Đọc hiểu: Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 28 Tháng hai 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn

    Đọc đoạn trích sau:

    "Thật ít có loài hoa nào vừa được mong chờ vừa bị rẻ rúng, vừa được nâng niu vừa bị lãng quên nhanh như bằng lăng. Ngày cuối xuân, người ta khát tím. Khi những giọt tím nhú trên nụ hoa, người ta thắc thỏm. Khi hoa vừa cựa mình xòe từng cánh mỏng tựa con ve sầu non quẫy cựa trút bỏ xác già, vẫy đôi cánh tím rung rinh đầu cành như sắp sửa bay lên thì các kiểu ống kính camera, mobile, ipad, galaxy tua tủa hướng về, lia lịa chộp lấy bao dáng tím thanh tân vào những khuôn hình. Rồi trầm trồ nhất, háo hức nhất là lúc hè đã về tới, bằng lăng nhất loạt khai hội trên khắp phố phường, một carnavan tím tưng bừng trên những vòm xanh. Mỗi bông hoa như một vũ nữ tím khỏa sắc xiêm y trong một festival đường phố của riêng chủng tộc bằng lăng. Người đa cảm đi dọc những tuyến đường đôi khi còn ngỡ tai mình nghe được những âm thanh tím, tiếng líu lo tím, râm ran tím của lễ hội bằng lăng vọng xuống từ chỏm những rặng xanh nữa. Mình từng thấy không ít cánh tay mơ mộng đã vin hái đôi ngọn bằng lăng như hái từng tháp hoa tím, rồi ấp e vào mái ngực như thể đã hái được đóa mộng của riêng rồi vậy. Cứ thế, bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian. Nhưng rồi sắc tím hoen nhanh.

    [..] Cứ bật tỏa hết mình. Cứ rút hết ruột gan hồn vía ra mà tím. Ôi! Bằng lăng do quá hào phóng với đời mà đã tự làm rẻ mình đi chăng? Ừ, phải chi nở hiếm hoi hơn, nở tằn tiện hơn, nở dè xẻn hơn, nhỏ giọt hơn, để người đời luôn phải thòm thèm, luôn phải ngóng đợi, thì hẳn bằng lăng đã dạy cho đời bài học về sự trân quý rồi. Đằng này.. Có lúc mình đã nghĩ oái oăm: Giá chi bằng lăng cứ mất mùa đi vài năm, để cho người đời thấm cái trống vắng thiếu hụt đi đã, rồi hãy đem hoa về, có khi lại hay. Thậm chí, bằng lăng thay đổi chu kì hoa đi, cứ bốn năm hãy cho hoa một lần, có khi lại hay. Bấy giờ, người ta sẽ phải dài cổ ngóng đợi, sẽ sốt ruột chờ trông, người ta sẽ hân hoan chào đón, sẽ ngậm ngùi tiễn đưa, và lúc nào cũng phải chi chút, nâng niu".

    (Trích: Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn, NXB Hội Nhà văn, tr. 125- 127)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1: Xác định 2 phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên.

    Câu 2: Theo đoạn trích, thái độ của mọi người đối với hoa bằng lăng như thế nào?

    Câu 3: Em hiểu điều gì về vẻ đẹp của hoa bằng lăng qua những câu văn sau: Cứ thế, bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian. Nhưng rồi sắc tím hoen nhanh.

    Câu 4: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ sử dụng trong câu văn sau: Mỗi bông hoa như một vũ nữ tím khỏa sắc xiêm y trong một festival đường phố của riêng chủng tộc bằng lăng.

    Câu 5: Nêu đặc điểm của ngôn ngữ viết đoạn văn trên.

    Câu 6: Đoạn văn thể hiện tình cảm, thái độ gì của tác giả đối với hoa bằng lăng.

    Câu 7: Rút ra một thông điệp mà em tâm đắc từ đoạn văn trên.

    Câu 8: Từ đoạn trích, em có suy nghĩ về sự cống hiến thầm lặng của con người.

    [​IMG]

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1: Hai phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên: Miêu tả, biểu cảm.

    Câu 2: Theo đoạn trích, thái độ của mọi người đối với hoa bằng lăng là vừa mong chờ, yêu mến, vừa thờ ơ, vô tình: Thật ít có loài hoa nào vừa được mong chờ vừa bị rẻ rúng, vừa được nâng niu vừa bị lãng quên nhanh như bằng lăng.

    Câu 3: Những câu văn sau: Cứ thế, bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian. Nhưng rồi sắc tím hoen nhanh.

