Đọc hiểu: Tôi thích mình là một cái cây - Thanh Thảo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 9 Tháng sáu 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đọc hiểu văn bản là một trong số những kĩ năng quan trọng cần được rèn luyện thường xuyên của người học sinh. Để đọc hiểu được văn bản, không chỉ là văn bản được hướng dẫn dưới sự định hướng của giáo viên mà còn là văn bản ngoài sách giáo khoa, người học phải vận dụng tất cả các kiến thức của ba phân môn: Văn học, tiếng Việt, làm văn trên nhiều phương diện như: Thể loại văn học, thể thơ, các yếu tố thuộc về hình thức, nội dung văn bản; phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phép liên kết, biện pháp tu từ..

    Sau đây là một số bài đọc hiểu về bài thơ Tôi thích mình là một cái cây của nhà thơ Thanh Thảo nhằm luyện tập kĩ năng đọc hiểu cho các bạn học sinh:

    Đọc hiểu: Tôi thích mình là một cái cây – Thanh Thảo

    ĐỀ ÔN TẬP SỐ 1

    Đọc đoạn trích sau:

    tôi ước mình là một cái cây

    thi thoảng có chim tới hót

    con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

    chẳng cần biết thế giới ra sao

    [​IMG]

    một cái cây xanh đến từng chiếc lá

    buổi sớm tỏa dưỡng khí

    ban đêm hứng ánh trăng

    một cái cây lang thang

    dù đứng im một chỗ

    (Trích Tôi thích mình là một cái cây – Thanh Thảo)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Đoạn thơ trên viết theo thể thơ nào?

    Câu 2. Trong khổ thơ đầu, cái cây mà "tôi" ước được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

    Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về những dòng thơ:

    một cái cây xanh đến từng chiếc lá

    buổi sớm tỏa dưỡng khí

    ban đêm hứng ánh trăng

    Câu 4. Có người cho rằng, hai câu thơ một cái cây lang thang - dù đứng im một chỗ thể hiện quan niệm sống của nhà thơ: tự do về mặt tinh thần, tư tưởng. Anh/chị có đồng tình với cách hiểu này không? Vì sao?

    Câu 5. Từ nội dung đoạn thơ, anh chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc sống là chính mình.

    Định hướng làm bài

    Câu 1. Đoạn thơ trên viết theo thể thơ: tự do (các câu có số tiếng không giống nhau, không theo quy luật)

    Câu 2. Trong khổ thơ đầu, cái cây mà "tôi" ước được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh: chim tới hót, con chim sâu bé bỏng nhảy nhót, chẳng cần biết thế giới.

    Câu 3. Những dòng thơ:

    một cái cây xanh đến từng chiếc lá

    buổi sớm tỏa dưỡng khí

    ban đêm hứng ánh trăng

    Từ đặc điểm sinh học của cây (lá xanh, hít thở khí trời, giao hòa với các sự vật xung quanh), cho ta hiểu đây là một cái cây tự do: tự do xanh đến từng chiếc lá, tự do tỏa dưỡng khí, hứng ánh trăng.

    Qua đó, cho ta hiểu khát vọng của nhà thơ: khát vọng được sống chủ động, sống tự do, tự tại; được làm những việc mình thích, giống như sự tự do của cái cây vậy.

    Câu 4. Có người cho rằng, hai câu thơ một cái cây lang thang - dù đứng im một chỗ thể hiện quan niệm sống của nhà thơ: tự do về mặt tinh thần, tư tưởng. Tôi có đồng tình với cách hiểu này.

    Vì đặt hai câu thơ trong văn cảnh của cả bài thơ, thì hình ảnh cái cây là hình ảnh ẩn dụ cho khát vọng được sống tự do, tự tại của nhà thơ. Trong hai câu trên, cái cây dù cố định, đứng yên một chỗ nhưng vẫn có sự tự do của riêng nó: "tỏa dưởng khí, đón ánh trăng". Điều này thể hiện khát vọng tự do về mặt tư tưởng của nhà thơ: tự do trong ý thức, tinh thần mặc dù sự tồn tại thực tế còn nhiều ràng buộc.

    Câu 5. Đoạn văn khoảng 200 chữ: ý nghĩa của việc sống là chính mình.

