Bài tập số 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: "Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về" Câu 1: Nêu hoàn cảnh sáng tác và cho biết hoàn cảnh đó có tác động như thế nào tới nội dung chủ đề của bài thơ? Câu 2: giải thích nghĩa của từ: Chùng chình, gió se, phả Câu 3: Chỉ ra thành phần biệt lập có trong câu thơ: "Hình như thu đã về" và nêu tác dụng. Câu 4: Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu thơ "Sương chùng chình qua ngõ" Câu 5: Cùng diễn tả thời điểm sang thu, một tác giả khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng sử dụng từ "chùng chình" trong sáng tác của mình. Em có thể cho biết tên tác giả và ghi lại dẫn chứng và nêu giá trị biểu cảm của từ "chùng chình" trong dẫn chứng đó. Câu 6: đoạn thơ trên diễn tả cảm xúc tâm trạng gì của tác giả, tìm các từ ngữ diễn tả tâm trạng đó? Câu 7: Trong câu thơ đầu tác giả sử dụng BPTT gì? Tác dụng? Chi lại một câu thơ đã học trong chương chình ngữ văn lớp 9 cũng sử dụng BPTT này, nêu tên tác giả, tác phẩm? Câu 8: Có thể thay thế từ "phả" bằng từ "tỏa" được không? Vì sao? Gợi ý: Câu 1: Hoàn cảnh sáng tác: năm 1977, sau khi đất nước hòa bình thống nhất, in trong tập thơ. "Từ chiến hào đến thành phố" - Ý nghĩa: bài thơ được sáng tác mùa thu năm 1977, đây là mùa thu đầu tiên của tác giả sau khi trở về từ chiến trường khốc liệt, vì thế ông vô cùng trân quý những cảm giác bình yên trong mùa thu thực tại. Bài thơ chính là những cảm nhận tinh tế của tác giả trước những chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang thu từ đó bộc lộ tình yêu thiên nhiên thiết tha, cũng những suy ngẫm và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Câu 2: - Chùng chình: Cố ý chậm lại - Gió se: Gió mùa thu nhẹ, khô, hơi lạnh - Phả: Bốc mạnh và tỏa ra từng luồng Câu 3: Thành phần biệt lập tình thái: Hình như Tác dụng: Diễn tả trạng thái mơ hồ, hoài nghi, không chắc chắn của nhà thơ khi đón nhận những tín hiệu sang thu. Câu 4: - Nhân hóa: "Chùng chình" - Tác dụng: Gợi hình ảnh một màn sương mờ ảo, mềm mại giăng mắc nơi đường thôn ngõ xóm đồng thời phép nhân hóa "chùng chình" còn khiến ta cảm nhận màn sương ấy như dùng dằng, như cố ý chậm lại, nửa sang thu nửa còn như luyến lưu chưa muốn rời xa mùa hạ. Câu 5: - Tác giả: Nguyễn Minh Châu - Tác phẩm: Bến quê - Dẫn chứng: "Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những điều vòng vèo hoặc chùng chình." - Giá trị biểu cảm: Từ láy có tính biểu cảm kết hợp với hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ về những điều con người thường gặp trong cuộc đời. Câu 6: Đoạn thơ trên diễn tả cảm xúc tâm trạng ngơ ngàng, ngạc nhiên (bỗng), hoài nghi, bâng khuâng, mơ hồ (hình như). Câu 7: - BPTT: Đảo ngữ, từ bỗng được đảo lên đầu câu - Tác dụng: Diễn tả sự bất ngờ, ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi thu đến không hẹn trước. Câu 8 : - Phả hay tỏa đều là những động từ diễn tả sự chuyển động của sự vật trong không gian nhưng Không thể thay từ "phả" bằng từ "tỏa" bởi vì: + Từ "phả" nghĩa là bốc mạnh hoặc tỏa ra thành luồng - theo từ điển của Hoàng Phê) là động từ có sắc thái mạnh từ đó diễn tả được mùi vị của hương ổi chín đậm đà trong gió, mạnh mẽ choán lấy tâm trí của con người, mùi hương đó quyện thành luồng, hương thơm như sánh lại. + "Tỏa" sẽ gợi ra sự lan tỏa, chuyển động