Đọc hiểu văn bản: Vĩnh biệt cửu trùng đài - Ngữ văn 11 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 1 Tháng mười một 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    I. Khái quát chung về bi kịch

    1. Bi kịch


    - Yếu tố cốt lõi của bi kịch là cái bi. Cái bi là phạm trù mĩ học xác định giá trị thẩm mĩ của những xung đột không thể giải quyết, được khai triển trong tiến trình hành động tự do của nhân vật, kèm theo xung đột này là những đau khổ và tiêu vong của nhân vậthoặc sự mất mát những giá trị đời sống của nó.

    - Những chủ đề: Định mệnh ngang trái, khát vọng kì vĩ không thể thành hiện thực, những mất mát lớn lao, sự nổi loạn chống lại trật tự thế giới..

    2. Nhân vật và xung đột trong bi kịch

    - Xung đột trong bi kịch những mâu thuẫn hệ trọng, gay gắt giữa lựa chọn hành động tự do của nhân vật với cái tất yếu khách quan được thể hiện và cả cái tất yếu chủ quan.

    - Nhân vật chính trong bi kịch phải trải qua những đau khổ, giằng xé cả về thể xác lẫn tinh thần, rơi vào những tình huống nặng nề, bế tắc, thường có kết cục bi thảm.

    - Lời thoại căng thẳng, chất chứa biện luận. Thể hiện suy tư trăn trở và thể hiện ý chí mạnh mẽ, không chịu khuất phục.

    3. Hiệu ứng thanh lọc của bi kịch

    - Hiệu ứng thanh lọc của bi kịch (sự tẩy rửa trong bi kịch), thuật ngữ từ thời cổ đại Hi Lạp, dùng chỉ sự tác động của bi kịch Hi Lạp đối với người xem, hướng họ về cái thiện, cái đẹp, tránh xa cái ác, cái xấu.

    - Theo dõi hành động kịch căng thẳng, gay gắt, kết cục bi thảm, người tiếp nhận bi kịch có thể sợ hãi, kinh hoàng, thương cảm, xót xa như chính mình đang trải nghiệm những bế tắc trong cuộc sống nhân vật để rồi từ đó căm ghét cái đê tiện, giả dối, ngưỡng mộ cái đẹp đẽ, hào hùng, tâm hồn được thanh lọc và trở nên hài hòa, thăng bằng hơn.

    II. Tìm hiểu chung về tác giả và tác phẩm

    1. Tác giả Nguyễn Huy Tưởng


    - Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960)

    - Quê: Làng Dục Tú, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

    - Ông là nhà văn, nhà viết kịch chuyên khai thác đề tài lịch sử.

    - Sáng tác: Đóng góp nổi bật trên thể loại tiểu thuyết và kịch. Trong đó, với thể loại kịch, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong làng kịch Việt Nam với những tác phẩm tiêu biểu như: Vũ Như Tô (1943), Cột đồng Mã Viện (1944), Bắc sơn (1946)..

    2. Tác phẩm

    - Vở kịch đầu tay này viết về sự kiện lịch sử xảy ra ở Thăng Long vào đầu thế kỉ XVI, dưới triều vua Lê Tương Dực.

    - Vở kịch gồm 5 hồi, được viết năm 1941, sau đó được xuất bản vào năm 1943.

    III. Đọc hiểu văn bản

    1. Đọc, xác định vị trí và tóm tắt.


    - Giọng đọc phải diễn cảm, phù hợp với nhân vật.

    - Vị trí đoạn trích: Nằm ở hồi V cũng là hồi cuối của vở kịch.

    - Tóm tắt:

    + Đan Thiềm giục Vũ Như Tô trốn vì kiêu binh nổi loạn, định phá Cửu Trùng Đài nhưng Vũ Như Tô nhất quyết ở lại.

    + Lê Trung Mại xuất hiện báo tin Trịnh Duy Sản làm phản, nhà vua và hoàng hậu đều đã chết, Nguyễn Vũ biết tin đã tự sát theo vua.

    + Nội gián cho biết loạn quân đã đập phá kinh thành, đốt Cửu Trùng Đài, Lê Trung Mại và bọn nội gián đều chạy trốn, Vũ Như Tô vẫn nhất quyết ở lại.

