Đọc hiểu văn bản là một trong số những kĩ năng quan trọng cần được rèn luyện thường xuyên của người học sinh. Để đọc hiểu được văn bản, không chỉ là văn bản được hướng dẫn dưới sự định hướng của giáo viên mà còn là văn bản ngoài sách giáo khoa, người học phải vận dụng tất cả các kiến thức của ba phân môn: Văn học, tiếng Việt, làm văn trên nhiều phương diện như: Thể loại văn học, thể thơ, các yếu tố thuộc về hình thức, nội dung văn bản; phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phép liên kết, biện pháp tu từ.. Sau đây là một số bài đọc hiểu về các đoạn trích tiêu biểu trong bài thơ Người cùng tôi của tác giả Lưu Quang Vũ nhằm luyện tập kĩ năng đọc hiểu cho các bạn học sinh: Đọc hiểu: Người cùng tôi - Lưu Quang Vũ - ĐỀ ÔN TẬP SỐ 1 Đọc đoạn trích sau: Người cùng tôi bên bờ biển bão Người cùng tôi đầu ngọn gió mùa Người vỡ rừng mở đất bao la Bàn tay chai làm ra tất cả Làng xóm, đền đài, thành phố Tháp bút cao, điệu múa, những cung đàn Đi chân không, người thêu vạn hài cong Mặc vải nâu, người dệt muôn sắc lụa. Không biết chữ, người làm ra tục ngữ Những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây.. Người làm nên cuộc đời. (Trích Người cùng tôi, Lưu Quang Vũ, NXB Văn học, 2002) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Câu 2. Theo anh/chị, "người" mà tác giả nhắc đến trong đoạn thơ trên là ai? Câu 3. Những từ ngữ "thêu", "dệt", "làm ra", "làm nên" trong đoạn thơ thể hiện điều gì? Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với "người" được thể hiện trong đoạn thơ trên. Câu 5. Từ nội dung đoạn trích, hãy viết đoạn văn khỏng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm cống hiến cho đất nước của mỗi người. Định hướng làm bài Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên: Phương thức biểu cảm Câu 2. Theo anh/chị, "người" mà tác giả nhắc đến trong đoạn thơ trên là nhân dân – những người dân vô danh, bình dị. Câu 3. Những từ ngữ "thêu", "dệt", "làm ra", "làm nên" trong đoạn thơ thể hiện sự cống hiến của nhân dân trong việc làm ra các giá trị vật chất, tinh thần của đất nước. Đó là sự cống hiến âm thầm, bền bỉ, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Câu 4. Tình cảm của tác giả đối với "người" được thể hiện trong đoạn thơ trên: Đó là tình yêu, sự kính trọng, biết ơn, niềm tự hào của nhà thơ đối với nhân dân. Câu 5. Từ nội dung đoạn trích, hãy viết đoạn văn khỏng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm cống hiến cho đất nước của mỗi người. Nhà thơ Thanh Hải từng thể hiện khao khát cống hiến trong những vần thơ lay động: Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến. Thước đo của đời người không phải năm tháng phút giây mà chính là sự cống hiến. Cống hiến là hiến dâng trí tuệ, tài năng, công sức vào sự nghiệp chung của cộng đồng, của đất nước. Mỗi người là một mắt xích trong vòng kết nối cộng đồng, vì vậy phải có trách nhiệm cống hiến. Cống hiến đâu phải là làm những việc gì quá lớn lao, vĩ đại. Cống hiến từ những điều nhỏ bé, hữu ích cũng mang đến giá trị nhất định. Mỗi người cần học tập nỗ lực, phát triển nhân cách hướng thiện để trở thành công dân tốt cũng là cống hiến. Tận tụy với công việc, làm tốt trách nhiệm với tập thể, giúp tập thể ngày càng vững mạnh cũng là cống hiến. Người có năng lực đặc biệt thì cống hiến ở những phát minh khoa học, sáng tạo lớn lao. Người bình thường cống hiến ở thực hiện tốt ý thức cộng đồng: Bảo vệ môi trường, làm những việc tốt, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống.. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Xem thêm bên dưới: Đề ôn tập số 2
