ĐỌC HIỂU NHẬT KÍ TRONG TÙ - HỒ CHÍ MINH ĐỀ 1: Đọc hiểu văn bản Vô đề (1) Đọc văn bản sau: Vô đề (I) Thân thể tại ngục trung, Tinh thần tại ngục ngoại. Dục thành đại sự nghiệp, Tinh thần cánh yếu đại. (Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao Muốn nên sự nghiệp lớn Tinh thần càng phải cao.) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ của văn bản Câu 2. Khái quát nội dung của bài thơ. Câu 3. Phân tích tác dụng của phép đối sử dụng trong hai câu thơ đầu: Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao Câu 4. Qua hai câu thơ cuối: Muốn nên sự nghiệp lớn Tinh thần càng phải cao Em hiểu điều gì về yếu tố quyết định thành công của con người? Câu 5. Viết đoạn văn 150 chữ với chủ đề: sức mạnh của yếu tố tinh thần khi rơi vào nghịch cảnh. Gợi ý đọc hiểuCâu 1. Thể thơ: ngũ ngôn tứ tuyệt Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật Câu 2. Nội dung của bài thơ: Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tinh thần của Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh tù ngục: dù bị mất tự do thân thể, nhưng Người vẫn mạnh mẽ, lạc quan, bất khuất. Câu 3. - Phép đối: thân thể >< tinh thần; trong lao >< ngoài lao - Tác dụng: + Nhấn mạnh vẻ đẹp tinh thần bất khuất của Bác: dù phải sống trong cảnh tù đày, Người vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, hướng về cuộc sống bên ngoài bằng sự tự do tuyệt đối về tinh thần. + Phép đối còn tạo sự cân xứng, hài hòa cho lời thơ. Câu 4. - Hai câu thơ cuối Bác khẳng định: muốn làm nên sự nghiệp lớn thì tinh thần phải vững vàng, bất khuất, lạc quan. - Từ đó cho ta hiểu yếu tố quyết định thành công của con người chính là yếu tố tinh thần. Tinh thần vững vàng trước mọi sóng gió, nghịch cảnh sẽ giúp con người đi đến thành công. Ngược lại, yếu đuối, khuất phục sẽ thất bại, chẳng làm nên điều gì lớn lao. Câu 5. Sức mạnh của yếu tố tinh thần khi rơi vào nghịch cảnh Bài thơ đầu tiên trong Nhật kí trong tù, Bác viết: Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao Muốn nên sự nghiệp lớn Tinh thần càng phải cao. Bài thơ là những đúc kết của Bác khi rơi vào nghịch cảnh tù đày: sức mạnh tinh thần sẽ quyết định chiến thắng. Đúng vậy, yếu tố tinh thần có vai trò vô cùng lớn lao quyết định sự thành bại của con người khi đối diện với nghịch cảnh. Rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, ai chẳng lao đao, điêu đứng, nhưng nếu mạnh mẽ đối mặt, con người sẽ có động lực tinh thần lớn để vượt qua. Giữ vững tinh thần trong hoàn cảnh này sẽ giúp chúng ta không bị nhấn chìm bởi những cảm xúc tiêu cực mà luôn lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến. Tinh thần càng vững vàng thì tâm trí càng sáng suốt. Tâm trí sáng suốt sẽ tìm được cách thức để vượt qua nghịch cảnh. Chẳng phải «cái khó ló cái khôn» đó sao? Biết bao phát kiến, bao sự sáng tạo của loài người sinh ra từ những lần thất bại đó sao? Nếu Edison nản chí sau hàng ngàn thí nghiệm thất bại, sẽ chẳng thể tìm ra chất tạo dây tóc bóng đèn. Chính suy nghĩ hàng ngàn lần thất bại là hàng hàng lần thành công trong việc loại trừ những chất không phù hợp đã giúp ông bền bỉ đi đến cuối hành trình. Như vậy, giữ được tinh thần vững vàng trong nghịch cảnh là yếu tố quyết định sự kiên trì của chúng ta trên con đường chinh phục ước mơ, là sức mạnh giúp ta chiến thắng nghịch cảnh dù éo le đến đâu. Xem tiếp bên dưới: Đề 2
