Đọc văn bản sau: THUẬT HỨNG BÀI 24 Công danh đã được hợp về nhàn, Lành dữ âu chi thế ngợi khen. Ao cạn vớt bèo cấy muống, Trì thanh phát cỏ ương sen. Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc, Thuyền chở yên hà nặng vạy then. Bui có một lòng trung liễn hiếu, Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen. (Nguyễn Trãi toàn tập, Quốc âm thi tập, Phần vô đề, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Chỉ ra sự phá cách trong thể thơ của văn bản trên? Câu 2. Liệt kê những hành động thể hiện cuộc sống chan hòa với thiên nhiên của nhân vật trữ tình trong bài thơ? Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong hai câu luận: Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc, Thuyền chở yên hà nặng vạy then. Câu 4. Nhận xét về tấm lòng của nhân vật trữ tình thể hiện trong hai câu cuối? Câu 5. Anh/chị có đồng tình với quan điểm cho rằng dù đã lui về ở ẩn, nhưng Nguyễn Trãi chỉ nhàn thân chứ không nhàn tâm không? Vì sao? Đáp án gợi ý: Câu 1. Sự phá cách trong thể thơ là: chen vào 3 câu lục ngôn (Câu 3, 4, 8) trong một bài thất ngôn bát cú Đường luật Câu 2. Những hành động thể hiện lối sống chan hòa với thiên nhiên của nhân vật trữ tình trong bài thơ: Vớt bèo, cấy muống, phát cỏ, ương sen, thu gió trăng vào kho, đem thuyền chở khói sóng Câu 3. Hiệu quả của biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong hai câu luận + Bộc lộ niềm hào hứng trước kho báu vô tận, giàu có của thiên nhiên, qua đó thấy được tình yêu thiên nhiên, niềm lạc quan vui sống của nhà thơ. + Làm cho cách diễn đạt ấn tượng, sinh động, giàu sức gợi hình, gợi cảm. Câu 4. Hai câu kết cho ta hiểu về tấm lòng của nhân vật trữ tình: + Dù lui về ở ẩn, nhưng tấm lòng của Nguyễn Trãi vẫn luôn trọn vẹn chữ trung, chữ hiếu, không một sức mạnh nào có thể mài mòn. + Trung với vua, hiếu với nước chính là biểu hiện tư tưởng cao đẹp của một nhà Nho chân chính. Câu 5. + Đồng tình vì: Khi về ở ẩn, rời bỏ chốn quan trường để tìm về cuộc sống đạm bạc, giản dị và hòa hợp với thiên nhiên, gắn bó với cuộc sống ung dung, tự tại nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn nghĩ về dân tộc, canh cánh trong lòng việc nước, việc dân, lo nghĩ cho vận mệnh quốc gia, nhàn thân chứ không nhàn tâm. Điều đó thể hiện rõ nhất ở hai câu kết bài thơ. + Không đồng tình vì qua bài thơ ra thấy cuộc sống của Nguyễn Trãi hiện lên rất tự do, phóng khoáng, với tâm hồn phong phú, lạc quan, yêu cuộc sống, gắn bó và hòa mình vào thiên nhiên. Nguyễn Trãi hài lòng với cuộc sống tuy thiếu thốn về vật chất nhưng đủ đầy về tinh thần đó.