Đọc hiểu "Thu ẩm" - Nguyễn Khuyến Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi dưới đây Thu ẩm Năm gian nhà cỏ thấp le te, Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe. Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, Làn ao lóng lánh bóng trăng loe. Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt? Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy. Độ năm ba chén đã say nhè. ( Nguyễn Khuyến) Câu 1. Chỉ ra 3 đặc điểm của thơ thất ngôn Đường luật được thể hiện trong bài thơ. Câu 2. Nêu đề tài của bài thơ. Câu 3. Chỉ ra các từ ngữ miêu tả mùa thu. Câu 4. Nêu hiệu quả nghệ thuật của 01 biện pháp nghệ thuật trong 2 câu thực. Câu 5. Liệt kê các từ láy trong bài thơ và nêu hiệu quả sử dụng của chúng. Câu 6. Cảm nhận về thời gian và không gian nghệ thuật trong bài thơ. Câu 7. Cảm nhận về tâm trạng nhân vật trữ tình trong 2 câu thơ kết. Câu 8: Viết 5-7 câu nhận xét về tinh thần Việt hóa thơ Nôm và tình cảm của Nguyễn Khuyến đối với thiên nhiên, đất nước qua bài thơ Thu ẩm. Gợi ý trả lời Câu 1. Chỉ ra 3 đặc điểm của thơ thất ngôn Đường luật được thể hiện trong bài thơ Các đặc điểm của thơ thất ngôn Đường luật, cụ thể là thơ Thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ là: - Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ - Kết cấu Đề - Thực - Luận - Kết. - Luật bằng ( "năm gian"), vần bằng ( "oe"), gieo ở cuối câu 1, 2, 4, 6, 8, nhịp 4/3 Câu 2. Nêu đề tài của bài thơ Đề tài bài thơ: Uống rượu mùa thu. Câu 3. Chỉ ra các từ ngữ miêu tả mùa thu Từ ngữ miêu tả mùa thu: Gian nhà cỏ thấp, ngõ tối, đêm sâu, đóm lập lòe, lưng giậu, màu khói nhạt (chỉ làn sương mỏng giăng mắc trên bờ giậu) làn ao lóng lánh, bóng trăng loe, da trời xanh ngắt. - > Những từ ngữ gợi tả một mùa thu rất đỗi bình dị, thân thuộc của làng quê Việt Nam. Song tất cả lại tạo nên vẻ tiêu điều, đìu hiu, đẹp mà buồn của mùa gió may, bởi lòng người ngắm cảnh đang trĩu những suy tư, ưu sầu. Câu 4. Nêu hiệu quả nghệ thuật của 01 biện pháp nghệ thuật trong 2 câu thực. Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, Làn ao lóng lánh bóng trăng loe. - Biện pháp nghệ thuật: Phép đối + Đối thanh: BTTBBTT – BBTTTBB + Đối từ: Lưng giậu - làn ao, phất phơ - lóng lánh, màu khói nhạt - bóng trăng loe + Đối ý: Đối tương hỗ. Trong cái ngà ngà say của chén rượu nồng, cảnh vật mỗi lúc một thêm long lanh, hư ảo qua những biểu hiện rõ ràng của mùa thu. - Hiệu quả nghệ thuật + Gợi tả chân thực, sinh động, làm nổi bật vẻ đẹp của mùa thu. + Đảm bảo đúng luật thơ Đường, tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, hài hòa, đăng đối cho lời thơ về thanh âm, nhịp điệu, ý nghĩa -> tạo giá trị thẩm mỹ cho bài thơ. + Cho thấy tình yêu, niềm say mê trước thiên nhiên cảnh vật mùa thu và tài làm thơ của tác giả. Hoặc - Biện pháp nghệ thuật: Điệp phụ âm "l" ở câu thơ thứ hai ( "làn", "lóng lánh", "loe") - Hiệu quả nghệ thuật: + Tạo sự đột phá, độc đáo, mới mẻ cho thanh điệu, làm điểm nhấn mạnh mẽ, để lại ấn tượng sâu về âm điệu cho câu thơ. + Tăng giá trị biểu đạt: Nhấn mạnh vẻ đẹp của trăng thu. Gợi cảm giác về sự lấp lánh và lan tỏa của ánh trăng trên mặt nước. Bóng trăng vàng sáng, nảy nở, đậm đặc. Bốn chữ "l" gợi chất