Đề 2: Đọc hiểu văn bản Giải đi sớm - Tảo giải Đọc văn bản sau, thực hiện yêu cầu bên dưới: Phiên âm: Tảo giải (Trích Nhật kí trong tù) Nhất thứ kê đề dạ vị lan, Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san. Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng, Nghênh diện thu phong trận trận hàn. Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng, U ám tàn dư tảo nhất không. Noãn khí bao la toàn vũ trụ, Hành nhân thi hứng hốt gia nồng. Dịch thơ (bản dịch của Nam Trân) Giải đi sớm Gà gáy một lần đêm chửa tan, Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn; Người đi cất bước trên đường thẳm, Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn. Phương đông màu trắng chuyển sang hồng, Bóng tối đến tàn, quét sạch không; Hơi ấm bao la trùm vũ trụ, Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng. Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của văn bản. Câu 2. Khung cảnh chuyển lao được Bác miêu tả vào thời điểm nào? Thời điểm đó nói lên điều gì về hoàn cảnh của Hồ Chí Minh? Câu 3. Em hiểu hai chữ "nghênh diện" như thế nào? Nhận xét về hình ảnh người tù được miêu tả trong hai câu thơ sau: "Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng, Nghênh diện thu phong trận trận hàn". Câu 4. Thời gian có sự chuyển dịch như thế nào từ khổ 1 sang khổ 2? Câu thơ U ám tàn dư tảo nhất không biểu đạt điều gì? Câu 5. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người tù chiến sĩ trong bài thơ trên. Câu 6. Theo em, chất thép trong bài thơ thể hiện như thế nào? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. - Thể thơ: Thất ngôn - Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật - Phương thức biểu đạt của văn bản: Biểu cảm, miêu tả, tự sự Câu 2. Khung cảnh chuyển lao được Bác miêu tả vào thời điểm còn rất sớm, khi gà mới "gáy một lần", "đêm chưa tan". Thời điểm đó nói lên những vất vả, gian lao của Bác trong hoàn cảnh tù đày. Câu 3. - Hai chữ "nghênh diện" : Ngẩng mặt lên, đối diện biểu đạt - Hai câu thơ: "Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng, Nghênh diện thu phong trận trận hàn". Miêu tả hình ảnh người tù chiến sĩ Hồ Chí Minh tựa như một "chinh nhân" đang cất bước trên con đường "chinh chiến" trong tư thế chủ động, kiêu hãnh: Đầu ngẩng cao, đối mặt với từng trận từng trận gió thu ào ào thổi tới. Đó không còn là hình ảnh người tù bị gông cùm, mất tự do mà biến thành người "chinh nhân" bất khuất, kiêu hùng. Câu 4. - Thời gian trong khổ 1 được miêu tả là khi gà mới gáy một lần, đêm chưa tan, trên trời trăng sao vẫn chưa lặn; thời gian được miêu tả trong khổ 2 là khi mặt trời đã lên, phương Đông chuyển sang màu hồng.. Như vậy thời gian có sự chuyển dịch từ đêm về sáng. - Câu thơ U ám tàn dư tảo nhất không biểu đạt sự biến chuyển của không gian: Tất cả bóng tối u ám của đêm đã bị ánh sáng của mặt trời buổi sớm quét sạch, không còn chút gì. Sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng còn nói lên tâm hồn lạc quan, luôn hướng đến ánh sáng, niềm vui.. của người tù cách mạng Hồ Chí Minh. Câu 5. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người tù chiến sĩ trong bài thơ trên: - Vẻ đẹp của tinh thần bất khuất, tinh thần thép: Dù trong hoàn cảnh cực khổ, nhưng Bác vẫn không hề nao núng, ngược lại, Bác chủ động đón nhận hoàn cảnh ấy bằng tư thế chủ động, kiêu hãnh; - Vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, luôn nhìn về ánh sáng, tương lai, nhìn thấy những điều tốt đẹp trong nghịch cảnh; - Vẻ đẹp của tình yêu thiên nhiên, tâm hồn luôn hướng đến sự giao cảm với thiên nhiên, vạn vật; - Vẻ đẹp của tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn, biến nghịch cảnh thành "thi hứng" để làm thơ.. Câu 6. Chất thép trong bài thơ thể hiện qua: - Về nội dung: Bài thơ khẳng định tinh thần bất khuất vượt lên trên nghịch cảnh khắc nghiệt của người tù cách mang: Dù trong hoàn cảnh tù đày, Người không đánh mất ý chí, niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai, vẫn vui say với thiên nhiên.. - Về nghệ thuật: Giọng thơ rắn rỏi, sự vận động của tứ thơ từ tối đến sáng, từ lạnh lẽo đến ấm áp, từ nỗi buồn đến niềm vui..
