Đọc hiểu: Tình Mẹ - Tử Nhi: Thời gian nhẹ bước mỏi mòn - Xin đừng bước lại để còn Mẹ đây

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 10 Tháng năm 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Những bài thơ viết về mẹ luôn có sức lay động, truyền cảm đặc biệt. Bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Ai trong thẳm sâu tâm hồn, trái tim mình đều có hình bóng người mẹ kính yêu. Người mẹ đã dành cho ta tất cả yêu thương bằng đức hi sinh vô bờ bến.

    Bài thơ "Tình Mẹ" của tác giả Tử Nhi là một trong số những bài thơ hay viết về mẹ. Với thể thơ lục bát quen thuộc, phương thức biểu cảm đặc trưng của thơ, cùng những biện pháp tu từ quen thuộc so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ... bài thơ "Tình Mẹ" đã bộc lộ một cách chân thành, mộc mạc mà xúc động tình yêu, sự kính trọng mà con dành cho mẹ - người mẹ suốt đời hi sinh, vất vả vì con.

    [​IMG]

    Đề đọc hiểu: Tình Mẹ - Tử Nhi

    Đề số 1:

    Đọc bài thơ sau:


    Con qua hết thuở dại khờ
    Sao giờ con mới thẫn thờ nhận ra?
    Đã bao ngày tháng trôi qua
    Mẹ con trầm lặng - sương pha nhạt màu
    Hoàng hôn cứ mãi buông mau
    Mẹ thì xế bóng - con nào hiểu nơi?
    Con vui cùng với đất trời
    Còn tuổi xanh Mẹ đánh rơi bên đường
    Rằng thì: "Mẹ - chuối ba hương"
    Chợt nghe câu hát, đoạn trường con hay
    Tuổi con như cánh chim bay
    Tuổi mẹ xế bóng, thân gầy liêu xiêu
    Mẹ ơi, đã biết bao chiều
    Mẹ mang gánh nặng, bao nhiêu nhọc nhằn
    Cả đời Mẹ nhận gian nan
    Nuôi con khôn lớn vẻ vang với người
    Mẹ ơi bao giọt mồ hôi
    Đã rơi lặng lẽ cho thời xuân con?
    Thời gian nhẹ bước mỏi mòn
    Xin đừng bước lại để còn Mẹ đây
    Bao nhiêu gian khổ tháng ngày
    Xin cho con lãnh, kẻo gầy Mẹ thêm
    Mẹ ơi, xin bớt muộn phiền
    Con xin sống đẹp như niềm Mẹ mong
    Tình Mẹ hơn cả biển Đông
    Dài, sâu hơn cả con sông Hồng Hà.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong bài thơ trên.

    Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả người mẹ trong bài thơ. Qua những từ ngữ, hình ảnh đó, em hình dung như thế nào về người mẹ?

    Câu 3. Khái quát nội dung chính của bài thơ.

    Câu 4. Em hiểu như thế nào về câu thơ: Còn tuổi xanh Mẹ đánh rơi bên đường?

    Câu 5. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

    Tuổi con như cánh chim bay

    Tuổi mẹ xế bóng, thân gầy liêu xiêu.

    Câu 6. Theo em, chữ Mẹ được viết hoa có ý nghĩa như thế nào?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. Thể thơ được sử dụng trong bài thơ trên: lục bát (Câu trên 6 tiếng, dưới 8 tiếng).

    Câu 2. Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả người mẹ trong bài thơ: trầm lặng - sương pha nhạt màu, xế bóng, , thân gầy liêu xiêu, gian nan...
    Những từ ngữ, hình ảnh trên khiến ta hình dung mẹ là người cả đời lận đận, vất vả, nuôi con khôn lớn bằng tình yêu thương vô bờ; khi con lớn khôn cũng là lúc mẹ đã già.

    Câu 3. Khái quát nội dung chính của bài thơ:

    - Bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ cả đời hi sinh, vất vả vì con;

    - Bài thơ thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn của con đối với mẹ, niềm xót xa trong lòng con khi tuổi già đến với mẹ...

    Câu 4. Câu thơ: Còn tuổi xanh Mẹ đánh rơi bên đường có thể hiểu như sau:

    "Tuổi xanh" là hoán dụ chỉ tuổi trẻ, "đánh rơi" chỉ sự mất mát, mai một đi => câu thơ ý nói tuổi trẻ của mẹ đã không còn nữa, mẹ lú này đã già;

    Qua đó, câu thơ thể hiện niềm xót xa của con trước tuổi già của mẹ.

    Câu 5.

    - Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:

    Tuổi con như cánh chim bay

    Tuổi mẹ xế bóng, thân gầy liêu xiêu.

    + So sánh: Tuổi con – như - cánh chim bay

    Tác dụng: Nhấn mạnh sự tự do của tuổi trẻ;

    Tạo hình ảnh sinh động cho câu thơ.

    + Đối lập: Tuổi con(cánh chim bay) >< Tuổi mẹ (xế bóng, thân gầy liêu xiêu)

    Tác dụng: Nhấn mạnh sự đối lập giữa tuổi trẻ và sự tự do bay bổng của con với tuổi già và sự gầy yếu, mong manh của mẹ;

    Gợi nên nỗi niềm xót xa, thương cảm trong lòng người con;

    Tăng sức biểu cảm cho lời thơ.

