Tên truyện: Đời ngắn cứ mơ đi Tác giả: Nguyễn Ngọc Quế Anh Thể loại: Truyện ngắn (ảnh minh họa) Mất bao lâu rồi, tôi mới được tiếp tục với thứ mình thực sự mong muốn.. Mong muốn của tôi, khát khao của tôi hay thứ gì đó như vậy, đơn giản là viết, viết và viết Thế mà suốt gần chục năm trời, tôi mới có thể an nhiên tự tại mà ngồi đây, được mang hết trí tuệ, thời gian và nhiệt huyết, thả hết vào dòng chữ, dâng hiến cho từng ngóc ngách truyện. Cái ước mơ ấy thôi, đối với bao người có thể là đơn giản, có thể là tầm phào hay cái gì đó chán ngắt, không đáng.. Ờ, được thôi, vì bao năm rồi, tôi đã còn quan tâm gì đến lời nói của họ nữa Để hôm nay, tôi sẽ kể về một cô bé nhỏ ấy, từng đánh đổi bao nhiêu thứ vì hai chữ "ước mơ" * * * "Tùng, tùng, tùng.." Tiếng trống trường giòn giã, dội thẳng tôi cả vào tâm trí ngày ấy và cả bây giờ. Nắng sân trường ươm vàng cả không gian, khiến không khí ấm lại, chợt như có sức nặng hơn, hay có vị ngòn ngọt. Tôi đương thời chỉ là con bé mới vào lớp 9, gọi là lớn rồi thì tất nhiên không đúng, mà chưa biết gì lại càng sai. Cuộc sống thì vẫn không có gì là biến cố, không có gì là quá bi kịch hay quá sung sướng, chỉ là tầm trung trung, bình thường. Chỉ thiếu có một chút khát khao. Cái khát khao đó tất nhiên là vô hình, chỉ tồn tại trong miền kí ức hay tâm trí, nhưng nó đôi khi là sức nặng của tâm hồn, lôi ta hết vũng bùn này đến đầm lầy khác. Nó chỉ là ngọn nến lẻ loi trong tâm khảm, nhưng đến lúc cần thiết, cái khát khao sẵn sàng bùng cháy, để có lúc sẽ điều khiển cả thân xác này, đấu tranh hay làm mọi thứ vì nó. Ấy chết, tôi lại suýt lạc đề.. Quay lại con bé ấy. Để giới thiệu bản thân nó sẽ khiến bạn thất vọng với cái gọi lại "bình thường". Học lực tạm ổn, quan hệ bạn bè cũng ồn, là đứa con gái khá ổn.. Nói chung, mọi việc với nó là an phận. Nhưng có lẽ tôi ngày ấy đã lầm. Trong đâu đó ở tâm hồn, nó không thường trựa, nhưng không thể nói là không tồn tại. Cái ngọn nến nhỏ "khát khao" mà tôi đã nói trên đã nhen nhóm tự lúc nào mà cả nó và mọi người xung quanh không hề hay biết. Lê đôi chân về nhà, xong xuôi bài vở và mọi thứ, tôi chỉ biết một thứ: SÁCH. Phải, tài sản đáng giá của nó chỉ là sách. Tôi yêu sách bằng cả trái tim ngày ấy, cộng dồn bằng tình yêu con chữ với tâm hồn ham học hỏi. Tôi ngốn từ cuốn này đến cuốn khác hàng giờ mà chẳng biết mệt mỏi, để những giờ học buồn ngủ, đuối sức cứ kéo dài, và những lời la rầy của mẹ lại càng vô tận hơn. Tôi yêu sách Nguyễn Nhật Ánh nhất, sách của ông có gì đó thực sự lôi cuốn, và nó đã vô tình lôi cuốn cả hồn tôi. Để một ngày nọ, cái mầm xanh ước mơ nhỏ trong tâm hồn đã vươn dậy thật mạnh mẽ, lan tỏa và từ đó, tôi hiểu, mình sống trên đời cốt để làm gì? Để những con chữ và câu chuyện mình tạo ra là có giá trị và có sức ảnh hường, để có thể truyền đi cái gì đó thật tích cực. Là khi những cuốn sách mình viết được nằm chễm chệ trên kệ của các tiệm sách, thật đẹp và tự hào biết bao. Phải, chính là nó, có thứ gì đó đang rực cháy. Phải, ước mơ, được trở thành nhà văn. Lên cấp 3, mọi sự vẫn không đổi