Truyện Ngắn Đôi Cánh Xòe - Lê Thu Nguyệt Thường

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi LÊ THU NGUYỆT THƯỜNG, 26 Tháng hai 2023.

  1. Đôi Cánh Xòe

    Tác giả: Lê Thu Nguyệt Thường

    Thể loại: Truyện ngắn

    upload_2023-8-7_19-47-40.png

    * * *​

    Đôi khi, nàng như chiếc máng đựng tro vàng mã ai đó bưng qua nơi tôi. Đôi khi, nàng như một bài hát ru với câu từ lủng củng chắp vá, và do hệ quả của truyền miệng, nó đã sai khác nhiều với bất cứ dị bản được ghi chép nào, nhưng vẫn làm tôi ngủ được. Tệ hại hơn, hôm đó, tôi đã thấy nàng như một cặp nhũ hoa, mà thứ dinh dưỡng tôi hút ra được từ trong đó đã nuôi dưỡng bản ngã của tôi, làm lớn mạnh cái tôi vốn chỉ lấp la lấp lánh trong mắt không quá nhiều người..

    Giọng nói ấy tiếp tục lải nhải, đó là thứ giọng nói giống như sự pha trộn giữa tiếng người ta khuấy tan muối biển trong chiếc chậu nhôm với tiếng gió chà xát mãnh liệt và tình tứ trên mái tôn mùa lạnh, đôi khi là giọng nói của nhân vật phản diện giấu mặt phát ra từ một hang sâu chốn rừng thiêng nước độc trong.. phim hoạt hình.

    - Nếu có trong tay cả Thái Bình Dương, tôi sẽ suy tính chỉ trong ba giây trước khi cắt dâng nàng Con đường tơ lụa và bất cứ vùng nước trồi nào nàng cần, đổi lại, nàng chỉ đáp lễ tôi bằng một con cá ngừ năm gang tay, câu trả lời của sự biết ơn đãi bôi, mặc dù. Chỉ cần, ừ, nàng hãy mô-đi-phê câu chuyện thắng được chiến lợi phẩm thành một cuộc giao tranh tàn khốc và nhẫn tâm, để con cháu nàng có ngày cầm sách sử trên tay đừng cười quá nhiều khi đọc đến trang viết về tôi (có thể còn ghi không đúng tên tôi nữa).. Nàng là một "Spider-Girl", nàng chích nọc độc sau gáy tôi, hòa tan bên trong tôi thành chất lỏng. Nàng sẽ rót chúng vào chiếc ve chai xấu xí, đánh dấu bằng cái nút màu rượu nho. Nàng gọi tôi bằng tên một màu sắc: Màu rượu nho. Màu của thứ chất lỏng sóng sánh trong chiếc ly kiểu cách. Nàng cầm lên để khi vào ảnh, màu môi nàng tone sur tone với thứ trên tay nàng, và nó cũng tạo thành một nhịp điệu ánh sáng với đôi mắt nàng nữa, trông nàng như một nữ vương. Trời ạ! Cay đắng là nàng không thích thức uống nhạt nhẽo đó. Nó chưa và không bao giờ đưa được nàng vào cõi mơ màng của trí tưởng tượng và sự liều lĩnh..

    Đôi tay èo uột vừa kéo cạp thun lên qua một đầu gối, nghĩa là còn một quãng khá xa, đủ để tràng "văn tự" kia còn tiếp tục kéo dài thêm đôi ba phút.

    - Tôi nghĩ.. nếu mình chết ngay tắp lự, tôi lập tức hồi hướng tất cả nghiệp thiện kiếp này để xin đầu thai làm đứa trẻ chân trần bên bờ sông Nho Quế, nàng chẳng thể nào bỏ qua một nơi thơ mộng nàng chưa đi qua. Nghĩ lần nữa, có lẽ nàng thích ngắm tháp Eiffel hơn. Không! Không đời nào tôi làm một gã vô gia cư trên đường phố Paris đâu. Dù tình yêu với nàng mê dại cuồng si tới mức tôi có thể chịu đựng nỗi đau bằng với việc bị đâm bởi tất cả các con Bích trên bộ bài Tây, thì tình yêu đó cũng có giới hạn. Một người lỗi lạc nào đó đã đặt ra câu hỏi "Trẻ mồ côi cần mẹ Teresa hơn hay mẹ Teresa cần trẻ mồ côi hơn?". Này, nàng cứ làm mẹ Teresa đi! Nàng xứng đáng nhận sự tán dương, và cả sự an ủi cho riêng nàng.. Xin lỗi! Tôi chẳng biết ngoài kia nó được bao nhiêu người yêu thương khi mà nó vẫn chưa biết sử dụng đầu xương đốt ngón tay mà cứ đập cửa bằng cả bàn như vậy.. Con bé thương hết những gì tôi thương, nó chỉ quá bận rộn thôi.

