Đọc hiểu: Thương còn không hết, ghét nhau chi - Lê Đỗ Quỳnh Hương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 22 Tháng sáu 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề ôn tập, kiểm tra đọc hiểu đoạn trích "Thương còn không hết, ghét nhau chi" - Lê Đỗ Quỳnh Hương bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Mời các bạn cùng tham khảo:

    Đọc hiểu: Thương còn không hết, ghét nhau chi, Lê Đỗ Quỳnh Hương

    Đọc đoạn trích sau:

    [..] Cứ đến chủ đề về ơn nghĩa sinh thành thì ngập tràn hộp thư "Thay lời muốn nói" sẽ là những câu xin lỗi ba mẹ từ các bạn trẻ. Là những lời xin lỗi được gửi đến những bậc ba mẹ còn sống. Mà, nội dung của những lời xin lỗi cũng.. na ná nhau, kiểu như: "Con biết ba mẹ rất cực khổ vì con.. Con biết con đã làm cho ba mẹ buồn rất nhiều. Con xin lỗi ba mẹ". Xin lỗi, nhưng mình hay gọi đây là "những lời xin lỗi mang tính phong trào", và những áy náy ray rứt này là "những áy náy ray rứt theo làn sóng", mỗi khi có ai hay có chương trình nào gợi nhắc, thì các bạn mới sực nhớ ra. Mà khổ cái, bản thân những lời xin lỗi ấy sợ rằng khó làm người được xin lỗi vui hơn, bởi vì đâu đợi tới chính họ, ngay cả chúng mình là những người làm chương trình đây cũng đều hiểu rằng, có lẽ chỉ vài ngày sau chương trình, cùng với nhịp sống ngày càng nhanh ngày càng vội, cùng với lịch đi học, đi làm, đi giải trí sau giờ học, giờ làm, những lời xin lỗi ấy sợ rằng sẽ sớm được vứt ra sau đầu; và những cảm giác áy náy, ăn năn ấy sẽ sớm chìm sâu, chẳng còn mảy may gợn sóng. Cho đến khi... lại được nhắc mà sực nhớ ra ở lần kể tiếp. Điều đó, đáng buồn là một sự thật ở một bộ phận không nhỏ những người trẻ, bây giờ.

    (Thương còn không hết, ghét nhau chi, Lê Đỗ Quỳnh Hương, Nxb Trẻ, tr. 31-32)​

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Thực trạng được đề cập đến trong đoạn trích trên là gì?

    Câu 2. Những lời xin lỗi theo phong trào có đặc điểm như thế nào? Cảm xúc của người xin lỗi và người được xin lỗi ra sao?

    Câu 3. Đoạn trích thể hiện thái độ gì của người viết trước những lời xin lỗi theo phong trào?

    Câu 4. Những lời xin lỗi theo phong trào nói lên điều gì trong văn hóa ứng xử của một bộ phận người Việt? Theo em, nguyên nhân của thực trạng xin lỗi theo phong trào là do đâu?

    Câu 5. Theo em, lời xin lỗi cần đi cùng thái độ, hành vi như thế nào?

    Câu 6. Lời xin lỗi đúng cách có giá trị như thế nào?

    Định hướng:

    Câu 1. Thực trạng được đề cập đến trong đoạn trích trên là một bộ phận các bạn trẻ chỉ biết xin lỗi theo phong trào.

    Câu 2.

    + Những lời xin lỗi theo phong trào có đặc điểm:

    - Nội dung của lời xin lỗi na ná nhau, mỗi khi có ai hay có chương trình nào gợi nhắc, thì các bạn mới sực nhớ ra;

    - Thái độ khi xin lỗi: Không xuất phát từ tình cảm chân thành;

    - Tâm trạng của người xin lỗi: Áy náy ray rứt theo làn sóng, xuất hiện rồi tan biến ngay sau đó.

    + Cảm xúc, thái độ của người được nhận lời xin lỗi: Khó có thể vui hơn.

    Câu 3. Đoạn trích thể hiện thái độ: Suy tư, trăn trở, buồn bã, có chút phê phán của người viết trước những lời xin lỗi theo phong trào.

    Câu 4.

    + Những lời xin lỗi theo phong trào nói lên văn hóa ứng xử của một bộ phận người Việt:

    - Không có thói quen kiểm điểm bản thân, không thường xuyên nói lời xin lỗi khi mắc lỗi;

    - E dè khi thể hiện tình cảm;

    - Số ít người xin lỗi theo trào lưu, theo số đông mà không có sự chân thành, thiện chí;

    - Xin lỗi xong rồi quên, ít hoặc không có hành vi sửa lỗi..

    + Theo em, nguyên nhân của thực trạng xin lỗi theo phong trào là do đâu?

    Câu 5. Theo em, lời xin lỗi cần đi cùng thái độ chân thành, thiện chí - từ lòng thực tâm muốn nhận lỗi và muốn được thứ lỗi. Bên cạnh đó lời xin lỗi cần đi cùng hành vi sửa lỗi cụ thể - đó là những việc làm, những cách ứng xử đúng đắn sau khi nhận ra lỗi lầm.

    Câu 6. Lời xin lỗi đúng cách có giá trị:

    + Xin lỗi đúng cách sẽ dễ nhận được sự đồng cảm tha thứ hơn, giúp hóa giải những khúc mắc, hiểu lầm, sai phạm.

    + Xin lỗi đúng cách giúp xoa dịu các mâu thuẫn gay gắt, tránh đẩy sự việc nghiêm trọng hơn, tránh được xung đột không đáng có;

    + Xin lỗi đúng cách sẽ giúp bạn thoải mái hơn, tâm hồn thanh thản hơn vì được giải tỏa mặc cảm tội lỗi.

    + Xin lỗi đúng cách cũng góp phần nâng cao phẩm giá, nhân cách của bạn.

    + Xin lỗi đúng cách giúp gắn kết các mối quan hệ, khơi nguồn tình yêu thương, sự đoàn kết.
     
    LieuDuong, ThuyTrang, Dana Lê1 người nữa thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...