    + Quân khởi loạn và Ngô Hạch vào thành bắt đám cung nữ và Đan Thiềm, Đan Thiềm một mực cầu xin tha mạng cho Vũ Như Tô.

    + Vũ Như Tô vẫn hi vọng An Hòa Hầu biết ông vô tội và để ông tiếp tục xây dựng Cửu Trùng Đài, nhưng khi biết được chính An Hòa Hầu đã ra lệnh đốt Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô tuyệt vọng và yêu cầu quân sĩ dẫn mình ra pháp trường.

    2. Khám phá văn bản

    2.1. Tình huống kịch.


    - Tình huống kịch là một hoàn cảnh đặc biệt giúp bộ lộ toàn bộ tính cách và số phận của nhân vật.

    - Tình huống kịch được miêu tả trong đoạn trích là: Trịnh Duy Sản dấy binh làm loạn, giết nhà vua, đốt phá Cử Trùng Đài, lùng bắt Vũ Như Tô. Đây là tình huống vô cùng kịch tính, làm thay đổi số phận nhân vật và đẩy nhân vật vào một tình thế buộc phải lựa chọn, thông qua đó bộc lộ tính cách nhân vật.

    - Trước tình huống đó, mỗi nhân vật có những phản ứng và hành động khác nhau:

    + Đan Thiềm thì khẩn thiết cầu xin Vũ Như Tô đi trốn để không uổng phí tài trời, ngay cả khi bị bắt vẫn một mực bảo vệ Vũ Như Tô.

    + Vũ Như Tô nhất quyết ở lại Cửu Trùng Đài, một lòng tin vào sự vô tội của mình, hi vọng có thể xây dựng được một Cửu Trùng Đài huy hoàng nhưng cuối cùng chấp nhận cái chết khi chứng kiến Cửu Trùng Đài bị đốt cháy.

    + Nguyễn Vũ khi biết vua chết, kiêu binh nổi loạn liền tự sát theo vua

    + Lê Trung Mại và bọn nội gián lựa chọn chạy trốn.

    + Đám cung nữ quyến rũ quân sĩ, vu oan cho Đan Thiềm và Vũ Như Tô hòng thoát chết.

    + Ngô Hạch và đám quân sĩ đắc thắng khi bắt được Vũ Như Tô và đốt phá Cửu Trùng Đài.

    - > Trước cùng một tình huống, nhưng mỗi nhân vật lại có những lựa chọn và hành động khác nhau. Điều đó đã làm nổi bật những tính cách đối lập của các nhân vật: Sự tận trung của Nguyễn Vũ đối lập với sự phản trắc của Lê Trung Mại và bọn nội giám; sự ngay thẳng, cương trực và lòng vị tha của Đan Thiềm so với sự giả dối, ích kỉ của lũ cung nữ; sự cương trực, lãng mạn và đầy lí tưởng của Vũ Như Tô so với sự thực dụng, thô lỗ, hèn hạ của đám quân sĩ và Ngô Hạch. Có thể nói, tình huống kịch mà Nguyễn Huy Tưởng xây dựng trong đoạn trích thực sự đắt giá, làm nổi bật xung đột kịch cũng như làm bộc lộ rõ tính cách nhân vật.

    2.2. Xung đột kịch

    * Xung đột kịch là yếu tố chi phối toàn bộ cách triển khai nhân vật, các sự kiện, lời thoại và hành động, tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm, đồng thời bộc lỗ rõ nét tư tưởng của tác giả.

    * Xung đột kịch được thể hiện trong văn bản:

    - Trước hết thể hiện qua mâu thuẫn gay gắt, quyết liệt giữa các tuyến nhân vật:

    + Vũ Như Tô và Đan Thiềm kiên quyết bảo vệ Cửu Trùng Đài, trong khi đó lũ nội gián, đám cung nữ, Lê Trung Mại đều không nhìn thấy hoặc không thừa nhận giá trị của Cửu Trùng Đài, thậm chí còn mừng rỡ khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy.

    + Vũ Như Tô và Đan Thiềm là những người dũng cảm, trung thực, vị tha, có lí tưởng sống cao cả, sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ lí tưởng, trong khi đó các nhân vật còn lại đều là những nhân vật thực dụng, ích kỉ, dối trá và hung bạo.