ĐỀ ÔN TẬP SỐ 2 Đọc đoạn trích sau: Người cùng tôi bên bờ biển bão Người cùng tôi đầu ngọn gió mùa Người vỡ rừng mở đất bao la Bàn tay chai làm ra tất cả Làng xóm, đền đài, thành phố Tháp bút cao, điệu múa, những cung đàn Đi chân không, người thêu vạn hài cong Mặc vải nâu, người dệt muôn sắc lụa. Không biết chữ, người làm ra tục ngữ Những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây.. Người làm nên cuộc đời. (Trích Người cùng tôi, Lưu Quang Vũ, NXB Văn học, 2002) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? Câu 2. Theo đoạn trích, "người" mà tác giả nhắc đến trong đoạn thơ trên đã thêu, dệt nên những gì? Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật điệp ngữ được sử dụng trong các câu: Người cùng tôi bên bờ biển bão Người cùng tôi đầu ngọn gió mùa Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét nét tương đồng của "người" trong đoạn thơ trên và "họ" trong những câu thơ sau đây của Nguyễn Khoa Điềm: Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng Họ chuyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói Họ gánh theo tên xã tên làng trong những chuyến di dân Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm Có nội thù thì vùng lên đánh bại.. Câu 5. Từ nội dung đoạn trích, hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của những cống hiến thầm lặng trong cuộc sống. Định hướng làm bài Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Tự do Câu 2. Theo đoạn trích, "người" mà tác giả nhắc đến trong đoạn thơ trên đã thêu, dệt nên: Vạn hài cong, muôn sắc lụa. Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật điệp ngữ được sử dụng trong các câu: Người cùng tôi bên bờ biển bão Người cùng tôi đầu ngọn gió mùa - Phép điệp ngữ: Người cùng tôi; - Tác dụng: Nhấn mạnh mối qua hệ gắn bó, khăng khít giữa "người" và "tôi", giữa đông đảo quần chúng nhân dân và mỗi cá nhân riêng lẻ. Từ đó cho ta thấy được sự kế thừ, tiếp nối của các thế hệ.. ; Phép điệp ngữ còn tăng tính nhạc cho lời thơ. Câu 4. Nét tương đồng của "người" trong đoạn thơ trên và "họ" trong những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: - Họ đều là đông đảo quần chúng nhân dân bình dị, vô danh; - Họ đều góp công sức nhỏ bé của mình vào việc tạo nên, gìn giữ và truyền lại cho con cháu các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của đất nước; - Sự hi sinh cống hiến của họ tuy thầm lặng, nhỏ bé mà cao cả, vĩ đại. Câu 5. Đoạn văn 200 chữ: Ý nghĩa của những cống hiến thầm lặng trong cuộc sống "Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân." (Benjamin Spock) Cống hiến thầm lặng là góp sức mình cho sự nghiệp chung của cộng đồng, xã hội mà không mong nhận về. Như cống hiến của những người lính đảo xa, của các y bác sĩ chống dịch, của những công nhân thức khuya dậy sớm quét dọn môi trường.. Mọi sự cống hiến đều mang lại những điều tốt đẹp, nhân văn. Có người nói, khi ta mang nắng đến cho người khác thì cũng không ngăn được nắng tỏa sáng chính ta. Sự cống hiến dù là cho đi nhưng người có nghĩa cử đẹp ấy cũng nhận về rất nhiều. Trước hết, nó mang lại hạnh phúc, niềm vui, cho chính những người mỗi ngày thầm lặng sống và làm việc hết mình để cống hiến cho cuộc đời, cho xã hội. Mang tiếng cười, niềm vui đến cho người khác, bản thân mình cũng hạnh phúc lắm chứ. Sau nữa, người biết cống hiến còn nhận về sự yêu mến và tin tưởng, ngưỡng mộ của mọi người. Ý nghĩa hơn, sự cống hiến còn góp phần làm cho những người quanh ta, xã hội quanh ta trở nên tốt đẹp. Có những cống hiến mang lại sự bình yên, sự sống cho bao người, như cống hiến của các chiến sĩ biên cương, của các thiên thần áo trắng. Có những cống hiến còn thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đó là những nghiên cứu khoa học, những ứng dụng sản xuất, những phát minh mới.. Nếu không cống hiến, con người thực sự chỉ như đang tồn tại. Vì vậy, đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay để sống và không ngừng cống hiến tài năng, trí tuệ.. cho xã hội, cho đất nước.
