Đọc hiểu: Những con đường - Lưu Quang Vũ Đọc văn bản sau: Anh nhớ không những con đường quê ta Thân thương từ thuở nhỏ ? Bao năm tháng đi về trên ngõ Bao hoàng hôn rậm rịch bước chân trâu Đường lập loè đom đóm bay cao Ta ghé cửa nhà nhau xin lửa Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở Da diết lòng hương dịu tự vườn cau... Xưa xóm nghèo mái rạ chen nhau Gồ ghề lối hẹp Hun hút bờ tre gió rét Mưa dầm lầy lội bùn trơn Bà lưng còng chống gậy bước run Còm cõi vai gầy gánh nặng Sương trắng mùa đông ngõ vắng Quét hoài không hết lá khô... Ôi những con đường hẹp ngày xưa Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt Khiến lòng người nhiều khi cũng chật... Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng Bước đi dài đường phải thênh thang Vui mở với đời ta như trời rộng... (Những con đường, Trích Hương cây-1968- Lưu Quang Vũ) Lựa chọn đáp án đúng : Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào? A. Thất ngôn trường thiên B. Tự do C. Tám chữ D. Thất ngôn xen lục ngôn Câu 2. Các phương thức biểu đạt sử dụng trong đoạn thơ: A. Biểu cảm, miêu tả B. Tự sự, nghị luận C. Thuyết minh, biểu cảm D. Biểu cảm, hành chính Câu 3. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là: A. "Anh" B. "Bà" C. "Người" D. "Ta" - cái tôi tác giả Câu 4. Hình ảnh con đường trong quá khứ: Gồ ghề lối hẹp - Hun hút bờ tre gió rét - Mưa dầm lầy lội bùn trơn nói lên điều gì về cuộc sống con người: A. Cuộc sống lam lũ, cơ cực B. Cuộc sống bình yên, giản dị C. Cuộc sống tù túng, ngột ngạt D. Cuộc sống sung sướng, đủ đầy Câu 5. Mối quan hệ giữa "những con đường" và "lòng người" gợi lên trong những câu thơ sau là gì? Ôi những con đường hẹp ngày xưa Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt Khiến lòng người nhiều khi cũng chật... A. Hoàn cảnh sống tù túng, khó khăn khiến lòng người trở nên ích ký, hẹp hòi; B. Hoàn cảnh sống chật chội, tù túng khiến con người trở nên thấp hèn, bé nhỏ; C. Hoàn cảnh sống thiếu thốn, khó khăn khiến con người càng nuôi quyết tâm bứt phá vượt thoát khỏi nghịch cảnh. D. Hoàn cảnh sống bó buộc, hạn chế khiến tâm hồn, tình cảm, khát vọng của con người không thể rộng mở, vươn xa. Câu 6. Điểm khác biệt giữa con đường ngày xưa và con đường ngày mai là: A. Con đường ngày xưa lầy lội, con đường ngày mai sạch sẽ B. Con đường ngày xưa quanh co, con đường ngày mai thẳng tắp C. Con đường ngày xưa gần gũi, con đường ngày mai xa lạ D. Con đường ngày xưa chật hẹp, con đường ngày mai thênh thang Câu 7. Nội dung chính của bài thơ là: A. Mối quan hệ giữa hoàn cảnh sống và tầm nhìn của con người; B. Nỗi nhớ của nhà thơ về những con đường quê hương C. Hình ảnh con đường quê hương trong hoài niệm của tác giả và những tình cảm, suy ngẫm của tác giả về quê hương. D. Bài thơ nhắc đến hình ảnh của những con đường quê hương và công việc của mỗi người trên con đường khác nhau đó. Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu: Câu 8. Em hiểu điều gì về ước vọng của tác giả gửi trong những vần thơ: Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng Bước đi dài đường phải thênh thang Vui mở với đời ta như trời rộng... Câu 9. Bài thơ khơi dậy trách nhiệm gì của mỗi người đối với quê hương? Câu 10. Rút ra thông điệp em thấy tâm đắc từ đoạn trích. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. B. Tự do Câu 2. A. Biểu cảm, miêu tả Câu 3. D. "Ta" - cái tôi tác giả Câu 4. A. Cuộc sống lam lũ, cơ cực Câu 5. D. Hoàn cảnh sống bó buộc, hạn chế khiến tâm hồn, tình cảm, khát vọng của con người không thể rộng mở, vươn xa. Câu 6. D. Con đường ngày xưa chật hẹp, con đường ngày mai thênh thang Câu 7. C. Hình ảnh con đường quê hương trong hoài niệm của tác giả và những tình cảm, suy ngẫm của tác giả về quê hương. Câu 8. Những vần thơ: Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng Bước đi dài đường phải thênh thang Vui mở với đời ta như trời rộng... Thể hiện ước vọng của tác giả: - Xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; - Cuộc sống vật chất của con người ngày càng đủ đầy; môi trường, hoàn cảnh sống ngày càng rộng mở... Đó là ước mơ chính đáng, cao đẹp của con người. Hành trình phát triển cần song hành với điều kiện thuận lợi về vật chất. Câu 9. Bài thơ khơi dậy trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương: trách nhiệm cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng vươn cao, vươn xa. Có vậy, cuộc sống con người mới hết nghèo khổ, cơ cực, tầm nhìn, mơ ước của con người mới được chắp cánh bay xa. Câu 10. Thông điệp từ bài thơ: - Tình cảm yêu thương, gắn bó dành cho quê hương - Thái độ trân trọng và tự hào. - Hành động thiết thực để góp phần xây dựng quê hương