    Câu 6. Theo em, chữ Mẹ được viết hoa có ý nghĩa:

    - Nhấn mạnh hình ảnh trung tâm của bài thơ là hình ảnh Mẹ;

    - Thể hiện tấm lòng thành kính, trân trọng, thương yêu của con đối với mẹ.

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng năm 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Đề số 2:

    Đọc đoạn thơ sau:

    Thời gian nhẹ bước mỏi mòn

    Xin đừng bước lại để còn Mẹ đây

    Bao nhiêu gian khổ tháng ngày

    Xin cho con lãnh, kẻo gầy Mẹ thêm

    Mẹ ơi, xin bớt muộn phiền

    Con xin sống đẹp như niềm Mẹ mong

    Tình Mẹ hơn cả biển Đông

    Dài, sâu hơn cả con sông Hồng Hà.

    (Trích Tình Mẹ - Tử Nhi)

    Trả lời câu hỏi:


    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên.

    Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của 02 phép tu từ được sử dụng trong 05 dòng thơ cuối.

    Câu 3. Em hiểu nội dung câu thơ Thời gian nhẹ bước mỏi mòn như thế nào?

    Câu 4. Mẹ đã mong con sống như thế nào? Em hiểu điều gì về lối sống đó?

    Câu 5. Cảm nhận của em về tình cảm của tác giả đối với mẹ trong đoạn thơ trên.

    Câu 6. Viết đoạn văn khoảng 150 chữ về sức mạnh của tình mẫu tử.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên: biểu cảm (bộc lộ cảm xúc của con đối với mẹ).

    Câu 2. 02 phép tu từ được sử dụng trong 05 dòng thơ cuối:

    - Điệp từ: "xin" được lặp lại 3 lần; điệp ngữ "hơn cả" lặp lại 2 lần;

    Tác dụng: Thể hiện một cách cảm động lời khẩn cầu tha thiết của con về những điều tốt đẹp dành cho mẹ; thể hiện công lao trời bể của mẹ và tình yêu thương mẹ của con; tăng tính nhạc cho lười thơ.

    - So sánh: Tình Mẹ hơn cả biển Đông; Dài, sâu hơn cả con sông Hồng Hà.

    Tác dụng: Cùng với điệp ngữ "hơn cả", phép so sánh nhấn mạnh công lao của mẹ là vô cùng vô tận (sánh ngang với hình tượng thiên nhiên kì vĩ); thể hiện lòng biết ơn, kính trọng của con; Tăng tính gợi hình, biểu cảm cho lời thơ.

    Câu 3. Nhờ phép tu từ nhân hóa "nhẹ bước", ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "thời gian nhẹ bước mỏi mòn" câu thơ Thời gian nhẹ bước mỏi mòn có thể hiểu: Thời gian là dòng chảy tuyến tính, chậm chạp chảy trôi nhưng trôi đi một cách vô tình, nghiệt ngã.

    Câu 4. Mẹ đã mong con sống đẹp.

    Sống đẹp là sống có ích, mang lại những điều tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh. Biểu hiện của lối sống đẹp: có nhận thức đúng đắn, có mục đích, lí tưởng; có tình cảm trong sáng, lành mạnh; có hành động trách nhiệm, biết yêu thương, chia sẻ, cống hiến...

    Câu 5. Cảm nhận của em về tình cảm của tác giả đối với mẹ trong đoạn thơ trên:

    Đoạn thơ thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn, sự kính trọng và một chút xót xa, tiếc nuối của nhà thơ khi đối diện với tuổi già của mẹ. Tất cả được bộc lộ một cách chân thành, mộc mạc mà thấm thía cảm động. Cảm động hơn cả là lời cầu xin da diết của tác giả: mong thời gian đừng trôi đi nhanh quá, để giữ lại tuổi trẻ của mẹ và để con bên mẹ được nhiều hơn.

    Câu 6. Viết đoạn văn khoảng 150 chữ về sức mạnh của tình mẫu tử.

    Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Đó là tình yêu thương của mẹ đối với con và tình yêu thương của con dành cho mẹ. Tình mẫu tử có sức mạnh đặc biệt – là sợi dây gắn kết giữa mẹ và con, là tình cảm thôi thúc tự bên trong khiến mẹ có thể hi sinh quên mình vì con và ngược lại, khiến con có thể làm mọi điều để dành cho mẹ những gì tốt đẹp nhất. Tình mẫu tử nâng đỡ tâm hồn con người những khi cuộc đời sóng gió. Tình mẫu tử cảm hóa những sai lầm, tội lỗi. Tình mẫu tử nuôi dưỡng tâm hồn con người, bồi đắp cho chúng ta những thứ tình cảm quý báu khác và giúp ta trở thành một con người có ích cho xã hội... Có biết bao những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử như chuyện người mẹ Nhật khom lưng đỡ bức tường đổ sập trong trận động đất để bảo vệ sự sống cho con. Hay câu chuyện về một người con đã lấy thịt mình làm thuốc cho mẹ, chuyện về Lão Lai Tử người nước Sở lúc bảy mươi tuổi còn mặc áo ngũ sắc nhảy múa để mua vui cho cha mẹ... Tình mẫu tử mang lại hạnh phúc cho cuộc sống con người, vì vậy mỗi người hãy biết trân trọng, vun đắp cho tình cảm thiêng liêng, cao đẹp ấy.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...