Đôi Nét Về Các Tập Thơ Của Thanh Trắc Nguyễn Văn

Thảo luận trong 'Thơ Ca' bắt đầu bởi Thanh Trắc Nguyễn Văn, 29 Tháng bảy 2021.

  1. Lời tác giả: tập thơ Nghêu Ngao Ca là của tôi - Thanh Trắc Nguyễn Văn - nhưng bài giới thiệu lại là của nhà thơ Lê Gia Hoài (Hội viên Hội Văn Nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, cũng là giáo viên văn), đã đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Vĩnh Phúc, nên bài viết này tôi nghĩ để bên Thư Viện Sách sẽ hợp lý hơn

    [​IMG]


    Nghêu Ngao Ca (Thanh Trắc Nguyễn Văn) - Dòng Thơ Trữ Tình Hiện Đại

    Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn - hội viên Hội Nhà Văn Tp. HCM, hội viên CLB thơ Việt Nam tên thật là Nguyễn Văn Tạo hiện đang là giáo viên giảng dạy môn Vật lý tại trường THPT Võ Thị Sáu thuộc sở GD & ĐT Tp. HCM. Các tập thơ chính đã xuất bản: Hoa sứ trắng (1997) ; Hạ nhớ (1999) ; Cỏ hoa thì thầm (2002) ; Quà tặng mùa đông (2007) ; Giọt lệ trăng (2010) ; Huyền thoại người lái đò (2013) và Nghêu ngao ca (2018). Những thi phẩm xuyên suốt quá trình sáng tác trong hai mươi qua năm của anh là những "bản tình thơ" đẹp, trong sáng, lãng mạn được kết tinh từ sự rung cảm đầy chất nhân văn, đầy sự sáng tạo trong thẳm sâu con người nghệ sĩ. Tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, khát vọng vươn lên và những khắc khoải trong từng nhịp đập con tim của cái tôi cá nhân trong cuộc đời đi vào thơ anh như những nốt nhạc lúc thăng lúc giáng, lúc trầm lúc bổng, lúc du dương khắc khoải, lúc ào ạt bão giông.. Nó lắng đọng kết tụ trong lòng người đọc những xúc cảm những suy tư để rồi các độc giả cảm thấy vô cùng yêu thích, vô cùng hứng thú khi nhận ra vẻ đẹp của ca từ, thi tứ và tìm thấy sự đồng điệu với tâm hồn tác giả khi khép lại những tập thơ của anh.

    Tập thơ "Nghêu ngao ca" được NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2018 sau 5 năm không ra tập mới kể từ 2013 của anh. Trong tập thơ có 42 thi phẩm, 41 bài được in trong tập và 1 bài được in trong trang bìa đó là bài "Yêu" được đăng trên báo Tài Hoa Trẻ năm 1996. Trong tập thơ theo sự tổng hợp của Thanh Hải (bạn học của nhà thơ) có bốn mảng đề tài được nhà thơ khai thác rất thành công đó là: "1, Mái trường; 2, Quê hương; 3, Xúc cảm về cái đẹp và sự cô đơn và 4, Những vần thơ thời sự. Quả đúng như vậy: Bốn đề tài trong" Nghêu ngao ca "không mới nhưng qua" lăng kính "của Thanh Trắc ta như được lạc vào thế giới của tình yêu, của niềm đam mê và của những trăn trở suy nghĩ về tình yêu thương, về thế sự về cuộc đời. Ở mảng nào ta cũng thấy thơ anh khai thác một cách tận cùng, ngóc ngách và rất đỗi trữ tình những vấn đề ẩn sâu trong nội tại của đề tài, từ đó giúp cho người đọc có được những liên tưởng và hiểu một cách sâu sắc giá trị đích thực của nghệ thuật ngôn từ.

