Đọc hiểu: Tư cách mõ - Nam Cao - Bây giờ thì hắn trở thành mõ thật rồi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 4 Tháng một 2024.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    Đọc văn bản sau:


    "Bây giờ thì hắn trở thành mõ thật rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: Cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn.

    (.)

    Không! Lộ sinh ra là con một ông quan viên tử tế, hẳn hoi. Và chỉ mới cách đây độ ba năm, hắn vẫn còn được gọi là anh cu Lộ.

    (.)

    Những lời tiếng mỉa mai truyền từ người nọ đến người kia. Lộ thấy những bạn bè cứ lảng dần. Những người ít tuổi hơn, nói đến hắn, cũng gọi bằng thằng. Trong những cuộc hội họp, nếu hắn có vui miệng nói chõ vào một vài câu, nhiều người đã ra vẻ khinh khỉnh, không thèm bắt chuyện.. Hắn nhận thấy sự thay đổi ấy, và bắt đầu hối hận. Nhưng sự đã trót rồi, biết làm sao được nữa? Hắn tặc lưỡi và nghĩ bụng:" Tháng ba này, thằng nào thằng ấy đến ba ngày không được một bát cơm, dãi nhỏ ra, hết còn làm bộ!.. "Một ý phấn khích đã bắt đầu nảy mầm trong khối óc hiền lành ấy.. Một hôm, trong một đám khao, Lộ vừa chực ngồi cỗ thì ba người ngồi trước đứng cả lên. Lộ ngồi trơ lại một mình. Mặt hắn đỏ bừng lên. Hắn do dự một lúc rồi cũng phải đứng lên nốt, mặt bẽn lẽn cúi gầm xuống đất. Chủ nhà hiểu ba anh kia có ý gai ngạnh không chịu ngồi chung với mõ. Ông tìm một người khác, xếp vào cho đủ cỗ, và an ủi Lộ:

    - Chú ăn sau cũng được.

    Lộ ầm ừ cho xong chuyện, rồi nhân một lúc không ai để ý, lẻn ra về. Hắn tấm tức rất lâu. Trông thấy vợ, hắn cúi mặt, không dám nhìn thị, làm như thị đã rõ cái việc nhục nhã vừa rồi. Hắn thở ngắn thở dài, lắm lúc hắn muốn bỏ phắt việc, trả lại vườn cho họ đỡ tức. Nhưng nghĩ thì cũng tiếc. Hắn lại tặc lưỡi một cái, và nghĩ bụng:" Mặc chúng nó!.. "Hắn chỉ định từ giờ chẳng đi ăn cỗ đám nào nữa là ổn chuyện.. Nhưng khổ một nỗi, không đi, không được. Đám nào có ăn, tất nhiên chủ nhân không chịu để hắn về. Làm cỗ cho cả họ ăn còn được, có hẹp gì một cỗ cho thằng sãi? Để nó nhịn đói mà về, nó chửi thầm cho. Mà thiên hạ người ta cũng cười vào mặt, là con người bủn xỉn.. Ấy, người ta cứ suy hơn, tính thiệt như vậy, mà nhất định giữ thằng sãi lại. Không ai chịu ngồi với hắn, thì hắn sẽ ngồi một mình một cỗ trong bếp, hay một chỗ nào kín đáo cho hắn ngồi..

    Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ là yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào, mà chả có người chạy qua, chạy lại. Mỗi người đi qua lại hỏi hắn một câu:

    - Lộ à, mày?

    Cũng có người đế thêm:

    - Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hóa ra lại.. bở!

    A! Thế ra họ nói kháy anh cu Lộ vậy, cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng:" Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!.. "Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lẽn muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn lấy một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà đòi một cỗ to hơn bốn người ăn!..

    - Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo:" Tham như mõ ".

    A! Họ bảo hắn là mõ vậy.. Tham như mõ vậy!.. Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!.. Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày.. Hà hà! Phong lưu thật!.. Cho chúng nó cứ cười khỏe đi!

    Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện..

    Bây giờ thì hắn mõ hơn cả những thằng mõ chính tông. Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta. Vào một nhà nào, nếu không được vừa lòng, là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng:

    - Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ.."

    (Nam Cao, Trích Tư cách mõ, NXB Hội nhà văn 1993)

    * Tác giả Nam Cao: Nam Cao là người đến muộn song với tài năng và sự nỗ lực của mình ông đã trở thành đại diện ưu tú nhất cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 với quan điểm nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, phải "vị nhân sinh".

    [​IMG]

    * "Tư cách mõ" được sáng tác năm 1943.

    Câu 1. Xác định ngôi kể - điểm nhìn trong truyện.

    - Truyện được kể theo ngôi thứ ba – linh hoạt điểm nhìn, khi của người dân trong làng đạo, khi của chính anh cu Lộ.

    Câu 2. Tại sao anh cu Lộ làm mõ trong làng đạo?

    - Anh cu Lộ làm mõ trong làng đạo vì làng thiếu chân mõ, nhưng không ai chịu làm nên các cụ dỗ dành ngon ngọt để anh cu Lộ ra làm mõ.

