Đọc hiểu: Tự trào - Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 2 Tháng ba 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Tự trào - Nguyễn Khuyến



    Đề 1

    Đọc văn bản sau:

    Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,

    Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.

    Cờ đương dở cuộc không còn nước (1)

    Bạc chửa thâu canh đã chạy làng. (2)

    Mở miệng nói ra gàn bát sách, (3)

    Mềm môi chén mãi tít cung thang. (4)

    Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ

    Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng. (5)

    (Thi hào Nguyễn Khuyến: Đời và thơ, NXB Giáo dục, Hà Nội 1994)

    [Chú thích:

    (1) Ý nói thời cuộc diễn biến dở chừng mà nước đã mất, bế tắc như cờ bí nước.

    (2) Ý nói chưa trọn cuộc đời làm quan đã bỏ về ở ẩn, như con bạc chạy làng, thôi non.

    (3) Nếu một ai đó có những suy nghĩ hay hành động rõ ràng trái với lẽ thường, ai bảo cũng không nghe thì chắc chắn người đó sẽ bị gán cho là: "Đúng là kẻ gàn bát sách"

    (4) Ý nói việc uống rượu say sưa

    (5) Theo chế độ thi cử thời xưa, những người đỗ tiến sĩ được ghi họ tên lên bảng vàng và khắc tên vào bia đá]

    [​IMG]

    Chọn 01 đáp án đúng:

    Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản trên:

    A. Thất ngôn bát cú Đường luật

    B. Tự do

    C. Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

    D. Bảy chữ

    Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên:

    A. Tự sự

    B. Biểu cảm

    C. Nghị luận

    D. Miêu tả

    Câu 3: Trong 2 câu thơ đầu, tác giả đã tự viết về mình như thế nào?

    A. Chẳng giàu, chẳng sang;

    B. Chẳng gầy, chẳng béo

    C. Làng nhàng

    D. Chẳng giàu, chẳng sang, chẳng gầy, chẳng béo, làng nhàng

    Câu 4: Bài thơ trên gieo vần gì, ở những vị trí nào?

    A. Vần "ang", vần "ươc", vần "ach", vần "i" ở cuối tất cả các câu

    B. Vần "ang" ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    C. Vần "ang" ở các tiếng: sang, làng nhàng, làng, thang, bảng vàng

    D. Vần "ang" ở hai câu đầu.

    Câu 5: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ sau là gì? Tác dụng:

    Cờ đương dở cuộc không còn nước

    Bạc chửa thâu canh đã chạy làng

    A. Phép đối và phép ẩn dụ, tạo sự đăng đối, tạo tính nhạc cho câu thơ; nhấn mạnh tình thế dở dang của đất nước và lựa chọn bất đắc dĩ của tác giả.

    B. Phép ẩn dụ, nhấn mạnh tình trạng gieo neo của đất nước.

    C. Phép hoán dụ, nhấn mạnh hành động hèn nhát của tác giả.

    D. Phép so sánh, làm cho câu thơ gợi hình, biểu cảm.

    Câu 6: Nhan đề của bài thơ được hiểu là:

    A. Tự mỉa mai chính mình

    B. Tự phê phán chính mình

    C. Tự cười mình

    D. Tự thương cho mình.

    Câu 7. Hành động "chạy làng" trong câu Bạc chửa thâu canh đã chạy làng được hiểu như thế nào:

    A. Bỏ chạy trước sự truy sát của giặc

    B. Rời bỏ làng quê đi di cư

    C. Cáo quan về ở ẩn tại quê nhà

    D. Chạy theo dân làng đi lánh nạn.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8. Nhận xét về giọng điệu của bài thơ.

    Câu 9. Anh/ chị hiểu gì về tâm tư của nhà thơ qua 2 câu thơ sau, viết đoạn văn từ 5-7 câu trình bày suy nghĩ đó.

    Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ,

    Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng.

