Đọc hiểu: Tình yêu là phép nhiệm màu -Một trong những mục tiêu của cái tôi là làm nảy sinh lòng ghen

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 25 Tháng tư 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Tình yêu là phép nhiệm màu - First News

    Đọc đoạn trích sau:

    Một trong những mục tiêu của "cái tôi" là làm nảy sinh lòng ghen tị trong các mối quan hệ. Ghen tị là loại cảm xúc tiêu cực hiện diện một cách vô thức trong tâm lí của mỗi chúng ta khi thấy người khác hơn mình. Sự ghen tị, ganh đua luôn tiềm ẩn trong bất cứ ai và chực chờ cơ hội để trỗi dậy. Hậu quả của thói xấu này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ tình cảm giữa người thân, bạn bè.. mà cả đến những mối quan hệ xã hội khác như với đồng nghiệp, cộng sự, đối tác kinh doanh..

    Nguồn gốc sâu xa của thói ghen tị và ganh đua chính là mặc cảm thua kém người khác và thiếu tự tin. Đó cũng chính là lí do khiến chúng ta luôn phải tìm kiếm giá trị bản thân ở bên ngoài qua hình thức so sánh, cạnh tranh với người khác. Khi hơn kẻ khác, ta tự thấy mình giỏi. Nhưng khi người khác hơn ta, ta cảm thấy ghen tị vì thấy mình không có được thứ họ có. Trong thực tế, chúng ta thường chỉ thấy được giá trị của bản thân khi nhận ra có người thua kém mình, hoặc hơn mình. Điều đó có nghĩa là tuỳ thuộc vào hành vi của người khác mà chúng ta có thể nhận biết được chính mình hay không.


    (Tình yêu là phép nhiệm màu – First News, tr86-87, NXB Tổng hợp TPHCM)​

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính cảu đoạn trích trên.

    Câu 2: Vấn đề bàn luận trong đoạn trích trên là vấn đề gì?

    Câu 3: Theo đoạn trích, nguồn gốc sâu xa của thói ghen tị là từ đâu? Ghen tị mang lại những hậu quả gì?

    Câu 4: Theo em, quan niệm chúng ta có thể nhận biết được chính mình tùy thuộc vào hành vi của người khác là quan niệm như thế nào? Em có đồng tình với cách nhận thức bản thân như vậy không?

    Câu 5: Em có suy nghĩ như thế nào về tác hại của thói đố kị? Hãy trình bày quan điểm của bản thân bằng đoạn văn khoảng 7 - 10 dòng.

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1:

    Phong cách ngôn ngữ: Chính luận

    Phương thức biểu đạt chính cảu đoạn trích trên: Nghị luận

    Câu 2: Vấn đề bàn luận trong đoạn trích trên là: Thói đố kị (nguyên nhân, biểu hiện, tác hại của thói đố kị).

    Câu 3:

    - Theo đoạn trích, nguồn gốc sâu xa của thói ghen tị chính là mặc cảm thua kém người khác và thiếu tự tin.

    - Ghen tị mang lại những hậu quả: Ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ tình cảm giữa người thân, bạn bè, đến những mối quan hệ xã hội khác như với đồng nghiệp, cộng sự, đối tác kinh doanh..

    Câu 4: Theo em, quan niệm chúng ta có thể nhận biết được chính mình tùy thuộc vào hành vi của người khác là quan niệm nhận thức bản thân có phần sai lệch. Em không đồng tình với cách nhận thức bản thân như vậy. Vì: Giá trị của bản thân mình chính mình là người sở hữu nên mình hiểu mình nhất. Nếu nhận thức giá trị bản thân mà dựa vào hành vi người khác thì không thể mang lại những nhận thức tích cực. Trong cuộc sống, có nhiều người tài giỏi hơn mình, mình lại đi so sánh với người ta thì chỉ thấy bản thân đáng thất vọng. Cách nhận biết này không giúp ta nhìn nhận được năng lực tiềm ẩn cảu chính mình để nuôi dưỡng, phát triển. Mặt khác nhìn nhận bản thân dựa vào hành vi người khác sẽ nảy sinh tâm lí đố kị, khiến bản thân lúc nào cũng mệt mỏi, căng thẳng.

    Câu 5: Đoạn NLXH: Tác hại của thói đố kị

    [​IMG]

    "Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình." – quan điểm của George Matthew Adams đã nói lên phần nào tác hại của thói đố kị. Đố kị nghĩa là bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác. Đố kị là thói xấu, như một thứ vi rút gặm nhấm tâm hồn ta, vì thế cần phải từ bỏ thói đó kị. Cần từ bỏ thói xấu này bởi đố kị không bao giờ khiến tâm hồn ta được thanh thản, khi lúc nào cũng bực tức trước thành công của người khác. Đố kị còn khiến ta mệt mỏi, chán nản, vì vậy mà hạn chế sự phát triển của bản thân. Khi dành nhiều thời gian vào việc chê bai, hạ bệ thành quả của người khác vì thói đố kị, ta sẽ không tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình muốn. Người có thói đố kị khó có thể tạo được thiện cảm và lòng tin với mọi người, không kết giao được những mối quan hệ bền vững, đánh mất cơ hội thành công.. Đố kị trong gia đình khiến tình thân rạn nứt, đố kị ngoài xã hội gây hại cho tập thể. Không ít người vì đố kị nhau mà gây hiềm khích, thiệt mình, thiệt người, ảnh hưởng tới người khác. Thử ngẫm xem, nếu trong tập thể, người này đố kị với người kia thì tập thể đó liệu có đoàn kết, phát triển vững mạnh không? Hơn nữa đố kị sẽ gây nên thù hằn, thù hằn sinh ra dối trá. Đố kị là nguồn gốc của mọi tâm tính xấu. Như vậy, đố kị chỉ có hại, chứ không mang lại giá trị cho con người, nên đừng để con rắn đố kị len vào tâm trí. Ta cần loại bỏ thói đố kị và tập trung vào việc phát triển năng lực, sở trường của chính mình. Bởi mỗi người đều có giá trị riêng, mình không giỏi lĩnh vực này nhưng lại có khả năng ở lĩnh vực khác. Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân và vui mừng cho thành công của người khác, để đố kị không còn là thứ vi rút ăn mòn tâm hồn và tính cách của chính bản thân ta. Hãy khắc ghi lời dạy của nhà Phật:

    "Ở đời ganh ghét chẳng được chi

    Thù hận hại nhau chẳng được gì

    Xã hội bao la người mỗi tính

    Rộng lượng bao dung bớt sầu bi."
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng năm 2023
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...