Đọc Hiểu: Tiếng tắc kè kêu trong thành phố - Nguyễn Duy - Đề KT học kì lớp 10

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Nangthuytinh1992, 17 Tháng tám 2023.

  1. Nangthuytinh1992

    Bài viết:
    7
    [​IMG]

    I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

    Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

    Ăn tết rừng xong, từ giã chú tắc kè

    Chúng tôi xuôi - ào ào cơn lũ đổ

    Các binh đoàn tràn vào thành phố

    Đang mùa thay lá những hàng me

    Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè

    Chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy

    Cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy

    Hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

    Người bạn tôi không về tới nơi này

    Anh gục ngã bên kia cầu xa lộ

    Anh nằm lại trước cửa vào thành phố

    Giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh

    Đồng đội, bao người không "về tới" như anh

    Nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù, và xa nữa..

    Tất cả họ, suốt một thời máu lửa

    Đều ước ao thật giản dị:

    Sắp về!

    Qua hai mùa thay lá những hàng me

    Cái tết hòa bình thứ ba đã tới

    Chao ôi nhớ tết rừng không hương khói

    Đốt nhang lên

    Chợt hiện tiếng tắc kè

    (Trích Tiếng tắc kè kêu trong thành phố - Nguyễn Duy, in trong: Ánh trăng, NXB Tác phẩm mới, 1984)

    Câu 1 . Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2 . Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào?

    Câu 3 . Theo bạn, nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

    Câu 4 . Ở đoạn thơ cuối, tác giả nhắc đến "cái tết hòa bình thứ ba". Theo bạn, đó là vào năm nào?

    Câu 5 . Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: "chúng tôi xuôi – ào ào cơn lũ đổ".

    Câu 6 . Hãy giải thích ý nghĩa của cụm từ "không về tới" trong dòng thơ "Đồng đội, bao người không" về tới "như anh".

    Câu 7 . Qua cảm nhận của những người lính, tiếng kêu "tắc kè" vang lên như tiếng reo vui "sắp về". Liên tưởng ấy đã thể hiện những cảm xúc và khát vọng nào ở họ?

    Câu 8. Theo bạn, những thông điệp nào được gửi gắm trong khổ thơ cuối: "Qua hai mùa thay lá những hàng me.. đốt nhang lên/ chợt hiện tiếng tắc kè?"


    II. VIẾT (4.0 điểm)

    Viết một bài luận khoảng 500 - 800 chữ phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật đoạn thơ được dẫn ở trên của Nguyễn Duy.

    ĐÁP ÁN

    I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

    Câu 1: Thể thơ tự do.

    Câu 2: Các phương thức biểu đạt: Biểu cảm, tự sự, miêu tả.

    Câu 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một người lính bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

    Câu 4: "cái tết hòa bình thứ ba" đó là vào năm 1978 (3 năm sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập sau Đại thắng Mùa xuân năm 1975)

    Câu 5: Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: chúng tôi xuôi – ào ào cơn lũ đổ là biện pháp so sánh.

    Tác dụng:

    - Làm nổi bật những bước chân dồn dập, tâm trạng đầy háo hức của những người lính trong ngày trở về.

    - Làm cho câu thơ trở nên sinh động, gợi hình, gợi cảm.

    Câu 6: Ý nghĩa của cụm từ "không về tới" trong dòng thơ "Đồng đội, bao người không" về tới "như anh" thể hiện hiện thực tàn khốc của chiến tranh: Sự hi sinh của những người lính, họ phải nằm lại nơi chiến trường, không được trở về với gia đình, quê hương, với cuộc sống hòa bình.

    Câu 7 . Qua cảm nhận của những người lính, tiếng kêu "tắc kè" vang lên như tiếng reo vui "sắp về". Liên tưởng ấy đã thể hiện:

    - Khát vọng kết thúc chiến tranh, khát vọng độc lập, hòa bình

    - Niềm mong mỏi được trở về với quê hương, gia đình

    - Niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng..

    Câu 8. Những thông điệp được gửi gắm trong khổ thơ cuối: Qua hai mùa thay lá những hàng me.. đốt nhang lên/ chợt hiện tiếng tắc kè? có thể là:

    - Nỗi nhớ thương khôn nguôi của những người lính với đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

    - Lòng biết ơn, niềm tự hào khi nhớ về những người chiến sĩ đã kiên cường ngã xuống vì Đất nước, dân tộc.

    - Lời nhắn gửi: Đừng bao giờ lãng quên quá khứ, quên đi những con người đã hi sinh để chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.

    II. VIẾT (4.0 điểm)

    * Giới thiệu được tên tác phẩm, tên tác giả, thể thơ tự do.

    * Triển khai vấn đề nghị luận thành những luận điểm phù hợp:

    - Về nội dung:

    Lấy bối cảnh là hòa bình lập lại, khi những người lính trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, song Nguyễn Duy lại khơi gợi nơi người đọc hình ảnh người lính và những suy tư sâu lắng về sự hi sinh của họ trong chiến tranh.

    + Đoạn 1 (2 khổ đầu) : Hòa bình lập lại, người lính rời rừng trở về thành phố, về với quê hương trong niềm vui mừng, hân hoan của niềm vui độc lập. Cuộc sống đã hồi sinh trở lại sau những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.

    + Đoạn 2 (2 khổ 3, 4) : Âm hưởng đoạn 2 chùng xuống khi nhắc tới vô vàn những người lính đã phải nằm lại nơi chiến trường, những người lính luôn khao khát hòa bình, mong ước được trở về nhưng không thể sống tới ngày đất nước hoàn toàn độc lập.

    => Đoạn thơ thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh đồng thời là niềm xót xa, thương tiếc của nhân vật trữ tình với những đồng đội đã không được trở về..

    + Đoạn 3 (khổ cuối) : Suy tưởng của nhân vật trữ tình: Nỗi nhớ cùng lòng biết ơn với đồng đội đã ngã xuống cho độc lập Tổ quốc, đồng thời nỗi "nhớ tết rừng", âm thanh "tiếng tắc kè".. như lời nhắc nhở: Đừng bao giờ lãng quên quá khứ, quên đi những con người đã hi sinh để chúng ta có cuộc sống hòa bình.

    * Về hình thức:

    - Thơ tự do, không bị gò bó về hình thức giúp tác giả bộc lộ cảm xúc phóng khoáng, chân thực.

    - Ngôn ngữ, hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị nhưng giàu cảm xúc, suy tư.

    Tham khảo:

    Bài thơ "Ăn tết rừng xong, từ giã chú tắc kè" của Nguyễn Duy mang đậm dấu ấn của những kỷ niệm về chiến tranh, sự mất mát và niềm khao khát về hòa bình. Ngay từ những câu đầu tiên, không khí khẩn trương và sự chuyển mình của thời gian được thể hiện qua hình ảnh "cơn lũ đổ" và "các binh đoàn tràn vào thành phố." Đây là hình ảnh của sự xô bồ, thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống sau chiến tranh.

    Hình ảnh "mùa thay lá những hàng me" và "lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè" tạo ra một không gian tươi đẹp, nhưng cũng gợi nhớ về những ký ức đau thương. Màu vàng của lá me tượng trưng cho sự chuyển mình, nhưng cũng là sự tiếc nuối về những điều đã mất. "Chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy" thể hiện sức sống mới, nhưng cũng gợi lên cảm giác mong manh.

    Nỗi nhớ thương và tiếc nuối rõ nét qua hình ảnh "Người bạn tôi không về tới nơi này." Câu thơ này không chỉ nói về một cá nhân mà còn ám chỉ hàng triệu đồng đội khác đã hy sinh, không được trở về. Những cái tên như "Cầu Bông," "Đồng Dù" trở thành biểu tượng của sự mất mát, đau thương trong lịch sử.

    Đặc biệt, câu "Sắp về!" là tiếng thở dài của những người lính đã trải qua quá nhiều khổ đau. Họ không chỉ mong muốn trở về nhà mà còn mong muốn sự bình yên cho tất cả. Cuối bài thơ, hình ảnh "cái tết hòa bình thứ ba" gợi lên niềm hy vọng, nhưng vẫn mang trong mình nỗi nhớ về "tết rừng không hương khói." Hương khói và tiếng tắc kè hiện lên như một biểu tượng cho những kỷ niệm đẹp đẽ, giản dị, nhưng cũng đau thương.

    Bài thơ "Ăn tết rừng xong, từ giã chú tắc kè" của Nguyễn Duy thể hiện nghệ thuật sử dụng hình ảnh và âm thanh một cách tinh tế, giàu sức gợi. Mở đầu bằng những hình ảnh mạnh mẽ như "cơn lũ đổ" và "các binh đoàn tràn vào thành phố," tác giả đã tạo ra không khí cấp bách, chuyển mình của thời gian. Những hình ảnh thiên nhiên như "mùa thay lá," "lá me vàng" không chỉ mang đến sự tươi mới mà còn gợi nhớ về kỷ niệm đau thương.

    Điệp ngữ "không về tới" và câu "Sắp về!" tạo ra sự đối lập giữa khao khát trở về và thực tại đau thương. Âm thanh "tiếng tắc kè" vang lên như một nỗi nhớ quê hương, hòa quyện giữa tiếng nói của thiên nhiên và tâm hồn con người. Nghệ thuật của bài thơ không chỉ là bức tranh sống động về hòa bình mà còn là bài ca của lòng tri ân và khát vọng sống.

    Tóm lại, bài thơ vừa mang tính chất lạc quan của sự hòa bình, vừa đượm nỗi buồn của những mất mát. Qua đó, Nguyễn Duy khéo léo gợi lên tình cảm yêu nước, lòng tri ân đối với những người đã hy sinh vì độc lập tự do, đồng thời nhắc nhở thế hệ sau về giá trị của hòa bình.
     
    Phượng Chiếu Ngọc thích bài này.
    Last edited by a moderator: 29 Tháng mười 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...