Đọc hiểu văn bản: Thuật hứng bài 9 - Nguyễn Trãi Đọc văn bản sau: Cội cây là đá lấy làm nhà, Lân Các ai hầu mạc đến ta. Non lạ nước thanh làm dấu, Đất phàm cõi tục cách xa. Thiên Thai hái thuốc duyên gặp, Vị Thuỷ gieo câu tuổi già. Cốt lạnh hồn thanh chăng khứng hóa, Âu còn nợ chúa cùng cha. (Thuật hứng bài 9, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 413-414) Cước chú: Lân Các: cách nói tắt của Kỳ Lân Các, tên một tòa lầu vào đời Hán, nằm trong cung Vị Ương hầu: toan, định, muốn mạc: vẽ, tô dấu: yêu dấu Thiên Thai: tên một ngọn núi bên Trung Quốc, điển tích chỉ cảnh đẹp như cõi thần tiên Vị Thủy: nơi Lã Thượng câu cá cốt: bản chất, trong cốt cách, khí cốt lạnh: trong trẻo một cách cô đơn và lạnh lẽo, nói tắt của thanh lãnh. Vừa hàm nghĩa là "nhàn quan" vừa hàm nghĩa là vị quan thanh liêm. chăng: chẳng khứng: có thể, biểu thị sự đồng ý, thuận ứng, vui lòng, sẵn lòng làm gì hóa: đổi thay, biến hoá âu: có lẽ Chọn đáp án đúng: Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản: A. Thất ngôn bát cú Đường luật B. Thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn C. Tứ tuyệt đường luật D. Tự do Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản: A. Biểu cảm B. Tự sự C. Miêu tả D. Nghị luận Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào? A. Hai câu đề B. Hai câu thực C. Hai câu thực và hai câu luận D. Hai câu thực và hai câu kết Câu 4. Em hiểu hai câu thơ đầu như thế nào? A. Không có đá, Nguyễn Trãi phải lấy cội cây để làm nhà B. Lân Các xa hoa, tráng lệ chẳng liên quan gì đến Nguyễn Trãi C. Nguyễn Trãi nhớ lại thuở ở lầu Lân Các xa hoa có kẻ hầu, người hạ mà chạnh lòng nghĩ đến thực tại bần hàn D. Nguyễn Trãi sống thanh bạch, chọn cội cây làm nhà, lầu Lân Các xa hoa không làm ông động lòng ham muốn. Câu 5. Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, yêu non nước hữu tình, sống chan hòa với thiên nhiên, tránh xa cõi tục phàm nhiều thị phi - nội dung trên được biểu đạt trong những câu thơ nào? A. Hai câu đề B. Hai câu thực C. Hai câu luận D. Hai câu kết Câu 6. Có mấy điển tích xuất hiện trong văn bản trên? A. 1 điển tích B. 2 điển tích C. 3 điển tích D. 4 điển tích Câu 7. Tác dụng của những điển tích được nhắc đến trong bài thơ là: A. Làm cho lời thơ thêm cân xứng, hài hòa B. Tăng tính nhạc cho lời thơ C. Giúp lời thơ thêm mượt mà, giàu hình ảnh, nhấn mạnh lòng trung quân ái quốc của Nguyễn Trãi D. Giúp lời thơ thêm sâu sắc, nhấn mạnh lối sống mà Nguyễn Trãi lựa chọn. Trả lời câu hỏi: Câu 8. Phân tích tác dụng của phép đối sử dụng trong bài thơ. Câu 9. Em hiểu nội dung hai câu kết như thế nào? Câu 10. Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. B. Thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn Câu 2. A. Biểu cảm Câu 3. C. Hai câu thực và hai câu luận Câu 4. D. Nguyễn Trãi sống thanh bạch, chọn cội cây làm nhà, lầu Lân Các xa hoa không làm ông động lòng ham muốn. Câu 5. B. Hai câu thực Câu 6. C. 3 điển tích: Lân Các, Thiên Thai, Vị Thủy Câu 7. D. Giúp lời thơ thêm sâu sắc, nhấn mạnh lối sống mà Nguyễn Trãi lựa chọn. Câu 8. - Phép đối sử dụng trong bài thơ: Non lạ>< nước thanh; Đất phàm >< cõi tục; Non lạ nước thanh >< Đất phàm cõi tục; làm dấu >< cách xa. Thiên Thai>< Vị Thuỷ; hái thuốc >< gieo câu; duyên gặp >< tuổi già. - Tác dụng: + Nhấn mạnh sự đối lập giữa cuộc sống thanh bạch chốn quê nhà (non lạ nước thanh) và sự xô bồ chốn phồn hoa danh lợi (đất phàm cõi tục) + Khẳng định sự lựa chọn cũng như bản lĩnh, nhân cách của Nguyễn Trãi: Dứt khoát từ bỏ chốn danh lợi, trở về với thiên nhiên, quê nhà. + Khẳng định niềm vui của cuộc sống thanh nhàn, ẩn dật đầy chốn thôn quê chẳng khác gì chồn Thiên Thai, Vị Thủy.. + Giúp lời thơ thêm cân xứng, hài hòa. Câu 9. Em hiểu nội dung hai câu kết: Hai câu thơ cuối thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi: Một người có bản chất, cốt cách thanh liêm, tâm hồn thanh sạch không điều gì có thể làm lung lay, biến hóa; là con người luôn đau đáu trong lòng vì mối "nợ" với vua, với cha. Đó là nhận thức của con người luôn vẹn đạo quân - thần, phụ - tử. Câu 10. Nguyễn Trãi hiện lên trong bài thơ với những vẻ đẹp: - Một con người có tâm hồn giản dị, thanh cao, coi thường danh lợi, lánh đục về trong. - Một con người yêu thiên nhiên, hòa hợp cùng thiên nhiên gắn bó với cảnh vật bình dị quê nhà. - Một con người có lòng trung quân ái quốc, giữ vẹn đạo vua tôi, cha con.