khác, tôi vẫn là tôi, chỉ khác là cái mầm ước mơ lớn thì cứ lớn, mỗi ngày. Lên cấp 3, tôi phải chọn giữa Tự nhiên và Xã hội. Đứng trước ngã rẽ đó, cái cán cân lí trí đã nghiêng hẳn về bên thứ 2, nhưng còn ba mẹ tôi, họ từng học Kinh tế nên lúc nào cũng mang tư tưởng về việc đứa con gái độc nhất này sẽ giống mình. Ờ, cha mẹ nào có lẽ cũng mong muốn tương lại tốt đẹp nhất dành cho con mình, nhưng họ không hề biết, lựa chọn của họ có thể là tốt nhất cho họ, nhưng chưa chắc là tốt nhất cho con cái họ, nhất là khi họ không có khả năng, và càng không có quyền đảm bảo cho cuộc đời của những đứa trẻ đang lớn. Bạn không phải là tiền truyện của con cái, bạn càng không phải là hậu truyện của bố mẹ, bạn là chính bạn, như cách bạn muốn, đó là điều tuyệt vời nhất cho bạn. Tôi đã mang cái tư tưởng đấu tranh, suốt một thời gian thật dài. Trải qua không biết bao lời, từ ngăn cản, khuyên nhủ đến đe dọa và chửi bới của cả ba và mẹ. Vì họ tin, sự lựa chọn của họ là tốt nhất cho tôi, còn cái ước mơ nhà văn ấy, nó chả là gì cả. Vì người ta vẫn nói, làm nhà văn thì nuôi ước mơ ấy, nhưng nuôi nổi bản thân và gia đình không? Liệu kiếm được bao nhiêu chứ? Có lẽ ngày nay, cơm áo gạo tiền là quan trọng hơn ước mơ. Phải, tôi đã bị ám ảnh những câu nói đó. Cha mẹ tôi vẫn là họ, vẫn có suy nghĩ và định hướng riêng, và chúng ta biết lấy gì mà thay đổi. Từ bao nhiêu lớp học gia sư Lí, Hóa.. cho đến những lời cằn nhằn đến bất tận của ba, tôi thậm chí đã từng muốn ra đi. Phải, bạn hiểu chứ? Khi đã thật sự khao khát một thứ gì, sẽ luôn tồn tại một ngọn lửa, nó cứ cháy và cháy, để dẫn lối cho bạn. Và bao nhiêu thứ bên ngoài, chả thứ nào dẹp sạch được ngọn lửa đó. Ai nói tôi không biết đau lòng? Tôi biết rung cảm, và tôi rất thương ba mẹ tôi, vì họ vẫn luôn từng đêm mong mỏi những gì tốt đẹp sẽ đến với tôi. Và tôi đã luôn tự đấu tranh tư tưởng. Nhưng ba mẹ à, mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi, con muốn thực sự trọn vẹn với nó, để không bao giờ hối tiếc! Có lẽ rằng, những ngày thiếu niên ấy, những cuốn sách đã dẫn lối cho tôi! Hết cấp 3, đã tới lúc tôi buộc phải đưa ra sự lựa chọn của mình. Lựa chọn giữa lí trí và trái tim vẫn luôn là khó nhất, khi cán cân cứ ngang ngang nhau. Khi lí trí chỉ luôn đứng về phe đấu tranh cho ước mơ, còn trái tim chỉ hướng về gia đình, là an phận nghe theo sự sắp đặt của ba mẹ. "Không bao giờ từ bỏ ước mơ", "Sống những ngày không hối tiếc".. những lời đó cứ lảng vảng trong tâm trí tôi ngày ấy, tựa như một đoạn nhạc dài cứ phát luân hồi và lôi kéo tôi. Và thế là, cái ngày cuối ấy, tôi đã dùng hết cả lí trí và trái tim, xin phép ba mẹ cho tôi lên thành phố học chuyên ngành văn, để có thể trờ thành nhà văn. Còn ba mẹ tôi? Phải, kì tích đã không hề xảy ra. Họ cho phép tôi đi đấy, nhưng không hề chu cấp hay giúp đỡ cho tôi một đồng nào cả. Tôi, đứa con gái 18 tuổi, phải tự bươn chải mọi thứ, vì hai chữ "ước mơ" Tôi đã không biết lựa chọn của mình là đúng hay sai, nhưng những ngày tuổi trẻ bấp bênh ấy, đã có lúc tôi hối hận. Tôi phải làm mọi việc, từ rửa bát, phụ quán.. và mọi thứ cứ rối tung cả lên. Tôi chỉ đủ đóng tiền học, và thuê phòng trọ nhỏ và tồi tàn đến tội. Tôi đã phải vừa học, vừa làm việc vất vả, có lúc đầu óc muốn nổ tung vì cảnh túng thiếu. Nhiều lúc, tôi đi dạo trên đường phố, bắt gặp cái túi xách kia, hay chiếc váy xinh xắn kia, tôi thèm lắm chứ. Nhưng cuộc sống vẫn nghiệt ngã, vẫn xô bồ thế. Nhiều lúc tôi tự giận mình vì đã tự đưa bản thân vào hoàn cảnh này. Nhưng "ước mơ nào mà chẳng phải đấu tranh" phải không? Phải, khó khăn thì vẫn chất chồng lên mỗi ngày. Nhưng suy cho cùng, ngày trẻ bạn sống an nhàn, vui vẻ, nhưng cả đời chắc gì đã thế. Ý nghĩa của ước mơ là chiến thắng, nhưng thứ làm lên ước mơ là sự nỗ lực. Tôi đã c ứ tin như, đã không bao giờ dám từ bỏ, để sau này tôi sẽ không hối tiếc bất kì điều gì cả, vì tôi đã sống như cái cách bản thân hằng mong muốn. Hằng đêm, tôi lại tiếp tục sống với ước mơ của mình. Thực ra tôi nghĩ, có thể tìm ra được mình thực sự muốn gì, không an phận theo đời, đã là điều may mắn. Nỗ lực hết mình chưa chắc đã thành công, nhưng nếu không nỗ lực, bạn vừa xác định giới hạn thấp bé của mình. Tôi, cứ đến khi tối mịt, vẫn cố gắng và miệt mài lên ý tưởng cho cuốn sách đầu tay. Tôi vốn là đứa yêu sách, huống chi là Đứa con tinh thần của mình, tôi yêu như cả mạng sống. Chỉ là sấp bản thảo thôi, với nhiều người là vô nghĩa, nhưng đối với tôi, nó là hiện thân của tuổi trẻ nhiệt huyết, là công sức đổ ra, là giấc mơ còn bỏ ngỏ. Tôi một mình, cô đơn đấy, thì đã sao. Tôi vẫn đang kiên trì đây. Rồi cứ thế, miệt mài trong âm thầm, tôi tốt nghiệp, ngót qua mấy năm, tôi hoàn thành xong bản thảo cho cuốn sách, và lấy hết mọi quyết tâm gửi cho một Nhà xuất bản. Phải, đó là một trong những việc khiến tôi thật tự hào. Những tháng ngày chờ đợi tin vui, tôi lại tiếp tục như muốn phát nổ. Là hồi hộp, lo lắng bất tận. Bạn hiểu không? Khi đã dồn cả linh hồn vào một cái gì đó, thì cả linh hồn bạn chỉ hướng về nó, và có thể nói là sống vì nó. Có những cú điện thoại đến làm tôi giật bắn mình, hồi hộp đến sợ hãi. Rồi cứ thế, cứ thế, vào một buổi sáng thật đẹp trời, tựa như những buổi dạo chơi của mây, gió và nắng. Nó cứ trong ngắt đến vậy. Tôi lúc ấy đang ngồi ngâm nhi tách cà phê nhỏ, một ngày nghỉ hiếm hoi. Rồi một email được gửi đến: "Xin lỗi, bản thảo của bạn chứ đủ hay để xuất bản, ý tưởng hạn chế". Năm ấy, tôi 24 tuổi. Tôi là ai? Tôi không làm được gì cả? Là tôi không có khả năng gì hay phải chăng là quá ảo tưởng. Quá mơ mộng về cái giấc mơ chắc là hão huyền ấy.. Tại sao và tại sao? Tôi cứ như đang tuyệt vọng vậy, và tôi nhớ mình đã thất vọng và khóc nhiều ra sao. Phải, thứ gì là linh hồn của bạn, một khi đã sụp đổ thì chẳng khác nào tước đi thứ quan trọng nhất của bạn. Phải, mọi thứ như đổ sụp hết, và trong tay bạn đã và đang chẳng có gì cả. Tôi cô đơn.. Và như một cách để tự tạo cho mình con đường giải thoát, vài ngày sau, tôi bắt chuyến xe về nhà. Ờ, đã bao năm rồi nhỉ, tôi đã không về nhà. Tôi quả là đứa con bất hiếu. Về tới cổng, cảnh nhà vẫn như xưa, nhưng rêu lại um tùm. Vẫn