Đọc hiểu: Rồi ngày mai con đi, Lò Cao Nhum - Rồi ngày mai con xuống núi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 31 Tháng mười 2024.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,022
    Đọc hiểu: Rồi ngày mai con đi, Lò Cao Nhum

    Đọc bài thơ sau:

    Rồi ngày mai con xuống núi
    Ngỡ ngàng
    Đất rộng, trời thấp
    Bước đầu tiên
    Con vấp gót chân mình.


    Rồi ngày mai con xuống núi
    Gặp phố phường ngã bảy, ngã mười
    Gặp lòng người đỏ, vàng, đen, trắng
    Mỗi lần vấp, một bước đi
    Sẽ sực nhớ người thầy trên núi.


    Bố mẹ cho con cán rìu, lưỡi hái
    Vung một sải quang ba ngọn đồi
    Nhưng chưa đủ mo cơm, tay nải
    Trên đường xa về phía chân trời.
    Người thầy ngồi lặng lẽ sương khuya
    Áo cổ lông không ngăn được rét rừng như chích
    Chăm giáo án như vun từng đốm than tí tách
    Thắp lửa hồng ấm mãi tim con.


    Ngọn lửa ấy là mo cơm khi đói
    Là chiếc gậy con vịn đường mưa
    Là ngón tay gõ vào chốt cửa
    Phía sau kia rộng mở nụ cười.


    Ngày mai con xuống núi
    Cùng tay nải hành trang đầu tiên
    Đi như suối chảy về với biển
    Chớ quên mạch đá cội nguồn.


    (Lò Cao Nhum, Gốc trời, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009)

    [​IMG]

    Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

    Câu 3. Chỉ ra những điều con sẽ gặp khi xuống núi?

    Câu 4. Nêu ý nghĩa biểu tượng của những hình ảnh sau: "Ngã bảy, ngã mười" và "lòng người đỏ, vàng, đen, trắng"

    Câu 5. Những hình ảnh "cán rìu," "lưỡi hái," và "mo cơm, tay nải" tượng trưng cho điều gì trong quá trình trưởng thành của nhân vật?

    Câu 6. "Người thầy" trong bài thơ có vai trò gì đối với nhân vật chính và hành trang của họ khi rời núi?

    Câu 7. Tại sao nhân vật chính lại "sực nhớ người thầy trên núi" mỗi lần vấp ngã trên đường đời?

    Câu 8. Tác giả muốn truyền tải thông điệp gì về cuộc hành trình "xuống núi" của nhân vật chính trong bài thơ?

    Câu 9. Chỉ ra, phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong khổ thơ:

    Ngọn lửa ấy là mo cơm khi đói

    Là chiếc gậy con vịn đường mưa

    Là ngón tay gõ vào chốt cửa

    Phía sau kia rộng mở nụ cười.


    Câu 10. Nội dung khổ thơ sau có ý nghĩa gì với anh/chị:

    Ngày mai con xuống núi

    Cùng tay nải hành trang đầu tiên

    Đi như suối chảy về với biển

    Chớ quên mạch đá cội nguồn.


    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ: Tự do.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, ở đây có thể là người cha với những lời nhắn nhủ con chân thành, sâu sắc trước khi con "xuống núi".

    Câu 3. Những điều con sẽ gặp khi xuống núi:

    - phố phường ngã bảy, ngã mười

    - lòng người đỏ, vàng, đen, trắng

    Câu 4. Ý nghĩa biểu tượng của những hình ảnh: "Ngã bảy, ngã mười" và "lòng người đỏ, vàng, đen, trắng" : Những hình ảnh này miêu tả sự phức tạp, đa dạng và khó lường của xã hội với nhiều ngã rẽ và tính cách khác nhau. Người xuống núi sẽ gặp phải những thử thách, va vấp với đủ loại người và sắc màu cuộc sống.