vàng nước kim loại. + Cho thấy sự suy tư, lo lắng đang cựa quậy vô hình trong lòng nhà thơ. Ông chỉ thưởng cái bóng của cái đẹp. Đó là sự rung động, vui vẻ, bình yên không trọn vẹn của một vị quan yêu nước lui về ở ẩn vẫn bận sự đời. + Cho thấy tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm và tài làm thơ của tác giả. Hoặc - Biện pháp nghệ thuật: Đảo ngữ: Đảo từ "phất phơ" lên trước "màu khói nhạt", "lóng lánh" lên trước "bóng trăng loe" - Hiệu quả nghệ thuật: Nhấn mạnh từ vẻ đẹp mơ màng, huyền ảo của sương và ánh sáng lấp lánh của trăng trên mặt nước.. Câu 5. Liệt kê các từ láy trong bài thơ và nêu hiệu quả sử dụng của chúng - Từ láy: Le te, lập lòe, phất phơ, lóng lánh - Hiệu quả sử dụng: + Làm cho lời thơ thêm gợi hình, gợi cảm. Miêu tả sinh động vẻ đẹp của cảnh thu: Độ thấp, bé nhỏ của nhà cỏ (le te), ánh sáng chờn vờn, lúc có lúc không (lập lòe), chuyển động nhẹ nhàng của sương khói, màn sương mờ nhòe, hiu hắt (phất phơ), ánh sáng lấp lánh lan tỏa, xao động của ánh trăng trên mặt nước (lóng lánh). + Gián tiếp thể hiện tình cảm yêu mến, thích thú của nhà thơ đối với mùa thu của quê hương + Tạo vần điệu, tăng tính nhạc cho lời thơ. + Tạo màu sắc dân tộc đậm nét cho bài thơ, vì từ láy là ngôn ngữ thuần Việt -> thể hiện tinh thần Việt hóa thơ Nôm -> cho thấy sự tinh tế trong cảm nhận, tài hoa trong diễn đạt và tình yêu nước thể hiện kín đáo -> tầm vóc của nhà thơ. Câu 6. Cảm nhận về thời gian và không gian nghệ thuật trong bài thơ - Thời gian: Đêm, ngày - Không gian: Từ gần thấp (năm gian nhà cỏ, ngõ tối đêm sâu) đến cao xa (bầu trời) - > Nhận xét: + Việc thay đổi điểm nhìn cho thấy nhà thơ quan sát ở nhiều thời điểm khác nhau. Bức tranh mùa thu sinh động, khoáng đạt, rộng mở. + Thời gian: Mang tính "tâm trạng" + Không gian quen thuộc, gần gũi với con người, là không gian nơi làng quê Việt Nam, đặc trưng cho mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, chân chất, đẹp nhưng buồn. + Không gian thu xanh, trong, tĩnh, vắng, là không gian của sự lui về ở ẩn. + Gián tiếp thể hiện tâm sự thời thế của nhà thơ -> là bức tranh tâm hồn nhà thơ Nguyễn Khuyến. Câu 7. Cảm nhận về tâm trạng nhân vật trữ tình trong 2 câu thơ kết Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy. Độ năm ba chén đã say nhè. Hai câu thơ trên là bức chân dung tự họa của nhà thơ Nguyễn Khuyến (chủ thể trữ tình) trong những năm tháng ẩn dật ở quê nhà. Thưởng rượu vốn là thú vui thanh cảnh và tao nhã của người xưa. Hình ảnh chén rượu xuất hiện cho thấy nhà thơ hẳn đang thích thú tận hưởng vẻ đẹp của mùa thu với bầu rượu thơm bên cạnh. Ông là người tài giỏi, đỗ đạt cao, làm mệnh quan triều đình, nhưng ông không có chút tự mãn, đắc ý gì, mà thậm chí còn từ bỏ công danh, lui về ở ẩn, vui vầy với thú vui giản dị, mộc mạc của người dân quê. Nhưng việc độc ẩm ở đây còn trĩu nặng một nét tâm trạng khác. Từ "hay" vốn có hai nghĩa: Hay uống rượu (thường xuyên) ; hoặc là uống rượu rất giỏi, tửu lượng cao. Ở câu thơ này, từ "hay" thiên về nghĩa thứ hai hơn. "Rượu tiếng rằng hay" nhưng chỉ "năm ba chén đã say nhè". Đã lấy công việc đồng áng để thay cho việc quan quyền thì Nguyễn Khuyến cũng tìm thú say sưa để quên đi những ưu phiền về