như xưa nhưng tiếng cười ơi, mày bay đâu mất? Cảnh nhà buồn tẻ như bóp nghẹn lấy tim tôi, khiến tôi biết, có lẽ, tất cả tại tôi. Tôi vào nhà và gặp mẹ. Vâng, mẹ già đi rồi, không ai có thể chống lại chuyện đó. Cuộc sống mà, dù là bất kì ai đi nữa, chẳng ai chống lại được sự già nua, nó cứ túm lấy ta mỗi ngày đó thôi. Làn da sạm đi nhiều rồi, tóc ngả muối tiêu, gương mặt đôn hậu ngày nào giờ điểm là vết chân chim nơi khóe mắt, là nếp nhăn ghi dấu thời gian. Đôi mắt ngấn lệ đây, nhìn tôi. Tôi vỡ òa, khóc to, mẹ cũng vậy, tôi ôm mẹ tôi. Mẹ ơi, con xin lỗi! Phải chăng, khi người ta ra đi tìm kiếm điều gì đó ở cuộc đời này, họ lại vô tình bỏ quên những gì thật sự trân quý, những người đã hết lòng mong mỏi mình. Nghịch lí là vậy, đời tựa như bầu trời, thật rộng lớn, những đứa con cứ mãi miết bay mà chẳng hoài nhớ về cái tổ ấm nhỏ của mình. Ba tôi thì đã mất, nay chỉ còn người mẹ của tôi, cô đơn biết bao, phải không? Tôi ở lại với mẹ vài ngày, trong thời gian đó, tôi kể mẹ nghe về những năm qua với bao thăng trầm của tuổi trẻ. Có mấy ai may mắn còn được ngồi lại với mẹ, để hàn huyên tâm sự như những người bạn lớn đâu. Nhưng giờ đây, không biết điều gì đã xảy ra nữa, mẹ không còn ngăn cấm ước mơ của tôi mà ngược lại, mẹ ủng hộ nó, mẹ ủng hộ đứa con gái của mình. Có lẽ nhờ mẹ, tôi vơi đi những gì là trống trải, là vất vả, hay nói cách khác, người mẹ tiếp thêm độc lực. Tôi như vững vàng hơn, tựa như đại bàng giờ có thể dang cánh. Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ! Tôi lại về thành phố, lại về với cái náo nhiệt, bộn bề ấy. Nhờ mẹ, tôi như đã trưởng thành thêm, và nhìn đời bằng lăng kính khác. Tôi tiếp tục viết tiếp ước mơ hãy còn dang dở, lấy bản thảo về và nghiền ngẫm, chỉnh sửa.. chà, lại một lần, mọi tâm huyết của tôi đã được phơi bày, lại một lần, linh hồn của tôi được nuôi dưỡng từ nhựa sống ước mơ. Tôi tiếp tục gửi bản thảo của mình cho nhà xuất bản. Cảm xúc hồi hộp, lo lắng muốn ngộp thở vẫn còn đó, vẫn vẹn nguyên thôi. Cứ hy vọng đi, rồi điều tuyệt vời nhất sẽ đến với bạn. Phải, tôi đã chờ, và nó đã đến. Sách của tôi đã được đồng ý xuất bản rồi! Phải, niềm hạnh phúc kể làm sao cho hết đây. Cả thanh xuân tôi là nó, tôi yêu nó bằng cả tình yêu đã, đang và sẽ có. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, nhưng nếu sống hết mình, chỉ một là đủ. Cứ trọn vẹn đi, tuổi trẻ có gì để hối tiếc chứ, đừng để mình sẽ già đi trong sự hoài nghi về giới hạn bản thân, về ước mơ dang dở. Tôi đã khóc lần nữa, khi nhìn thùng sách được biếu cho tác giả, những đứa con tinh thần của tôi. Phải, cháy với ước mơ là có thật, thành công là có tồn tại, khi bạn đã dám từ bỏ tất cả, quyết đấu tranh tới cùng vì nó. Cảm ơn bản thân của quá khứ đã chịu nỗ lực, để hôm nay, thế giới đã bừng sáng thật rồi! Ờ, thật bừng sáng. Tôi đã vừa kể cho các bạn nghe câu chuyện ấy. Tôi tin rằng, mỗi bạn trẻ vẫn đang ươm mầm xanh, và chờ đến ngày bung nở. Đừng từ bỏ nhé, để đến một ngày nào đó, bạn sẽ tự hào mà hét to át cả gió trờ: TÔI ĐÃ LÀM ĐƯỢC! Viết bởi: Nguyễn Ngọc Quế Anh