Đọc hiểu: Những chiếc ấm đất - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 6 Tháng mười một 2023.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    323
    Đề số 1

    Những chiếc ấm đất - Đọc hiểu

    Tóm tắt "Những chiếc ấm đất".

    Truyện ngắn những chiếc ấm đất kể về thú thưởng trà tao nhã của cụ Sáu. Cụ mê uống trà tàu, nước pha phải là nước giếng ngọt trên tận chùa Đồi Mai thì cụ mới chịu uống. Vì mê uống trà, vì nước pha phải là nước giếng trên chùa Đồi Mai nên cụ không thể đi đâu xa, và gắn bó mãi với nơi này. Trong tác phẩm là một xã hội đầy biến động, nơi mà kẻ ăn mày cũng biết thưởng trà, một cụ già rơi vào cảnh bần cùng vẫn đam mê thú thưởng trà, vì trà, cụ nhất quyết không bán đi những chiếc ấm đất mà mình yêu quí, nâng niu dù người ta có ném cho cụ cả cục bạc nén, cuối cùng cũng vì thưởng trà mà cụ sa cơ lỡ nghiệp, cụ lại bán đi những chiếc ấm đất với giá rẻ, giữ lại nắp để mong muốn có người sẽ thực sự yêu quý cái ấm trà ấy sẽ quay lại và bằng lòng trả với giá đắt hơn.. Cái cách bán ấm trà không chỉ là bán để được giá nữa mà trong đó ẩn chứa sự nâng niu, trân trọng từng món đồ của mình..

    Đọc đoạn văn sau:

    Bóng nắng gần tới đỉnh đầu. Sư cụ chùa Đồi Mai thủng thẳng trở về trai phòng. Nhà sư già gỡ chiếc nón tu lờ, sắp ngồi vào thụ trai thì có tiếng con trẻ gọi ở ngoài cổng chùa. Một chú tiểu lễ phép bước lên tam cấp:

    – Bạch cụ, có người con trai cụ Sáu xin vào.

    – Vậy chú vẫn đóng cửa chùa đó à? Chú ra mở mau không có người ta phải đứng nắng lâu. Cổng nhà chùa bao giờ cũng nên để ngỏ. Từ giờ chú nên nhớ: Sáng sớm tụng kinh nhật tụng và thỉnh chuông xong là phải mở rộng cửa chùa và tối đến, lúc nào học xong kệ thì mới đóng. Kẻo nữa khách thập phương họ kêu đấy.

    Tiểu ra được một lát thì một người con trai trạc mười bảy tuổi xúng xính trong chiếc áo dài thâm, chân xéo lấm, tay bưng cái khay tiến vào tăng xá, vái sư cụ:

    – Bạch cụ, thầy con cho con mang xuống biếu cụ bình trà đầu xuân. Và xin phép cụ cho ra giếng chùa nhà gánh một gánh nước.

    Nhà sư già đã quen với những việc biếu và xin mượn này ở dưới cụ Sáu, khẽ cất tiếng cười. Trên khuôn mặt khô xác, nụ cười không có gì là ấm áp thiết tha. Nó chỉ đủ là hiền lành thôi.

    – Thế cháu đựng nước bằng cái gì?

    – Dạ có người nhà quẩy nồi và gánh đi theo còn chờ ở ngoài.

    – Ai di đà phật? Nắng này mà đi từ làng trên xuống tận đây lấy nước, cụ Sáu nhà có công quá. Cháu ngồi nghỉ chân đã. Để già bảo chú tiểu đưa tên bộc ra giếng. Cháu đi từ sớm, chắc bây giờ đã ngót dạ rồi; sẵn oản chuối vừa hạ xuống, già ép cháu thụ một ít lộc Phật.

    – Bạch cụ, cháu ăn mặn ở nhà vẫn còn lửng dạ.

    Sư cụ chùa Đồi Mai không nài thêm và vẫn chỉ cười rất thuần hậu.

    – Cháu có biết cụ Sáu nhà đến xin nước ở chùa đây đã mấy năm nay rồi không? Gần mười năm. Uống trà tàu như thầy cháu thì cũng có một. Cứ nước giếng chùa đây mới chịu pha trà. Lắm lúc già tự hỏi về cái tiền thân của thầy cháu xem là như thế nào. Nghĩ đến cái nhân duyên của thầy cháu với nhà chùa đây, thực cũng là bền và kỳ lắm cháu ạ.