    Câu 10. Anh/ chị có đồng tình với lựa chọn của nhà thơ: Chưa trọn cuộc đời làm quan đã bỏ về quê ở ẩn hay không? Viết đoạn văn 5-7 câu lí giải quan điểm của anh/chị

    Gợi ý đọc hiểu

    1. A. Thất ngôn bát cú Đường luật

    2. B. Biểu cảm

    3. D. Chẳng giàu, chẳng sang, chẳng gầy, chẳng béo, làng nhàng

    4. B. Vần "ang" ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    5. A. Phép đối và phép ẩn dụ, tạo sự đăng đối, tạo tính nhạc cho câu thơ; nhấn mạnh tình thế dở dang của đất nước và lựa chọn bất đắc dĩ của tác giả.

    6. C. Tự cười mình

    7. C. Cáo quan về ở ẩn tại quê nhà

    8. Giọng điệu của bài thơ: Vừa trào phúng, vừa trữ tình

    - Trào phúng: Tự cười mình là kẻ không có gì đặc biệt, chỉ làng nhàng, cười về quyết định cáo quan về ở ẩn (tác giả gọi một cách hài hước là việc chạy làng), cười về tính gàn dở, có phần nhu nhược mà cũng được ghi danh ở bia xanh, bảng vàng..

    - Trữ tình: Chất trữ tình sâu lắng của bài thơ ẩn sau những câu chữ tưởng bông đùa, tếu táo mà chất chứa tâm sự buồn đau về sự dở dang của thời cuộc, nỗi day dứt, băn khoăn vì bản thân chưa làm tròn trách nhiệm với đất nước, nhân dân.

    9. Tâm tư của Nguyễn Khuyến qua hai câu thơ:

    Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ

    Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng

    Học sinh viết thành đoạn văn, đảm bảo được một số ý:

    - Ông tự chế giễu, chê trách mình: Được bia xanh, bảng vàng nhưng lại chẳng làm được gì xứng đáng với điều ấy mà lại sống như một kẻ say, một kẻ gàn dở.

    - Qua sự tự giễu đó, ta còn thấy được sự day dứt, bi kịch tâm hồn của ông giữa một bên muốn từ quan để giữ lấy sự trong sạch với một bên là nghĩa vụ, trách nhiệm với vua, với nước, với dân.

    - Tình yêu nước, thương dân thầm kín của Nguyễn Khuyến.

    10. Em đồng tình với sự lựa chọn của tác giả: Vì thời buổi nhiễu nhương, muốn giữ được nhân cách, Nguyễn Khuyến phải cáo quan về ở ẩn. Một mực ở lại có thể sẽ bị tha hóa, bị thực dân Pháp mua chuộc, hoặc bị cô lập..

    (Nếu không đồng tình có thể lí giải: Đã làm quan, hưởng ơn vua lộc nước thì dù có như thế nào cũng phải mang tài sức ra giúp vua bảo vệ đất nước; việc cáo quan về ở ẩn chỉ là một cách trốn tránh trách nhiệm của kẻ sĩ)

    Xem thêm bên dưới: ĐỀ 2
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng bảy 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 2

    Đọc văn bản sau:

    Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,

    Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.

    Cờ đương dở cuộc không còn nước (1)

    Bạc chửa thâu canh đã chạy làng. (2)

    Mở miệng nói ra gàn bát sách, (*)

    Mềm môi chén mãi tít cung thang.

    Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ

    Mà cũng bia xanh, cũng bảng vàng. (3)

    (Tự trào, trích Thi hào Nguyễn Khuyến: Đời và thơ, NXB Giáo dục, Hà Nội 1994)

    Chọn 01 đáp án đúng:

    Câu 1.
    Văn bản nào không cùng thể thơ với "Tự trào"?

    A. Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến)

    B. Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)

    C. Tự tình (bài 2 - Hồ Xuân Hương)

    D. Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)

    Câu 2. Dòng nào nêu đúng ý nghĩa của thơ tự trào?

    A. Thơ tự trào là thơ trào phúng, gây cười;

    B. Thơ tự trào là thơ tự cười mình, tự chế giễu mình mà trong đó đối tượng của cái cười chính là chủ thể;

    C. Thơ tự trào là thơ trào phúng mà trong đó đối tượng trào phúng là những thói hư, tật xấu của con người;

    D. Thơ tự trào là thơ trào phúng mà trong đó đối tượng trào phúng là giai cấp thống trị phong kiến.

    Câu 3. Những câu thơ nào có ý vị tự trào giống với các câu thơ trong bài thơ trên:

    A. Ông gẫm thân ông nghĩ cũng hay/ Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm/ Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay/ Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ/ Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.. (Than già).

