Đọc hiểu: Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm Đọc bài thơ sau: Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Một mai[1], một cuốc, một cần câu, Thơ thẩn dầu ai[2] vui thú nào. Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn lao xao. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Rượu, đến cội cây[3], ta sẽ uống, Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao[4] . (Theo Ngữ văn 10, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 129) [1] Mai: Dụng cụ đào đất, xắn đất. [2] Dầu ai: Mặc cho ai. Dù ai có cách vui thú nào cũng mặc, tôi cứ thơ thẩn (giữa cuộc đời này). [3] Cội cây: Gốc cây [4] Hai câu 7 và 8 tác giả có ý dẫn điển Thuần Vu Phần uông rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hoè, rồi mơ thấy mình ở nước Hoè An, được công danh phú quý rất mực vinh hiển. Sau bừng mắt tỉnh dậy thì hóa ra đó là giấc mộng, thấy dưới cành hoè phía nam chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đó điển này có ý: Phú quý chỉ là một giấc chiêm bao. Chọn 1 đáp án đúng; Câu 1 . Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? A. Bảy chữ B. Thất ngôn xen lục ngôn C. Thất ngôn bát cú Đường luật D. Thất ngôn trường thiên Câu 2. Các phương thức biểu đạt trong bài thơ là: A. Biểu cảm, nghị luận B. Biểu cảm, thuyết minh C. Nghị luận, tự sự D. Nghị luận, miêu tả. Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào? A. Hai câu đề B. Hai câu thực C. Hai câu đề và hai câu thực D. Hai câu thực và hai câu luận. Câu 4. bài thơ ngắt nhịp như thế nào? A. Nhịp 3/4 B. Nhịp 4/3 C. Nhịp 5/2 D. Nhịp linh hoạt, không cố định. Câu 5. Phong thái của tác giả trong hai câu đề là phong thái như thế nào? Một mai[1], một cuốc, một cần câu, Thơ thẩn dầu ai[2] vui thú nào. A. Phong thái đĩnh đạc, tự tin B. Phong thái ung dung, thư thái C. Phong thái ngất ngưởng, ngạo nghễ D. Phong thái tất bật, khổ sở. Câu 6. Hai câu thơ sau cho ta hiểu điều gì về Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn lao xao. A. Vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tìm về chốn thôn quê để giữ sự thanh sạch của tâm hồn. B. Thể hiện sự dại dột của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tìm đến nơi vắng vẻ để tự buồn, tự trách khiến tâm hồn không bao giờ được thanh thản C. Thể hiện sự lựa chọn dại dột của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Từ bỏ công danh, bổng lộc để sống cuộc đời nghèo khổ. D. Thể hiện con người Nguyễn Bỉnh Khiêm: Thích cô độc, một mình. Câu 7. Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong hai câu luận là cuộc sống như thế nào? Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. A. Cuộc sống giàu có, sung túc B. Cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn C. Cuộc sống thanh đạm nhưng đủ đầy D. Cuộc sống vất vả, cực nhọc về thể xác. Trả lời câu hỏi: Câu 8. Cách nhìn của Nguyễn Bỉnh Khiêm về công danh, phú quý trogn hai câu kết được thể hiện như thế nào? Câu 9. Nhận xét về vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ. Câu 10. Em hiểu quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trogn bài thơ như thế nào? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. C. Thất ngôn bát cú Đường luật Câu 2. A. Biểu cảm, nghị luận Câu 3. D. Hai câu thực và hai câu luận Câu 4. D. Nhịp linh hoạt, không cố định. Câu 5. B. Phong thái ung dung, nhàn tản Câu 6. A. Vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tìm về chốn thôn quê để giữ sự thanh sạch của tâm hồn. Câu 7. C. Cuộc sống thanh đạm nhưng đủ đầy Câu 8. - Cách nhìn của Nguyễn Bỉnh Khiêm về công danh, phú quý trogn hai câu kết: Cụ Trạng coi công danh, phú quý chỉ là giấc chiêm bao - là thứ phù du, không bền vững. Từ đó cho thấy cụ không màng công danh, quyền quý. - Đó là cách nhìn đúng đắn, thể hiện vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh của một bậc đại nhân. Câu 9. Nhận xét về vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ: - Là người sống giản dị, thanh bạch, không màng danh lợi, vật chất; - Là người trí tuệ: Có những quan niệm sống và những lựa chọn đúng đắn, khôn ngoan trong cuộc sống; - Là người bản lĩnh: Sẵn sàng đối đầu với lũ quan lại ham công danh, vật chất tầm thường; sẵn sàng từ bỏ chốn quan trường để chọn cuộc sống nông điền vất vả mà an nhiên. Câu 10. Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ: - Nhàn là xa lánh nơi quyền quý, danh lợi mà tác giả gọi là "chốn lao xao"; - Nhàn là sống hòa hợp với tự nhiên, về với tự nhiên để di dưỡng tinh thần; - Nhàn là phong thái ung dung, thư thái dù cuộc sống lao động chân tay có vất vả.. Đó là quan niệm sống tích cực, đúng đắn.