    Câu 5. Những hình ảnh "cán rìu," "lưỡi hái," và "mo cơm, tay nải" tượng trưng cho hành trang, biểu tượng cho những điều cơ bản nhất mà bố mẹ chuẩn bị cho nhân vật khi bước vào đời. Chúng tượng trưng cho những giá trị truyền thống, lao động cần cù và lòng can đảm cần có để vượt qua hành trình.

    Câu 6. "Người thầy" trong bài thơ có vai trò: Người thầy trong bài thơ là người truyền đạt kiến thức, nuôi dưỡng tinh thần và tiếp thêm sức mạnh cho nhân vật chính. Dù rời xa thầy để xuống núi, nhân vật vẫn giữ lời dạy của thầy như một hành trang quan trọng trong đời.

    Câu 7. Nhân vật chính "sực nhớ người thầy trên núi" mỗi lần vấp ngã trên đường đời vì: Nhớ đến người thầy là cách nhân vật chính nhớ về những lời khuyên, bài học quý giá mà thầy đã truyền đạt. Những lời dạy này như ngọn đèn soi sáng, giúp nhân vật tìm thấy sức mạnh để vượt qua khó khăn.

    Câu 8.

    Thông điệp của cuộc hành trình "xuống núi" : Bài thơ truyền tải thông điệp về hành trình rời xa nơi chốn quen thuộc để đối mặt với những khó khăn và cám dỗ của cuộc sống. Nhân vật chính phải trưởng thành, tự lập, nhưng luôn giữ gìn những giá trị, lời dạy của thầy cô và gia đình.

    Câu 9.

    Biện pháp tu từ:

    - Ẩn dụ: Ngọn lửa chỉ những điều đẹp đẽ, tốt đẹp, nhân văn mà người thầy đã thắp lên trong trái tim con

    - So sánh: "Ngọn lửa" với "mo cơm khi đói", "chiếc gậy.. đường mưa."

    Tác dụng:

    - Nhấn mạnh vai trò của người thầy đối với người học trò trong hành trình cuộc sống, giúp người đọc thấy rõ sự hữu hình của tình thương yêu mà thầy trao, trở thành sức mạnh tinh thần cho nhân vật.

    - Thể hiện được lòng biết ơn của nhân vật trữ tình đối với người thầy.

    - Làm cho câu thơ thêm sinh động, giàu hình ảnh.

    Câu 10.

    - Nội dung khổ thơ:

    Ngày mai con xuống núi

    Cùng tay nải hành trang đầu tiên

    Đi như suối chảy về với biển

    Chớ quên mạch đá cội nguồn.


    "Tay nải hành trang đầu tiên" biểu thị những giá trị, kinh nghiệm, và lời dạy mà mỗi người tích lũy từ gia đình, thầy cô, và quê hương trước khi bước vào đời. Đây là nền tảng quan trọng để vượt qua thử thách và cám dỗ.

    "Đi như suối chảy về với biển" là hình ảnh đẹp về hành trình của mỗi người, từ nơi nhỏ bé đến với những thử thách lớn hơn. Nó tượng trưng cho sự phát triển, mở rộng kiến thức và hòa mình vào cuộc sống đa dạng, phong phú.

    "Chớ quên mạch đá cội nguồn" nhắc nhở chúng ta dù đi đến đâu, dù trưởng thành hay thay đổi, cũng không được quên cội nguồn và bản sắc. Đây là điều giúp mỗi người đứng vững và không lạc lối giữa xã hội phức tạp.

    - Ý nghĩa đối với em: Khổ thơ mang tính giáo dục sâu sắc, giúp em nhận thức được vai trò của nguồn cội; nhắc nhở em ý thức gắn bó với quê hương, giữ gìn bản sắc, cội nguồn khi bước vào thế giới rộng lớn, nhắc nhở lòng biết ơn đối với những người đã vun đắp, dạy dỗ mình; từ đó khơi dậy trong em tình yêu quê hương, thôi thúc những hành động xây dựng, bảo vệ quê hương, cội nguồn..
     
    Chỉnh sửa cuối: 31 Tháng mười 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...