Đọc hiểu: Nhà mẹ Lê - Thạch Lam, trắc nghiệm kết hợp tự luận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 23 Tháng tám 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu Nhà mẹ Lê - Thạch Lam

    ĐỀ 1

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: Mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

    Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.

    (Nhà mẹ Lê, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2015, trang 28-29)​

    [​IMG]

    Chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Đoạn trích được kể bằng ngôi thứ mấy?

    A. Ngôi thứ nhất

    B. Ngôi thứ hai

    C. Ngôi thứ ba

    D. Ngôi thứ tư

    Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    A. Miêu tả

    B. Biểu cảm

    C. Nghị luận

    D. Tự sự

    Câu 3. Chi tiết nào miêu tả ngoại hình bác Lê?

    A. một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô.

    B. bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác

    C. mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc.

    D. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết.

    Câu 4. Câu văn sau sử dụng biện pháp tu từ gì: Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc.

    A. Nhân hóa

    B. So sánh

    C. Cường điệu phóng đại

    D. Nói giảm nói tránh

    Câu 5. Dòng nào nêu đúng ý nghĩa nhan đề Nhà mẹ Lê.

    A. Nhan đề "Nhà mẹ Lê" gợi lên hình ảnh một căn nhà nhỏ, tuềnh toàng.

    B. Nhan đề "Nhà mẹ Lê" gợi hình ảnh về một ngôi nhà lụp xụp, chật chội và hoàn cảnh đáng thương: Đông con, đói khổ.

    C. Nhan đề "Nhà mẹ Lê" gợi ý nghĩa: Họ là những con người có chung huyết thống, biết yêu thương, đùm bọc nhau vượt qua cảnh đói khổ.

    D. Nhan đề "Nhà mẹ Lê" gợi hình ảnh những con người nghèo khổ mà lương thiện.

    Câu 6. Dòng nào khái quát nội dung cơ bản của đoạn trích?

    A. Cuộc sống nghèo khổ, đáng thương của mẹ con bác Lê

    B. Tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng của mẹ con bác Lê

    C. Những mơ ước về cuộc sống ấm no của mẹ con bác Lê

    D. Nỗi buồn của bác Lê về gia cảnh.

    Câu 7. Đoạn trích đã thể hiện tình cảm gì của nhà văn đối với nhân vật?

    A. Trân trọng, tự hào về vẻ đẹp của tình người giữa mẹ con bác Lê

    B. Tố cáo xã hội tàn ác đã gây nên nỗi khổ cho con người, đẩy họ vào bước đường cùng

    C. Xót xa, thương cảm cho cảnh ngộ nghèo khổ của nhà bác Lê

    D. Trân trọng ước mơ đổi đời của người nông dân, nhà văn đã mở ra con đường giải phóng cho họ.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8. Qua đoạn trích, em hiểu được điều gì về hoàn cảnh của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và tấm lòng của nhà văn Thạch Lam?

    Câu 9. Hãy kể tên những tác phẩm đã học hoặc đã đọc viết cùng đề tài với Nhà mẹ Lê.

    Câu 10. Nêu cảm nhận của mình về nhân vật Bác Lê.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. C. Ngôi thứ ba

    Câu 2. D. Tự sự

    Câu 3. A. một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô.

    Câu 4. B. So sánh

    Câu 5. B. Nhan đề "Nhà mẹ Lê" gợi hình ảnh về một ngôi nhà lụp xụp, chật chội và hoàn cảnh đáng thương: Đông con, đói khổ.

    Câu 6. A. Cuộc sống nghèo khổ, đáng thương của mẹ con bác Lê

    Câu 7. C. Xót xa, thương cảm cho cảnh ngộ nghèo khổ của nhà bác Lê

    Câu 8.

    - Đoạn trích cho ta hiểu hoàn cảnh của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám: Cuộc sống của họ quá cơ cực, nghèo khổ, túng quẫn, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, quanh năm phải chịu đói rét, khổ sở.

    - Tấm lòng của nhà văn Thạch Lam: Trân trọng, yêu thương, xót xa cho hoàn cảnh của gia đình mẹ Lê nói chung và người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám; tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít đã gây nên tình cảnh đói khổ của con người; ca ngợi vẻ đẹp của tình mẫu tử..

    Câu 9. Những tác phẩm đã học hoặc đã đọc viết cùng đề tài người nông dân:

    - Chí Phèo (Nam Cao)

    - Lão Hạc (Nam Cao)

    - Tắt đèn (Ngô Tất Tố)

    - Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan)

    - Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn)

    Câu 10. Cảm nhận về nhân vật Bác Lê:

    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại đây để đọc tiếp nội dung ẩn nha: LINK

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem tiếp bên dưới: Đề 2
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng tư 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 2

    Đọc đoạn trích sau:

    () Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà.

    Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: Con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. ()

    Cuộc đời của gia đình bác Lê cứ như thế mà lặng lẽ qua, ngày no rồi lại ngày đói. Tuy vậy, cũng có những ngày vui vẻ. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà. Các người hàng xóm cũng làm như thế. Các bà mẹ ngồi rủ rỉ với nhau những câu chuyện kín đáo, các trẻ con nô đùa dưới quán chợ, còn các bà già thì ngồi rũ tóc tìm chấy ngoài bóng nắng. Bác Lê đem thằng Hi, con Phún ra gọt tóc cho chúng nó bằng một cái mảnh chai sắc. Thằng cả ngồi đan lại cái lờ, còn những đứa khác chơi quanh gần đấy. Trong ngày hè nóng nực, con bác Lê đứa nào cũng lở đầu - bác ta bảo là một cái bệnh gia truyền từ đời ông tam đại - nên bác lấy phẩm xanh bôi cho chúng nó. Trông mẹ con bác lại giống mẹ con đàn gà, mà những con gà con người ta bôi xanh lên đầu cho khỏi lẫn. Người phố chợ vẫn thường nói đùa bác Lê về đàn con đông đúc ấy. Bác Đối, kéo xe, người vui tính nhất xóm, không lần nào đi qua nhà bác Lê mà không bảo:

    - Bác phải nhớ thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất.

    Bác Lê bao giờ cũng trả lời một câu:

    - Mất bớt đi cho nó đỡ tội!

    Nhưng mọi người biết bác Lê quí con lắm. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu thằng Hi hơn cả, nó là con thứ chín, và ốm yếu xanh xao nhất nhà. Bác thường bế nó lên lòng, hôn hít, rồi khoe với hàng xóm: Nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc. Rồi bác ôm con ngồi lặng yên một lát, như để nhớ lại chuyện gì đã lâu lắm.

    (Thạch Lam – Trích Nhà mẹ Lê - Truyện ngắn Thạch Lam – NXB Hội Nhà văn 2008)

    Chọn đáp án đúng:

    Câu 1: Xác định ngôi kể của truyện?

    A. Ngôi thứ nhất toàn tri

    B. Ngôi thứ nhất hạn tri

    C. Ngôi thứ ba toàn tri

    D. Ngôi thứ ba hạn tri

    Câu 2: Xác định thể loại của văn bản.

    A. Truyện ngắn

    B. Thơ văn xuôi

    C. Tiểu thuyết

    D. Hồi kí

    Câu 3: Đoạn trích sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào?

    A. Tự sự, miêu tả

    B. Tự sự, nghị luận

    C. Miêu tả, biểu cảm

    D. Nghị luận, miêu tả

    Câu 4: Xác định đề tài của đoạn trích.

    A. Đề tài chiến tranh

    B. Đề tài người nông dân

    B. Đề tài người trí thức

    C. Đề tài người công nhân

    Câu 5: Câu văn nào không sử dụng biện pháp so sánh?

    A. dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa.

    B. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết.

    C. Nhưng mọi người biết bác Lê quí con lắm.

    D. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu thằng Hi hơn cả.

    Câu 6: Chi tiết nào không nói về cuộc sống đói khổ của mẹ con bác Lê?

    A. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng.

    B. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: Con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn.

    C. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.

    D. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà.

    Câu 7: Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích là?

    A. Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, đậm chất thôn quê

    B. Chất hiện thực xen lẫn chất lãng mạn

    C. Nhiều hình ảnh so sánh độc đáo

    D. Cả A, B, C

    Câu 8: Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật sử dụng trong câu: Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết.

    Câu 9: Bác Lê trong đoạn trích được khắc họa là người như thế nào?

    Câu 10: Nêu những phương diện thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của đoạn trích.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1: C. Ngôi thứ ba toàn tri

    Câu 2: A. Truyện ngắn

    Câu 3: A. Tự sự, miêu tả

    Câu 4: B. Đề tài người nông dân

    Câu 5: C. Nhưng mọi người biết bác Lê quí con lắm.

    Câu 6: D. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà.

    Câu 7: D. Cả A, B, C

    Câu 8: Biện pháp nghệ thuật sử dụng trong câu văn trên: So sánh (từ so sánh: như )

    Tác dụng: Nhấn mạnh sự khắc nghiệt của thời tiết, hoàn cảnh đói rét khổ sở của lũ con bác Lê, thể hiện lòng thương cảm của nhà văn.

    Làm cho câu văn thêm gợi hình, biểu cảm.

    Câu 9: Bác Lê trong đoạn trích được khắc họa là người phụ nữ khốn khổ, đông con, nghèo đói, quanh năm phải đi làm thuê kiếm ăn, bữa no, bữa đói;

    Tuy nghèo khổ nhưng bác Lê là người mẹ có tình yêu thương các con vô bờ bến, bác làm tất cả để các con có được miếng ăn..

    Câu 10:

    Giá trị hiện thực: Đoạn trích thể hiện tình cảnh đói khổ của người nông dân trước cách mạng tháng Tám;

    Giá trị nhân đạo:

    - Lòng xót xa, thương cảm của tác giả đối với mẹ con bác Lê nói riêng, với người nông dân nói chung;

    - Gián tiếp tố cáo các thế lực thực dân, phong kiến đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đói khổ;

    - Ca ngợi vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, cảm động.
     
    Annie Dinh, pnttt, ThuyTrang13 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...