    - Xung đột kịch còn thể hiện qua sự đối lập sâu sắc trong hành động của các nhân vật:

    + Đan Thiềm tha thiết xin Vũ Như Tô đi trốn nhưng Vũ Như Tô kiên quyết ở lại.

    + Đám cung nữ khăng khăng đổ tội cho Vũ Như Tô nhưng Đan Thiềm ra sức bảo vệ.

    + Vũ Như Tô tha thiết xin được gặp An Hòa Hầu song đám quân lính nhất định đưa dẫn Vũ Như Tô ra pháp trường.

    - > Xung đột chính trong đoạn trích cũng như toàn bộ văn bản là xung đột giữa lí tưởng nghệ thuật cao cả của một nghệ sĩ chân chính, tài hoa với đời sống lầm than, cơ cực của nhân dân; xung đột giữa sự cương trực, trong sáng, ngay thẳng của cá nhân với một xã hội tầm thường giả dối, vụ lợi.

    + Các xung đột này góp phần làm nổi bật bi kịch của người nghệ sĩ cũng như thân phận đầy bi kịch của những cá nhân trong một xã hội loạn lạc, đầy biến động, nhưng qua đây cúng khẳng định được sức mạnh của ý chí và khát vọng tự do của con người. Dẫu cho Cửu Trùng Đài bị đốt cháy, Vũ Như tô có bị hành quyết nơi pháp trường thì ước vọng về một thứ nghệ thuật chân chính, tự do, cao cả không thể bị dập tắt.

    3. Nhân vật Vũ Như Tô (qua lời nói và hành động)

    - Khi nghe Đan Thiềm báo tin loạn quân đang kéo về triều đình để phá Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô vẫn không tin, một mực cho rằng mình vô tội, thậm chí hi vọng có thể thuyết phục An Hòa Hầu cho mình xây tiếp cửu Trùng Đài.

    + Niềm tin ngây thơ ấy được thể hiện qua một loạt các câu hỏi: "Sao bà nói lạ? Đài Cửu Trùng chưa xong, tôi trốn đi đâu. Làm gì phải trốn?" "Tôi làm gì nên tội?" "Phá Cửu Trùng Đài? Không đời nào? Mà tôi thì không làm gì nên tội", hay qua các câu phủ định và những lời khẳng định dứt khoát: "Tôi không trốn đâu. Người quân tử không bao giờ sợ chết.. Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài."

    + Những lời thoại này cho thấy Vũ Như Tô là một nghệ sĩ khao khát theo đuổi lí tưởng nghệ thuật nhưng hoàn toàn xa rời thực tế.

    - Khi đám cung nữ vu oan, đám quân khởi loạn chế giễu, sỉ nhục và khi chững kiến việc Đan Thiềm ra sức bảo vệ cho mình, Vũ Như Tô đã nói những lời đanh thép, thể hiện thái độ thẳng thắn, không hề khuất phục trước cường quyền: "Giết thì cứ giết, nhưng dừng vu oan," Sao bà lẩn thẩn thế, lạy cả một đứa tiểu nhân? ";" Mi thực sự là một tên bỉ ổi. Sao trời lại để cho mi sống làm nhục cương thường ". Mặt khác ông cũng luôn hi vọng có thể tiếp tục xây dựng cửu Trùng Đài:" Ta sẽ xây một đài vĩ đại để tạ lòng tri kỉ "," Ta không có tội và chủ tướng các ngươi sẽ cởi trói cho ta để ta xây nốt Cử trùng Đài. "Những lời này cho thấy Vũ Như Tô là người cương trực, dũng cảm nhưng cũng hết sức trong sáng, cả tin.

    - Khi quân lính báo tin kinh thành phát hỏa, Cửu Trùng Đài sắp trở thành đống tro tàn, Vũ Như Tô vẫn không tin. Nhưng khi thấy ánh sáng rực, tàn than, khói bụi bay vào, ông vô cùng căm phẫn và tuyệt vọng, thốt lê đầy đau đớn:" Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài! "

    + Lời độc thoại thể hiện thái độ bi phẫn, sự thất vọng não nề của Vũ Như Tô khi giấc mộng nghệ thuật của mình bị sụp đổ trước một thực tại tàn khốc. Đó là lời than tiếc cho tài năng, cho thân phận nhỏ bé của người nghệ sĩ. Vũ Như Tô đã lựa chọn cái chết. Sự lựa chọn đó khẳng định niềm say mê lí tưởng nghệ thuật của ông, nhất quán với tính cách cương trực của ông, đồng thời cũng góp phần tô đậm bi kịch vỡ mộng của người nghệ sĩ khi đới diện với một thực tại đã bóp nghẹt đi giấc mơ sáng tạo của con người, bi kịch sụp đổ niềm tin của các nhân trước một thời thế chao đảo, cái xấu, cái ác lên ngôi.

