Đọc hiểu: Nơi dựa - Nguyễn Đình Thi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Misa love, 26 Tháng một 2023.

  1. Misa love

    Bài viết:
    4
    Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

    Nơi dựa

    Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?

    Khuân mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào.

    Đứa bé đang lẫm thẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa điệu múa kì lạ.

    Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

    Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.

    Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?

    Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.

    Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.

    Trên khuân mặt già nua, không biết bao nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

    Ai biết đâu, Bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

    (Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của ngữ liệu là gì?

    Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của ngữ liệu trên?

    Câu 3: Giải thích nghĩa của từ: Nơi dựa?

    Câu 4: Chỉ ra nghịch lý về "nơi dựa" được tác giả đề cập trong hai câu in đậm. Từ nghịch lý đó, anh/chị hiểu gì về quan niệm "nơi dựa" của tác giả?

    Câu 5: Theo anh/chị, đôi mắt "có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết" là đôi mắt như thế nào? Điều đó cho ta biết điều gì về người chiến sĩ trong bài thơ?

    Câu 6: Tìm câu nghi vấn của ngữ liệu trên? Cơ sở nhận biết nào cho thấy đó là câu nghi vấn? Tác dụng của câu nghi vấn trên?

    Câu 7: Liệt kê những từ láy được sử dụng trong bài thơ và phân tích hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng từ láy đó?

    Câu 8: Câu thơ: "Trên khuân mặt già nua, không biết bao nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời" Gợi lên trong em suy nghĩ gì "?

    Câu 9: Từ bài thơ, anh/chị trình bày suy nghĩ của mình về nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống.


    Gợi ý làm bài:

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Biểu cảm.

    Câu 2: Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật văn chương.

    Câu 3: Nơi dựa (điểm tựa) : Là nơi để mỗi người nương tựa, la nơi để tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, động lực, nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên, niềm vui, niềm hạnh phúc sau bao vất vả của cuộc sống.

    Câu 4:

    Nghịch lý về" nơi dựa "được tác giả đề cập trong hai câu in đậm: Cậu bé và cụ già là hai đối tượng yếu ớt về thể chất. Còn người mẹ và người chiến sĩ khoẻ mạnh, tưởng chừng như họ chính là chỗ dựa cho cậu bé và cụ già nhưng không phải, họ lại là người cần một chỗ dựa, chỗ dựa ấy đến từ cậu bé và cụ già.

    - Từ đây ta có thể thấy" nơi dựa "là nơi ỷ lại, dựa dẫm tinh thần của con người sau bao muộn phiền của cuộc sống.

    Câu 5:

    - Đôi mắt" có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết "là đôi mắt đã qua nhiều trải nghiệm, ung dung trước những biến thiên của cuộc đời.

    - Qua đôi mắt cho ta thấy người chiến sĩ đã qua nhiều lần chứng kiến, nhiều hy sinh, mất mát, rèn rũa cho anh lòng dũng cảm.

    Câu 6:

    - Câu nghi vấn:

    Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?

    Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?


    - Cơ sở nhận biết: Dấu hỏi chấm và có từ nghi vấn: nào

    - Tác dụng: Câu hỏi tu từ không cần trả lời mà như muốn thông báo và khẳng định đối tượng biểu đạt.

    Câu 7:

    - Các từ láy được sử dụng trong bài thơ: Lẫm chẫm, líu lo, run rẩy, gắng gỏi

    Các từ láy có tác dụng miêu tả cụ thể hơn hình dáng, chi tiết đặc điểm của em bé, cụ già.

    Câu 8:

    Câu thơ gợi lên suy nghĩ: Hình ảnh một bà cụ già nua, khắc khổ được hiện lên qua hình ảnh khuân mặt và các nếp nhăn. Người đọc như đồng cảm chia sẻ cùng với những vất vả mà bà cụ đã phải trải qua. Nhưng bà cụ chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người chiến sĩ trẻ trên mọi nẻo đường đời.

    Câu 9:

    Cuộc sống xung quanh ta vẫn luôn hằng chứa những biến thiên vô định, những thử thách, gian truân và trắc trở. Con người ta có bao giờ sống mà chỉ luôn đi qua những phút giây bình yên của cuộc đời. Sẽ có những khoảnh khắc ta thấy mình thật nhỏ bé, yếu mềm trước thế giới rộng lớn vô ngần. Khi ấy cũng chính là lúc ta cần một điểm tựa, một" nơi dựa "vững chắc trong cuộc sống." Nơi dựa "không nhất thiết phải có ý nghĩa vật chất, với tiền tài, địa vị xã hội, tuổi tác, sức mạnh.. Thực tế cho thấy" nơi dựa"quan trọng nhất với con người, và tồn tại lâu bền hơn cả chính là tinh thần, tình cảm, bởi có điểm tựa tinh thần, tình cảm, người ta sẽ tìm thấy được những niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống và tạo ra những sức mạnh tinh thần lớn lao. Kì diệu. Sẽ có những lúc con người lâm vào bế tắc, tuyệt vọng và chỗ dựa lúc ấy là động lực để con người tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương và cống hiến cho cuộc đời. Sau những bất hạnh, cơ cực, nhọc nhằn của đời người, chỗ dựa là nơi ta lắng lại tâm hồn mình, chữa lành và lắng nghe chính mình để nhận ra mục đích sống thực sự là gì. Đời người cần có một chỗ dựa, dù già hay trẻ, dù mạnh hay yếu nhưng mỗi người cũng phải luôn biết đứng vững trên đôi chân của mình để phấn đấu và tự khẳng định giá trị cuộc sống của mình.
     
    Last edited by a moderator: 25 Tháng tám 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...