Đọc hiểu: Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi - Đoạn trích: Trời mưa như trút nước

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 12 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi

    Đọc đoạn trích sau:

    Trời mưa như trút nước. Nửa đêm hôm đó, anh Tịch và Út bò vào móc cơ sở, mở cửa rào dẫn một cánh đột vô. Vợ chồng Út lại thu được ba cây súng và rổ lựu đạn hôm qua. Bộ đội tràn vô khắp ấp, lùng bắt ác ôn, rượt bọn lính chạy, thu thêm một số súng. Suốt đêm, Út đi lay từng cây cọc sắt, tìm lựu đạn gài để đồng bào yên tâm phá rào.

    Sáng hôm sau, những người đàn bà đi chợ Cầu Kè ngang qua ấp chiến lược Chông Nô 2, thấy một người phụ nữ đầu đội nón nhựa chiến lợi phẩm, tay cầm súng, lá cây giắt đầy mình, miệng ăn trầu đỏ tươi, đứng gác trong công sự đầu ấp. Hình ảnh ấy của Út được các bà truyền đi khắp xã cùng với tin cái ấp chiến lược kiên cố, ác ôn nhất Cầu Kè bị phá banh.

    () Về nhà, trong buổi liên hoan mừng chiến thắng, anh Mười ở tỉnh ôm thằng nhỏ của Út giơ ra giữa đám đông nói:

    - Cháu à, má cháu bỏ cháu cả đêm, nhờ bác la má cháu mới về cho cháu bú đó.

    Sau tiếng cười rộ lên, mọi người đều im bặt. Tất cả đều hướng về phía mẹ con Út. Bây giờ, ngồi đây, chị đang dịu dàng ve vuốt tóc con, nhưng sao hồi khuya, lúc xông vào ổ địch, trông chị gan lì, khác hẳn. Anh em chuyền tay nhau thằng nhỏ, hôn từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới.

    Út nói:

    -Nó cũng đánh giặc phải không mấy anh? Sau này tụi nó đánh giặc còn ngon hơn tụi mình bây giờ nhiều.

    (Trích Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi, Nhà Xuất Bản Kim Đồng, 2017, tr. 48-49)

    [​IMG]

    Chọn đáp án đúng:

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là:

    A. Miêu tả

    B. Tự sự

    C. Biểu cảm

    D. Nghị luận

    Câu 2: Xác định ngôi kể trong đoạn trích:

    A. Ngôi thứ nhất

    B. Ngôi thứ hai

    C. Ngôi thứ ba

    D. Ngôi thứ tư

    Câu 3: Nhân vật chính trong đoạn trích trên là:

    A. Chị Út

    B. Anh Tịch

    C. Con chị Út

    D. Anh Mười

    Câu 4: Truyện khai thác đề tài nào?

    A. Đề tài người phụ nữ anh hùng

    B. Đề tài người chiến sĩ anh hùng

    C. Đề tài nỗi đau chiến tranh

    D. Đề tài người chiến sĩ giải phóng quân

    Câu 5: Chị Út hiện lên trong đoạn trích trên là người như thế nào?

    A. Người mẹ không quan tâm đến con

    C. Người phụ nữ lạnh lùng, quyết đoán

    B. Người phụ nữ kiên cường, dũng cảm

    D. Người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ

    Câu 6: Hình ảnh của chị Út sáng hôm sau được những người đàn bà đi chợ kể lại như thế nào?

    A. Nửa đêm hôm đó, anh Tịch và Út bò vào móc cơ sở, mở cửa rào dẫn một cánh đột vô.

    B. Suốt đêm, Út đi lay từng cây cọc sắt, tìm lựu đạn gài để đồng bào yên tâm phá rào.

    C.. đầu đội nón nhựa chiến lợi phẩm, tay cầm súng, lá cây giắt đầy mình, miệng ăn trầu đỏ tươi, đứng gác trong công sự đầu ấp.

    D.. chị đang dịu dàng ve vuốt tóc con

    Câu 7: Cảm hứng nghệ thuật xuyên suốt đoạn trích là:

    A. Cảm hứng xót xa, thương cảm

    B. Cảm hứng yêu thương, trân trọng

    C. Cảm hứng phê phán, chế giễu

    D. Cảm hứng ngợi ca, tự hào

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8: Cảm nhận của em về hình ảnh chị Út: Bây giờ, ngồi đây, chị đang dịu dàng ve vuốt tóc con, nhưng sao hồi khuya, lúc xông vào ổ địch, trông chị gan lì, khác hẳn.

    Câu 9: Qua đoạn trích, em có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời chống Mỹ?

    Câu 10: Em hãy rút ra thông điệp từ đoạnt trích trên.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1: B. Tự sự

    Câu 2: C. Ngôi thứ ba

    Câu 3: A. Chị Út

    Câu 4: A. Đề tài người phụ nữ anh hùng

    Câu 5: B. Người phụ nữ kiên cường, dũng cảm

    Câu 6: C.. đầu đội nón nhựa chiến lợi phẩm, tay cầm súng, lá cây giắt đầy mình, miệng ăn trầu đỏ tươi, đứng gác trong công sự đầu ấp.

    Câu 7: D. Cảm hứng ngợi ca, tự hào

    Câu 8:

    - Chị Út hiện lên trong câu văn cử chỉ dịu dàng vuốt tóc con, đối lập với hình ảnh chị gan lì khi xông vào ổ địch

    - Qua sự miêu tả của nhà văn, ta thấy ấn tượng về một người phụ nữ kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu nhưng lại vô cùng dịu dàng, đằm thắm khi trở về với gia đình. Đó là hai vẻ đẹp tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại cộng hưởng với nhau khiến nhân vật hiện lên đầy đủ, trọn vẹn, phong phú hơn.

    Câu 9:

    - Đoạn trích khắc họa hình tượng chị Út với hàng loạt các hành động: Bò vào móc cơ sở, mở cửa rào dẫn một cánh đột vô, tước súng và lựu đạn của địch, suốt đêm, chị đi lay từng cây cọc sắt, tìm lựu đạn gài để đồng bào yên tâm phá rào..

    - Qua đoạn trích, ta thấy hiện lên vẻ đẹp của chị Út, cũng là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời chống Mĩ:

    + Có lòng căm thù giặc, gan góc, kiên cường, sẵn sàng hi sinh, cống hiến cho Tổ quốc

    + Họ cũng là những người phụ nữ vô cùng dịu dàng, đằm thắm, yêu thương gia đình, chồng con.

    => Đó là những vẻ đẹp đáng ngưỡng mộ, tự hào.

    Câu 10:

    - Đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp của chị Út trong chiến đấu cùng như khi trở về với cuộc đời thường.

    - Qua đoạn trích, nhà văn gửi gắm thông điệp: Hãy biết trân trọng, biết ơn những cống hiến, hi sinh của những người đã chiến đấu cho Tổ quốc; hãy sống đẹp như những con người ấy..

    - Lí giải: Cần biết ơn họ bởi họ đã không tiếc máu xương chiến đấu cho đất nước hòa bình. Cần sống đẹp như họ bởi sống đẹp mới làm nên giá trị con người..
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng tư 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...