Đọc hiểu: Nỗi thương mình - Truyện Kiều, Nguyễn Du, Ngữ văn 11: Biết bao bướm lả ong lơi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 9 Tháng mười 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu Nỗi thương mình , trích Truyện Kiều - Nguyễn Du bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Các kĩ năng cơ bản đó là: Vận dụng những hiểu biết về đặc trưng của thơ trữ tình (giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố như ngôn từ; hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản; ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ) và đặc điểm của truyện thơ dân gian, truyện thơ Nôm (cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp, ngôn ngữ) để đọc hiểu các bài thơ, đoạn thơ.

    Đọc hiểu: Nỗi thương mình - Truyện Kiều, Nguyễn Du

    Ngữ văn 11 - Chương trình mới

    Đọc đoạn trích sau:

    Biết bao bướm lả ong lơi!
    Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
    Dập dìu lá gió cành chim,
    Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh
    Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
    Giật mình mình lại thương mình xót xa
    Khi sao phong gấm rủ là
    Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
    Mặt sao dày gió dạn sương
    Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
    Mặc người mưa Sở mây Tần
    Những mình nào biết có xuân là gì?
    Đòi phen gió tựa hoa kề
    Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu
    Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu?
    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
    Đòi phen nét vẽ câu thơ
    Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
    Vui là vui gượng kẻo là,
    Ai tri âm đó mặn mà với ai?

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên là ai?

    Câu 3. Cuộc sống nơi thanh lâu của Thúy Kiều được miêu tả qua những từ, cụm từ nào trong 4 câu đầu? Nhận xét về hoàn cảnh sống của Thúy Kiều qua cách miêu tả của Nguyễn Du.

    Câu 4. Ba chữ «mình» liên tiếp trong hai câu thơ sau biểu đạt điều gì?

    Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

    Giật mình mình lại thương mình xót xa.

    Câu 5. Tìm những từ, cụm từ thể hiện sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại của Thúy Kiều?

    Câu 6. Phân tích tác dụng của phép đối lập trong hai câu thơ:

    Mặc người mưa Sở mây Tần

    Những mình nào biết có xuân là gì?

    Câu 7. Em hiểu điều gì về tâm trạng của Thúy Kiều khi phải tiếp khách lầu xanh qua những câu thơ: «Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ»; «Vui là vui gượng kẻo là».

    Câu 8. Nhận xét nét đặc sắc về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du trong đoạn thơ trên.

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1.

    - Thể thơ: Lục bát;

    - Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên: Thúy Kiều.

    Câu 3.

    - Cuộc sống nơi thanh lâu của Thúy Kiều được miêu tả qua những từ, cụm từ: Bướm lả ong lơi; cuộc say đầy tháng; trận cười suốt đêm; dập dìu; lá gió cành chim; sớm đưa; tối tìm..

    - Nhận xét về hoàn cảnh sống của Thúy Kiều: Kiều phải sống trong cảnh tiếp khách lầu xanh tấp nập, buông tuồng, trụy lạc: Triền miên say sưa, cười nói, mua vui cho khách. Đây là hoàn cảnh ép buộc, trớ trêu đối với Kiều.

    Câu 4. Ba chữ «mình» liên tiếp trong hai câu thơ:

    Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

    Giật mình mình lại thương mình xót xa.

    Biểu đạt: Kiều chỉ có một mình, cô đơn, không người đồng cảm, chia sẻ; tự mình thương mình, xót xa cho mình.

    Câu 5.

    - Những từ, cụm từ thể hiện sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại của Thúy Kiều: Quá khứ «phong gấm rủ là» đối lập với hiện tại «tan tác như hoa», «dày gió dạn sương», «bướm chán ong chường»;

    - Nhận xét: Quá khứ êm đềm, tươi đẹp, hiện tại đau khổ, bẽ bàng, ê chề nhục nhã.

    Câu 6. Mặc người mưa Sở mây Tần

    Những mình nào biết có xuân là gì?

    - Phép đối: Đối lập giữa khách và Kiều: Khách «mưa Sở mây Tần» vui thú >< Kiều "nào biết có xuân là gì" Kiều không biết đến tình yêu, hạnh phúc, tuổi xuân.

    - Tác dụng: Nhấn mạnh tâm trạng đau khổ, lạc lõng, bơ vơ của Thúy Kiều giữa chốn lầu xanh và nỗi xót xa, thương cảm của nhà thơ cho nhân vật; tạo giọng điệu ai oán, buồn thương..

    Câu 7. Những câu thơ: «Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ»; «Vui là vui gượng kẻo là»:

    - Biểu đạt: Mối quan hệ giữa cảnh và tình – người buồn nhìn cảnh đâu cũng thấy buồn; đồng thời còn cho thấy niềm vui của Thúy Kiều chỉ là gượng gạo, vui giả, vui bên ngoài.

    - Qua đó, hai câu thơ trên biểu đạt tâm trạng buồn khổ, cô đơn, lạc lõng, bế tắc của Kiều. Vì có ý thức về nhân phẩm nên Kiều càng đau khổ khi phải sống trong hoàn cảnh nhơ nhớp.

    Câu 8.

    - Nét đặc sắc về nghệ thuật miêu tả miêu tả nội tâm nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du trong đoạn thơ trên:

    + Miêu tả qua bút pháp tả cảnh, ngụ tình: Từ cảnh sinh hoạt đến cảnh thiên nhiên đều chất chứa tâm trạng buồn khổ của Thúy Kiều;

    + Miêu tả qua ngôn ngữ nửa trực tiếp, qua độc thoại nội tâm: Đoạn thơ như lời Kiều tự nói với chính mình về cuộc sống và cảm nhận của Kiều nơi lầu xanh;

    + Miêu tả qua hệ thống các từ ngữ giàu giá trị biểu đạt, vừa có ngôn từ của cuộc sống, vừa sử dụng các điển tích, điển cố;

    + Vận dụng hiệu quả của các biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ xoáy sâu vào nỗi đau, các phép đối lập, tương phản giữa quá khứ với hiện tại, phép tiểu đối, trường đối, so sánh, ẩn dụ..

    - Có thể nói: Nguyễn Du đã rất thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật Thúy Kiều ở lầu xanh.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...