    [​IMG]

    Thể tài trong" Nghêu ngao ca "cũng đa dạng như đề tài trong tập. Có 26 bài lục bát, 2 bài 4 chữ, 1 bài 5 chữ, 3 bài 7 chữ và 10 bài thuộc thể thơ tự do. Thơ lục bát trong tập được anh sử dụng nhiều nhất, có đến hơn một nửa số bài." Những câu thơ lục bát của anh ngày càng được biến hóa rất nhiều về nội dung và hình thức. Sự cố gắng tìm tòi, sáng tạo của anh đã khiến thể lục bát trong tập thơ càng phong phú thêm về cách diễn đạt ". (Thanh Hải – trang 15). Đúng vậy; những vần thơ lục bát trong tuyển tập này là những vần thơ rất đẹp về tình yêu đôi lứa, về trường xưa lớp cũ, về mẹ, về quê hương đất nước.. tất cả đều toát lên những hình tượng lấp lánh vẻ đẹp của cuộc sống. Điều tôi đặc biệt chú ý là những bài thơ" Lục bát tứ tuyệt "của anh. Mỗi bài thơ là một tác phẩm hoàn chỉnh cả về tứ thơ và kết cấu với đầy đủ các yếu tố mở, thân, kết và mang lại những thông điệp rất rõ ràng với người thưởng thức." Kìa em áo mỏng như mây/Phải tiên nữ xuống đợi ngày ta yêu? /Vườn đông gió lạnh tiêu điều/Sáo em gọi nắng tan chiều cô đơn "(Thiếu nữ thổi sáo – trang 26). Có thể nói không phải ai cũng làm được" Lục bát tứ tuyệt "nếu không có tư duy hình tượng và tư duy lô-gich tốt. Thanh Trắc đã rất thành công ở thể tài này.

    Chất trữ tình vừa gợi mở, vừa lắng sâu trong" Nghêu ngao ca "nằm trong nội hàm của tứ thơ. Anh lập tứ một cách nhẹ nhàng, có thể là những chi tiết, hình ảnh rất nhỏ, rất gần gũi, rất bình dị như ta vẫn thấy, vẫn thường xuyên chạm vào nó. Đó là mưa trăng, áo dài, bạn cũ, quê nghèo, ký ức, người đẹp, mẹ hay con đường.. Có thể đó là những vấn đề lớn mang tính thời cuộc, mang tính thế sự rộng lớn như: Lịch sử, địa lý, giáo dục hay ước mơ, khát vọng hoài bão của một cuộc đời con người.. Chất trữ tình còn đọng lại trong các biện pháp nghệ thuật tu từ vô cùng thuần thục và điêu luyện khi anh triển khai những tứ thơ thành các thi phẩm cụ thể. (Xin lưu ý - Đây là điều khác biệt lớn nhất để có thể phân biệt được đẳng cấp của các cây bút chuyên nghiệp với nghiệp dư). Có thể nói nghệ thuật tu từ thành công nhất trong tập là nghệ thuật ẩn dụ. Mỗi bài thơ mang đến một thông điệp tình thơ khác nhau để rồi từ đó mỗi độc giả chiêm nghiệm thấy" có mình ở trong đó ". Ví như ai là thi sĩ lại không bật cười với" Thơ ế - trang 78" "Gánh thơ rao phố đông người/Giai nhân, người mẫu xúm cười.. Không mua! Gánh thơ rao trước cổng chùa/Sư ông thương tặng lá bùa bình an! Gánh thơ rao giữa chợ làng/Mắm khô hút khách.. bàng hoàng thơ đau! Gánh thơ lên cõi trăng sao/Thiên Lôi chận hét:" Thằng nào bán thơ? ". Rõ là vui, rõ là hài. Có lẽ thơ chỉ dành cho em, cho tình yêu của anh thôi, còn bán ai mua..

    [​IMG]

