cô sinh ra và lớn lên ở thành phố - nơi mọi người vẫn nghiễm nhiên cho rằng: Đó là thiên đường của những đứa trẻ thành thị. Thật ra, với riêng cô bé - nó là nơi sóng gió và chẳng hề bình yên chút nào. Mỹ Hạnh vốn là một cô bé rất vô tư, hồn nhiên, cô cũng muốn có được những niềm vui như các bạn cùng trang lứa. Nhưng bất hạnh thay, cô đã không bao giờ biết đến mùi vị của vui buồn trong cuộc sống từ khi mẹ cô qua đời. Gia đình nhà nội lại mang tư tưởng phong kiến lạc hậu, họ chỉ muốn có đứa cháu trai đích tôn, không cần con vịt trời như cô. Đau đớn nhất khi bố cô cũng là người gia trưởng như thế. Vì vậy, khi sinh Mỹ Hạnh, mẹ cô đã phải trải qua ca phẫu thuật sống chết để gắng gượng cứu sống đứa con gái đầu đời của mình, còn gia đình nhà nội và bố của Mỹ Hạnh thì chả ai quan tâm. Vì quá yếu nên mẹ cô không qua khỏi. Sau khi mẹ mất, bố cô không mấy đau lòng. Ông ta nhanh chóng tìm cho mình một người vợ mới. Cuối cùng, người mẹ kế của cô đã sinh cho gia đình họ một đứa bé trai để nối dõi tông đường. Mỹ Hạnh đau khổ khi phải chào đón đứa em trai nhỏ của mình ra đời. Mặc dù được sống trong gia đình đầy đủ vật chất nhưng có một điều Mỹ Hạnh luôn luôn cảm thấy thiếu: Thiếu tình yêu thương bố mẹ dành cho cô. Hạnh luôn thèm khát sự chăm sóc, quan tâm từ bố mẹ, cô đói lắm nhưng không phải đói ăn, đói mặc mà "đói" sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ. Thật bất công cho cô bé khi đứa em trai út chào đời, Mỹ Hạnh như bị bỏ rơi giữa thế giới loài người, cô không được mẹ yêu thương ngay từ khi còn nhỏ, giờ đây mẹ kế hoàn toàn không quan tâm gì đến cô. Lúc bệnh cũng chỉ nằm co ro ở góc nhà, chỉ biết một mình tự cố gắng lết dậy ra đầu đường để mua thuốc uống. Cô không còn được nghe thấy tiếng mắng chửi của bố vào mỗi buổi sáng chỉ để bắt cô dậy đi học. Dù là mắng chửi, cô cũng "thèm" được nghe. Giờ đây với họ, đứa con trai là báu vật vô giá, còn con vịt trời này từ khi sinh ra, nó vốn là của nợ mà thôi. Gia đình họ lúc nào cũng quan niệm "Nhất nam viết hữu. Thập nữ viết vô". Tháng ngày trôi qua, Mỹ Hạnh chỉ biết đứng nép mình trong một góc nhà mỗi khi đi học về, cô đứng từ xa ngắm nhìn đứa em trai đang bi bô trò chuyện với mẹ, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi mắt bé bỏng. Cô lùi ra xa và từ đó mãi mãi khép mình trong bóng tối, xa lánh bố mẹ và em trai, từng ngày trôi qua đối với cô là một chuỗi ngày đau khổ, dày vò về tinh thần. Mỗi ngày, cô bé cứ phải nghe tiếng cười văng vẳng của đứa em trai, những lời động viên của bố mẹ khi em được điểm tốt ở trường hay líu lo hát một bài hát nào đó cho bố mẹ nghe.. v.. v.. đáng ra tất cả sự yêu thương đó phải dành cho cô. Hạnh không hiểu tại sao bây giờ cô chỉ có một mình trong căn nhà rộng lớn, không một ai quan tâm, hỏi han dù chỉ một lời, tức tưởi trong đêm tối, một đêm mưa dông đầy gió, chỉ có nó - một mình và lặng lẽ. Như thường lệ, vào mỗi buổi sáng, Hạnh vác cặp đi học và mang theo một chai nước nhỏ, một hộp cơm để ăn trưa vì nó ở lại trường. Nó vào lớp học với vẻ mặt điềm nhiên như chẳng có gì xảy ra với cuộc đời nó mỗi khi ở nhà, nó luôn khiến mọi người cảm thấy rằng, nó đang sống rất tốt. Vì thế, đố ai biết được suy nghĩ của nó trừ khi nó muốn nói ra mà thôi. Mỹ Hạnh ở trường luôn vui vẻ, hoạt bát với các bạn, cô bé luôn biết làm hài lòng tất cả mọi người bởi cách ăn nói rất khôn khéo và ý nhị. Đến bữa trưa, bao giờ nó cũng mời bạn bè ăn cùng, nó đem nước cho các bạn uống, họ rất thích thứ nước mà Mỹ Hạnh cho họ uống vì mùi vị của nó không quá nồng, lại vừa hơi mặn và có mùi gì đó tanh tưởi một chút, tựa như tanh mùi rong biển nhưng không phải vậy, nói chung nước có mùi vị rất lạ nhưng uống rất ngon và nghiền. Nó sẵn sàng chia sẻ cho bạn bè uống, Mỹ Hạnh có hôm còn mời bạn bè ăn một bữa trưa thịnh soạn với toàn thịt được chế biến bằng nhiều hình thức độc lạ. Món thịt này rất ngon, khi ăn lại có vị béo ngậy, ai ai cũng thích. Mỹ Hạnh nói nhà nó có nuôi một đàn dê chỉ để ăn và giết thịt, thịt của dê rất ngon và béo, vì thế các bạn trong lớp cứ một tuần lại có một bữa ăn thơm ngon như vậy. 5h15 phút, chuông reo giờ học kết thúc, nó lặng lẽ ra về. Vào nhà, đập vào mắt nó là cảnh tượng vui vẻ của gia đình, đứa em trai thì vẫn nằm đó ôm đống đồ chơi với đôi mắt trắng đục vô hồn, bố thì ngồi xem báo, mặt lúc nào cũng hướng về đứa em trai với cái miệng mở toang, ngoác dài đến tận mang tai, luôn luôn mỉm cười với nó. Mẹ sẽ mãi mãi ở trong bồn tắm, lúc nào cũng nhắm mắt hưởng thụ cảm giác trong nước ấm, mẹ thích ngâm mình suốt trong nước. Và hơn hết, chỉ để mỗi cái đầu của mình nổi lềnh bềnh trên mặt nước mà thôi. Nó lặng lẽ ngắm nhìn bọn họ rồi cười khẩy, mãi mãi ở đây và cứ hạnh phúc như vậy nhé! Xuống lầu, Mỹ Hạnh gọi điện thoại cho Ngọc Trang - bạn cùng lớp với nó, nó mời Trang tối nay đến nhà nó chơi và thưởng thức món dê béo ngậy. Trang vốn rất háu ăn nên đồng ý ngay. Mỹ Hạnh sau khi cúp máy đã nhanh chóng vào bếp chuẩn bị nước sôi và mài con dao trong bếp thật sắc để dễ chế biến món ăn. Tiếng dao mài vang lên nghe ai oán, quỷ mị. Vừa mài dao Mỹ Hạnh vừa nhìn thằng em trai đang nằm trên sàn nhà, đôi mắt của nó vô hồn, đau đớn như trách móc, Mỹ Hạnh cất điệu cười ma quái và lẩm bẩm: "Tối nay lại sắp có thêm một bữa thịnh soạn nữa rồi." Tít Tít.. Tít.. Tít.. Hôm sau, công an nhận được tin báo của hàng xóm và xông vào để kiểm tra nhà Mỹ Hạnh. Tiếc là giờ đây, không ai trong nhà còn sống, chỉ còn sót lại mảnh giấy nhỏ trong thùng rác với dòng chữ: "Nếu có kiếp sau, con sẽ xin đầu thai làm một đứa CON TRAI. Con rất yêu bố mẹ". Mảnh giấy bị gió từ cửa sổ thổi tung ra ngoài trong sự ngỡ ngàng của các chiến sĩ công an. Một số ít đang chật vật với các thi thể chưa rõ hung thủ - chỉ là cũng vào một ngày mưa như thế - rất tầm tã và bi thương cho một gia đình. Hết