Đọc hiểu: NGƯỜI CHA Nguyễn Quang Thiều Giới thiệu về tác giả Nguyễn Quang Thiều Tiểu sử - Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, và dịch sinh ngày 27 tháng 4, 1957 - Quê quán: Tại Thôn Hoàng Dương (Làng Chùa), xã Sơn Công, huyên Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội) Cuộc đời: Nguyễn Quang Thiều bắt đầu viết văn từ năm 1983, ông là cây bút đa năng và sung sức, xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, báo chí. Ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký. Ông hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi; Giám đốc - Tổng Biên tậpNhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông vào làm việc tại báo Văn nghệ từ năm 1992 và rời khỏi đây năm 2007. Phong cách sáng tác của Nguyễn Quang Thiều Ông sáng tác về nhiều đề tài với những cách biểu hiện khác nhau và nhiều cung bậc cảm xúc vượt khỏi phạm vi cảm hứng hiện thực hay siêu thực. Ông không mô phỏng, sao chép đời sống để viết thành những vần thơ đầy ẩn ý. Truyện của Nguyễn Quang Thiều chân thực, gần gũi với cuộc sống đời thường; thể hiện sự nhạy cảm, trong sáng, tràn đầy niềm yêu thương. - Giải thưởng: Ngoài giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993, giải A cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều còn nhận được hơn 20 giải thưởng văn học khác trong và ngoài nước Tóm tắt truyện ngắn người cha: Truyện ngắn "Người Cha" kể về cuộc sống của một cô gái sống cùng cha sau khi mẹ bỏ đi theo người đàn ông khác. Cha của chúng, vì đau khổ và tức giận, trở nên nghiện rượu và thường xuyên đánh đập các con. Cô gái phải gánh vác công việc gia đình, bỏ học để chăm sóc cha và em trai. Một lần mẹ trở về, nhưng cô và em trai quyết định ở lại với cha vì thấy cha đau khổ. Dù cha vẫn tiếp tục uống rượu và đánh đập, cô gái vẫn cố gắng giữ gìn gia đình và không dám nói ra sự thật với cha. Cuối cùng, người cha từ bỏ rượu và ôm con gái vào lòng, họ tìm thấy sự an ủi trong nhau Đọc hiểu truyện ngắn người cha Nguyễn Quang Thiều Đọc đoạn trích sau: NGƯỜI CHA (Lược dẫn: Sau khi mẹ bỏ đi theo người đàn ông khác. Người cha vì đau khổ và tức giận, trở nên nghiện rượu và thường xuyên đánh đập các con. Cô gái (nhân vật xưng tôi) phải gánh vác công việc gia đình, bỏ học để chăm sóc cha và em trai. Một lần mẹ trở về đưa hai chị em cô đi, nhưng cô và em trai quyết định lựa chọn ở lại với cha vì thấy cha đau khổ. Dù cha vẫn tiếp tục uống rượu và đánh đập) Công việc làm ăn của cha tôi mỗi ngày càng khó khăn hơn. Chiếc xe bò của cha tôi không thể cạnh tranh được với một đàn xe lam và xe công nông ở cái thị trấn bé xíu này. Rồi một tai họa mới giáng xuống đầu gia đình tôi. Con bò kéo của cha tôi bị bệnh lăn ra chết. Cha tôi lại lâm vào những cuộc say không biết gì. Khi say, cha khóc và chửi mẹ. Nhưng sáng sáng, cha tôi vẫn dậy rất sớm. Cha tôi xin được chân bốc vác ngoài bến xe thị trấn. Cả ngày chỉ có hai đến ba chuyến xe. Vì vậy, cha tôi làm bất kỳ việc gì để có tiền duy trì sự sống của gia đình