Đọc hiểu: Thành công lớn khởi đầu từ những việc nhỏ - Câu chuyện về Henry Ford

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 6 Tháng mười một 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu Thành công lớn khởi đầu từ những việc nhỏ bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu: Nhận biết phương thức biểu đạt, loại văn bản, hiểu được nội dung, ý nghĩa, thông điệp từ văn bản, rút ra bài học cho bản thân..

    Đề đọc hiểu: Thành công lớn khởi đầu từ những việc nhỏ

    Đọc văn bản sau:

    Một thanh niên đến thi tuyển vào một công ty lớn. Khi anh ta bước vào văn phòng, thấy ở góc phòng có một mảnh giấy nhỏ, theo thói quen, người thanh niên đó cúi người xuống nhặt và bỏ vào thùng rác. Kết quả là trong số rất đông những người ứng tuyển, người thanh niên này đã chiến thắng thậm chí cả những người có điều kiện tốt hơn anh và trở thành nhân viên chính thức của công ty.

    Khi tiếp xúc và phân công nhiệm vụ cho anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty đã nói rằng: "Thực ra, mảnh giấy ở góc nhà đó là do chúng tôi cố ý để, đây là bài kiểm tra dành cho tất cả những người dự thi, nhưng chỉ có cậu là đạt. Chỉ có người luôn bắt đầu từ những việc nhỏ nhất thì mới có thể làm tốt những việc lớn. Những người mà ngay cả việc nhỏ cũng không làm được, thì cũng không thể làm được việc lớn."

    Người thanh niên đó sau này đã có được những thành tựu phi thường, anh là Henry Ford¹.

    (Câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn, Tập 1, Dương Minh Hào chủ biên, NXB Văn học, 2019, tr. 95-96)

    Chú thích: 1. Henry Ford là người sáng lập tập đoàn Ford - "Cha đẻ của ngành công nghiệp ô tô hiện đại".

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

    Câu 2. Theo em, "việc nhỏ" là những việc như thế nào? Việc anh thanh niên nhặt mảnh giấy bỏ vào thùng có phải là việc nhỏ?

    Câu 3. Câu nói: "Chỉ có người luôn bắt đầu từ những việc nhỏ nhất thì mới có thể làm tốt những việc lớn." Cho em hiểu như thế nào về mối quan hệ giữa việc nhỏ và thành công lớn?

    Câu 4. Ý nghĩa của việc thực hiện tốt những việc nhỏ là gì?

    Câu 5. Từ câu chuyện trên, em rút ra bài học gì cho bản thân?

    Câu 6. Có người cho rằng, việc nhỏ là những việc tủn mủn, vụn vặt, vô nghĩa, làm chỉ mất thời gian. Em có đồng tình với quan niệm này không? Vì sao?

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên: Phương thức tự sự (kể lại câu chuyện tuyển dụng việc làm, nhân vật chính là anh thanh niên có thói quen tốt).

    Câu 2. Việc nhỏ là những việc đơn giản, bình thường, nhiều người ít để tâm, dễ bỏ qua. Việc anh thanh niên nhặt mảnh giấy bỏ vào thùng là một trong nhiều việc nhỏ.

    Câu 3. Câu nói: "Chỉ có người luôn bắt đầu từ những việc nhỏ nhất thì mới có thể làm tốt những việc lớn." Thể hiện mối quan hệ giữa việc nhỏ và thành công lớn:

    - Việc nhỏ là những việc đơn giản, bình thường, nhiều người ít để tâm, dễ bỏ qua.

    - Việc lớn là những việc quan trọng, những thành tựu lớn lao, những mục tiêu có ý nghĩa, giá trị đối cuộc đời của mỗi người.

    - Bắt đầu và làm tốt những việc bình thường, đơn giản nhất mới có thể thực hiện được những mục tiêu lớn lao, có ý nghĩa. Như vậy, làm tốt việc nhỏ là những bậc thang đầu tiên trên hành trình chinh phục việc lớn, việc nhỏ quyết định rất lớn đến thành công của mỗi người.

    Câu 4. Ý nghĩa của việc thực hiện tốt những việc nhỏ:

    - Những việc làm nhỏ nhất biểu hiện suy nghĩ, thái độ, quan điểm sống, đạo đức, nhân cách của mỗi con người.

    - Thực hiện tốt những việc đơn giản, bình thường mang lại cho con người nhiều ý nghĩa: Đạt được những kết quả rõ ràng, dễ nhận ra, từng bước hoàn thành các mục tiêu nhỏ; giúp mỗi người nắm bắt, đánh giá thực tiễn, điều chỉnh và đề ra những giải pháp hiệu quả nhất trên hành trình chinh phục thành công;..

    Câu 5. Bài học rút ra: Để trở thành người thành công trong cuộc sống

    - Hiểu được sự cần thiết, tầm quan trọng của việc làm tốt những việc nhỏ; có thái độ trân trọng những điều đơn sơ, bình dị.

    - Sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội, luôn cố gắng hoàn thành tốt những việc nhỏ, bình thường; biết nuôi dưỡng những ước mơ lớn và không ngừng nỗ lực để nâng cao giá trị của bản thân, ý nghĩa của cuộc sống.

    Câu 6. Có người cho rằng, việc nhỏ là những việc tủn mủn, vụn vặt, vô nghĩa, làm chỉ mất thời gian. Em không đồng tình với quan niệm này. Vì những việc nhỏ không phải là những việc tủn mủn, vụn vặt, vô nghĩa; chú ý làm tốt những việc nhỏ hoàn toàn khác với cách sống bằng lòng với những điều tầm thường, hoặc làm những việc vô bổ chẳng mang lại lợi ích gì. Việc nhỏ trong trường hợp này là những việc có ý nghĩa, mang lại giá trị cho cuộc sống, dù là nhỏ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...