Đọc hiểu: Thế gian biến đổi - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trắc nghiệm kết hợp tự luận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 8 Tháng một 2023.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đọc hiểu: Thế gian biến đổi - Nguyễn Bỉnh Khiêm

    Đọc bài thơ sau:

    Thế gian biến cải vũng nên đồi,

    Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi

    Còn bạc, còn tiền còn đệ tử

    Hết cơm, hết gạo hết ông tôi.

    Xưa nay đều trọng người chân thực,

    Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.

    Ở thế mới hay người thế bạc,

    Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.

    (Thế gian biến đổi, Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm)

    [​IMG]

    Chọn 1 đáp án đúng:

    Câu 1 . Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    A. Bảy chữ

    B. Thất ngôn xen lục ngôn

    C. Thất ngôn bát cú Đường luật

    D. Thất ngôn trường thiên

    Câu 2. Các phương thức biểu đạt trong bài thơ là:

    A. Biểu cảm, nghị luận

    B. Biểu cảm, thuyết minh

    C. Nghị luận, tự sự

    D. Nghị luận, miêu tả.

    Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào?

    A. Hai câu đề

    B. Hai câu thực

    C. Hai câu đề và hai câu thực

    D. Hai câu thực và hai câu luận

    Câu 4. Dòng nào không khái quát nội dung câu thơ thứ nhất: Thế gian biến cải vũng nên đồi:

    A. Nghĩa tả thực: Đầm, vũng qua thời gian cũng có thể biến thành đồi, núi;

    B. Nghĩa khái quát: Vạn vật luôn có sự vận động biến đổi, cảnh vật thay đổi và cả lòng người cũng sẽ đổi thay.

    C. Câu thơ thể hiện chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về những biến thiên của cuộc đời.

    D. Câu thơ thể hiện chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về lẽ sống nhàn.

    Câu 5. Dòng nào không phải là tác dụng của phép đối trong hai câu thơ: Còn bạc, còn tiền còn đệ tử - Hết cơm, hết gạo hết ông tôi:

    A. Nhấn mạnh sự đối lập giữa hai hoàn cảnh sống: Kẻ thì giàu sang, người thì túng thiếu

    B. Nhấn mạnh sự thay đổi của lòng dạ con người: Khi có tiền bạc, phú quý thì nhiều người kết giao, khi nghèo khổ, túng thiếu thì xa lánh.

    C. Khái quát triết lí về cách ứng xử của con người trong những hoàn cảnh khác nhau.

    D. Tạo sự cân đối, hài hòa cho lời thơ.

    Câu 6. Ý nghĩa phê phán của bài thơ là:

    A. Phê phán bọn tham quan ăn của đút lót

    B. Phê phán những kẻ giàu sang mà lòng dạ tham lam, ác độc

    C. Phê phán sự thay đổi của lòng dạ con người; phê phán thói giả dối, đãi bôi, thói tham lam..

    D. Phê phán sự nhố nhăng, đồi bại, đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống của một bộ phận người dân trong xã hội tư sản thành thị.

    Câu 7. Dòng nào không khái quát nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ:

    A. Bài thơ có sự kết hợp giữa chất trữ tình và chất triết lí

    B. Hình ảnh thơ mang đậm tính ước lệ, tượng trưng

    C. Vận dụng hiệu quả nghệ thuật đối của thơ Đường.

    D. Ngôn ngữ đời thường, giản dị, đậm chất dân gian.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8. Em hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ:

    Xưa nay đều trọng người chân thực,

    Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.

    Câu 9. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong câu:

    Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.

    Câu 10. Bài học mà ý nghĩa nhất đối với em sau khi đọc bài thơ trên là gì? Vì sao?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. C. Thất ngôn bát cú Đường luật

    Câu 2. A. Biểu cảm, nghị luận

    Câu 3. D. Hai câu thực và hai câu luận

    Câu 4. D. Câu thơ thể hiện chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về lẽ sống nhàn.

    Câu 5. A. Nhấn mạnh sự đối lập giữa hai hoàn cảnh sống: Kẻ thì giàu sang, người thì túng thiếu

    Câu 6. C. Phê phán sự thay đổi của lòng dạ con người; phê phán thói giả dối, đãi bôi, thói tham lam..

    Câu 7. B. Hình ảnh thơ mang đậm tính ước lệ, tượng trưng

    Câu 8. Nội dung hai câu thơ:

    Xưa nay đều trọng người chân thực,

    Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.

    - Hai câu thơ thể hiện thái độ, cách nhìn của dân gian về hai hạng người: Người chân thực thì được coi trọng, yêu mến; người giả dối, đãi bôi thì chẳng được ai ưa.

    - Đó cũng là thái độ của nhà thơ thể hiện trong bài thơ này: Nhà thơ phê phán những kẻ sống giả dối, đề cao lối sống chân thực.

    Câu 9. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong câu:

    Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.

    - Nghệ thuật đối: Giàu tìm đến >< khó tìm lui

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh lối sống giả dối, tham lam, dễ thay lòng đổi dạ của một số người trong xã hội; Thể hiện thái độ phê phán của nhà thơ đối với những kẻ đó, đồng thời nói lên sự xót xa, ngậm ngùi trước lẽ đời bạc bẽo.

    + Làm cho lời thơ thêm cân xứng, hài hòa.

    Câu 10.

    - Bài học mà ý nghĩa nhất đối với em sau khi đọc bài thơ trên: Sống là phải chân thực, tử tế.

    - Lí giải: Sống chân thực, tử tế giúp chúng ta luôn tìm thấy sự bình an, thư thái trong tâm hồn, được mọi người yêu mến, tin tưởng, kết giao được những mối quan hệ tốt; giúp chúng ta đón nhận được nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc; giúp gắn kết mọi người với nhau, giúp lan tỏa những điều tốt đẹp đến xã hội.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...