    Thoáng thấy tên lão bộc đã quảy xong gánh nước đang ngơ ngác tìm mình và làm ướt cả khoảng giữa sân chùa lát toàn đá tảng xanh, người con cụ Sáu, với cái từ tốn của một thư sinh ngồi hầu chuyện bực phụ chấp đã xuất gia, liền vội vàng đứng dậy xin phép về.

    – Bạch cụ, cháu vội phải về, vì ở nhà hôm nay có khách uống trà. Có lẽ thầy cháu ở nhà đang chờ nước về.

    Nhà sư già cũng vội theo bọn xin nước ra tới thềm ngoài. Sư cụ rút trong tay áo vải rộng ra một chiếc quạt thước, xòe rộng hết cả nan quạt, nghiêng che đầu cho đỡ nắng và bảo chú tiểu:

    – Chú chạy mau ra vườn, bẻ mấy cành lá đào.

    Rồi cụ giữ con cụ Sáu lại:

    – Ấy, ấy, thong thả một chút. Thả mấy cành đào có lá vào nồi nước, lúc gánh đi đường xa nó đỡ sóng ra ngoài và về đến nhà, nước vẫn mát.

    Bọn xin nước vái chào nhà sư. Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người đầy tớ già đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của loài bò sát. Ví buổi trưa hè này là một đêm bóng trăng dãi, và ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần.

    [​IMG]

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của truyện ngắn Những chiếc ấm đất

    Câu 2: Nhân vật chính trong truyện Những chiếc ấm đất là ai?

    Câu 3: Nêu chủ đề của truyện Những chiếc ấm đất?

    Câu 4: Những chiếc ấm đất được kể theo ngôi thứ mấy?

    Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn ngắn sau:

    Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người đầy tớ già đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của loài bò sát .

    Câu 6: Qua tác phẩm những chiếc ấm đất tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì?

    Đáp án tham khảo:

    Câu 1:

    Phương thức biểu đạt: Tự sự và miêu tả, biểu cảm

    Câu 2: Nhân vật chính của truyện ngắn những chiếc ấm đất là cụ Sáu. - Một người đam mê, có thú thưởng trà tao nhã.

    Câu 3:

    Chủ đề của truyện ngắn: Viết về nghệ thuật thưởng trà, một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam

    Câu 4:

    Truyện được kể theo ngôi kể thứ ba, mượn lời sư chùa để kể về cụ Sáu, lời của nhân vật khách kể về cụ Sáu.

    Câu 5:

    Biện pháp tu từ so sánh: "Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của loài bò sát"

    Tác dụng:

    Giúp tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt, làm cho câu văn trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

    Câu 6:

    Những chiếc ấm đất đã khơi dậy một vẻ đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam- Thưởng trà- Thú vui phong nhã. Vừa đẹp ở cung cách thưởng trà, vừa đẹp ở tâm hồn người thưởng thức. Chúng ta cần biết, nâng niu, trân trọng những giá trị tinh thần tốt đẹp ấy.

    Xem tiếp bên dưới đề số 2:

    Những chiếc ấm đất trắc nghiệm
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng ba 2025
  2. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    323
    Đề tham khảo số 2

    Những chiếc ấm đất trắc nghiệm

    Đọc đoạn văn sau:

    [..] Sư cụ chùa Đồi Mai không nài thêm và vẫn chỉ cười rất thuần hậu.

    – Cháu có biết cụ Sáu nhà đến xin nước ở chùa đây đã mấy năm nay rồi không? Gần mười năm. Uống trà tàu như thầy cháu thì cũng có một. Cứ nước giếng chùa đây mới chịu pha trà. Lắm lúc già tự hỏi về cái tiền thân của thầy cháu xem là như thế nào. Nghĩ đến cái nhân duyên của thầy cháu với nhà chùa đây, thực cũng là bền và kỳ lắm cháu ạ.

    Thoáng thấy tên lão bộc đã quảy xong gánh nước đang ngơ ngác tìm mình và làm ướt cả khoảng giữa sân chùa lát toàn đá tảng xanh, người con cụ Sáu, với cái từ tốn của một thư sinh ngồi hầu chuyện bực phụ chấp đã xuất gia, liền vội vàng đứng dậy xin phép về.

    – Bạch cụ, cháu vội phải về, vì ở nhà hôm nay có khách uống trà. Có lẽ thầy cháu ở nhà đang chờ nước về.

    Nhà sư già cũng vội theo bọn xin nước ra tới thềm ngoài. Sư cụ rút trong tay áo vải rộng ra một chiếc quạt thước, xòe rộng hết cả nan quạt, nghiêng che đầu cho đỡ nắng và bảo chú tiểu:

    – Chú chạy mau ra vườn, bẻ mấy cành lá đào.