    - Mẹ thay đồ xong chưa?

    Bà cụ nghễng ngãng hay bà cụ đã tự bóp nhỏ không gian theo dõi của các giác quan để được yên bình? Bà cụ không nghe thấy tiếng những con người kia nói với nhau những điều liên quan tới mình nữa.

    - Chị Quỳnh, chừng nào chị đưa bà quay lại?

    - Ba giờ chiều mai.

    - Năm nay bà được đi lâu hơn đấy nhờ?

    - Ừ.

    Bên này, tràng độc thoại điểm xuyết những tiếng thở dốc vẫn chưa ngưng:

    - Này, tôi thấy tội nghiệp cho cô ấy, cô ấy chẳng còn lựa chọn nào khác để phải dùng đến sứ giả là sinh vật hạ tiện, tuổi thọ ngắn ngủn như mày. Hay bởi vì chính linh hồn cô ấy tầm thường, thích nhận về hơn cho đi?

    Cánh cửa phòng bật hé một cách thiếu kiên nhẫn rồi chậm rãi ép sát vào tường trong. Y tá nuốt ực lời chúc vào trong thực quản khi bà cụ nhàu nhĩ, lủng liểng ngấn mỡ nhưng có nét ấy với cặp mắt mọng nước mơ màng còn cố ngoái về phía giường:

    - Tao thách chủ tớ chúng mày có thể sống sau cánh cửa này lâu như tao mà không mất trí. Tao thách mày cõng những lời có cánh cuối cùng này đến chỗ cô ấy và bảo cô ấy rằng tao thách cô ta nói ra được những gì êm ái mặn mòi như tao nói ban nãy, về tao..

    Vừa nháp trong đầu một danh sách những việc sẽ làm từ chiều nay đến trưa mai, cô y tá có đôi bàn tay dài dài gân gân guốc guốc vuốt phẳng lại ga trải giường. Bỗng một âm thanh như cất lên từ không phẩy ba ba giây trước, âm thanh của một cấu trúc đang biến đổi, như một vết nứt dài không phẩy ba ba milimet, đủ để một chiếc rễ trắng ngần thò ra.. nơi những nghĩ suy xô đẩy nhau, nơi diễn ra những màn tranh cãi kết thúc bằng một trận biểu quyết, và sau đó, hình như có tiếng khóc tức tưởi của các sinh linh nhỏ không tên, điều ấy tất phải diễn ra, từng ngày, từng giờ, thậm chí từng sát-na vậy; khi mà cô trông thấy.. con côn trùng nâu, chẳng biết là bươm bướm hay thiêu thân xòe cánh bay khỏi bậu cửa.

    Một tuần lễ sau..

    - Trải gường gọn ghẽ cho bà cụ viết bậy?

    - Vâng đúng- Cô y tá 28 tuổi đáp lại người đàn ông 35 tuổi.

    - Bà cụ viết kín chiếc ga giường nào chưa?

    - Luôn trừ lại chỗ.. mà thôi. Anh có hỏi gì em thì hỏi lẹ, em sắp được nghỉ ngơi rồi.

    - Chắc là tôi phải dí mắt xuống tấm đệm thật rồi, nếu em chưa bao giờ đọc..

    - Em đọc hết, em rảnh mà, bà cụ không cần đến em quá nhiều. Bà vẫn để em giúp bà tắm gội. Nhưng ngoài lúc tắm gội, bà không khiến em giúp thay đồ. Bà có dùng nửa buổi sáng để mặc thêm một cái cadigan cũng chẳng ảnh hưởng kinh tế. Bà viết những cái giống thơ nhưng không phải thơ. Cách dòng nhưng không có vần luật gì ráo, tưởng như đó là các bản dịch từ thơ nước ngoài. Nhưng không hề có bài thơ nào như thế. Em nghĩ bà chỉ viết như các bé gái viết chữa lành. Thôi nhé, em không dám mần mò vào lĩnh vực của anh. Cứ dí mắt xuống đệm đi. Anh không ngửi thấy mùi người già đâu. Chào quyết thắng!