Đề 3: Đọc hiểu văn bản: Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh - Bán lộ đáp thuyền phó Ung Đọc văn bản sau, thực hiện yêu cầu bên dưới: Phiên âm: Bán lộ đáp thuyền phó Ung (Trích Nhật kí trong tù) Thừa chu thuận thủy vãng Ung Ninh Hĩnh điếu thuyền lan tự giảo hình Lưỡng ngạn hương thôn trù mật thậm Giang tâm ngư phủ điếu thuyền khinh. Dịch thơ: (bản dịch của Nam Trân) Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh, Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình; Làng xóm ven sông đông đúc thế, Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh. Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của văn bản. Câu 2. Câu thơ thứ 2 cho em hiểu Hồ Chí Minh bị giải lao trong hoàn cảnh như thế nào? Câu 3. Nhận xét về cảnh vật được miêu tả trong hai câu cuối. Câu 4. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người tù chiến sĩ trong bài thơ trên. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. - Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật; - Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật; - Phương thức biểu đạt của văn bản: Biểu cảm, miêu tả. Câu 2. Câu thơ thứ 2 cho em hiểu Hồ Chí Minh bị giải lao trong hoàn cảnh gông cùm mất tự do, vô cùng cực khổ: Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình. Câu 3. - Cảnh vật được miêu tả trong hai câu cuối: Làng xóm ven sông đông đúc thế - Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh là cảnh người dân hai bên sông đông đúc, nhộn nhịp; cảnh chiếc thuyền câu đang nhẹ lướt sóng trên sông; - Nhận xét: Cảnh vừa đẹp, vui tươi vừa thơ mộng, yên bình. Câu 4. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người tù chiến sĩ trong bài thơ: - Hồ Chí Minh hiện lên trong bài thơ là người yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, Người hướng tâm hồn mình về cảnh vật thiên nhiên, cuộc sống xung quanh để giao hòa, đón nhận. - Hồ Chí Minh còn là người có tâm hồn lạc quan, có tinh thần bất khuất: Dù cảnh ngộ của Người vô cùng cực khổ, nhưng Người đã quên đi hoàn cảnh khắc nghiệt của bản thân, vẫn vui với cảnh, với người..
Đề 4: Đọc hiểu văn bản Tự khuyên mình - Tự miễn Đọc văn bản sau, thực hiện yêu cầu bên dưới: Phiên âm: Tự miễn Một hữu đông hàn tiều tuỵ cảnh, Tương vô xuân noãn đích huy hoàng. Tai ương bả ngã lai đoàn luyện, Sử ngã tinh thần cách kiện cường. Bản dịch: Tự khuyên mình Ví không có cảnh đông tàn, Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân; Nghĩ mình trong bước gian truân, Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng. Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản (phiên âm). Câu 2. Bài thơ có bố cục như thế nào? Câu 3. Theo em, Bác tự khuyên mình những điều gì trong bài thơ trên? Câu 4. Nhận xét về vẻ đẹp tinh thần Hồ Chí Minh qua bài thơ trên. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Thể thơ của văn bản: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật Câu 2. Bố cục của bài thơ: - Hai câu đầu: Quy luật biến thiên của thiên nhiên, tạo hóa: Qua đông tàn xẽ đến mùa xuân ấm áp, tươi đẹp; - Hai câu cuối: Lời Bác tự khuyên mình: Không ngại gian truân, thử thách vì những điều đó càng làm cho tinh thần thêm vững vàng. Câu 3. Trong bài thơ trên, Hồ Chí Minh mượn sự biến thiên theo chiều hướng tươi sáng của thiên nhiên để tự khuyên mình cần vững vàng, dúng cảm đối mặt với thử thách, gian truân, bởi tất cả những điều đó tất cả sẽ qua, quan trọng hơn, đó chính là môi trường để con người rèn luyện bản lĩnh, nghị lực, tinh thần. Câu 4. Nhận xét về vẻ đẹp tinh thần Hồ Chí Minh qua bài thơ trên: Từ lời Bác Hồ tự khuyên mình cần dúng cảm chấp nhận nghịch cảnh, mạnh mẽ trong nghịch cảnh, ta thầy Bác là người rất giàu ý chí, nghị lực, luôn luôn lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp, dù đang trong hoàn cảnh vô cùng cực khổ - cảnh tù đày. Đó là vẻ đẹp tinh thần cao đẹp, đáng quý của một người tù chiến sĩ - vẻ đẹp làm nên sức mạnh ý chí lớn lao để Người vượt qua mọi thử thách, chông gai.