    Được thích điều mình thích, được yêu điều mình yêu, được nói điều mình nghĩ, được làm điều mình muốn, được sống cuộc đời của chính mình... thật tuyệt vời nếu ta được sống là chính mình. Sống là chính mình là sống đúng với những gì mà mình khát khao, theo đuổi, không phải phụ thuộc vào người khác. Sống là chính mình mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp: giúp ta cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc của cuộc đời; giúp ta tự do về tư tưởng, hành động; giúp ta thỏa sức vẫy vùng với ước mơ, khát vọng và đi đến thành công... Niềm vui trong cuộc sống của ta, sức mạnh tinh thần thôi thúc ta sống và hành động xuất phát từ việc ta có được làm theo những gì mình nghĩ, mình thích hay không. Thử hỏi, nếu phải làm công việc mà người khác thích (chứ không phải ta thích), nếu phải chiều theo ý muốn của người khác, phải nói những điều mà ta khinh...ta có thấy vui không? Chắc chắn là không rồi. Chỉ khi được sống là chính mình, ta mới có thể tự mình viết lên trang sách cuộc đời của chính mình, mới có thể tự tin kiêu hành mà vững bước. Không hổ thẹn, không day dứt, không phải sống trong bức bối tuyệt vọng như bác Trương Ba, cuối cùng phải chọn cái chết sau khoảng thời gian sống nhờ sống vả vào thân xác người khác và bị thân xác chi phối. Sống là chính mình mới thanh thản, an yên. Sống là chính mình mới không bị người khác coi thường, khinh rẻ. vậy nên, dù cuộc đời xô đẩy đến đâu, háy tự tin sống là chính mình.

    (Câu 1 - câu 3 dẫn trong đề thi tuyển sinh THPT 2022, tỉnh Thanh Hóa. Hướng dẫn làm bài chỉ mang tính chất tham khảo, chưa phải đáp án chính thức)

    Xem thêm bên dưới: Đề ôn tập số 2


     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng sáu 2022
  2. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    ĐỀ ÔN TẬP SỐ 2


    Đọc đoạn trích sau:

    tôi ước mình là một cái cây

    thi thoảng có chim tới hót

    con chim sâu bé bỏng nhảy nhót

    chẳng cần biết thế giới ra sao

    [​IMG]

    một cái cây xanh đến từng chiếc lá

    buổi sớm tỏa dưỡng khí

    ban đêm hứng ánh trăng

    một cái cây lang thang

    dù đứng im một chỗ

    (Trích Tôi thích mình là một cái cây – Thanh Thảo)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên.

    Câu 2. Trong đoạn thơ trên, nhân vật "tôi" đã ước như thế nào?

    Câu 3. Anh/chị hình dung như thế nào về cái cây được miêu tả trong đoạn thơ sau:

    một cái cây xanh đến từng chiếc lá

    buổi sớm tỏa dưỡng khí

    ban đêm hứng ánh trăng

    một cái cây lang thang

    dù đứng im một chỗ

    Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về quan niệm sống của nhà thơ thể hiện trong đoạn thơ trên.

    Câu 5. Từ nội dung đoạn thơ, anh chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của sự tự do trong cuộc sống mỗi người.

    Định hướng làm bài

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên: biểu cảm

    Câu 2. Trong đoạn thơ trên, nhân vật "tôi" đã ước mình là một cái cây: có chim đến hót, lá xanh, sáng tỏa dưỡng khí, đêm đón ánh trăng, không quan tâm nhiều đến thế giới bên ngoài.

    Câu 3.

    một cái cây xanh đến từng chiếc lá

    buổi sớm tỏa dưỡng khí

    ban đêm hứng ánh trăng

    một cái cây lang thang

    dù đứng im một chỗ

    Cái cây được miêu tả trong đoạn thơ trên là một cái cây tự do, tự tại: tự do xanh màu lá, tự do tỏa dưỡng khí, tự do đón ánh trăng, tự do "lang thang" trong tư tưởng dù thực chất chỉ đứng một chỗ.

    Câu 4.

    Qua hình ảnh cái cây mà nhà thơ ước được trở thành, ta thấy quan niệm sống tích cực của nhà thơ: hướng tới sự sống tự do, sống là chính mình, thích những việc mình thích, làm những việc mình làm; ung dung, tự tại... không phụ thuộc vào thế giới bên ngoài.

    Câu 5. Từ nội dung đoạn thơ, anh chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của sự tự do trong cuộc sống mỗi người.

    Tự do là quyền cơ bản của mỗi cá nhân: tự do trong suy nghĩ, tư tưởng; tự do trong ngôn luận; tự do trong lựa chọn, quyết định; tự do trong hành động, việc làm... Có người cho rằng "Tự do là ngọc vô giá mà thượng đế ban cho chúng ta, tất cả tài sản dưới lòng đất hay ở đáy biển sâu đều không thể sánh bằng." Câu nói đó khẳng định ý nghĩa của tự do trong cuộc sống của mỗi người. Đúng là không có gì quý bằng tự do. Được nói điều ta nghĩ, không phải uốn lưỡi theo thái độ của người khác; được làm việc ta thích, khước từ làm việc ta không ưa... chẳng phải rất tuyệt sao? Được tự do theo đuổi ước mơ, khát vọng, tâm hồn phơi phới như ngọn gió mùa xuân, không trói buộc, không lụy phiền, chẳng phải hạnh phúc lắm sao? Ta được sống cuộc đời của chính mình, được theo đuổi những gì mà ta cảm thấy hạnh phúc, không bị phụ thuộc vào người khác, không bị chi phối bởi người khác... điều đó chỉ có được khi ta hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, để có được tự do, ta phải nỗ lực thật nhiều, nỗ lực trong học tập, nỗ lực trong công việc... càng trở nên tài giỏi, ta càng có nhiều lựa chọn cho cuộc sống của mình. Mình tài giỏi, mình sẽ có quyền tự do chọn trường đại học mình thích; mình không tài giỏi, chỉ cầu mong trường chọn đến mình mà thôi. Như vậy, tự do phải đi cùng nỗ lực mới là tự do thật sự. Còn tự do kiểu buông tuồng, tùy tiện, chiều theo ham muốn của cái xấu, cái vô bổ thì đó chỉ là tự do nhất thời, không làm nên hạnh phúc bền vững. Hạnh phúc khi được tự do, nhưng dứt khoát phải chọn tự do bằng con đường nỗ lực.

