Đọc hiểu: Tre Việt Nam – Nguyễn Duy – Bão bùng thân bọc lấy thân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 27 Tháng một 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Tre Việt Nam là một bài thơ hay của Nguyễn Duy, hãy cùng mình thực hành một vài câu hỏi đọc hiểu để hiểu rõ hơn về tác phẩm này nhé!

    [​IMG]

    Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi dưới đây:

    ".. Bão bùng thân bọc lấy thân

    Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

    Thương nhau tre chẳng ở riêng

    Lũy thành từ đó mà nên hỡi người

    Chẳng may thân gãy cành rơi

    Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

    Nòi tre đâu chịu mọc cong

    Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

    Lưng trần phơi nắng phơi sương

    Có manh áo cộc tre nhường cho con."

    (Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)

    Câu 1: Hãy xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ? Nêu nội dung chính bằng một câu đơn.

    Câu 2: Em hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:


    "Nòi tre đâu chịu mọc cong,

    Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường."

    Câu 3: Giải thích nghĩa của các từ: "Lũy thành", "lạ thường".

    Câu 4: Dựa vào nội dung của đoạn thơ trên, em hãy viết đoạn văn 5- 7 câu trình bày cảm nhận về hình ảnh của cây tre Việt Nam. Gạch chân một từ ghép có trong đoạn văn.


    Hướng dẫn giải:

    Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi là:

    Câu 1:

    Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là: Biểu cảm

    Nội dung chính: Đoạn thơ ca ngợi hình ảnh và những đức tính quý báu của cây tre Việt Nam.

    Câu 2:

    Biện pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng trong hai câu là: So sánh "như"

    => Tác dụng:

    + Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt: Miêu tả đặc tính của loài tre một cách tinh tế và độc đáo qua đó làm tăng niềm yêu mến, tự hào của người đọc đối với loài tre.

    + Tạo sự liên kết trong hai câu thơ: Câu trên khẳng định tre không "mọc cong" và câu dưới chứng minh từ khi chưa đâm lên khỏi mặt đất đã "nhọn như chông lạ thường".

    Câu 3:

    Nghĩa của các từ là:

    + Lũy thành: Là một loại công trình kiên cố, đươc xây dựng để phòng thủ một vị trí quan trọng.

    + Lạ thường: Chỉ sự siêu việt, khác lạ đến mức kinh ngạc, ít thấy.

    Câu 4:

    Tre Việt Nam – ba tiếng thiêng liêng được gợi ra từ những vần thơ Nguyễn Duy khiến ta thật xúc động. Tre từ bao đời nay vốn là biểu tượng cao quý cho tinh thần đoàn kết dân tộc, tre nâng đỡ nhau: "Thân bọc lấy thân", giúp đỡ nhau: "Tay ôm tay níu" và con người Việt Nam ta cũng như tre: Đoàn kết và yêu thương đồng bào. Tre kiên cường, tre hiên ngang, tre dấn thân vào mưa bom bão đạn, xây thành đắp đất để bảo vệ con người. Tre chịu thương, chịu khó, tre hy sinh cho sự sống của lũ măng tơ và tre hy sinh cho sự sống của người dân Việt Nam bao đời. Tôi yêu xiết bao loài tre ấy, bởi tre có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, là đôi đũa tre, tăm tre, chiếc chõng tre, chiếc cầu tre rồi đến cả những chiếc quạt nan tre của bà, của mẹ.. Tre từ bao đời đã đi vào sinh hoạt của người dân Việt Nam để rồi giờ đây, người Việt Nam ta trân quý tre như bè bạn, như những người thân ruột thịt trong gia đình hết mực kính yêu.

    Từ ghép có trong đoạn văn là: Tinh thần
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...