    * Điểm khác biệt của nhân vật Vũ Như Tô so với các nhân vật trong các tác phẩm tự sự:

    - Vũ Như Tô luôn nhất quán trong tính cách và hành động, lời nói. Từ đầu đến cuối ta thấy, Vũ Như Tô luôn đặt cược toàn bộ đời sống và tính mạng của mình vào Cử Trùng Đài, bất chấp mọi khuyên can, cản trở, huy hiếp của người khác. Sự nhất quán này một mặt khẳng định ý chí tự do của con người, mặt khác thúc đẩy các xung đột lên cao trào, tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm.

    - Hơn nữa trong các tác phẩm tự sự, nhân vật thường được biểu hiện thông qua các hình thức giới thiệu lai lịch, chân dung, khắc họa nội tâm và hành động, thì nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích lại chủ yếu được khác họa các lời thoại. Do đó tính cách của nhân vật được bộ lộ trực tiếp, rõ ràng nhất.

    * Khi phân tích nhân vật kịch, cần chú ý các bước:

    + B1: Đọc kĩ lời loại, phân tích tâm trạng nhân vật qua lời thoại.

    + B2: Đặt lời thoại của nhân vật trong ngữ cảnh giao tiếp, chỉ ra hành động bộc lộ qua lời thoại (Nhân vật đang nói với ai? Mục đích của lời thoại là gì)

    + B3: Nhận xét đặc điểm, tính cách nhân vật qua lời thoại và hành động.

    4. Hình Tượng Cửu Trùng Đài

    Hình tượng Cửu Trùng Đài được hiện lên một cách gián tiếp thông qua lời thoại của các nhân vật. Từ điểm nhìn của mỗi nhân vật khác nhau lại mang một ý nghĩa riêng.

    - Với Vũ Như Tô, Cử Trùng Đài là lí tưởng sống và lí tưởng nghệ thuật mà cả đời ông theo đuổi. Nó là thứ quý hơn cả mạng sống của ông, thậm chí ông có thể sẵn sàng đổi cả bằng phẩm giá chính trực của mình, mượn quyền của Lê Tương Dực để xây dựng. Lúc nguy biến, Vũ Như Tô không hề quan tâm đến bản thân, chỉ một mực nghĩ đến sự tồn vong của Cửu Trùng Đài. Khi biết Cửu Trùng Đài bị đốt cháy, ảo mộng tan vỡ, Vũ Như Tô lựa chọn chấm dứt sự sống. Với Vũ Như Tô, Cửu Trùng Đài là cách để ông cống hiến cho đất nước. Có thể nói, ở góc nhìn này, Cửu Trùng Đài là biểu tượng của tài năng, cái đẹp và nghệ thuật, một thứ nghệ thuật thuần khiết, cao cả, mang giá trị vĩnh cửu, vượt lên trên cuộc đời phàm tục. Cửu Trùng Đài do đó cũng là biểu tượng cho giấc mơ lãng mạn mà con người muốn theo đuổi trong cuộc đời, bất chấp mọi cản trở và phũ phàng của thực tại.

    - Với Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài là sự kết tinh của tài năng và khí phách của người nghệ sĩ. Hành động kiên quyết bảo vệ Cửu Trùng Đài. Bảo vệ Vũ Như Tô của Đan Thiềm thể hiện một thái độ trân trọng cái tài, cái đẹp và niềm tin vào gái trị vĩnh cửu của cái đẹp.

    - Với những nhân vật khác, Cửu Trùng Đài là biểu tượng cho sự xa hoa, lãng phí, thậm chí cho tội ác của quyền lực, là nguyên nhân của mọi đau khổ, lầm than.

