Đọc hiểu Ta đi tới - Tố Hữu Đọc đoạn thơ sau: "Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa Chúng nó chẳng còn mong được nữa Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn Đã bước dưới mặt trời cách mạng. Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp! Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp, Rắn như thép, vững như đồng. Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp Cao như núi, dài như sông Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!" (Ta đi tới – Tố Hữu) Trả lời các câu hỏi sau: Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. A. Tự sự B. Biểu cảm C. Miêu tả D. Nghị luận Câu 2: Hãy cho biết đoạn thơ trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì? A. Sinh hoạt B. Báo chí C. Khoa học D. Nghệ thuật Câu 3: Đoạn thơ trên thuộc thể thơ gì? A. Tự do B. Lục bát C. Thất ngôn bát cú đường luật D. Thất ngôn tứ tuyệt Câu 4: Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên A. Ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất tâm hồn của con người B. Tình yêu quê hương, gia đình C. Đề cao, ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trước quân thù D. Vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương Câu 5: Tác giả bày tỏ tình cảm gì? A. Yêu thương tha thiết dành cho quê hương B. Khâm phục, trân quý và biết ơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước. C. Cảm thông trước số phận lầm than D. Biết ơn sự hy sinh thiêng liêng của người mẹ dành cho con Câu 6: Liệt kê biện pháp tu từ tác giả sử dụng trong các câu thơ sau: "Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu" A. Điệp ngữ B. Hoán dụ C. Nhân hóa D. Cả A, B, C đều đúng Câu 7: Nêu hiệu quả chủ yếu của việc vận dụng biện pháp tu từ điệp ngữ A. Nhấn mạnh sức mạnh ý chí, tinh thần bất khuất của dân tộc ta B. Giúp câu thơ sinh động C. Tạo sự nhịp nhàng cho câu thơ D. Giúp người đọc dễ hình dung Câu 8: Tác giả thể hiện thái độ như thế nào? A. Ngỡ ngàng, bất ngờ trước vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên B. Vui sướng, hạnh phúc trước bức tranh cuộc sống C. Ngưỡng mộ, biết ơn chiến thắng oai hùng, vẻ vang của dân tộc ta D. Lạc quan, yêu đời ngay chính trong nghịch cảnh Câu 9: "Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp, Rắn như thép, vững như đồng. Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp Cao như núi, dài như sông Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!" Anh/chị có cảm nhận gì về đoạn thơ trên? Câu 10: Hãy nêu thông điệp anh/chị rút ra từ đoạn thơ trên. Gợi Ý Đọc Hiểu Câu 1: B. Biểu cảm Câu 2: D. Nghệ thuật Câu 3: A. Tự do Câu 4: C. Đề cao, ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trước quân thù Câu 5: B. Khâm phục, trân quý và biết ơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Câu 6: D. Cả A, B, C đều đúng Câu 7: A. Nhấn mạnh sức mạnh ý chí, tinh thần bất khuất của dân tộc ta Câu 8: C. Ngưỡng mộ, biết ơn chiến thắng oai hùng, vẻ vang của dân tộc ta Câu 9: "Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp, Rắn như thép, vững như đồng. Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp Cao như núi, dài như sông Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!" Cảm nhận: Đoạn thơ trên ngợi ca tinh thần, sự quyết tâm toàn dân kháng chiến chống giặc ngoại xâm không quản ngại bao hiểm nguy, khó khăn, trở ngại. Hình ảnh quân dân ta hiện lên trong bài thơ thật hiên ngang, oai liệt. Sự dẻo dai, kiên cường, bất khuất được tác giả so sánh rắn như thép, vững như đồng, cao như núi, dài như sông, chí ta lớn như biển Đông. Chính sự gan dạ, trên dưới một lòng là nguồn sức mạnh to lớn mang lại chiến thắng đáng trân quý, tự hào của cả dân tộc. Thông qua những vần thơ trang nghiêm, tác giả bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục, biết ơn và yêu thương sâu sắc dành cho quân dân ta trong cuộc kháng chiến đầy cam go, ác liệt. Câu 10: Thông điệp rút ra: - Sự cần quân dân ta có tinh thần yêu nước, chung tay đoàn kết sẽ mang lại chiến thắng cho đất nước, dân tộc. - Hãy luôn biết ơn những chiến công oai liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến. - Sự hy sinh của các thế hệ đi trước là tấm gương sáng để các thế hệ mai sau học tập và noi theo. - Tinh thần thép, sức mạnh dẻo dai là yếu tố quan trọng giúp ta thành công Bấm để xem Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem