Tên Truyện: Đối xứng. Tác giả: Khống Ngày viết: 7/5/2015 Ngày hoàn thành: 1/5/2018 * * * Đôi mắt tôi bị lệch, nó không đều như người khác. Chính vì thế, ai nhìn thấy tôi một lần là không thể không ấn tượng. Hồi nhỏ, trẻ trong làng thường trêu đùa ác ý gọi tôi là con chột này chột nọ. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại tủi thân òa khóc chạy về nhà mách mẹ. Mẹ sẽ như một anh hùng, cầm roi chắn trước tôi đến từng nhà mấy đứa đó, đứng ngoài cổng chửi cho cả nhà người ta ăn nuốt không trôi, đến tào tháo có đang đuổi cũng phải tắc nghẽn táo bón. Tất nhiên tôi biết việc mẹ làm là không đúng, nhưng người không được học nhiều như mẹ, lại luôn sắm vai gà ác xòe cánh bảo vệ gà con khỏi diều hâu, tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn. Lên cấp một, tôi được sắp xếp chỗ ngồi ngẫu nhiên với một bạn nam, tôi rất tự nhiên quay sang chào hỏi, nở một nụ cười cong 90 độ thân thiện. Nào ngờ đôi mắt tôi lại dọa sợ thằng nhóc, òa khóc sống chết không chịu ngồi chung với tôi. Việc nháo loạn của nó khiến cả lớp quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt không được thiện chí, từ đó, suốt 5 năm trời, tôi một mình một bàn, vô cùng rộng rãi thỏa mái. Thực ra có đôi khi tôi tự hỏi, nếu tim còn lệch sang trái một chút, vậy tại sao đôi mắt của tôi mọi người không thể đón nhận nó. Mỗi lần đi học về, tôi đều đi thẳng lên nương hái chè cùng mẹ. Nhìn bạt ngàn xanh mượt có một đốm trắng nhấp nhô, tôi mỉm cười men theo đường đến, tay xách một chiếc bánh bọc trong báo đựng túi nilong. Lần nào mẹ cũng hỏi tôi đi học có vui không. Nhìn hàng mồ hôi lấm tấm trên trán mẹ, tôi miệng mấp máy đáp: - Rất vui ạ. Tôi đổi ca, mẹ ngồi nghỉ bóc bánh ăn, tôi mở một cuốn sách, cùng một quyển vở, tay chắp ra sau lưng bắt chước dáng dấp của cô giáo, cùng mẹ học những con chữ mà cô dạy. Tôi không muốn mỗi lần vì bảo vệ tôi, mẹ lại bị mắng là đồ vô học. * 30 tháng Tư, âm lịch là rằm tháng Ba, thời tiết miền xuôi bắt đầu nóng dần lên. Với tôi mà nói, đây là một nỗi cực hình. Tôi bắt xe về từ tối 29, sau khi hân hoan sung sướng giao ca trực cho đứa bạn, ngắm nhìn thằng bạn căm hờn mà tôi vẫn độc ác tặng kèm thêm điệu cười phũ phàng vì hắn không được nghỉ. Cứ nghĩ vậy là lại cảm thấy bản thân lại hơn một người khác nữa rồi. Xe chạy đêm hơi se lạnh, cái nắng đã tắt hẳn sau tán rừng cây, treo lên ánh trăng 14 sáng to như cái đĩa bánh trôi mẹ vẫn hay để dành cho tôi vào ngày mồng 3. Tôi tay ôm khư khư cái balo mà thiếp ngủ. Trong cái bọc mang về thì cũng chỉ có cái điện thoại với Laptop là có giá trị, ngoài ra tôi cũng chẳng tiếc cái gì ngoài hai tài sản nêu trên. Lúc bác phụ xe vỗ vai tôi