    Những dòng mực đen trên nền trắng, những dòng mực xanh trên nền xanh nhạt hơn.. xiên xẹo, gầy gầy với nét khuyết rất dài, chiếm bốn phần năm chiều dài nguyên con chữ.

    "Có khi..

    Chóp mũi nàng ghép vào hõm cổ tôi.

    Bụng tôi được dấp ướt bằng các tia sữa.

    Có khi..

    Nàng chăn tôi như chăn con cừu dưới cánh tay

    Tắm tôi trong bể ánh mắt

    Như tờ giấy tắm ánh trăng

    Tờ giấy có vết bàn chân.

    Có khi..

    Tôi xin được uống một giọt nước mắt nàng.

    Rồi nhận ra nàng vừa chạy xe qua miền gió cát mà thôi.

    Cho nên vị pháp sư trong tôi ngã gục

    Lại sống dậy thành kẻ tử đạo ngu si.

    Có khi..

    Tôi đang cố giữ lại trong vòm họng

    Một lời yêu cầu.

    Rằng hãy cho tôi ngập mười ngón tay giữa sóng tóc huyền.

    Nàng bước ra với mái tóc tém.

    Có khi..

    Lớp áo mỏng cố mắc lại vai nàng làm tôi khiếp sợ

    Tôi bỏ chạy.

    Cuộc giao hoan duy nhất tôi thèm muốn là thứ ở trong giấc mơ thôi.."

    - Dì thấy cuộc đời thế nào?

    - Nhiêu khê. Mà anh hỏi khách hàng của anh như thế à? Hay anh đang tới thăm tôi như cháu thăm dì, của cái ngày anh còn đòi tôi gấp ngôi sao ấy.

    - Dì cảm thấy thế nào?

    - Dì cần một bác sĩ rởm. Dì không cần chuyên gia tâm lý đâu.

    - Đấy, bảo sao cháu không muốn đến thăm dì cho được. Dì luôn làm cháu cười sặc tiết, như cái cách dì giả vờ viết chữ l thành chữ e, vẽ chữ o xuôi chiều kim đồng hồ. Dì quên là bác sĩ rởm tiêm đau hơn bác sĩ giỏi rồi hay sao?

    - Soạn cờ ra, chơi, anh phải chấp tôi một cánh xe pháo mã. Hoặc anh đi tán gái đi. Giá mà anh đừng theo học cái ngành quỷ dị kia thì tôi cho anh ở lại. Nhưng nhớ này, tôi là dì anh. Tôi không tiếc bất cứ cái bánh ngọt nào trên bàn của tôi với anh, dù hiện tại tay tôi quá run để nhào bột, và tôi cũng hay nhầm 100g đường thành một cân. Thứ duy nhất ở anh tôi cảm kích là đôi màng nhĩ chân thật của anh và những kết nối từ chúng đến cái não thông minh nhưng.. mù quáng mông muội của anh, nhưng điều đó không ngăn tôi nghi ngờ rằng trong mắt anh tôi vẫn là phế vật. Thật may con tôi có tiền, điều kiện tiên quyết để tôi không bị nó ruồng bỏ.

    - Các anh chị rất yêu dì. Các anh chị đã hiện thực hóa tình yêu đấy bằng cách nuôi dạy tốt các cháu nội ngoại của dì, để chúng xinh xắn như dì từng xinh, và thành đạt hơn tất cả những gì dì ngờ tới.

    - Sáo rỗng, ờ, dì tin vào luận cứ của anh một nửa. Nếu chúng nghèo khổ, dì tình nguyện tự đi vào rừng, chết trong rừng để chúng nó dành một ngày lẽ ra là đẩy dì trên xe cải tiến đi vứt mà kiếm thêm ba bát cơm.

    - Dì có khả năng biến những tiên liệu đau thương nhất thành một trải nghiệm vĩ đại để sẵn sàng đi xuyên qua. Nhưng ông Xanh đã cảm động với dì, dì cứ việc đi lại quanh đây, viết chữ lên giường cho tới khi chú về đón. Dì có nghe được thông điệp gì từ chú không, trường hợp dì tin có tồn tại cõi bên kia?

    Bà cụ ngả người ra sau, quý phái như một nữ lãnh tướng đã sai thuộc cấp ra hàng rồi dùng hết lọ thuốc bà để dành tuẫn tiết.

    - Mỗi lần tôi cảm thấy ông ấy lướt về thì chỉ sau nửa giây tôi mất hết tri giác, có lẽ tôi lăn ra ngủ dễ như đứa trẻ chưa đầy tháng vậy đó.

