Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi: Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mị trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mị trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mị chợt nhớ đêm năm trước. A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người ta chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân phận đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi.. Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ.. Mị phảng phất nghĩ như vậy. (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên. Câu 2. Xác định nội dung chính của đoạn trích trên? Câu 3. Điều gì khiến Mị chú ý đến A Phủ đang bị trói? Câu 4. Đoạn trích đã diễn tả suy nghĩ của nhân vật Mị như thế nào? Câu 5. Tại sao Mị lại nghĩ "Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ.."? Gợi Ý Trả Lời Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên: Tự sự Câu 2: Nội dung chính: Thể hiện sự căm phẫn của Mị trước sự tàn ác của A Sử và lòng thương người đối với A Phủ. Câu 3: Điều Mị chú ý đến A Phủ bị trói đó là, mị thấy: "Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen" Câu 4: Đoạn trích thể hiện tâm trạng, suy nghĩ của Mị trước sự tàn nhẫn, ác độc của A Sử. Số của Mị khổ đã đành, giờ chứng kiến cảnh người khác đau khổ, Mị càng thương xót, đồng cảm hơn. Khi giọt nước mắt A Phủ rơi xuống, Mị nghĩ đến bản thân từng đau đớn như A Phủ và lòng thương người, sức mạnh niềm tin, hy vọng, khát vọng sống mãnh liệt của Mị trỗi dậy. Câu 5: Mị lại nghĩ: "Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ.." thể hiện được sự thấu hiểu, đồng cảm cho A Phủ khi chứng kiến cảnh đau đớn về thể xác lẫn tinh thần của A Phủ giống nỗi đau của Mị trước đây và Mị căm ghét trước sự bạo tàn, vô nhân đạo của A Sử.