    Câu 3. Trước khi mang tư cách mõ, anh cu Lộ là người như thế nào?

    - Trước khi mang tư cách mõ, anh cu Lộ là con một ông quan viên tử tế, hẳn hoi: Không! Lộ sinh ra là con một ông quan viên tử tế, hẳn hoi. Và chỉ mới cách đây độ ba năm, hắn vẫn còn được gọi là anh cu Lộ.

    Câu 4: Quá trình hoàn thiện tư cách mõ của anh cu Lộ diễn ra như thế nào?


    - Đầu tiên, anh cu Lộ xấu hổ muốn bỏ việc mõ khi thấy những lời tiếng mỉa mai truyền từ người nọ đến người kia. Lộ thấy những bạn bè cứ lảng dần. Những người ít tuổi hơn, nói đến hắn, cũng gọi bằng thằng. Trong những cuộc hội họp, nếu hắn có vui miệng nói chõ vào một vài câu, nhiều người đã ra vẻ khinh khỉnh, không thèm bắt chuyện.

    - > Tặc lưỡi và mặc kệ: Nhưng sự đã trót rồi, biết làm sao được nữa?

    - > Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước: Tháng ba này, thằng nào thằng ấy đến ba ngày không được một bát cơm, dãi nhỏ ra, hết còn làm bộ!

    –> Hoàn thiện tư cách mõ: A! Họ bảo hắn là mõ vậy.. Tham như mõ vậy!.. Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!.. Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày.

    –> Tiến bộ trong nghề mõ.

    Câu 5: Nam Cao thể hiện thái độ gì khi dùng đại từ "hắn"?

    - Dù Nam Cao có cảm thông đến mấy với Lộ, ông cũng thể hiện rất rõ ràng quan điểm: Con người này không phải là đại diện cho cái thiện, cái chính diện, cái cao cả, bởi hắn đã từ một con người bình thường trở thành kẻ tham lam, ti tiện.

    Câu 6: Đoạn văn: "Hà hà! Phong lưu thật!.. Cho chúng nó cứ cười khỏe đi!" là lời của ai?

    - Đó là lời người kể chuyện hòa vào lời anh cu Lộ.

    Câu 7: Anh/ chị hiểu đoạn văn: "Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện.." như thế nào?

    - Đoạn văn trên có thể hiểu là: Sự xúc phạm, lăng mạ của những người xung quanh quyết định sự biến đổi nhân cách con người. Trong tác phẩm "Tư cách mõ", những người xung quanh khinh Lộ, làm nhục lộ thì Lộ lại càng trơ ra, điều đó khiến nhanh cách của Lộ trở nên méo mó, không biết gì là tự trọng. Từ đó Nam Cao bộc lộ nỗi niềm đau đáu với độc giả: Hãy cứu lấy nhân phẩm con người.

    Câu 8. Xác định mạch kể của truyện.

    - Tác giả bắt đầu từ những việc làm của anh cu Lộ mang đầy đủ bản chất xấu xa, tham lam của một mõ làng.

    - Tiếp đó, tác giả kể về nguyên nhân anh ta từ một nông dân hiền lành trở thành một anh mõ làng.

    - Cuối cùng, phần trọng tâm phía sau của truyện, tác giả phân tích quá trình anh ta thích ứng, hình thành, hoàn thiện và phát triển tư cách mõ của mình.

    Câu 9. Phân tích nguyên nhân hình thành tư cách mõ của anh cu Lộ?

    - Nguyên nhân hình thành tư cách mõ của anh cu Lộ

    + Anh cu Lộ xuất thân tử tế, bản chất lương thiện, lành hiền, làm mõ cũng là do vị nể.

    + Chính cái nhìn định kiến đầy cay nghiệt của mọi người đối với người làm mõ đã biến anh cu Lộ từ lương thiện, lành hiền đến chỗ xấu hổ, e ngại, nhưng mọi người vẫn quyết không buông tha khiến anh nảy sinh tâm lí trả thù và từ đó mất dần liêm sỉ, nhân cách và dần hình thành, phát triển tư cách mõ.

    Câu 10. Câu nói: "Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm" gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì?

    - Câu nói "Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm" của Nam Cao đã khẳng định vai trò quan trọng của thái độ ứng xử của con người đối với nhân cách của người khác.

    - Thái độ khinh trọng, coi thường người khác có thể khiến cho người đó cảm thấy tự ti, mặc cảm, dẫn đến những suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Họ có thể trở nên thu mình, khép kín, không muốn giao tiếp với mọi người. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của họ, khiến họ trở nên thiếu tự tin, không dám thể hiện bản thân, từ đó khó có thể thành công trong cuộc sống.

    - Ngược lại, thái độ tôn trọng, coi trọng người khác sẽ khiến cho người đó cảm thấy được yêu thương, trân trọng, từ đó có thêm động lực để phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Họ sẽ trở nên tự tin, lạc quan, có ý chí vươn lên, từ đó có thể phát huy được hết khả năng của mình, đạt được những thành công trong cuộc sống.