    - Rồi tại sao ga giường của dì biến thành như vậy nè?

    - Cứ cái ga giường nào có mực thì nó nghĩ đấy là của tôi.

    Bằng đi tìm ấm đun nước, mọi cử chỉ đều bóc mẽ sự bối rối của anh. Mụ dì anh là con mèo hóa cáo. Tuổi trẻ, bà chẳng bước lên khán đài giao tranh so tài nào. Nhưng anh có cảm giác bà đang kẹp đầu anh, đôi môi hơi giãn ra nhưng không hề mím chặt, mụ dì chẳng dùng quá nhiều sức lực mà đã cho anh ta đo ván, tha không "nốc- ao". Anh đã tin cái khiếu "bế quan bí thuật" của mình đích xác được di truyền từ bên ngoại, hay ít nhất là nó được nuôi dưỡng, củng cố từ những buổi trò chuyện với em họ con dì con già của mẹ, mụ già thú vị hiếm hoi này. Cái trò chơi của dì cũng chẳng nhiều muối lắm nếu được bày ra bởi cô gái 21, 22 tuổi đâu. Hoặc dì từng là một vị ẩn sĩ trong thế hệ của mình, hoặc là, chỉ vì trong lòng dì có mùi của mẹ; anh thèm cái ôm từ mẹ, cộng với nết tò mò và kiên nhẫn đặc thù ngành nghề, chính xác là một ngành nghề anh đã từ bỏ, anh quyết định nán lại ở đây. Anh tự pha một ấm hồng trà nghỉ ngơi giữa hiệp. Nếu hôm nay không thể "chiết tâm" bà dì, anh vẫn còn phương án dự phòng. Mai anh bay. Anh có thể vắng mặt khỏi quê nhà vài ba năm, nếu xứ người không bao dung và dịu dàng với anh, có thể anh phải sử dụng nguyên một thập kỉ mới tìm thấy sự thỏa hiệp với dòng thời gian và tài chính.

    - Dì này!

    - Nói!

    - Cho cháu đọc nhé!

    Mắt dì không liếc xuống giường:

    - Anh định đọc suy nghĩ của tôi?

    - Dì biết thừa là cháu không có khả năng đó.

    - Phải..

    - Hừm..

    "Trong khoảnh khắc hai hòa làm một

    Mỗi chúng mình có hai quả tim"

    Dì nuốt nước bọt:

    - "Hai quả tim trêu chọc nhau như hai đứa trẻ hai bên tấm ghi- đô may bằng da thịt

    Chúng ở chung nhà.."

    - Đoạn này ai viết?

    - Tôi không biết, nhưng tôi thích.

    - Trùng lặp ý tứ, không hay!

    - Sao anh không nghĩ nó là sự nhắc lại hoàn hảo?

    - À vâng, tình yêu được hồi đáp.

    - Hồi đáp à, thật thế à?

    Bà cụ cười khẩy qua lỗ mũi. Trong phút chốc anh nghĩ có phải đó cũng là cách dì tỏ thái độ với chú mỗi lần chú nói không vừa lòng dì, và với một ai kia, ai đấy, cái nàng thơ chốn mù mờ nào đấy khi nàng không nhận ra nàng là bảo bối của dì. Suốt cuộc đời này, dì chẳng gửi những thứ mình viết cho ai. Mỗi năm dì lại tặng vài thùng các- tông giấy lộn cho người gom phế liệu, cho đến khi chú qua đời.

    Anh không biết dì mình được Thượng đế phân vai gì.

    Lê bước trên đôi dép nhựa chỉ xỏ vừa bốn ngón chân, anh bấm máy chọn một cái tên trước giờ vẫn thưa thớt trong lịch sử cuộc gọi..

    - Mẹ chị cần một bác sĩ thật đấy.. Sao á? À vâng, chị nói cũng phải.. Nếu chị chỉ cần như thế, em sẽ liên hệ một bé học trò của bạn em.. Mẹ chị sẽ không nện cái bô lên đầu nó đâu.

    Anh không muốn dì mình nghe thấy.

    Chị ấy không muốn trả tiền cho thêm một vị bác sĩ nữa. Thân thể mẹ già 84 tuổi nhưng đã cà tàng như 91 tuổi của mình phải ngấm vài vốc thuốc mỗi ngày như hiện tại là quá đủ. Người ta dằn bà ra và đặt lên các thứ thiết bị, nhiều lần như thế rồi. Thôi thì còn cái tinh thần của bà, người ta nên để yên ổn và tự do. Miễn sao bà cụ không gây nguy hiểm, bà cụ cứ là ai cũng được hết.