Đề 5: Đọc hiểu Nghe tiếng giã gạo - Văn thung mễ thanh Đọc bài thơ sau: Phiên âm: Văn thung mễ thanh Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ, Ký thung chi hậu, bạch như miên; Nhân sinh tại thế dã giá dạng, Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên. Dịch thơ: Gạo đem vào giã bao đau đớn, Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông; Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công. Trả lời câu hỏi: Câu 1: Phiên âm bài thơ được viết bằng thể thơ gì? Câu 2: Âm thanh nào vang vọng đến nhà ngục khiến Hồ Chí Minh cảm tác nên bài thơ này? Câu 3: Hãy chia bố cục cho bài thơ, khái quát nội dung từng phần. Câu 4: Thông điệp từ bài thơ là thông điệp gì? Câu 5: Theo em, tại sao con người muốn "thành công" lại phải chịu gian nan, "rèn luyện"? Gợi ý đọc hiểu Câu 1: Phiên âm bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Câu 2: Trong hoàn cảnh tù đày cách biệt với cuộc sống bên ngoài, Hồ Chí Minh chỉ có thể lắng nghe được âm thanh từ bên ngoài vọng vào trong nhà ngục. Âm thanh của tiếng chày giã gạo của người dân bên kia tường nhà ngục đã vang vọng đến khiến Hồ Chí Minh cảm tác nên bài thơ này. Câu 3: Bài thơ có bố cục 2 phần: Hai câu đầu: Suy ngẫm về quá trình giã gạo - muốn có hạt gạo trắng phải qua giã đau đớn Hai câu cuối: Suy ngẫm về cuộc sống con người: Đời người muốn có được thành công phải qua gian nan rèn luyện. Câu 4: - Từ nhận thức về quá trình giã gạo và thành quả của quá trình ấy cho ta những hạt gạo trắng trong, Hồ Chí Minh đã đề cập đến quá trình thành công của con người cũng phải qua gian nan, rèn luyện. - Từ đó, có thể nhận thấy thông điệp từ bài thơ là: Không chùn bước trước thử thách, thử thách là môi trường rèn luyện con người; dũng cảm đối mặt với khó khăn, gian khổ, con người sẽ có được thành quả viên mãn;.. Câu 5: Theo em, con người muốn "thành công" lại phải chịu gian nan, "rèn luyện" vì: Không thành công nào mà không trải qua thử thách gian khổ, chỉ có dũng cảm đối mặt, vượt qua thì những thử thách ấy mới lùi lại phía sau, chúng ta mới đến gần được với thành công. Thử thách giúp con người rèn luyện ý chí, nghị lực, cho chúng ta những bài học quý báu, tạo tiền đề cho những bước tiến lớn phía sau..
Đề 6: Đọc hiểu Cảnh chiều hôm - Vãn cảnh Đọc văn bản sau: Phiên âm: Vãn cảnh Mai khôi hoa khai hoa hựa tạ, Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình; Hoa lương thấu nhập lưng môn lí, Hướng tại lương nhân tố bất bình. Dịch thơ: Cảnh chiều hôm Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng, Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình; Hương hoa bay thấu vào trong ngục, Kể với tù nhân nỗi bất bình. Trả lời câu hỏi: Câu 1: Phiên âm bài thơ được viết bằng thể thơ gì? Câu 2: Hai câu đầu nói lên quy luật gì của tự nhiên? Câu 3: Kết thúc bài thơ là hai tiếng "bất bình", theo em, nỗi "bất bình" trong bài thơ là nỗi bất bình của ai? Bất bình vì điều gì? Câu 4: Em có thể lí giải tại sao hương hoa lại tìm đến thi nhân để "kể nỗi bất bình"? Gợi ý đọc hiểu Câu 1: Phiên âm bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật (bài thơ có 4 câu, mỗi câu 7 tiếng) Câu 2: Hai câu đầu nói lên quy luật của tự nhiên: Hoa hồng nở, hoa hồng rụng, hoa tàn, hoa (khác) lại tiếp tục nở. Như vậy quy luật của tự nhiên trong hai câu đầu là quy luật sinh - tử, tử - sinh của sự vật, của cuộc sống. Quy luật đó tồn tại xung quanh chúng ta, tạo nên vòng tròn bất tận. Câu 3: Kết thúc bài thơ là hai tiếng "bất bình", nỗi "bất bình" trong bài thơ có một số cách hiểu: - Thứ nhất, đó là nỗi bất bình của hoa được đặt trong phép tu từ nhân hóa. Hoa bất bình vì sự vô tình của tạo hóa: Tạo hóa khiến hoa nở lại tàn, không cho hoa mãi đẹp sắc thắm hương. Như vậy, cái bất bình của hoa là bất bình cho sự tồn tại đời hoa ngắn ngủi, cái đẹp không lâu bền. - Thứ hai, mượn cảnh để ngụ tình, nỗi bất bình trong câu cuối của bài thơ là nỗi bất bình của con người - người tù cách mạng, bất bình vì cuộc sống mất tự do, bất bình vì mình không có tội mà phải chịu cảnh tù đày.. Câu 4: Hương hoa tìm đến thi nhân để "kể nỗi bất bình" có lẽ vì tạo hóa vô tình, không hiểu được nỗi lòng của hương hoa. Vì thế hương hoa đã bay vào trong ngục để tỏ nỗi bất bình với một người chẳng những có thể hiểu được tâm trạng của mình mà còn có khả năng giải tỏa được nỗi bất bình ấy nữa. Đời hoa hữu hạn, nhưng người nghệ sĩ có thể phát hiện cái đẹp của hoa, thấu hiểu chúng và bất tử cái đẹp ấy bằng sáng tạo nghệ thuật.