    Rồi cụ giữ con cụ Sáu lại:

    – Ấy, ấy, thong thả một chút. Thả mấy cành đào có lá vào nồi nước, lúc gánh đi đường xa nó đỡ sóng ra ngoài và về đến nhà, nước vẫn mát.

    [..] Ông cụ Sáu, hôm nay lấy làm thích cái người khách lạ đó lắm. Người khách lạ vừa kể cho chủ nhân nghe một câu chuyện cổ tích. Lê trôn chén vào lợi chiếc đĩa cổ vài ba lần, người khách kể:

    "Ngày xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin. Hắn toàn vào xin những nhà đại gia thôi và cố làm thế nào cho giáp được mặt chủ nhân rồi có xin gì thì hắn mới xin. Có một lần hắn gõ gậy vào đến lớp giữa một nhà phú hộ kia, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu hình ở chân cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem tên ăn mày định giở trò gì. Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá, chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn xin cơm thừa hay là canh cặn, hay là hơn nữa, hắn lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn. Hắn gãi tai, tiến gần lại, tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho hắn" uống trà tàu với! ". Mọi người tưởng hắn dở người. Nhưng tại sao không nỡ đuổi hắn ra và còn gọi hắn lại phía bàn cho hắn nhận lấy chén trà nóng. Hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới kia. Hắn nói xong, giở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định đùa định xược với bọn họ đến lúc nào mới chịu thôi. Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo hắn rách như tổ đỉa. Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ nhà:" Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương xuống, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài cho nó lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa được lấy gì làm khoái hoạt lắm ". Hắn lạy tạ, tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà chủ.

    Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kỹ lưỡng cất vào bị, rồi xách nón, vái lạy chủ nhân và quan khách, cắp gậy tập tễnh lên đường. Mọi người cho là một thằng điên không để ý đến. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy làm kinh sợ người ăn mày vì, ở lọ trà đánh đổ vung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu".

    Ông cụ Sáu nghe khách kể đến đấy, thích quá, vỗ đùi mình, vỗ đùi khách, kêu to lên:

    – Giá cái lão ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời anh ta đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon. Nhà, phần nhiều lại toàn là ấm song ấm quý.

    – Cổ nhân cũng bịa ra một chuyện cổ tích thế để làm vui thêm cái việc uống một tuần nước đấy thôi. Chứ cụ tính làm gì ra những thứ người lạ ấy. Ta chỉ nên cho nó là một câu giai thoại.

    [..] Phải, bây giờ ông cụ Sáu sa sút lắm rồi. Bây giờ ông cụ lo lấy bữa cơm cũng khó, chứ đừng nói đến chuyện uống trà. Thỉnh thoảng có xin được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: Gói giấy giắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới đem ra pha uống. Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ.

    Những buổi có phiên chợ, cụ Sáu ngồi ghé vào nhờ gian hàng tấm của người cùng làng, bày ra trên mặt đất có đến một chục chiếc ấm mà ngày trước, giá có giồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán cho một chiếc. Có một điều mà ai cũng lấy làm lạ, là cụ bán lũ ấm đất làm hai lớp. Mấy kỳ đầu, cụ bán toàn thân ấm và bán rất rẻ. Còn nắp ấm cụ để dành lại. Có lần vui miệng, cụ ghé sát vào tai người bà con: "Có thế mới được giá. Có cái thân ấm rồi, chẳng nhẽ không mua cái nắp vừa vặn sao? Bán thân ấm rẻ, rồi đến lúc bán nắp ấm, mới là lúc nên bán giá đắt. Đó mới là cao kiến".

    Cụ Sáu cười hề hề, rồi vội quay ra nói chuyện với bạn hàng đang mân mê những cái thân ấm đất đủ màu, cái thì dáng giỏ dâu, cái thì múi na, hình quả vả, quả sung, quả hồng. Cụ đang bảo một ông khách:

    – Thế nào tôi cũng tìm được nắp cho ông. Cứ phiên sau lại đây thế nào cũng có nắp. Không, đúng ấm tàu đấy mà. Nếu không tin ông cứ úp ấm xuống mặt miếng gỗ kia. Cho ấm ngửa trôn lên. Cứ xem miệng vòi với quai và gờ miệng ấm đều cắn sát mặt bằng miếng gỗ thì biết. Nếu muốn thử kỹ nữa, quý khách thả nó vào chậu nước, thấy nó nổi đều, cân nhau không triềng, thế là đích ấm tàu

    (Trích Những chiếc ấm đất, Nguyễn Tuân, Tạp chí Tao đàn, số 8, ngày 16/6/1939)


    Lựa chọn đáp án đúng:

    Câu 1: Đoạn trích được kể bằng ngôi thứ mấy?