    - > Từ những góc nhìn trên cho thấy, Cửu Trùng Đài là một hình tượng mang ý nghĩa đa nghĩa, qua đó cũng thể hiện cái nhìn đa chiều của Nguyễn Huy Tưởng về nghệ thuật, về tài năng, về cá nhân. Nguyễn Huy Tưởng một mặt trân trọng tài năng, phẩm giá của Vũ Như Tô, thương xót cho số phận đầy bi kịch của người nghệ sĩ, mặt khác cũng nhận ra sự phù phiếm của một thứ nghệ thuật thoát li cuộc sống.

    5. Thái độ của tác giả.

    Trong văn bản, thái độ của tác giả tuy không bộc lộ trực tiếp, nhưng thông qua cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, ta có thể nhận ra được tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng.

    + Thứ nhất, trong cách xây dựng hình tượng, ta có thể thấy tác giả đã tạo nên hình tượng nhân vật đa diện, đặc biệt là nhân vật Vũ Như Tô.

    • Vũ Như Tô được miêu tả là một kiến trúc sư tài ba, cương trực, có lí tưởng lớn, giàu lòng vị tha, không khuất phục trước cường quyền, nhưng lại ngay thơ, phù phiếm, xa ròi thực tế, thậm chí mù quáng, vì hoài bão xây dựng Cửu Trùng Đài mà vô tình gây ra biết bao lầm than khổ cực cho nhân dân.

    • Quân khởi loạn tuy hung hăng, thô lỗ, không hiểu biết gì về nghệ thuật, thậm chí độc ác, mù quáng trút giận lên Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài nhưng sâu xa có nguyên nhân từ sự đau khổ và oán giận trước sự hung tàn của hôn quân. Các nhân vật đều không nguyên phiến, tính cách đầy mâu thuẫn, khó đánh giá tốt hay xấu. Điều đó cũng cho thấy được sự phân vân, hoài nghi và mâu thuẫn trong tư tưởng của chính tác giả: Một mặt trân trọng, cảm thương cho người nghệ sĩ, mặt khác lại nhạn ra sự phù phiếm của thứ nghệ thuật thuần túy.

    + Thứ hai, trong cách xây dựng cốt truyện, kết thúc của tác phẩm là Cửu Trùng Đài bị đốt cháy, Vũ Như Tô chủ động chọn cái chết. Cách kết thúc cho thấy như một kết quả tất yếu, nghệ thuật sẽ không thể tồn tại nếu không gắn liền với thực tế, vì con người. Tuy vậy ẩn sau hành động hiên ngang lựa chọn cái chết của Vũ Như Tô ta cũng phần nào thấy được sự ngưỡng mộ của nhà văn với nhân vật, đó là thái độ đầy mâu thuẫn.

    + Mặt khác, thái độ" biệt nhỡn liên tài"của tác giả còn được bộc lộ kín đáo qua hình tượng nhân vật Đan Thiềm. Thông qua nhân vật này, tác giả muốn khẳng định thiên tài nghệ thuật và lí tưởng cao đẹp củ Vũ Như Tô, đồng thời bày tỏ niềm hi vọng vào một thứ nghệ thuật thanh cao có thể vượt lên thực tại tầm thường.

    IV. TỔNG KẾT

    1. Nội dung


    – Vở kịch phản ánh mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật thuần túy của Vũ Như Tô với lợi ích thiết thực của nhân dân

    – Qua việc xây dựng các tính cách bi kịch (Vũ Như Tô, Đan Thiềm), Tác giả muốn gửi đến người đọc, người xem những bài học, tư tưởng, quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: Nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật phản ánh cuộc sống, khát vọng của người nghệ sĩ phải phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích của nhân dân.

    – Tác giả cũng bày tỏ sự cảm thông, trân trọng đối với những người nghệ sĩ có tài năng, hoài bão lớn nhưng lâm vào mâu thuẫn, bi kịch giữa lí tưởng và thực tế.

    2. Nghệ thuật

    – Đoạn trích thể hiện rõ những đực trưng cơ bản của thể loại bi kịch: Tình huống kịch, xung đột, sự kiện, lời thoại..

    – Không khí, nhịp điệu của sự việc được diễn tả theo chiều tăng tiến, mức độ dồn dập đã thể hiện được tính chất gay gắt của mâu thuẫn và đẩy xung đột kịch lên cao trào. Nhà văn đã tạo nên không khí kịch thông qua lời thoại, tình huống đầy kịch tính
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...