Tôi nghĩ cuốn sách này khá hợp với những người thích tìm hiểu về thế giới nội tâm của người khác hoặc đơn giản chỉ là xác định xem mình có bị đối phương qua mặt hay không. Tôi đã đọc cảm thấy sách có những trích đoạn rất ấn tượng, các bí quyết được hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ. Dù là lí thuyết nhưng tác giả đã khéo lồng ghép vào đó những ví dụ để người đọc dễ hình dung và thực hiện. Cái tên "Đọc vị bất kì ai" chính là điểm đầu tiên thu hút ánh nhìn của tôi trước khi tôi quyết định đọc nó. Chắc hẳn không ít lần chúng ta rơi vào những tình huống khó xử, đôi bên đang tương tác nhưng lại không hiểu ý nhau dẫn đến hiểu lầm không đáng có. Giả như tình huống khác, bạn nghi ngờ đối phương đang giấu giếm hoặc lừa dối mình nhưng không biết mở lời thế nào để tìm ra manh mối và những điểm đáng ngờ. Chắc chắn rằng ta không thể sử dụng cách nói vào thẳng vấn đề để tiếp cận người kia, như thế sẽ chỉ khiến đối tượng nâng cao cảnh giác và đề phòng hơn trước. Nếu vừa muốn tìm ra sự thật mà không muốn bầu không khí trở nên căng thẳng ta cần đến một số thủ thuật. Từ những câu nói tưởng chừng bâng quơ và đơn giản, bạn có thể đọc ra tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ của người bên kia mà họ không hề hay biết. Theo góc nhìn của một độc giả như tôi, "Đọc vị bất kì ai" của tác giả David J. Lieberman không chỉ là một cuốn sách self-help bình thường mà đây còn là "hành trang sống" ai cũng cần đến. Chúng ta đang sống trong một thế giới mở, hàng ngày ta được tiếp cận với rất nhiều thông tin và con người. Sẽ có một khoảnh khắc nào đó chúng ta tưởng như mình bị "đứng hình" trước những điều đang xảy ra và bản thân bị đẩy vào tình thế khó xử. Nếu có kinh nghiệm, ít ra bạn sẽ bình tĩnh hơn và tìm được hướng giải quyết. Còn nếu chưa, bạn sẽ thấy vô cùng hoảng hốt và bối rối, thậm chí không thể điều khiển mình, không biết nên làm gì tiếp theo. Tôi sẽ không nói rằng, đọc xong cuốn sách này bạn sẽ trở thành một người biết "thuật đọc tâm", biết bình tĩnh xử lí tình huống bất lợi và luôn tìm ra cách ứng xử vẹn toàn trong mọi trường hợp. Nhưng ít nhất, khi nghiền ngẫm từng câu chữ trong cuốn sách này, bạn có thể phát hiện ra nhiều điểm thú vị trong tâm lí con người mà khi giao tiếp, bạn không hề để ý đến. Văn thơ hoa mỹ đến đây là đủ, giờ tôi xin mạn phép trích một đoạn trong sách để thỏa mãn một phần nào đó trong sự tò mò của mọi người. THỦ THUẬT 2: GỌI BÁC SĨ BOMBAY Néu bạn dang nghi ngờ có nguời biết được điều gì đó hoặc ai đó, thủ thuật có tên "Bác sĩ Bombay đâu!" có thể hữu dụng trong việc tìm ra chân tướng của sự việc. Phương pháp này được thực hiện dựa trên một nguyên tắc về tâm lý: Một người sẽ có mức độ quan tâm như nhau tới điều mà anh/cô ta không biết trước. Lấy ví dụ đơn giản như một người chưa từng biết Fred, Peter hay Marvin thì sự chú ý của anh ta đều san cho cả 3 người. Ngược lại, trong số cái tên được đưa ra, anh ta biết một thì tư nhiên sự chú ý sẽ hướng vào đó. Hãy xem ví dụ sau để hiểu rõ hơn về thủ thuật này: Giám đốc nhân sự nghi ngờ Jimmy có ý định rời công ty và mang theo bản danh sách khách hàng. Vị giám đốc nghi ngờ cô ta cấu kết với "ông Black" - giám đốc của công ty đối thủ. Nghĩ vật, người giám đốc nhẹ nhàng bảo Jimmy ngồi xuống và đưa ba tập tài liệu được đánh dấu: "Ông Green" "ông Blue" "ông Black". Nếu Jimmy đã gặp hay đang lên kế hoạch gặp ông Black, ánh mắt cô ta sẽ tự nhiên dừng ở tập hồ sơ đó lâu hơn những hồ sơ khác. Sau đó có thể cô ta sẽ cố gắng chuyển ánh nhìn sang tập hồ sơ bên cạnh nhưng sẽ làm với vẻ không tự nhiên và có phần máy móc ". Cuốn sách này có tổng cộng 15 chương và được chia làm 2 phần. Mỗi một chương đều đề cập chi tiết về cách sử dụng các thủ thuật và nêu ví dụ đơn giản, gần gũi với đời sống. Với những ai thích đọc những chủ đề về tâm lí của con người thì đây chắc chắn sẽ là" chân ái"của bạn. Phần 1: 7 câu hỏi cơ bản Học cách phát hiện ra điều người khác nghĩ hay cảm nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng trong bất kì hoàn cảnh nào. Chương 1: Liệu đối phương có đang che giấu điều gì không? Chương 2: Dấu hiệu tán thành hay phản đối: Liệu anh ta có thích điều đó hay không? Chương 3: Liệu đối phương có thực sự tự tin? Chương 4: Mọi chuyện.. có thực sự là vậy? Chương 5: Đo mức độ quan tâm: Liệu anh ta có thực sự quan tâm hay bạn chỉ đang lãng phí thời gian? Chương 6: Đồng kinh hay kẻ phá hoại: Thực ra họ đang ở phía nào? Chương 7: Đọc vị cảm xúc: Có phải bạn đang nói chuyện với một người ôn hòa không? Phần 2 Chương 8: S. N. A. P không dựa trên tính cách Chương 9: Màu sắc cơ bản của suy nghĩ? Chương 10: Suy nghĩ về những điều chúng ta hành động: Tại sao và như thế nào? Chương 11: Ảnh hưởng của lòng tự trọng: 6 nhân tố lớn Chương 12: Anh ta có lòng tự trọng cao hay chỉ giả vờ? Năm sai lầm dễ mắc phải Chương 13: Thăm dò lòng tự trọng: Xác định mức độ tự trọng của một người Chương 14: Ba loại tính cách Chương 15: Nghệ thuật và khoa học tìm hiểu tính cách: Những ví dụ thực tế Bạn có cảm nghĩ như thế nào về bài review của tôi? Liệu cuốn sách này có khơi dậy sự hứng thú của các bạn? Hãy thả những cảm xúc chân thật của mình xuống phần dưới bình luận nhé! Tôi rất vui và trân trọng ý kiến đóng góp của mọi người