Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi: ".. Quê hương là vòng tay ấm Con nằm ngủ giữa mưa đêm Quê hương là đêm trăng tỏ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm * * * Quê hương mỗi người chỉ một Như là chỉ một mẹ thôi Quê hương nếu ai không nhớ Sẽ không lớn nổi thành người." [Trích bài thơ "Quê hương" – Đỗ Trung Quân] Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? Câu 2: Xác định nội dung của đoạn thơ? Câu 3: Tìm và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ có trong đoạn thơ? Câu 4: Qua đoạn thơ tác giả muốn gửi gắm tới người đọc thông điệp gì? Đáp án: Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm Câu 2: Nội dung đoạn thơ: Đoạn thơ đã trực tiếp thể hiện được tình cảm trìu mến yêu thương, lòng gắn bó tha thiết và tâm hồn sâu nặng với quê hương của tác giả. Câu 3; Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích: + Điệp ngữ "quê hương" được lặp lại 4 lần. + So sánh: Quê hương là vòng tay ấm; là đêm trăng tỏ; như là chỉ một mẹ thôi. – Tác dụng: + Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho bài thơ + Tạo nhịp điệu, âm hưởng da diết, mến thương + Để lại ấn tượng tốt trong lòng độc giả về sự thân thương, gần gũi, bình dị, làm nổ bật nét mộc mạc của quê hương + Nhấn mạnh tình yêu tha thiết, sự gắn bó sâu nặng với quê hương của tác giả. + Khẳng định mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời giữa con người với quê hương Câu 4: Qua đoạn thơ với ngôn từ hàm súc mà ý nghĩa sâu xa, Đỗ Trung Quân muốn khẳng định tới bạn đọc những vai trò thiết thực của quê hương, những ý nghĩa, những giá trị mà quê hương đã đem lại cho con người, từ đó, nhà văn cũng đồng thời giáo dục, truyền tải đến người đọc bài học về tình yêu quê hương sâu sắc, cao đẹp. Quê hương đơn giản chỉ là những điều dung dị, mộc mạc đời thường nhưng lại là những thành tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách ta, vì thế nên những ai không yêu mến quê hương sẽ không thể trưởng thành.