    - Câu nói của Nam Cao cũng gợi cho chúng ta một bài học về cách ứng xử với mọi người. Chúng ta cần phải tôn trọng, coi trọng người khác, không nên khinh thường, coi thường họ. Thái độ ứng xử của chúng ta sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của người khác, vì vậy chúng ta cần phải cẩn trọng trong cách ứng xử của mình: Luôn tôn trọng, coi trọng người khác, không phân biệt đối xử với bất kỳ ai; Lắng nghe ý kiến của người khác một cách chân thành, không áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác; Khuyến khích, động viên người khác để họ phát huy hết khả năng của mình; Sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.

    Câu 11: Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn "Tư cách mõ" của nhà văn Nam Cao.

    A, Cách chọn đề tài, chủ đề:

    - Nam Cao miêu tả cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh cuộc sống hàng ngày, từ đó đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn: Vấn đề miếng ăn. Viết về cái đói, miếng ăn Nam Cao nhấn mạnh nỗi nhục hơn là nỗi khổ: Miếng ăn cùng với sự xúc phạm, lăng mạ của những người xung quanh đã biến anh cu Lộ từ một người nông dân thật thà thành một kẻ đê tiện, tham lam.

    Nam Cao đã phản ánh chân thực cuộc sống khốn khổ, bần cùng ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng; cảm thông, thương xót trước nỗi cơ cực của họ đồng thời đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc: Đó là vấn đề nhân phẩm con người.

    B, Cốt truyện, kết cấu.

    - Cốt truyện: Nam Cao xây dựng cốt truyện trên cơ sở miêu tả cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật Lộ.

    Sự vận động của hành động không phải diễn ra ở bên ngoài mà chủ yếu chỉ xảy ra ở bên trong, xảy ra trong thế giới nội tâm của nhân vật.

    - Kết cấu: Nam Cao sử dụng kiểu kết cấu đi thẳng vào vấn đề trung tâm của tác phẩm: Ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm đã nói tới chi tiết, sự kiện thể hiện bản chất, vấn đề cốt lõi của câu chuyện và sau đó nhà văn mới quay lại phía sau, miêu tả quãng đời quá khứ của nhân vật.

    C, Nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật: Nam Cao miêu tả trực tiếp cả quá trình vận động và phát triển tâm lý, tính cách nhân vật Lộ:

    - Quá trình tâm lý của nhân vật Lộ được ông thể hiện như là quá trình đấu tranh, sự chuyển hóa của những mâu thuẫn, những mặt đối lập trong thế giới tâm hồn.

    - Xung đột chủ yếu trong những tác phẩm là xung đột của thế giới nội tâm nhân vật với hai khuynh hướng đấu tranh với nhau, phủ định lẫn nhau: Khuynh hướng sống sao cho sướng hơn và khuynh hướng sống sao cho tốt hơn, có ích, có ý nghĩa hơn; giữa thái độ buông xuôi phó mặc cho hoàn cảnh và sự vùng vẫy, gắng gượng thoát ra khỏi thực trạng đó.

    - Nam Cao đã sử dụng linh hoạt nhiều hình thức và thủ pháp nghệ thuật để thể hiện tâm lý nhân vật, đặc biệt ông sử dụng rộng rãi và đầy hiệu quả hình thức độc thoại nội tâm.

    => Nam Cao đi sâu vào miêu tả, phân tích sâu sắc thế giới tinh thần của nhân vật, thể hiện đời sống tinh thần bên trong của họ, qua đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

    D, Ngôn ngữ, giọng điệu:

    - Ngôn ngữ trong tác phẩm là ngôn ngữ đa âm, phức điệu, hiện đại:

    + Ông không chỉ sử dụng đắc địa đại từ nhân xưng "hắn" mà còn có khả năng hóa thân, nhập vai vào tất cả các nhân vật, suy nghĩ và nói năng bằng tiếng nói của nhân vật.

    + Trong truyện có sự hòa quện giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, có sự chuyển hóa, trao đổi từ ngôn ngữ người kể chuyện sang ngôn ngữ nhân vật.

    + Ngôn ngữ đối thoại mang đầy chất văn xuôi đời thường, ngoài việc thực hiện chức năng tự sự còn là để khắc họa tính cách nội tâm nhân vật

    + Miêu tả lời thoại nội tâm, tạo điều kiện đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật, khiến nhân vật đối diện với chính mình tự phơi bày, tạo ra những cuộc tranh luận ngầm, bộc lộ ý kiến cá nhân của nhân vật về vấn đề nhân cách con người

    - Giọng điệu:

    + Trong giọng điệu buồn thương da diết của Nam Cao luôn chứa đựng những suy ngẫm triết lý sâu xa về cuộc đời, về con người, ông day dứt, trăn trở, ráo riết truy tìm nguyên nhân của tư cách mõ.

    + Trong truyện, ta còn bắt gặp một giọng điệu có sắc thái tưởng chừng đối lập nhau: Giọng khách quan lạnh lùng, tàn nhẫn bên ngoài mà cảm thông, thương xót bên trong.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...