Đọc hiểu: Vịnh khoa thi Hương - Trần Tế Xương Đọc bài thơ sau: VỊNH KHOA THI HƯƠNG (*) (Trần Tế Xương) Nhà nước ba năm mở hội khoa (1), Trường Nam thì lẫn với trường Hà (2). Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ (3), Âm ọe quan trường miệng thét loa. Lọng (4) cắm rợp trời quan sứ đến, Váy lê quét đất mụ đầm ra (5). Nhân tài đất Bắc nào ai đó, Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà. (Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Văn học, Hà Nội, 1971) [Chú giải: (*) Vịnh khoa thi Hương có bản ghi là Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu (tức chỉ khoa thi Hương năm 1987) (1) Nhà nước: Bộ máy quản lí quốc gia, ở đây chỉ triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Ba năm: Theo lệ thường dưới thời phong kiến, cứ ba năm có một khoa thi Hương. (2) Trường Nam: Trường thi ở Nam Định. Trường Hà: Trường thi ở Hà Nội. Đó là hai trường thi Hương ở Bắc Kì thời xưa. Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi Hà Nội bị bãi bỏ. Từ năm Bính Tuất (1886), các sĩ tử trường Hà Nội xuống thi chung ở trường thi Nam Định. (3) Lọ: Lọ đựng nước uống (thí sinh làm bài ở trong lều cả ngày, phải mang theo đồ ăn, thức uống). (4) Lọng: Có bản ghi là cờ. (5), (6) Khoa thi Hương này có Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Pôn Đu-me (Paul Doumet) cùng vợ đến dự. Đây là cảnh đón rước Toàn quyền đến trường thi Nam Định tại làng Mĩ Trọng bấy giờ (nay thuộc thành phố Nam Định). ] Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Câu 2. Cách thức tổ chức kì thi Hương được nhắc đến trong hai câu thơ đầu có gì thay đổi? Câu 3. Nhận xét hình ảnh sĩ tử và quan trường trong hai câu thơ 3 và 4. Câu 4. Qua 4 câu thơ đầu, anh/ chị có cảm nhận gì về cảnh thi cử lúc bấy giờ? Câu 5. Chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của phép đối trong hai câu thơ 5 và 6: Lọng cắm rợp trời quan sứ đến, Váy lê quét đất mụ đầm ra. Câu 6. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 7 – 10 dòng) nêu suy nghĩ của bản thân về lời nhắn gửi của tác giả trong hai câu thơ cuối. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật Câu 2. Cách thức tổ chức kì thi Hương được nhắc đến trong hai câu thơ đầu về thời gian tổ chức :3 năm nhà nước tổ chức một kì Hương - không thay đổi. Nhưng địa điểm tổ chức: Tại trường thi Nam Định và trường Nam thi lẫn với trường Hà => gợi sự nhốn nháo, lẫn lộn, ô hợp. Câu 3. Hình ảnh sĩ tử và quan trường trong hai câu thơ 3 và 4: - Sĩ tử "vai đeo lọ" => lôi thôi, luộm thuộm, nhếch nhác. - Quan trường "ậm ọe" => âm thanh ú ớ, nói không rõ tiếng, la lối hách dịch, vênh váo mà không có uy gì cả. => Từ quan trường đến sĩ tử đều mất đi sự tôn nghiêm, trở nên thảm hại, nực cười. Câu 4. Qua 4 câu thơ đầu, anh/ chị có cảm nhận gì về cảnh thi cử: - Cảnh trường thi hiện lên hết sức khôi hài khi "thí sinh" mất đi cái vẻ nho nhã trí thức của thuở nào thì giám thị, giám khảo cũng không còn cái dáng nghiêm trang đáng tôn kính nữa. - Cảnh thi hỗn tạp, nhố nhăng trong buổi đầu của chế độ thực dân và phong kiến Việt Nam, mà triều đình nhà Nguyễn chỉ còn là cái bóng mờ thảm hại đến buồn cười. Câu 5. Hiệu quả nghệ thuật của phép đối trong hai câu thơ 5 và 6: Lọng cắm rợp trời quan sứ đến, Váy lê quét đất mụ đầm ra. - Phép đối: Lọng cắm rợp trời - váy lê quét đất; quan sứ đến - mụ đầm ra. - Hiệu quả nghệ thuật: + Tác giả châm biếm mạnh mẽ hình ảnh quan sứ được đón tiếp trọng thể, mụ đầm ăn mặc diêm dúa, điệu đáng. Tất cả đều phô trương hình, hình thức. + Đồng thời, gián tiếp bộc lộ nỗi niềm tủi nhục, chua xót của nhà thơ trước cảnh chướng tai gai mắt của những "ông Tây mụ đầm" trong hoàn cảnh mất nước. + Làm cho cách diễn đạt thêm sinh động, gây ấn tượng, cân xứng, hài hòa. Câu 6. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 7 – 10 dòng) nêu suy nghĩ của bản thân về lời nhắn gửi của tác giả trong hai câu thơ cuối. Trước thực tại đất nước oái oăm nhục nhã, Tú Xương đã bật ra tiếng kêu than hướng đến những nhân tài đất Bắc – những người đang sống dưới chế độ thi cử hỗn tạp. Câu thơ là tiếng kêu đầy đau đớn của Tú Xương đối thoại với chính bản thân mình hay là một lời kêu gọi đến những ai còn nghĩ tới sự vinh nhục của đất nước, thức tỉnh những người trí thức đương thời về trách nhiệm với đất nước. Âm điệu câu thơ thể hiện sự xót xa, xốn xang của nhà thơ. Tâm sự của nhà thơ ở hai câu cuối cho thấy niềm trăn trở khôn nguôi của một người trí thức yêu nước nhưng bất lực trước thời cuộc. Lời nhắn nhủ của tác giả Tế Xương vẫn còn ý nghĩa thức tỉnh với chúng ta về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời đại mới.