có phần nhẹ nhàng, mờ nhạt hơn vì thế mà mùi hương trong không gian sẽ không thể kích thích và gây được ấn tượng mạnh với người cảm nhận. ð dùng từ "phả" cho thấy sự tập trung của tác giả khi cảm nhận hương vị đặc trưng của mùa thu. Bài tập số 2: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: "Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu" Câu 1: Cho biết mạch cảm xúc của bài thơ? Câu 2: Tại sao tác giả lại đặt là "Sang thu" mà không đặt mà "Thu sang"? Câu 3: Tìm các từ láy có trong đoạn thơ và cho biết tác dụng của các từ láy đó? Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ? Câu 5: Em có nhận xét gì về trạng thái vận động của dòng sông và cánh chim? Sự vận động đó thể hiện điều gì? Câu 6: Hình ảnh đám mây trong khổ thơ rất đặc sắc. Em hãy nêu cảm nhận của mình về hình ảnh thơ này. Câu 7: Hình ảnh dòng sông và cánh chim thường xuất hiện trong thơ ca. Hãy chép lại một khổ thơ cũng xuất hiện hình ảnh dòng sông và cánh chim trong chương trình Ngữ văn 9 nêu rõ tác giả và tác phẩm. Gợi ý: Câu 1: Mạch cảm xúc: mạch chảy tự nhiên của cảm xúc: Từ ngỡ ngàng, bâng khuâng trước những tín hiệu giao mùa nơi thôn xóm đến say mê trước những cảnh vật sang thu xa rộng, và rồi trầm ngâm, suy tư, chiêm nghiệm trước những biến đổi bên trong của thiên nhiên và con người. Câu 2: Nhan đề bài thơ là một đảo ngữ: Động từ "sang" được đảo lên trước danh từ chỉ mùa thu để nhấn mạnh sự chuyển động chuyển biến của thiên nhiên đất trời cũng như sự vận động trong cảm xúc con người: + Cảnh vật từ mơ hồ mong manh đến hữu hình, rõ nét gợi rõ bước đi nhẹ nhàng của "nàng thu". Cảm xúc của con người cũng vậy: Từ cảm nhận bâng khuâng đến tri giác, hòa nhập và chiêm nghiệm, suy tư. + nhan đề cũng tạo cho bài thơ tính đa nghĩa: Từ bức tranh sang thu của thiên nhiên đất trời mà lắng sâu chiêm nghiệm về con người lúc sang thu và sau đó mở rộng ra sự chuyển mình sang thu của đất nước. Câu 3: - Từ láy: Dềnh dàng, vội vã - Tác dụng diễn tả Sự đối lập vô cùng tinh tế về khoảnh khắc giao mùa với hai dấu hiệu thời tiết chuyển biến khác nhau của chim và sông. Câu 4: * Hai câu đầu - Nhân hóa, đối lập, ẩn dụ: Sông - dềnh dàng, chim - vội vã - Tác dụng: Thể hiện những động thái ngược chiều nhau của sự vật nhưng cũng rất đặc trưng cho cảnh sắc mùa thu. Dòng sông lúc sang thu không còn cuồn cuộn, gấp gáp như ngày hè mưa lũ mà dềnh dàng, thong thả trôi như đang ngẫm ngợi, suy tư. Cánh chim lúc sang thu cũng vội vã hơn, hối hả hơn, khẩn trương hơn. Câu thơ còn thể hiện ý nghĩa ẩn dụ sâu sa: Cái dềnh dàng của dòng sông kia phải chăng cũng chính là cái chậm rãi, trầm tư sâu lắng của lòng người. Cái vội vã của dòng sông kia phải chăng cũng chính là cái sôi nổi, hối hả gấp gáp của con người trong cuộc đời. Ý thơ gợi sự chuyển biến vận động của thiên nhiên, tạo vật nhưng cũng chính là sự vận động chuyển biến của lòng người lúc sang thu. * Hai câu sau: - Nhân hóa "vắt" - Tác dụng: Gợi hình dung mây mỏng như dải lụa treo trên bầu trời. Ranh giới nửa nghiêng về mùa hạ, nửa nghiêng về mùa thu. Cảm xúc say sưa, tâm hồn giao cảm với thiên nhiên, tò mò những gì sắp tới của mùa thu nhưng cũng còn vương vấn, lưu luyến mùa hạ. Câu 5: - Trạng thái vận động của dòng sông và cánh chim ngược chiều nhau + Dòng sông: Dềnh dàng, thong thả trôi như đang ngẫm ngợi, suy tư. + Cánh chim: Vội