    A. Thứ nhất C. Thứ ba

    B. Thứ hai D. Không có ngôi kể

    Câu 2: Nhân vật chính trong truyện là ai?

    A. Cụ Ấm.

    B. Cụ Sáu

    C. Sưu cụ chùa Đồi Mai

    D. Con trai cụ Sáu

    Câu 3: Thú vui thưởng trà của nhân vật của cu Sáu gợi cho em nhớ đến tên tập truyện nào của nhà văn Nguyễn Tuân?

    A. Chữ người tử tù

    B. Ngọn đèn dầu lạc

    C. Vang bóng một thời

    D. Một chuyến đi

    Câu 4: Để pha trà, cụ Sáu sai con đi lấy nước ở đâu?

    A. Ở trên đồi

    B. Giếng ở làng

    C. Nhà cậu con trai

    D. Chùa Đồi Mai

    Câu 5: Nêu tình cảm, thái độ của cụ Sáu khi nghe người khách kể về câu chuyện cổ tích?

    A. Yêu mến, trân trọng.

    B. Thích thú, say mê.

    C. Tiếc nuối, trân trọng

    D. Thản nhiên, không quan tâm.

    Câu 6: Dòng nào sau đây nói đến thú phong lưu thưởng trà của cụ Sáu?

    A. Có xin được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: Gói giấy giắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới đem ra pha uống

    B. Đang mân mê những cái thân ấm đất đủ màu, cái thì dáng giỏ dâu, cái thì múi na, hình quả vả, quả sung, quả hồng.

    C. Mặt đất có đến một chục chiếc ấm mà ngày trước, giá có giồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán cho một chiếc.


    D. Khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ


    Câu 7: Kể cả khi thất cơ lỡ vận, ông cụ Sáu vẫn "quen thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ", cho thấy điều gì ở con người cụ Sáu?

    A. Xem việc uống trà như là một công việc quan trọng nhất của đời mình

    B. Xem việc thưởng trà như một lễ nghi để thưởng thức

    C. Sự say mê, lưu luyến với thú vui thưởng trà

    D. Tiếc nuối về quá khứ một thời của cụ Sáu.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8 ( 0.5điểm) : Nhận xét quan niệm của Nguyễn Tuân về cách thưởng trà được thể hiện trong đoạn trích?

    Câu 9 ( 1.0 điểm) : Tại sao Nguyễn Tuân lại đưa thú thưởng trà này gắn kết với một ngôi chùa?

    Câu 10 ( 1.0 điểm) : Trình bày thông điệp có ý nghĩa nhất qua văn bản.


    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8 (0.5điểm) : Nhận xét quan niệm của Nguyễn Tuân về cách thưởng trà được thể hiện trong đoạn trích?

    Câu 9 (1.0 điểm) : Tại sao Nguyễn Tuân lại đưa thú thưởng trà này gắn kết với một ngôi chùa?

    Câu 10 (1.0 điểm) : Trình bày thông điệp có ý nghĩa nhất qua văn bản.

    Đáp án tham khảo:


    Câu 1: C

    Câu 2: B

    Câu 3: C

    Câu 4 :D

    Câu 5: B

    Câu 6 :D

    Câu 7: A

    Câu 8:

    Nhận xét quan niệm của Nguyễn Tuân về cách thưởng trà trong đoạn trích: Nguyễn Tuân quan niệm việc thưởng trà là một nghệ thuật trong văn hóa ẩm thực của người Việt và người thưởng thức trà giống như một nghệ sĩ.

    Câu 9:

    Nguyễn Tuân lại đưa thú thưởng trà này gắn kết với một ngôi chùa vì: Hồn của người ưu trà đạo đều thực sự đã thanh tâm tĩnh tại, như lời của sự cụ nói về cụ Sáu, nếu cụ bỏ được thứ vui này thì cụ cũng chính là một vị tu tại gia.

    Câu 10: Thông điệp:

    Gợi ý

    - Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

    - Phát huy nét đẹp cổ truyền

    - Tôn vinh giá trị văn hóa tinh thần..

    - Nuôi dưỡng niềm đam mê

    Xem thêm: Đọc hiểu Tờ hoa- Nguyễn Tuân
     
    Ôn An Na, Thùy Minhchiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng năm 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...