    Các con bà không cùng tổ chức sinh nhật cho bà suốt hai mươi năm nay rồi. Năm nay, phiên chị Quỳnh, cũng như tất cả những năm chia hết cho ba, bà được ngồi trước bể bơi hoặc hồ nước, vào một nhà hàng, một trung tâm thương mại, tới thăm một người họ hàng, trong hành trình "ân huệ" ấy, thế nào bà cũng giấu được đôi ba cây viết trong người, dù chị Quỳnh không bao giờ quên mua cho bà một tá viết, có năm thêm một cây Ukulele. Những năm "mang tên" anh Thành là những năm bà cụ muốn lãng quên. Chính bà cụ còn chẳng biết anh đem thứ gì tới nhà bà, vì sau khi anh nổ máy đi khỏi, bà lập tức sai chị y tá hoặc người dọn dẹp theo giờ đem đi cho- ai - thì - cho trước khi chạm vào lớp giấy gói. Mọi hi sinh của bà cụ không thể ngăn anh coi bà là người mẹ tồi, nguyên do: Anh rất thương bố. Vâng, đó là cơ sự. Bà cụ nói với Bằng rằng chính bà đã chọn cho điều đó diễn ra. Bà từng chỉ ước nguyện họ trở thành những kẻ tự do và tự lo, xem nhẹ việc họ có hay không hòa hợp.

    Khi Bằng quay trở lại, bà cụ đã thay đổi nhịp thở, ánh mắt không còn đờ đẫn mà sắc lạnh lạ lùng, bà chỉ lên ga giường:

    - Ngày nào tôi không nói năng được nữa, hãy đốt cái này đi! Nhờ y tá Dơn lột nó ra ném vào máy giặt giùm! Từ giờ nó là tặng phẩm, tôi không đặt mông lên nó nữa, nàng không thích đâu.

    Đánh cặp mắt chéo lên trên, rọi qua khe cuối của những song gỗ, bà cụ thấy bầu trời hồng si-rô đang dần chuyển màu sang tím violet.

    Đêm hôm đó không có tiếng gió lùa.

    - Năm ngày nữa mới Tám Tháng Ba mà anh!

    Anh con cả khệnh khạng đặt gói giấy buộc ẩu đoảng lên chiếc bàn trà.

    - Tôi được đồng nghiệp tặng. Cô xem bà già dùng được thì cho dùng.

    Dơn bắt chước điệu cười khẩy qua lỗ mũi của bà cụ thay cho hai từ "không tiễn". Cô bóp nhẹ gói giấy, thầm chửi thề. Để chắc chắn, cô tháo dây, lật một đầu giấy rồi dựng nghiêng gói giấy lên.

    Nếu không biết đây là của thí của Thành, đứa con bà gọi bằng "danh hiệu" dài nhất: Thằng Cha Dâm Đãng Nợ Nần Trời Đánh Thánh Vật thì bà cụ vẫn sẽ khóc cả ngày khi nhìn hàng trăm cái xác này, hàng trăm bức tượng về sự câm lặng của những kiếp sống bị đày đọa. Phải chưa có "tiền lệ" đâu..

    Bằng thái độ khinh khi táo bạo, cô y tá định dúi gói giấy và vùi nó tận đáy thùng rác. Nhưng Thành đã quay lại, gã hất hàm như quán tính của một thói quen:

    - Bà già có đa nhân cách không?

    Dơn lấy hơi định trả lời "không biết", nhưng cô nói:

    - "Khó" vẻ như mẹ anh đang rất ân hận với bố anh.

    Gã ném trả cho đôi mắt vô hồn của cô một chiếc lưng áo bóng loáng không nếp nhăn, nhún nhẩy đi xa dần về phía bậc cửa. Mùi nước hoa vung vẩy tứ phía. Gã nói như vừa hít hà

    - Bảo bà già nghe bài "Có không giữ, mất đừng tìm" nha!

    - Anh vội lắm không? Mẹ anh bắt đầu yếu rồi.

    - Vội thì không vội. Nhưng đôi chân tôi thích đi thẳng.

    - Sao thế? Anh sắp là chủ nhà ở đây kia mà.

    Gã lên gân cánh tay phải, quay người 90 độ như thể đang nhẫn nhịn để giữ hình ảnh nam nhi:

    - Tôi đã định thử cố gắng tôn trọng cô, rồi tôi nhớ ra cô là do con Quỳnh thuê về.