ĐỀ ÔN TẬP SỐ 3 Đọc đoạn trích sau: Người cùng tôi bên bờ biển bão Người cùng tôi đầu ngọn gió mùa Người vỡ rừng mở đất bao la Bàn tay chai làm ra tất cả Làng xóm, đền đài, thành phố Tháp bút cao, điệu múa, những cung đàn Đi chân không, người thêu vạn hài cong Mặc vải nâu, người dệt muôn sắc lụa. Không biết chữ, người làm ra tục ngữ Những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây.. Người làm nên cuộc đời. [...] Đất nước tôi ơi Những dòng sông đã cho tôi gương mặt Những chân trời đã cho tôi tiếng hát Đồng bãi cho tôi sức vóc bàn tay Đồi núi cho tôi những bước đi dài Hoa và chim đã cho tôi mộng ước Những trái tim đập dồn trong ngực Là của người - lẽ sống của đời tôi Tôi cùng người chung lúa chung khoai Chung cơn bão chung cánh rừng lửa đạn Chung ca nước dưới đường hào nắng gắt Chung lá cờ chung ngọn lửa ban mai... (Trích Người cùng tôi, Lưu Quang Vũ, NXB Văn học, 2002) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Theo đoạn trích, "người" đã làm nên những gì? Câu 2. Sau khi đọc đoạn trích, em hiểu như thế nào về nhan đề "Người cùng tôi"? Câu 3. Em hiểu như thế nào về nội dung hai dòng thơ: Đồng bãi cho tôi sức vóc bàn tay Đồi núi cho tôi những bước đi dài Câu 4. Những dòng thơ sau giúp anh chị hiểu gì về mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình và nhân dân? Tôi cùng người chung lúa chung khoai Chung cơn bão chung cánh rừng lửa đạn Chung ca nước dưới đường hào nắng gắt Chung lá cờ chung ngọn lửa ban mai. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Theo đoạn trích, "người" đã làm nên: Làng xóm, đền đài, thành phố, tháp bút cao, điệu múa, những cung đàn, thêu vạn hài cong, dệt muôn sắc lụa, làm ra tục ngữ, những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây, người làm nên cuộc đời. Câu 2. Nhan đề "Người cùng tôi" : Thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa nhân vật trữ tình và quần chúng nhân dân. Câu 3. Đồng bãi cho tôi sức vóc bàn tay Đồi núi cho tôi những bước đi dài Hai dòng thơ thể hiện lòng biết ơn của nhân vật trữ tình đối với đất nước: Chính đất nước đã cho "tôi" sức mạnh và những bước đi vươn xa trong cuộc đời. Câu 4. Bốn dòng thơ thể hiện: - Lòng biết ơn của nhân vật trữ tình với nhân dân, đất nước - đã tạo nên giá trị vật chất, tinh thần và sự sống vô giá - Lòng cảm phục, tự hào, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người lao động bình dị mà cao cả đồng thời bộc lộ tình yêu thiên nhiên, cảnh trí non sông.. - Qua đó, nhà thơ thể hiện ý thức trách nhiệm với nhân dân, đất nước.
