Đọc hiểu: Vịnh tiến sĩ giấy - Nguyễn Khuyến Đọc văn bản sau: Cũng cờ, cũng biển cũng cân đai Cũng gọi ông Nghè có kém ai. Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, Nét son điểm rõ mặt văn khôi. Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ, Cái giá khoa danh ấy mới hời. Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe, Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi. (Vịnh tiến sĩ giấy – Nguyễn Khuyến) Chọn đáp án đúng: Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản: A. Thất ngôn B. Thất ngôn xen lục ngôn C. Thất ngôn bát cú Đường luật D. Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật Câu 2. Xác định biện pháp tu từ trong hai câu đầu: A. Điệp từ, ẩn dụ, so sánh B. Đảo ngữ, ẩn dụ, nhân hóa C. Đối lập, tương phản D. Cường điệu, phóng đại. Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào? A. Hai câu đầu B. Hai câu thực C. Hai câu luận D. Hai câu thực và hai câu luận Câu 4. Nhan đề "Vịnh tiến sĩ giấy" được hiểu là: A. Bài thơ viết về ông tiến sĩ giấy - đồ chơi của trẻ con ngày Tết trung thu B. Bài thơ viết về những ông tiến sĩ nhờ lo lót, chạy giấy tờ mà thành danh C. Bài thơ về những ông tiến sĩ được viết trên giấy D. Bài thơ viết trên giấy tặng những ông tiến sĩ. Câu 5. Dòng nào không nói về tác dụng của từ "cũng" lặp lại 4 lần trong hai câu thơ đầu: A. Nhấn mạnh sự tương đồng giữa tiến sĩ giấy và tiến sĩ thực B. Bày tỏ thái độ ngạc nhiên, thích thú khi đồ giả mà giống như thật và hàm ý mỉa mai tiến sĩ thật mà thực chất chỉ là giả C. Tạo nhịp điệu cho lời thơ, tạo giọng điệu mỉa mai, thâm thúy D. Nhấn mạnh sự tương phản, đối lập giữa tiến sĩ thật và tiến sĩ giấy Câu 6. Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là: A. Đả kích gay gắt, mạnh mẽ B. Châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay C. Lạnh lùng, bình thản D. Ngợi ca, tự hào Câu 7. Nghĩa ẩn dụ của hình tượng tiến sĩ giấy trong bài thơ là: A. Hình tượng tiến sĩ giấy ẩn dụ cho nét văn hóa truyền thống cần gìn giữ B. Hình tượng tiến sĩ giấy ẩn dụ cho những tiến sĩ trong đời thực có hư danh mà không có thực tài C. Hình tượng tiến sĩ giấy ẩn dụ cho mong ước thành đạt trên con đường học hành, thi cử D. Hình tượng tiến sĩ giấy ẩn dụ cho những thứ giả dối, vô giá trị Trả lời câu hỏi; Câu 8. Em hiểu như thế nào về câu thơ: Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ, Cái giá khoa danh ấy mới hời. Câu 9. Câu thơ cuối Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi thể hiện tình cảm, thái độ gì của Nguyễn Khuyến? Câu 10. Tại sao nói, tiếng cười trong "Vịnh tiến sĩ giấy" là tiếng cười trong nước mắt? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. C. Thất ngôn bát cú Đường luật Câu 2. A. Điệp từ, ẩn dụ, so sánh (Điệp từ "cũng"; ẩn dụ: Tả tiến sĩ giấy để nói về tiến sĩ thực; so sánh "có kém ai") Câu 3. D. Hai câu thực và hai câu luận Câu 4. A. Bài thơ viết về ông tiến sĩ giấy - đồ chơi của trẻ con ngày Tết trung thu Câu 5. D. Nhấn mạnh sự tương phản, đối lập giữa tiến sĩ thật và tiến sĩ giấy Câu 6. B. Châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay Câu 7. B. Hình tượng tiến sĩ giấy ẩn dụ cho những tiến sĩ trong đời thực có hư danh mà không có thực tài Câu 8. Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ, Cái giá khoa danh ấy mới hời. - Nghĩa đen: Tiến sĩ giấy được tạo nên từ việc cắt dán giấy nên "xiêm áo" rất nhẹ, "giá khoa danh" - giá bán rất "hời". - Nghĩa ẩn dụ: + Mỉa mai giá trị thật của những ông tiến sĩ giả trong đời thực vô cùng rẻ mạt. + Xót xa cho những ông nghè (trong đó có cả Nguyễn Khuyến) trong thời Hán mạt không còn được coi trọng, dần thất thế. Câu 9. Câu thơ cuối Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi thể hiện sự ngỡ ngàng, xen chút thất vọng của Nguyễn Khuyến khi nhìn ông tiến sĩ giấy mọi thứ đều giống y như thật mà thực chất chỉ là đồ chơi. Từ đó, mỉa mai, phê phán những ông tiến sĩ thật ngoài đời mà thực chất chỉ là đồ giả, đồ chơi khi chỉ có hư danh mà không có thực tài. Câu thơ còn thể hiện sự xót xa cho chính mình, cũng là một ông nghè có danh vị cao quý mà bất lực, vô dụng. Câu 10. Nói tiếng cười trong "Vịnh tiến sĩ giấy" là tiếng cười trong nước mắt vì ẩn sau tiếng cười ấy là tâm sự, nỗi niềm ưu tư đau đáu của Nguyễn Khuyến về thời cuộc, về chính mình: - Ông xót xa, đau đớn vì hiện thực xã hội nhố nhăng, hỗn tạp tạo nên nhiều tiến sĩ giả bất tài, vô dụng, chỉ làm sâu mọt đục khoét nhân dân, làm những điều xấu xa, vô bổ hại dân, hại nước. - Ông xót xa, đau đớn cho chính mình: Cũng là một tiến sĩ, làm quan to mà như kẻ bất tài, vô dụng, không giúp ích gì được cho nước, cho dân. Đó là "nước mắt" của một nhà nho có nhân cách, giàu lòng tự trọng và luôn lo lắng cho vận mệnh đất nước, nhân dân.