    Cho ta hiểu:

    - Bằng lăng mang sắc tím thơ mộng, bung nở hết mình dâng cho đời những khoảnh khắc đẹp nhất mỗi mùa hoa.

    - Bằng lăng đẹp nhưng lại vẻ đẹp lại ngắn ngủi, nhanh tàn.

    Câu 4: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ sử dụng trong câu văn sau: Mỗi bông hoa như một vũ nữ tím khỏa sắc xiêm y trong một festival đường phố của riêng chủng tộc bằng lăng.

    - Biện pháp tu từ: So sánh: Mỗi bông hoa như một vũ nữ tím

    - Tác dụng:

    + Làm nổi bật vẻ đẹp của hoa bằng lăng: Lộng lẫy, gợi cảm, khiến con người say đắm.

    + Tăng tình gợi hình, biểu cảm, sự sinh động hấp dẫn cho lời văn.

    Câu 5: Nêu đặc điểm của ngôn ngữ viết đoạn văn trên:

    - Phương tiện sử dụng: Chữ viết. Không sử dụng cử chỉ, điệu bộ.

    - Từ ngữ: Trau chuốt, gợi hình gợi cảm: khát tím, giọt tím, quẫy cựa, xác già, rung rinh đầu cành, bao dáng tím thanh tân vào những khuôn hình, vòm xanh, vũ nữ tím khỏa sắc xiêm y, âm thanh tím, tiếng líu lo tím, râm ran tím..

    - Sử dụng nhiều phép tu từ:

    + So sánh: từng cánh mỏng tựa con ve sầu non; mỗi bông hoa như một vũ nữ tím khỏa sắc xiêm y trong một festival đường phố; cánh tay mơ mộng đã vin hái đôi ngọn bằng lăng như hái từng tháp hoa tím, rồi ấp e vào mái ngực như thể đã hái được đóa mộng của riêng rồi vậy.

    + Phép đối lập: Cứ thế, bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian. Nhưng rồi sắc tím hoen nhanh.

    + Phép điệp: Cứ bật tỏa hết mình. Cứ rút hết ruột gan hồn vía ra mà tím.

    - Câu: Chuẩn ngữ pháp; Câu dài với nhiều vế, nhiều tầng bậc, liên tưởng nhưng mạch lạc về ý nghĩa, quan hệ giữa các vế trong câu; Không sử dụng câu tỉnh lược, đặc biệt.

    - Tình huống, hoàn cảnh giao tiếp: Gián tiếp, độc thoại. Chỉ có người viết, người đọc vắng mặt trên văn bản.

    Câu 6: Tình cảm, thái độ gì của tác giả đối với hoa bằng lăng: Vừa trân trọng, yêu mến, vừa xót xa, tiếc nuối. Trân trọng, yêu mến vì bằng lăng đẹp, tận hiến hết vẻ đẹp ấy cho nhân gian. Nhà văn đã miêu tả cụ thể, đầy gợi hình vẻ đẹp ấy của bằng lăng với sự ngưỡng mộ. Nhà văn xót xa, tiếc nuối vì bằng lăng nhanh tàn và vì mọi người vô tình, lãng quên bằng lăng khi nó không còn đẹp nữa.

    Câu 7: Thông điệp: Cái đẹp dù mong manh cũng nên được trân trọng. Bởi: Cái đẹp mang đến thi vị, vẻ đẹp cho cuộc sống. Dù cái đẹp có mong manh, vẫn có giá trị với cuộc đời này, vẫn có ý nghĩa nhất định.

    Câu 8: Suy nghĩ về sự cống hiến thầm lặng của con người:

    - Âm thầm cống hiến là một lối sống đẹp, nhân văn, thể hiện cái nhìn sâu sắc của mỗi cá nhân về con người và cuộc đời.

    - Để hình thành lối sống âm thầm cống hiến ở mỗi con người cần có sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, sự tự ý thức và sự từng trải, trải nghiệm, bản lĩnh đưa ra lựa chọn.. của mỗi người.

    - Âm thầm cống hiến mang đến cho con người sự thanh thản, tự tin.. vào những hành động của mình, mang lại ý nghĩa cuộc sống đích thực, góp phần tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho đời.

    - Âm thầm cống hiến – tự nguyện, chủ động nhường nhịn những điều tốt đẹp, âm thầm tạo ra những giá trị tốt đẹp cho người, cho đời là một trong những thước đo chính xác nhất về nhân cách con người.

    - Để có thể âm thầm cống hiến, con người cần rèn luyện cho mình bản lĩnh, năng lực, sự tự chủ, lí tưởng sống cao đẹp..
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng một 2024
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...