     
  3. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    ĐỀ ÔN TẬP SỐ 3

    Đọc đoạn thơ sau:

    tôi ước mình là một cái cây
    thi thoảng có chim tới hót
    con chim sâu bé bỏng nhảy nhót
    chẳng cần biết thế giới ra sao

    một cái cây xanh đến từng chiếc lá
    buổi sớm tỏa dưỡng khí
    ban đêm hứng ánh trăng
    một cái cây lang thang
    dù đứng im một chỗ

    những ngày rồi qua những người rồi xa
    cái cây rung khẽ từng chiếc lá
    chúng ta là ai chúng ta về đâu
    chờ mãi cơn mưa rào rất lạ

    nắng gay gắt cứ như cáu gắt
    cây lá nhỏ nép mình chật vật
    chúng ta là ai xanh được bao lâu
    lặng im lá vàng rơi chạm đất


    Trích tập thơ "Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ" -7/2017, Thanh Thảo

    [​IMG]

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1.
    Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2. Hình ảnh cái cây mà nhân vật tôi ước trong khổ 2 được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

    Câu 3. Anh chị hiểu gì về 2 dòng thơ sau?

    Chúng ta là ai xanh được bao lâu

    Lặng im lá vàng rơi chạm đất

    Câu 4. Một bài học sâu sắc mà anh (chị) rút ra khi đọc văn bản trên?

    Câu 5.

    Từ nội dung đoạn trích trên, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về sự cần thiết của việc xác định mục tiêu trong cuộc sống.

    Định hướng làm bài

    Câu 1. Thể thơ: Tự do

    Câu 2. Hình ảnh cái cây trong khổ 2 được nhà thơ nói đến qua các hình ảnh: Xanh đến từng chiếc lá, buổi sớm tỏa dưỡng khí, ban đêm hứng ánh trăng, lang thang, dù đứng im một chỗ.

    Câu 3.

    Chúng ta là ai xanh được bao lâu

    Lặng im lá vàng rơi chạm đất

    - Cuộc sống con người ngắn ngủi, vô thường

    - Lời nhắn gửi của nhà thơ: Hãy sống thật sự có ích, có ý nghĩa, lưu lại dấu ấn trong cuộc đời.

    Câu 4.

    - Lựa chọn bài học: Sống lạc quan; an nhiên trước mọi biến động của cuộc đời; Phải biết ý thức thời gian của đời người là hữu hạn để sống có ý nghĩa; Sống tích cực, dám đối mặt với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống..

    - Giải thích thuyết phục

    Câu 5. Đoạn văn 200 chữ: Sự cần thiết của việc xác định mục tiêu trong cuộc sống

    Có thể triển khai theo hướng sau:

    - Mục tiêu là một điểm đích mà chúng ta hướng đến, phấn đấu đạt được trong cuộc đời.

    - Việc xác định mục tiêu sẽ giúp:

    + Tạo định hướng: Có được mục tiêu, mình mới biết được mình cần làm gì, hướng tập trung vào vấn đề gì.. Không có mục tiêu chúng ta sẽ dễ bị mất phương hướng trong cuộc sống.

    + Hoàn thiện được bản thân: Việc thực hiện mục tiêu sẽ giúp chúng ta tiến bộ và phát triển.

    + Có động lực để thúc đẩy mình, giúp vượt qua được những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống

    + Giúp cảm thấy cuộc sống có mục đích và thấy ý nghĩa hơn.

    (nêu lí lẽ kết hợp dẫn chứng)

    - Trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không mục tiêu, ước mơ, hoặc sống hão huyền, viển vông..

    - Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức được sự cần thiết của lối sống có mục tiêu, xây dựng cho mình một ước mơ, một mục tiêu, một phương hướng cụ thể nhằm đạt được những thành công trong cuộc sống; không ngừng rèn luyện nhân cách, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm để đi đến thành công..
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...