Nguyễn Du là một đại thi hào lỗi lạc của nền Văn học Việt Nam. Ông có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà với những tác phẩm tiêu biểu: Bằng chữ Hán: 3 tập thơ (250 bài) - Nam trung tạp ngâm: Gồm 40 bài thơ ngâm khi ở phương Nam (thời gian làm quan ở Huế và Quảng Bình- những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh, quê hương ông). - Thanh Hiên thi tập: Gồm 78 bài viết trong thời gian lưu lạc. - Bắc hành tạp lục: Gồm 131 bài được viết trong thời kì đi sứ Trung Quốc. * Bằng chữ Nôm: - Truyện Kiều - Văn tế thập loại chúng sinh Các tác phẩm Nguyễn Du mang giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Văn tế thập loại chúng sinh là một bài văn khấn tế, đề cập đến xã hội hồn ma một cách thảm thương nhất. Đó là hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế, song khác biệt cơ bản ở chỗ không có đối lập giàu nghèo, sang hèn. Chúng sinh ai cũng như ai cùng chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn nên nhà thơ xót thương tất cả.. . Sau đây là một số câu hỏi và định hướng đọc hiểu giúp HS hiểu rõ hơn về bài thơ này. Đọc hiểu: Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn) - Nguyễn Du Đọc đoạn trích sau: ...Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp, Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa, Ngẩn ngơ khi trở về già, Đâu chồng con tá biết là cậy ai? Sống đã chịu một đời phiền não Thác lại nhờ hớp cháo lá đa, Đau đớn thay phận đàn bà, Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu? Cũng có kẻ nằm cầu gối đất, Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi, Thương thay cũng một kiếp người, Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan! Cũng có kẻ mắc oan tù rạc Gửi mình vào chiếu rách một manh. Nắm xương chôn rấp góc thành, Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi? Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé, Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha. Lấy ai bồng bế vào ra, U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng... (Trích Văn tế thập loại chúng sinh – Nguyễn Du) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ phương thức biểu đạt của đoạn trích. Câu 2. Đoạn trích có thể được chia làm mấy phần? Câu 3. Đối tượng chiêu hồn trong đoạn trích trên là những ai? Họ là những người có số phận như thế nào? Câu 4. Phân tích tác dụng của những câu hỏi tu từ trong đoạn trích trên. Câu 5. Nhận xét về tình cảm, thái độ của nhà thơ với những con người được nhắc đên trong đoạn trích. Câu 6. Theo em, vì sao nhà thơ Nguyễn Du lại dành nhiều tình yêu thương cho «thập loại chúng sinh»? Câu 7. Khái quát giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của đoạn trích. Câu 8. Viết đoạn văn 7 – 10 dòng về khổ thơ mà em ấn tượng nhất trong đoạn trích. Gợi ý trả lời câu hỏi: Câu 1. - Thể thơ: Song thất lục bát - Phương thức biểu đạt của đoạn trích: Biểu cảm, tự sự Câu 2. Đoạn trích chia làm 4 phần: + 8 câu đầu: Cảm thương cho kiếp đàn bà + 4 câu tiếp: Cảm thương cho những kẻ lang thang, hành khất + 4 câu tiếp: Cảm thương cho những kẻ tù tội oan uổng. + 4 câu cuối: Cảm thương cho những đứa trẻ đoản mệnh. Câu 3. - Đối tượng chiêu hồn trong đoạn trích trên là: Những người đàn bà, những kẻ hành khất, người mắc tù oan, những đứa trẻ chết yểu. - Họ là những người có số phận bất hạnh, đáng thương, là phận con ong cái kiến bị xã hội vùi dập, sống trong đau khổ, chết trong oan ức. Câu 4. - Những câu hỏi tu từ trong đoạn trích trên: «Đâu chồng con tá biết là cậy ai? » «Đau đớn thay phận đàn bà, Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu? » «Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi? » - Tác dụng: + Nhấn mạnh bi kịch của những con người bất hạnh; thể hiện tấm lòng thương xót của nhà thơ cũng như nỗi trăn trở, băn khoăn không có lời đáp về nỗi đau khổ của nhân sinh. + Tạo nên giọng điệu buồn thương, da diết cho lời thơ. Câu 5. - Tình cảm, thái độ của nhà thơ với những con người được nhắc đên trong đoạn trích: Niềm cảm thông sâu sắc, nỗi xót xa, thương cảm cho cuộc đời bất hạnh của họ. - Biểu hiện: Hiểu được phận đàn bà nhiều truân chuyên, nhà thơ buông lời than đầy chua xót «Đau đớn thay phận đàn bà»; hiểu được cuộc sống nhục nhằn đói rét của những kẻ hành khất, nhà thơ cảm thán: «Thương thay cũng một kiếp người»; Nguyễn Du như đau với nỗi đau của những kẻ tù tội, chết oan, khóc với tiếng khóc của những đứa trẻ vừa sinh ra đã phải lìa mẹ lìa cha.. Câu 6. Nhà thơ Nguyễn Du dành nhiều tình yêu thương cho «thập loại chúng sinh» vì: - Họ là những con người bất hạnh, là nạn nhân của xã hội bất công; - Nguyễn Du là người có tấm lòng nhân ái, thương người; - Ông từng trải nghiệm 15 năm gió bụi đói, rét.. nên ông thấu hiểu cho nỗi đau của «thập loại chúng sinh». Câu 7. - Giá trị hiện thực: Đoạn trích thể hiện phần nào hiện thực cuộc sống của lớp người dưới đáy xã hội: Không được coi trọng, phải chịu đè nén, oan ức.. - Giá trị nhân đạo: + Đoạn trích thể hiện lòng cảm thông, thương xót của nhà thơ đồi với những kiếp người bất hạnh đó; + Gián tiếp tố cáo xã hội bất công tước đi quyền sống của con người; + Lên tiếng đòi quyền sống cho họ.. Câu 8. Viết đoạn văn 7 – 10 dòng về khổ thơ mà em ấn tượng nhất trong đoạn trích - khổ cuối (về những đứa trẻ) : Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du được thể hiện qua sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của con người, đặc biệt là những phận người nhỏ bé, yếu đuối. Ông xót xa cho những đứa trẻ mồ côi, mất đi tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ từ khi còn tấm bé. Hình ảnh trẻ thơ "lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha" vừa thương tâm vừa đau xót, cho thấy Nguyễn Du không chỉ quan tâm đến nỗi đau của người lớn mà còn day dứt trước cảnh đời oan trái của những sinh linh bé bỏng. Qua đó, Nguyễn Du bộc lộ tấm lòng nhân hậu, cảm thông trước mọi bất hạnh trong xã hội.