thế sự. Ông muốn mượn rượu để xoa dịu mệt mỏi, khuây khỏa nỗi buồn. Rượu uống để quên đi tất thảy, nhưng Nguyễn Khuyến càng uống lại càng nhớ, càng đau, càng tỉnh táo, càng hiểu và thấm thía nỗi trăn trở của mình. Những lo âu, suy tư, khắc khoải, day dứt về non sông đất nước vẫn bủa vây trong tâm trí. Đó là nỗi niềm thời thế, là khát vọng quốc thái dân an của người trí thức phong kiến trước cảnh nước mất nhà tan. Có thể thấy, tình yêu nước của Nguyễn Khuyến biểu hiện thật thâm trầm, kín đáo nhưng không kém phần sâu sắc. Câu 8. Viết 5-7 câu nhận xét về tinh thần Việt hóa thơ Nôm và tình cảm của Nguyễn Khuyến đối với thiên nhiên, đất nước qua bài thơ Thu ẩm Qua bài thơ Thu ẩm, ta đã thấy được rõ nét tinh thần Việt hóa thơ Nôm của Nguyễn Khuyến thể hiện ở hai phương diện nội dung và nghệ thuật: So với một số văn nghệ sĩ cùng thời vẫn sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng, điển tích điển cố của Trung Quốc mang vào thơ ca, như Bích Khê "Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng!", thơ Nguyễn Khuyến miêu tả chân thực, đậm nét quang cảnh làng quê Việt Nam: Gian nhà cỏ thấp, sương chờn vờn lưng giậu, mặt ao in dấu bóng trăng. Lấy luật thơ Đường, ông sáng tạo thành thơ Nôm Đường luật, những từ ngữ thuần Việt thân thuộc, bình dị như "lóng lánh", "phất phơ", "lập lòe" được Nguyễn Khuyến sử dụng triệt để, khiến bao người đọc tự hào vì ngôn ngữ mẹ đẻ của ta đủ tinh tế, giàu có, phong phú, thâm tình để chuyên chở, kí thác tâm hồn người nghệ sĩ đa cảm. Bức tranh dân tình Thu ẩm cũng chứng minh cho tình yêu thiên nhiên nồng nàn của tác giả: Nguyễn Khuyến là một bậc đại quan, đã trải qua bao hào hoa, kinh qua bao cảnh đẹp xa hoa lộng lẫy, nhưng khi trở về với chốn thôn dã, ông lại yêu mến, gắn bó với cảnh sắc bình dị, chân chất, đơn sơ nơi quê nhà; bởi ông thấy được, giữa đời loạn, đời đục, thiên nhiên vẫn thơ mộng, trong trẻo, thanh bình. Ông không chỉ yêu quý vẻ đẹp ấy, mà còn khao khát, say mê, coi trọng, trân quý nó, coi đó là những nét đẹp thanh lọc tâm hồn, di dưỡng tinh thần con người, những nét đẹp thanh tao mà con người cần có nhưng xã hội lại không cho được. Giữa bao tên quan tham bỏ lại quê hương, đồng bào đi làm tay sai cho giặc, vơ vét tài sản của dân, Nguyễn Khuyến bất bình cáo quan lánh đục về trong, về với cỏ cây, muông thú để bảo toàn cốt cách, khí tiết của mình, đó chẳng phải là biểu hiện sống động của lòng trung nghĩa với Tổ quốc sao? Không chỉ vậy, tình yêu nước của ông còn được khắc họa đầy cảm động qua cách ông Việt hóa thơ Nôm, phát triển ngôn ngữ dân tộc đạt đến đỉnh cao bằng sáng tạo văn chương, bằng trau chuốt ngôn từ, và còn bằng những tâm sự, nỗi niềm thời thế chan chứa trong thơ, cụ thể ở Thu ẩm, ta thấy khung cảnh quê đặc trưng cho mùa thu của vùng ĐBBB ấy cứ buồn bã, hiu hắt, ưu sầu. Bởi những ưu tư, lo lắng, day dứt, khắc khoải về chuyện quốc gia cứ trào lên ngòi bút, ăm ắp, rạt rào trong câu chữ, nên mới có "Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe", có "Độ dăm ba chén đã say nhè". Có thể thấy, Thu ẩm đã phản ánh sâu sắc đời sống mộc mạc, tinh thần thanh cao, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của trí sĩ yêu nước Nguyễn Khuyến.