    Chất trữ tình không chỉ hiện lên trong tứ, trong hình ảnh mà còn lắng sâu trong giai điệu thơ. Giai điệu của Thanh Trắc ngọt ngào, mượt mà, tươi mới.. như vẻ đẹp của chiếc áo dài duyên dáng mà các thiếu nữ vẫn chưng diện mỗi khi đến trường hay tham gia vào các buổi lễ hội." Áo dài bước nhẹ rồi xoay/Nụ cười xinh xắn ngất ngây đất trời/Em đừng cười nữa em ơi/Kẻo tôi hóa đá một đời tương tư. "(Áo dài - trang 30). Để làm nên các giai điệu ngọt như vậy thì cách gieo vần và tạo nhịp cho các câu thơ, khổ thơ đã được Nguyễn Văn thể hiện với một tư duy vô cùng" chuyên nghiệp ". Ví như vần bằng trong lục bát, vần chân liền trong ngũ ngôn hay vần chân cách trong thể thất ngôn đều được anh sử dụng chuẩn mực như" dòng mực hệt "trong thước ngắm của người thợ. Hãy xem vần" ươi "trong khổ thơ này:" Xuân đến đung đưa những tiếng cười/Áo bào ba thắm tuổi đôi mươi/Nón lá chợt che hồn trinh nữ/Để người ngơ ngác ngắm xuân tươi. "(Xuân trên đất phù sa - trang 62). Vần" ươi "gợi mở. Vần" ươi "lan tỏa giúp ta thấy không khí xuân như ùa vào trong tâm hồn. Còn nhịp thơ tạo chất trữ tình không mấy người giỏi hơn Thanh Trắc. Thơ lục bát có khi được ngắt nhịp (có 6 bài lục bát) được ngắt nhịp theo kiểu xuống dòng làm cho mạch thơ được chuyển đổi hướng sang một cung bậc khác của dòng xúc cảm tạo" Khoái cảm "cho người đọc. Hãy xem nhà thơ ngắt nhịp:" Em còn nguyên đó nụ cười/Áo dài tím/Để một người ngẩn ngơ/Lỡ quen/Tím nhớ/Tím chờ/Lỡ yêu/Tím hết dại khờ trăm năm. "(Lỡ - trang 128). Có thể nói vần và nhịp đa dạng đã làm cho thơ Thanh Trắc dễ đọc, dễ thuộc hơn bao giờ hết.

    Xin phép được dùng lời nhận xét của nhà thơ Lương Mỹ Hạnh – hội viên hội văn học tỉnh Sơn La trong bài cảm nhận về thi phẩm" Hoa Vông Vang "để kết thúc bài viết này." Thơ anh rất đa dạng và sâu sắc, mang tính giáo dục cao, mảng thơ tình của anh mang nhiều tâm sự của lứa tuổi mới lớn, mộng mơ đang tuổi cắp sách tới trường. Tuy khá nổi tiếng nhưng anh là một người thầy thực sự, rất giản dị gần gũi và đầy suy tư trăn trở với đời, tuy chưa găp anh ngoài đời, nhưng đọc chữ cũng thấu hiểu phần nào tâm hồn người viết ". Cảm ơn nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn đã luôn quý mến và trân trọng tặng tôi tập thơ này. Với sở học ít ỏi của mình tôi xin phép được cảm nhận tập" Nghêu ngao ca"theo cách hiểu riêng của mình. Rất mong nhận được sự quan tâm và góp ý của tác giả và của độc giả đã từng và sẽ yêu thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn. Sắp đến 20/11 ngày truyền thống ngành giáo dục xin kính chúc anh và các đồng nghiệp tại trường Võ Thị Sáu luôn an vui, hạnh phúc và thành công.

    Lập Đông 2018.


    Lê Gia Hoài

    [​IMG]
     
    Ái Giao, Vhiaten, Dương230131 người khác thích bài này.
  2. [​IMG]

    Giới Thiệu Tập Thơ Hoa Sứ Trắng

    Xin giới thiệu tập thơ Hoa Sứ Trắng. Đây là tập thơ riêng đầu tay của Thanh Trắc Nguyễn Văn. Tập thơ xuất bản năm 1997 do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành.

    Khi tập thơ này ra đời, thời gian đó thơ còn bán được nên tập thơ bán hết rất nhanh mặc dù trang bìa trình bày chưa đẹp. Thanh Trắc Nguyễn Văn thường gởi bán ở các quầy báo chí tại các ngã tư đường. Tập thơ Hoa Sứ Trắng được bày bán nằm bên cạnh các loại truyện tranh nổi tiếng thời bấy giờ như Bảy Viên Ngọc Rồng, Thủy Thủ Mặt Trăng, Doremon... của Nhật Bản.

    Sau này, có nhiều bạn hỏi nhưng rất tiếc Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng không còn giữ được tập thơ Hoa Sứ Trắng nào. Năm 2005, Thanh Trắc Nguyễn Văn may mắn gặp được nhà thơ lão thành đất Long An là Trần Ngọc Hưởng (Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam) tại nhà của nhà thơ nữ Thái Thanh Nguyên. Anh Hưởng có kể lại một câu chuyện mà Thanh Trắc Nguyễn Văn nghe rất cảm động: Một lần lên Sài Gòn thấy tập thơ Hoa Sứ Trắng nằm lăn lóc bên cạnh những đống sách cũ khác tại một vựa ve chai, anh Hưởng đã xin chủ vựa ve chai bán lại cho anh tập thơ này...