vã hơn, hối hả hơn, khẩn trương hơn. ð sự vận động cho thấy sự chuyển biến rõ nét hơn của thiên nhiên cảnh vật khi thu sang Câu 6: Hình ảnh đám mây: là hình ảnh thơ đẹp và độc đáo tô đậm sự biến chuyển của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa. + Nghệ thuật nhân hóa kết hợp và động từ "vắt" diễn tả đám mây có dáng hình mềm mại như dải lụa vắt ngang trên bầu trời. + Ranh giới vô hình giữa hạ và thu trở nên hữu hình cụ thể. + Gợi liên tưởng: Đám mây mới chỉ vắt được nửa mình sang thu; nửa còn lại vẫn bị mùa hạ níu giữ, hay vẫn còn lưu luyến chưa muốn rời xa => Câu thơ không chỉ cho thấy tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, cảm xúc say sưa, yêu thiên nhiên của tác giả mà con gợi lên sự giao thời của cuộc sống của con người. Câu 7: Khổ thơ có hình ảnh dòng sông và đàn chim mà em đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 và cho biết tác giả, tác phẩm: - Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của tác giả Thanh Hải: - Mọc giữa dòng sông xanh Một bông hoa tím biếc Ơi con chim chiền chiện Hót chi mà vang trời Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng. BÀI TẬP SỐ 3: "Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi." Câu 1: Hãy lí giải tại sao cả bài thơ sang thu của Hữu Thỉnh chỉ có một dấu chấm duy nhất ở cuối bài? Chỉ ra một tác phẩm trong chương trình ngữ văn 9 cũng có hình thức như vậy, nêu tên tác giả? Câu 2: Tìm và nêu tác dụng của những từ chỉ mức độ trong những câu thơ trên? Câu 3: Xác định biện pháp nghệ thuật và chỉ rõ tác dụng của nghệ thuật đó trong hai câu thơ sau: ".. Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi." Từ đó hãy chỉ rõ những lớp nghĩa trong 2 câu này? Gợi ý: Câu 1: - Cả bài thơ chỉ sử dụng duy nhất một dấu chấm, Đó là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Thể hiện dòng cảm xúc liền mạch đồng thời thể hiện các bước đi của mùa thu đang dần dần hiện hữu từ mơ hồ đến cụ thể rõ nét– sự vận động của thiên nhiên trong phút giao mùa tinh tế. - Bài thơ khác cũng có hình thức độc đáo như vậy: Ánh trăng của Nguyễn Duy Câu 2: - Các từ chỉ mức độ: Vẫn còn, đã, vơi dần, bao nhiêu, bớt bất ngờ. - Tác dụng: Diễn tả các hiện tượng của thiên nhiên: Nắng, mưa, sấm cuối hạ vẫn còn nhưng đã lắng dần chừng mực và ổn định hơn => Hạ nhạt dần, thu đậm nét hơn. Câu 3: - Biện pháp tu từ: Nhân hóa (bất ngờ, đứng tuổi), ẩn dụ (sấm, hàng cây đứng tuổi) - Tác dụng: Sấm là những vang động bất thường, những khó khăn của cuộc đời. Hàng cây đứng tuổi như người từng trải, họ sẽ vững vàng hơn trước những tác động, những sóng gió của cuộc đời. - các lớp nghĩa: + lớp nghĩa thứ nhất là nghĩa tả thực: Hàng cây đã lớn, đã trải qua bao mùa thay lá, sẽ vững vàng hơn trước những tiếng sấm bất ngờ. + lớp nghĩa thứ hai: Sấm là những vang động bất thường, những khó khăn của cuộc đời. Hàng cây đứng tuổi như người từng trải, họ sẽ vững vàng hơn trước những tác động, những sóng gió của cuộc đời. Hình ảnh hàng cây đứng tuổi chốt hạ bài thơ đã gợi mở thêm một nét nghĩa mới đó là sự sang thu của đời người. + Liên hệ với hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì chúng ta con thấy lớp nghĩa thứ ba: Sấm chính là biểu trưng cho những giao lao, vất vả, thử thách, hàng cây đứng tuổi chính là bản lĩnh cứng cỏi kiên cường của đất nước trong thời khắc chuyển mình.