là đã 2 giờ sáng, trời tím than nhưng trăng sáng như ban ngày, tưởng như tôi có thể nhìn thấy đôi mắt cú mèo lấp ló trên tán cây thông phía xa. Khệ nệ ôm balo xuống như vác cái bụng bầu, không khí lạnh quen thuộc tạt mặt làm tôi vội vàng lôi ngay cái áo khoác bông ôm ngay vào người. Mẹ không biết đã đứng chờ tôi từ khi nào, chỉ thấy đôi chân đi dép bện cỏ đang vò lên nhau, tựa như bị muỗi đốt khá nhiều. Đêm ấy, tôi phải đắp ba lớp chăn dày, đốt một đống củi trong nhà mới ngủ được. Thỉnh thoảng, mẹ còn ngồi dậy ném vào đống củi đã lụi chỉ còn chút than hồng vài khúc gỗ chẻ nhỏ, tiếng lách, mùi khói ảm ảm lỗ mũi hơi cay. Tôi ló đôi mắt đen nhèm nhẹm nhìn mẹ ngồi thổi lửa cháy, miệng nhạt nhạt khô khốc kều áo mẹ, nắm lấy ngón tay mẹ đã toát ngăn ngắt: - Ngủ thôi mẹ ơi, mẹ ôm con cho khỏi lạnh này mẹ! Sáng dậy, tôi ngáp một cái dài quờ tay sang bên cạnh. Trống trơn. Chân trần lạnh ôm theo đụm chăn chạy ra cửa, tay bắc thành cái loa, gọi vọng xuống đồi: - Mẹ ơi.. i.. i.. i! Nơi này nhà cửa không hề san sát như miền xuôi, mặc dù cũng gọi là xây dựng tụ tập theo từng bản làng, dù vậy thì nhà tôi cách hàng xóm phải hai nương ngô. Nếu đố ai đó có thể đếm được số cây trên con phố, thì tôi sẽ thách ngược lại người đó tìm ra dược nhà tôi. Mái nhà sàn gỗ lấp ló sau những tán cây xanh. Cả đồi cây xanh tưởng như bất tận, không có đường mòn, đi lại đều hầu như dựa vào kinh nghiệm cùng quan sát ánh mặt trời. Tìm một ngôi nhà đã khó rồi, tìm một con người trong lùm cây dưới thung lũng lại càng là nan giải. Trước tôi vì tìm mẹ mà lạc sâu trong rừng, không nhờ chú kiểm lâm đi tuần, chắc tôi cũng chẳng dậm chân được lên nền đất dưới sân một lần nào nữa. Không có tiếng thưa của mẹ, tôi vén chăn cao khỏi chạm đất, chạy ra sau vườn, phía dưới um tùm cây là cây, tôi lại tiếp tục hô to: - Mẹ ơi.. i.. i! - Ơ.. i.. Tiếng vọng lại phía đồi chè, tôi hí hửng nhón chân vào nhà, thay đồ. Nắng đã rọi lên mái hiên, trời cũng không cóng như đêm qua, tôi đun một ấm nước gừng ngâm bàn chân bị cước. Một lát thấy mẹ trở vào, trên lưng một gùi cỏ xông tắm giải cảm. Tôi sờ trán, vẫn còn hâm hâm nóng. Mẹ nói tôi hâm lắm, lần nào ngủ dậy cũng phải nghe thấy tiếng mẹ bằng được mới chịu an tâm. Tôi nói, nhà có hai người, không nghe tiếng mẹ thì nghe ai bây giờ. Mẹ đun một nồi nước xông to thật to đặt cạnh tôi, rồi ụp một cái chăn lên kín mít. Hương cỏ xông thơm nức mũi, tôi bị cái nóng bức của hơi nước làm trán bịn rịn từng giọt mồ hôi to rơi tong tong nhễ nhại, cả người tôi thi thoảng rùng mình từng đợt. Qua cơn cảm thì tôi cũng hết đợt nghỉ phép. Đời tôi đúng là số không có phúc hưởng thụ mà. Mẹ gọi lôi tôi dậy rất