Phần đọc hiểu - đề thi thử Ngữ văn 12 Cao Bằng năm 2023 (Gợi ý: Tự soạn, chưa phải đáp án chính thức) Đọc đoạn trích sau: (1) Người vỡ rừng mở đất bao la Bàn tay chai làm ra tất cả Làng xóm, đền đài, thành phố Tháp bút cao, điệu múa, những cung đàn Đi chân không, người thêu vạn hài cong Mặc vải nâu, người dệt muôn sắc lụa. Không biết chữ, người làm ra tục ngữ Những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây.. Người làm nên cuộc đời [..] (2) Đất nước tôi ơi Những dòng sông đã cho tôi gương mặt Những chân trời đã cho tôi tiếng hát Đồng bãi cho tôi sức vóc bàn tay Đồi núi cho tôi những bước đi dài Hoa và chim đã cho tôi mộng ước Những trái tim đập dồn trong ngực Là của người - lẽ sống của đời tôi Tôi cùng người chung lúa chung khoai Chung cơn bão chung cánh rừng lửa đạn Chung ca nước dưới đường hào nắng gắt Chung lá cờ chung ngọn lửa ban mai Giữa đau thương, người đã nắm trong tay Địa chỉ của Niềm Vui Những lý do của hy vọng Dạy tôi biết gieo trồng và cấy gặt Tôi tìm đời tôi trong số phận người. (Trích Người cùng tôi - Lưu Quang Vũ) Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ diễn tả những điều người đã làm được trong đoạn thơ (1). Câu 3. Nêu nội dung của những dòng thơ: Giữa đau thương, người đã nắm trong tay Địa chỉ của Niềm Vui Những lý do của hy vọng Dạy tôi biết gieo trồng và cấy gặt Tôi tìm đời tôi trong số phận người. Câu 4. Nhận xét về mối quan hệ giữa tôi và người được thể hiện trong đoạn trích. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Thể thơ của đoạn trích: Tự do (các câu có số tiếng không giống nhau). Câu 2. Những từ ngữ diễn tả những điều người đã làm được trong đoạn thơ (1) : vỡ rừng, mở đất, làm ra tất cả (làng xóm, đền đài, thành phố, tháp bút cao, điệu múa, những cung đàn), thêu vạn hài cong, dệt muôn sắc lụa, làm ra tục ngữ, làm nên cuộc đời.. Câu 3. Nội dung của những dòng thơ: Giữa đau thương, người đã nắm trong tay Địa chỉ của Niềm Vui Những lý do của hy vọng Dạy tôi biết gieo trồng và cấy gặt Tôi tìm đời tôi trong số phận người. - Nội dung hiển ngôn: "Người" mang đến cho "tôi" niềm vui, hi vọng, dạy cho "tôi" những công việc mưu sinh: Gieo trồng, cấy gặt. - Nội dung hàm ngôn: + Nhân dân - các thế hệ cha ông đi trước đã truyền lại cho "tôi" nói riêng, cho con cháu sau này nói chung những giá trị vật chất và giá trị tinh thần quý báu, tạo sự kết nối giữa các thế hệ; giúp các thế sau có thể "tìm" thấy đời mình trong số phận cha ông. + Ca ngợi, tự hào về mối quan hệ tiếp nối giữa các thế hệ nhân dân. Câu 4. Nhận xét về mối quan hệ giữa tôi và người được thể hiện trong đoạn trích: - Khái quát: Đoạn trích thể hiện mối quan hệ giữa "tôi" và "người" : "Người" tạo ra các giả trị vật chất, văn hóa, tinh thần để truyền lại cho các thế hệ sau như "tôi" và những lớp người kế tiếp; từ sự lưu truyền ấy, "tôi" được tiếp nhận những thành quả mà "người" để lại. - Nhận xét mối quan hệ: Mối quan hệ giữa tôi và người là mối qua hệ gắn bó khăng khít, thể hiện sự gắn bó giữa cái tôi với cộng đồng, giữa công dân với nhân dân, đất nước; sự sống, số phận mỗi người gắn chặt với sự tồn vong, với vận mệnh của đất nước..