    Tập thơ có khoảng 40 bài thơ, gồm những bài thơ đã đăng rải rác trên các báo: Áo Trắng, Nữ Sinh, Thời Văn, Tài Hoa Trẻ, được in trên giấy trắng đẹp. Giá bán năm đó khoảng 30.000 đồng. Đây là bài thơ Hoa Sứ Trắng cũng là bài thơ chủ đề của tập thơ Hoa Sứ Trắng

    [​IMG]

    Hoa Sứ Trắng

    Cô bé cài băng đô
    Không còn về trường cũ
    Hoa sứ buồn ủ rũ
    Lạnh ướt một bàn tay.

    Hoa vẫn ngát hương bay
    Như ngày xưa đến lớp
    Như chiều nào bất chợt
    Ta tìm em bơ vơ.

    Đâu rồi màu hoa sứ?
    Đâu rồi màu băng đô?
    Đâu rồi mùa thu cũ
    Gió nối lời vu vơ?

    Chỉ còn là giọt nắng
    Rơi trong chiều rưng rưng
    Băng đô vàng áo trắng
    Một thời ta bâng khuâng.

    Chỉ còn là trang vở
    Những nỗi niềm không đâu
    Một bài thơ viết dở
    Một nỗi lòng chôn sâu!

    Cuối thu chiều gió dậy
    Mây lặng lờ lang thang
    Em xa mùa hạ ấy
    Bông sứ buồn miên man.

    Cô bé cài băng đô
    Đã quên rồi trường cũ
    Hoa sứ giờ ủ rũ
    Thổn thức lạnh bàn tay!

    1994
    (Tập thơ Hoa Sứ Trắng – NXB Đà Nẵng 1997)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn

    [​IMG]

    Tập thơ Hoa Sứ Trắng là tập thơ viết về tuổi học trò. Xin được giới thiệu hai bài thơ khác trong tập thơ Hoa Sứ Trắng cũng viết về tuổi học trò:

    Ngày Xưa Nhớ Tuổi Học Trò

    Ngày xưa nhớ tuổi học trò
    Những chiều tan học thập thò đợi nhau
    Nhớ gì trong gió lao xao
    Em cười trong mắt mà sao thẹn thùng.

    Sau em, tôi cũng ngượng ngùng
    Từng màu hoa phượng ngập ngừng rụng rơi
    Bài thơ đã viết hết lời
    Muốn trao lại ngại, ngại rồi không... trao!

    Để mùa hạ ấy qua mau
    Để chiều kỷ niệm đi vào tháng năm
    Để giờ em đã xa xăm
    Còn đây trong gió tiếng thầm thì xưa...

    1994
    (Tập thơ Hoa Sứ Trắng - NXB Đà Nẵng 1997)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn


    [​IMG]

    Yêu

    Yêu thơ để biết đa sầu
    Yêu trăng để biết bắt đầu mộng mơ
    Yêu hoa để biết đợi chờ
    Yêu em để biết dại khờ... Thế thôi...

    1995
    (Tập thơ Hoa Sứ Trắng - NXB Đà Nẵng 1997)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn


    [​IMG]

    Yêu là bài thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn sáng tác từ năm 1983, hoàn chỉnh vào năm 1995, nhưng mãi đến năm 1996 báo tài Hoa Trẻ mới cho đăng (với bút danh Nguyễn Văn Tạo - báo Tài Hoa Trẻ số 4 năm 1996), biên tập cho báo Tài Hoa Trẻ lúc đó là nhà thơ Nguyễn Ngọc Tiềm. Sau này bài thơ được in lại trong Tập thơ Hoa Sứ Trắng (NXB Đà Nẳng 1997).

    Bài thơ trước năm 1990 đã được các học trò của Thanh Trắc Nguyễn Văn "phát tán" đi khắp nơi với nhiều dị bản. Sau năm 1990 bài thơ đã bị nhiều người chế lời lại thành rất nhiều bài thơ khác nhau, tiêu biểu nhất trên mạng là phiên bản :

    "Yêu thơ là kẻ đa sầu
    Yêu nhạc là kẻ bắt đầu mộng mơ
    Tui iu cả nhạc lẫn thơ
    Đố ai biết được tôi mơ hay sầu."

    (tìm được trên internet)

    [​IMG]
     
    Vhiaten, Ánh Kiều, Rilee9 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng tám 2021
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...