    B. Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe/Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt/ Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe/ Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy.. (Thu vịnh)

    C. Ơn vua chưa chút báo đền/ Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời (Di chúc )

    D. Năm nay cày cấy vẫn chân thua/ Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa (Làm ruộng )

    Câu 4. Những câu thơ nào có sử dụng phép đối:

    A. Hai câu đề

    B. Hai câu thực

    C. Hai câu luận

    D. Hai câu thực và hai câu luận

    Câu 5. Dòng nào nêu đúng về bản chất tiếng cười trong bài thơ:

    A. Tiếng cười tự tin

    B. Tiếng cười đầy trăn trở, xót xa, cười ra nước mắt.

    C. Tiếng cười trẻ trung, lạc quan, trong sáng

    D. Tiếng cười dí dỏm, tươi tắn, tự nhiên

    Câu 6. Dòng nào Nguyễn Khuyến tự cười về tính cách của mình?

    A. Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang

    B. Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng

    C. Mở miệng nói ra gàn bát sách

    D. Nghĩ mình lại ngán cho mình nhỉ

    Câu 7. Đặc điểm gieo vần trong bài thơ là:

    A. Gieo vần "eo"

    B. Gieo vần "ang", vần bằng, độc vận, cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    C. Gieo vần lưng (giữa câu)

    D. Gieo vần trắc

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8. Bài thơ "Tự trào" cho ta hiểu điều gì về vẻ đẹp nhân cách Nguyễn Khuyến?

    Câu 9. Vì sao nói tiếng cười của Nguyễn Khuyến trong bài thơ là tiếng cười của lương tâm, của ý thức liêm sỉ, thâm thuý và thấm đẫm nước mắt?

    Câu 10. Theo em, ý nghĩa tích cực của việc tự trào trong cuộc sống là gì?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. D. Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)

    Câu 2. B. Thơ tự trào là thơ tự cười mình, tự chế giễu mình mà trong đó đối tượng của cái cười chính là chủ thể;

    Câu 3. A. Ông gẫm thân ông nghĩ cũng hay/ Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm/ Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay/ Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ/ Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.. (Than già).

    Câu 4. D. Hai câu thực và hai câu luận

    Câu 5. B. Tiếng cười đầy trăn trở, xót xa, cười ra nước mắt.

    Câu 6. C. Mở miệng nói ra gàn bát sách

    Câu 7. B. Gieo vần "ang", vần bằng, độc vận, cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    Câu 8. Bài thơ "Tự trào" cho ta hiểu vẻ đẹp nhân cách Nguyễn Khuyến: Là con người có lòng tự trọng; biết nhìn nhận những thiếu khuyết của bản thân để kiểm điểm; tự trách. Bài thơ còn cho thấy nỗi ưu tư sâu lắng của một con người luôn nặng lòng vì nước, vì dân.

    Câu 9. Tiếng cười của Nguyễn Khuyến trong bài thơ là tiếng cười của lương tâm, của ý thức liêm sỉ, thâm thuý và thấm đẫm nước mắt vì: Mặc dù giọng điệu có vẻ bông đùa, hài hước, nhưng đằng sau tiếng cười là nỗi suy tư của một con người luôn ý thức được việc mình cáo quan về ở ẩn là việc đáng trách, không nên. Đất nước rơi vào tay giặc, phận làm quan ơn lộc nước mà lại "chạy làng" khiến Nguyễn Khuyến day dứt, trăn trở không yên.

    Tâm trạng ấy xuất phát từ lòng tự trọng, từ liêm sỉ của một con người luôn nặng lòng vì ý thức trách nhiệm với đất nước. Nên tiếng cười trong bài thơ thực chất là nỗi đau, là cái cười đầy nước mắt của một con người đầy tự trọng.

    Câu 10. Theo em, ý nghĩa tích cực của việc tự trào trong cuộc sống là: Giúp con người tự nhận diện được thiếu khuyết của bản thân để cảnh tỉnh mình, để sửa sai, từ đó tiến bộ hơn.
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng mười hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...