sớm, nhưng dù rất sớm đến mấy cũng không thể kịp được chuyến xe. Chiều 1 tháng 5 xe khách đông nghẹt thở, xe nào cũng chật kín xua tay không chở thêm nữa. Mẹ tôi sốt ruột, gọi một chiếc xe taxi mà không quan tâm, cùng tôi xuống tận bãi xe cách phải hơn 50 cây số hy vọng còn xe để về trường. Con đường núi không có hàng rào chắn cong vòng vèo quá nhiều góc chết, chiếc xe taxi tăng tốc độ theo sự thúc giục của mẹ, tôi gạt tay ngăn cản: - Không cần thiết đâu mẹ, đi chậm lại cho an toàn chú tài ơi. Nhưng lời tôi nói không nhanh bằng khoảnh khắc, chiếc xe tải ngược chiều cua gấp tránh taxi, tài xế bất ngờ đạp thắng không kịp tông thẳng giữa xe tải. Dường như lúc đó mọi phản xạ của tôi đều bị tắc. Mẹ ôm lấy đầu tôi, cả cơ thể mảnh mai bao bọc lấy tôi, trước khi va chạm mạnh ập tới. Trán tôi tong tong chảy từng giọt máu từ trên đầu mẹ xuống. Từng giọt lạnh hơn nước đá tan trong hang động. Bò dậy từ trong lòng mẹ, chân đạp mạnh phá cánh cửa, tôi yếu ớt ôm mẹ trong lòng lôi ra khỏi chiếc xe, tài xế không biết đã bỏ chạy đâu mất. Tôi cũng chẳng quan tâm. Ôm mẹ kéo ra xa chiếc xe, tôi lập cập gọi 115. - Mẹ.. tỉnh lại.. Hãy ở lại với con.. Tôi áp bàn tay mẹ lên má, lay lay người trong lòng. Đôi mắt mẹ mở to, sáng hơn ánh trăng đêm qua. Mẹ cầm tay còn lại của tôi, cười rất đẹp đến bất an: - Thẻ ngân hàng của mẹ mật khẩu 123123. Mẹ vẫn để trong ví. Sổ tiết kiệm mẹ có vài trăm, nếu con biết sống sân si thì chắc cũng được 5, 6 năm. Nhưng đấy là chưa tính những việc bất ngờ phát sinh. Tốt hơn hết con nên kiếm một công việc trang trải cuộc sống, còn tiền của mẹ đề phòng bất trắc bệnh tật thì mới sử dụng, khi nào ra trường còn có thể giúp xin việc. Tôi không hiểu mẹ kiếm đâu ra khoản tiền lớn như vậy, tay tôi càng nắm chặt bàn tay đầy máu của mẹ run kịch liệt, nước mắt kiềm nén không rơi. - Dù có túng quẫn cỡ nào cũng không được để mất nhà. Còn cái nhà là còn nơi để về. Rõ chưa? Tôi khóa chặt mắt gật mạnh, ngăn không cho chất lỏng trong suốt chảy ra. - Muốn khóc thì cứ khóc, con người hơn động vật ở cảm xúc. Bảo đừng khóc đừng buồn há nào ép con trở thành máy móc. – Bàn tay mẹ nắm lấy bàn tay tôi, ấm áp đến cô quạnh lòng người – Khóc xong, nhớ lau nước mắt. - Mẹ.. - Tôi vẫn nghẹn nước mắt, nó chảy trong họng rất khó nuốt. – Đừng bỏ con. - Đau chết được. Ở lại chỉ làm khổ con khổ cháu. Đi cho nhẹ nhàng. – Ngón chỏ mẹ dựng thẳng lên trời, trên nền trời xanh u tịch, đàn chim trắng kéo về phía bìa rừng xa xăm –Mẹ phải đi thôi. Tôi gọi mẹ, giọng vang vọng cả ngọn núi, gọi đến khản đặc âm thanh. Nhưng không còn nghe tiếng đáp lại nào hết nữa. Lần này, đã không còn nữa. Không còn. __________HẾT__________