    Gã đã đạt được cả hai mục đích: Bộc lộ sự ghét bỏ trước giờ vẫn tồn tại đối với những khúc ruột của mình; cho Dơn thấy rằng cô không phải vị nương nương ở đây.

    Điệu cười chát chúa sao chép từ bà cụ lại hiện lên trong một thoáng bức bối, cùng lúc với cú đâm xiên chéo bất ngờ của một tia nắng trêu ngươi từ kẽ hở giàn ti gôn trước sân.

    Chuông cửa reo lên lần nữa.

    Đừng có lại là gã ta!

    Không, lần này là gương mặt lạ hoắc. Cậu bé giơ lên mấy dòng tin nhắn và cười ngượng nghịu:

    - Chào chị, em đến gặp bà Quyên ạ! Còn đây là tin nhắn của cô Quỳnh.

    Cậu tháo giày, bước nhẹ tênh trên những bậc thềm phủ bụi rồi đứng lại chờ cô y tá dẫn đường. Cậu không dám đi gần Dơn quá một mét hai. Khi Dơn hỏi tên, cậu cười mỉm như điệu e ấp của thôn nữ trong phim ảnh.

    - Em tên Lộ, quê Thái Bình.

    - Bao nhiêu tuổi thế?

    - Dạ, 21 thôi ạ.

    - Ừ, thấy mặt non. Ý! Chị chỉ nói về ngoại hình thôi đấy nhé.

    - Vâng, em hiểu mà.

    Lúc này, Dơn mới nhìn rõ màu son của cậu ta. Đứa trẻ này, mặt mũi có sắc đấy, dù vẫn lồ lộ nét nam tính trên xương lông mày, xương gò má và hai bên khóe miệng. Nếu cổ áo cậu ta thấp xuống, thế nào cũng rõ rệt hai xương quai xanh.

    Cậu nhóc ngồi xuống ghế tròn cũng là khi y tá bắt đầu được nghỉ ngơi, nhưng, có vẻ như lần này, Dơn không muốn thế. Dơn vừa đặt mình xuống chiếc ghế treo hình giọt nước thì mép áo Lộ cũng ló ra khỏi khung cửa phòng bà cụ. Rồi cả dáng bộ thanh nhã hiển lộ trước mắt Dơn. Chiếc măng tô có eo màu xanh nước biển. Đôi tất trắng xỏ vừa khít chiếc dép nhựa dùng để đi trong nhà. Mái tóc ngôi lệnh hơi vếch cong phần đuôi, mảng râu sắp sửa được phóng thích nằm kiên nhẫn dưới chiếc cằm chữ V.

    - Sao rồi Lộ?

    Miệng cười mà đôi mắt nhăn nhó. Cậu the thé:

    - Bà đưa em ba trăm, bảo em đừng đến nữa, kẻo mỗi ngày em đến bà đều đưa ba trăm để em biến khỏi phòng bà. Em không thể nhận tiền từ cả hai bên được. Ra ngoài kia em nói chuyện với cô Quỳnh sau. Em đi đây, chị làm việc nhé!

    Bước chân nặng như chì, càng lúc càng nặng hơn khi cô tiến gần phòng bà cụ. Năng lượng trên đôi chân và đôi tay cô dường như bị rút gần cạn kiệt để dồn về làm thành tiếng quẫy đạp dữ dội nơi buồng tim. Thời gian trôi ào ào qua hai bên tóc mai cô tựa hồ như có thể làm thành một luồng gió biển..

    Nghe trộm được cuộc điện thoại giữa bà và con gái út. Dơn chạy xộc vào, ngồi lên một gót chân trước tấm gỗ nghiến già hình người không thể nhìn ra đâu là giới hạn giữa cằm và cổ:

    - Bà cho em nghỉ phép mà không nói trước với em.

    Bà cụ đưa xuống một xấp xanh da trời, ít cũng mười hai tờ:

    - Tôi sẽ đặt cho em một phòng villa ở ngoại thành. Hãy nghỉ ngơi cho tới trưa mai! Gọi xe từ bây giờ đi, em sẽ kịp đi lựa vài bộ đầm! Hãy chụp những tấm hình thật xinh đẹp!

    - Bà không thể can thiệp vào thời gian biểu của em trong ngày nghỉ phép. Em không đi khỏi căn nhà này, chừng nào chị Quỳnh chưa tống cổ.

