Đọc hiểu Quê hương - Tế Hanh Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: 1. "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới: Nước bao vây cách biển nửa ngày sông. Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng, Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. 2. Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang. Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió... 3. Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về. "Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe", Những con cá tươi ngon thân bạc trắng. 4. Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng, Cả thân hình nồng thở vị xa xăm; Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. 5. Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi, Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!" (Trích Quê hương - Tế Hanh) Câu 1. Xác định thể thơ trong bài thơ trên A. Thơ thất ngôn B. Thơ tám chữ C. Thơ lục bát D. Thơ tự do Câu 2. Bài thơ sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào: A. Tự sự, biểu cảm B. Miêu tả, biểu cảm C. Biểu cảm, miêu tả, tự sự D. Nghị luận, miêu tả, biểu cảm Câu 3. Câu thơ nào sau đây không sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa: A. Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng, Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá B. Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.. C. Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang. D. Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. Câu 4. Bài thơ viết về đề tài gì? A. Đề tài miền núi và người lao động B. Đề tài quê hương và người lao động C. Đề tài xây dựng, bảo vệ Tổ quốc D. Đề tài người anh hùng trong lao động Câu 5. Dòng nào nêu đúng về chủ thể trữ tình, hình tượng nhân vật trong bài thơ? A. "Tôi" là hình tượng nhân vật, không có chủ thể trữ tình B. "Tôi" là hình tượng nhân vật, tác giả là chủ thể trử tình C. "Tôi" là hình tượng nhân vật, người dân lao động là chủ thể trữ tình. D. "Tôi" là chủ thể trữ tình, người dân lao động là hình tượng nhân vật Câu 6. Nhận xét về giọng điệu của bài thơ: A. Giọng điệu hào hùng, sảng khoái B. Giọng điệu trầm buồn, nhớ thương da diết C. Giọng điệu khỏe khoắn, vui tươi D. Giọng điệu xót xa, thương cảm Câu 7. Dòng nào nêu đúng cách hiểu về câu thơ: "Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang." A. Hai câu thơ miêu tả hình ảnh chiếc thuyền đánh cá chạy nhanh như con tuấn mã B. Hai câu thơ miêu tả miêu tả hình ảnh chiếc thuyền mạnh mẽ vượt biển, qua đó nói lên khí thế bừng bừng quyết tâm, tinh thần hăng say lao động của con người C. Diễn tả tâm trạng vui sướng của tác giả khi thấy hình ảnh làng chài khi những chiếc thuyền cá trở về sau những ngày chìm trong gió biển. D. Diễn tả tâm trạng vui sướng biết bao của người dân làng chài khi những người thân của họ đã mang về những thành quả tương xứng. Câu 8. Nhận xét về cảnh dân làng đón ghe về trong khổ thơ thứ 3 Câu 9. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau: "Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang." Câu 10. Cảm nhận về vẻ đẹp của người dân lao động trong bài thơ trên. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. B. Thơ tám chữ Câu 2. C. Biểu cảm, miêu tả, tự sự Câu 3. A. Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng, Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá Câu 4. B. Đề tài quê hương và người lao động Câu 5. D. "Tôi" là chủ thể trữ tình, người dân lao động là hình tượng nhân vật Câu 6. C. Giọng điệu khỏe khoắn, vui tươi Câu 7. B. Hai câu thơ miêu tả miêu tả hình ảnh chiếc thuyền mạnh mẽ vượt biển, qua đó nói lên khí thế bừng bừng quyết tâm, tinh thần hăng say lao động của con người. Câu 8. Nhận xét về cảnh dân làng đón ghe về trong khổ thơ thứ 3: - Khung cảnh dân làng đón ghe về được miêu tả qua những từ ngữ: Ồn ào, tấp nập, cá đầy ghe; qua giọng thơ vui tươi, hào hứng - Qua đó, ta thấy cảnh đón ghe về của dân làng thật vui vẻ, náo nhiệt, gợi lên cuộc sống ấm no, thanh bình. Câu 9. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau: "Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang." - Phép so sánh: Hình ảnh so sánh chiếc thuyền nhẹ, phương diện so sánh hăng, từ so sánh như, hình ảnh được so sánh: Con tuấn mã - Phép nhân hóa: Con thuyền mang đặc điểm của con người: Hăng, mạnh mẽ, vượt.. - Tác dụng: Nhấn mạnh vẻ đẹp khỏe khoắn của chiếc thuyền cùng khí thếquyết tâm, hăng say lao động của con người; Giúp câu thơ trở nên sinh động, gợi hình, biểu cảm. Câu 10. Cảm nhận về vẻ đẹp của người dân lao động trong bài thơ trên: - Niềm say mê phấn chấn, lạc quan, hăng say của con người trong lao động - Vẻ đẹp khí thế mạnh mẽ, quyết tâm dũng cảm của con người lao động - Tấm lòng yêu mến và trân trọng thiên nhiên của con người lao động. - Yêu biển, yêu quê hương, đất nước..