    - Chiều mai em lại ở đây mà.

    - Một ngày lang thang bên ngoài là quá dài so với mức em cần.

    Bà cụ nhìn chòng chọc vào mắt người y tá đã suốt ba năm ngủ dưới mái nhà mình, ánh nhìn như vừa mới khám phá ra thân phận thật của thiên thần bị lưu đày.

    - Hai phần ba cuộc đời, tôi đã thật tình muốn sắm tốt vai hiền thê, hiền mẫu. Giá như ông ta đừng tinh tường quá, ông ta đã không u sầu.. Hứa với tôi! Đừng gọi các con tôi về cho đến khi em hết trách nhiệm ở đây! Cũng đừng nên ở bên tôi tối nay, hãy qua phòng bên kia thật sớm! Tôi đã soạn sẵn một tấm thư cho chúng nó xem rồi, tôi nhét dưới chỗ tôi ngồi. Đừng gọi bác sĩ đến! Tôi đã muốn cho chúng nó từ từ nhận thấy, từ từ chấp nhận và thứ tha. Nhưng có người khác nhận ra trước.

    - Ý bà.. em không có hiểu.

    - Em biết comeout nghĩa là gì không?

    - Dù có bác sĩ ở đây thì em vẫn hiên ngang mà nói rằng bà chẳng bị bệnh gì ngoài những đầu bệnh ghi sẵn trong bệnh án từ ba năm trước cả. Bà cũng chưa từng lẩn thẩn, chưa từng.

    - Em có nghe tôi kể về nàng lúc này không?

    Không đợi cô trả lời, bà cụ nâng lên một tông giọng:

    - Bàn tay rất dài, ngón thanh mảnh, bộ móng tròn hầu như luôn bị cắt ngắn hết mức có thể.

    Dơn nhìn xuống tay mình. Bà cụ lắc nhẹ cái đầu hói như thể cô y tá dấu yêu còn một con mắt nơi chân tóc trán để nhìn lên bà.

    - Mất rồi, lâu lắm rồi.. Có một nàng lanh lợi và một nàng đần độn, tôi ở chính giữa hai phiên bản ấy, khoảng cách giữa tôi và nàng là độ dày của vài ba lát rau. Trước tôi là nàng và sau tôi cũng là nàng. Nàng là một. Tôi là một. Cái tên nàng bao vây và kẹp chặt tôi. Nhưng chúng tôi vẫn bị mấy lát rau ngăn cách. Ướt nhẹp và bất mãn.

    - Em mua bánh mì cho bà nhé!

    - Đừng bắt chước sự ngu độn ấy! Chẳng có cái bánh mì nào ngon lành bằng cái ở trại hè. Tôi chưa từng ăn, nhưng tôi trông thấy cô ấy cắn xé và nhai nó, vội vàng, ngấu nghiến, thô tục, nhồm nhoàm. Mẹ ơi! Chiếc áo sơ mi không một nếp nhăn dính sốt trắng. Người tinh mắt cũng không nhìn thấy. Chỉ có người vừa tinh mắt vừa yêu cô ấy muốn chết mới nhìn thấy. Sau đó cô ấy lên làm bí thư xã.. Em cứ cười đi nếu em thấy buồn cười.

    - Cô ấy qua đời năm bao nhiêu?

    - Một năm trước khi em sinh ra.. đừng, đừng có nghĩ như thế! Tôi cho rằng cô ấy đợi tôi. Cô ấy không muốn bọn tôi phải chơi trò đuổi bắt. Có thể cô ấy sẽ chờ đợi tôi với một bộ râu, và tôi thì hoàn toàn là phụ nữ. Đưa tay đây!

    Dơn run rẩy đôi tay như thể nó vừa bị đánh bởi cây thước nhựa và giờ thì đem đôi tay đi méc người có thể lấy lại công bằng cho mình.

    - Tôi đã dán nó vào trong tâm trí rồi. Tôi chỉ còn được đến sáng mai thôi, có lẽ sẽ trước giờ Mão, nó là hình dung cuối cùng của tôi, thay vì cố quán tưởng một gương mặt vuông vức với đôi tai to và ánh sáng vàng màu nhiệm làm nền, tôi sẽ quán tưởng đến thứ cho tôi bình yên.

    - Nếu điều bà nói thành sự thật, em sẽ chuyển đến làm việc trong ngôi nhà khác thật rồi. Hoặc người ta chẳng thèm thuê đến đứa như em nữa đâu. Em sẽ.. vâng, sẽ không cầm tù bản thân, dù thế giới bên ngoài nhà tù có để dành cho em bao nhiêu đau đớn, em phải, vâng, bước ra, những con người yêu đương không theo cách số đông yêu đương đến hôm nay vẫn dễ trở thành tấm bia cho những mũi tên công kích. Bà có thể cho em.. Vâng! Em xin một trong ba tấm trải giường bà đã viết lên không?

    - Nếu em cần, em cứ lấy hết đi!

    Buông đôi tay cô cháu y tá xuống, bà cụ thẳng lưng, đôi mắt trở nên linh hoạt khác lạ, nhịp thở bà giãn ra thật là thư thái, không nặng nề vất vả như một hành khúc viết theo nhịp 1/2, thân hình hơn bảy mươi cân giờ trông nhẹ nhõm như thể bà sẽ đứng dậy đánh hông theo nhịp chachacha, sau đó ngồi xuống vừa gõ những ngón tay, vừa ngân nga "Lời của gió" với điệu Bossa Nova tưng tửng.

    Sự thật là bà đang hát nhẩm:

    "Tôi nguyện nằm giường sắt

    Tôi nguyện ôm cột đồng

    Từ khi thấy nhan sắc

    Mà tôi hằng nhớ mong.

    Em gái mắt sóng sánh

    Bờ môi chúm chím hồng

    Làn da không xám lạnh

    Vạt áo rơi bên hông

    Trên ngực mở hai cúc

    Trong áo giấu hai bông

    Giữa trưa cười rung rúc

    Chân đạp giày lông nhông.."

    - Tôi đã từng bằng tuổi em khi cô ấy hai mươi mốt. Bằng đôi tay y đúc thế này, cô ấy khoe tôi những món đồ tự làm xinh xắn, cô ấy rót nước cho tôi, gỡ lá me trên tóc tôi xuống, rửa vết thương cho tôi, vết thương ấy vừa lành miệng, chúng tôi đã bị lôi tách nhau ra như hai con lợn cố sệt đôi chi sau để kéo dài quãng đường đến con dao cái thớt trong vô vọng, tình yêu của chúng tôi và tất cả những đứa con tinh thần bị đem hành quyết mà không ai khóc thương.

    - Tốt hơn là cứ để bà trút những mệt mỏi cuối cùng lên cổ áo em này. Em có thể ngồi đây thâu đêm suốt sáng. Và vui vẻ nhất là khi nhận ra tiên đoán của bà chỉ là ý nghĩ bạo dạn bay bổng chẳng ăn khớp với hiện thực diễn ra. Ngày mai, em sẽ thay chiếc ga giường thứ tư cho bà. Em và bà sẽ làm cho cái nhà ba năm chưa sơn sửa này trở nên ồn ào nhất có thể.

    - Em đừng nên tham gia vào việc lựa chọn chỗ ngủ của tôi cũng như tôi cho em tự do thiết lập thời gian biểu của mình.

    - Em sẽ tặng bà cây son dưỡng chưa bóc tem.

    - Đừng, tôi nghĩ tôi táo bạo với một đôi môi khô rang hơn một đôi môi mềm mại. Em thử đặt tay lên đôi môi có vảy của mình chưa, đôi môi mọng nước không bao giờ cảm thấy được cái mê đắm hoan lạc bất tận của mọi giao thoa và đụng chạm. Nếu em định rờ vào cây piano già nua ngoài kia, hãy đừng chơi sonata, hãy chơi "Thật là hay" và "Lý cây xanh"..

    Đêm nay, cô y tá gần 30 sẽ rơi giọt nước mắt đầu tiên tính từ đầu thập kỉ này. Ngày mai, lần đầu tiên cô tụng Kinh Pháp Hoa bên một cái xác không phải người thân thích. Đâu là điểm kết thúc của chuỗi tranh đấu rồi hòa giải miên man giữa sáu căn và sáu trần?

    Khi chỉ còn chút hơi ấm cuối cùng nơi thượng vị, bà cụ nhân từ và mê muội đến tận cùng cuộc đời ấy sẽ trông như một đông trùng hạ thảo sấy khô, đặt mơn trớn nửa dưới khuôn mặt mình lên chiếc gối trắng bên cạnh đang căng phồng lấm tấm mốc, như mơn trớn đôi má nàng thơ..

    - Hết -
     
    Ngọc Thiền Sầu thích bài này.
    Last edited by a moderator: 7 Tháng tám 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...