tôi. Tối tối, uống rượu say, cha tôi chửi mẹ và lại dùng cán chổi đánh tôi. Khi cha đánh, không bao giờ tôi bỏ chạy. Hai tay tôi ôm lấy đầu để cho cha đánh. Đánh tôi xong, cha lại dậy sớm ra bến xe. Rồi cha tôi trở về nhà khi trời xẩm tối. Khi tôi xới cơm cho cha, cha tôi nhìn cánh tay tôi và lại hỏi: - Tay con làm sao thế? Tôi tìm mọi lý do để nói dối cha. Tôi không bao giờ muốn nói với cha rằng: Những vết tím trên tay tôi là do cha đánh. Có một lần bị cha hỏi, tôi cuống quá, vội nói: - Thằng Tuấn đánh. Cha tôi dằn bát cơm và gầm lên: - Sao mày đánh chị như thế, hả Tuấn? Ai tắm rửa cho mày? Ai nấu cơm cho mày? Ai ru mày ngủ? Thằng em tôi bị mắng oan, òa khóc. Đến khi đã ngủ tôi vẫn nghe tiếng nấc của em tôi. Nhưng đến một lần cái cán chổi đánh trúng khớp cổ tay tôi. Cổ tay tôi bị bong gân sưng vù. Tôi không thể nào giấu cha được. Buổi tối trong bữa ăn, tôi không xới nổi bát cơm cho cha. Cha nhìn tôi hỏi: - Tay con làm sao thế? Tôi òa khóc. Lần đó, tôi không sao kìm được. - Cha ơi! Con đau lắm. - Làm sao thế? Cha tôi hoảng hốt - Ai đánh con? Đứa nào đánh con? - Cha không đánh con - Tôi nức nở - Cha không đánh con. - Đứa nào đánh? Cha tôi quát - Nói ngay, tao sẽ đập chết nó. Đứa nào? Nghe cha hỏi vậy, tôi càng khóc to. Tôi khóc không phải vì đau đớn. Tôi khóc vì tủi thân. Tôi khóc vì cái giọng xót xa của cha tôi. - Không nói đứa nào đánh mày thì tao đánh mày. - Cha đừng đánh con nữa, đừng đánh con nữa. Người cha tôi run lên. Mắt cha tôi đỏ hoe. Cha ôm tôi vào lòng. Hơi thở và vòng tay ấm áp của cha tôi làm tôi thêm tủi. Tôi khóc và nói: - Đêm nào say rượu cha cũng đánh con bằng cái chổi kia kìa. Nhưng con không nói với cha vì con sợ cha buồn thêm. Con có lỗi cha cứ đánh con, nhưng cha đừng uống rượu nữa. Tôi thấy cha tôi rùng mình. Và cha tôi khóc. Tiếng khóc của cha tôi như tiếng "u.. u" kéo dài trên đầu tôi bất tận. Gần sáng tôi tỉnh giấc. Căn nhà vẫn sáng đèn. Tôi thấy cha tôi ngồi im phắc. Tôi rời giường đến bên cha. Tôi ôm lấy cổ cha: - Cha hết rượu uống rồi ư? Cha tôi lắc lắc đầu, cha từ từ nhắm mắt lại. Hai giọt nước mắt tứa ra. - Cha đừng buồn nữa, cha nhé. Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm: - Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa. Tôi dụi mắt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết. (Trích truyện ngắn "Người cha" của Nguyễn Quang Thiều*) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Xác định ngôi kể và điểm nhìn của người kể chuyện? Câu 2. Vì sao nhân vật xưng tôi không bao giờ muốn nói với cha rằng: Những vết tím trên tay là do cha đánh? Câu 3 . Nhận xét của em về hình ảnh người cha trong văn bản? Câu 4. Những hình ảnh kết thúc câu chuyện: "Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm: - Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa. Tôi dụi mắt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết" đem đến cho em những cảm xúc gì? Câu 5. Thông điệp ý nghĩa nhất em rút ra từ văn bản là gì? Đáp án tham khảo Câu 1. - Ngôi kể: Ngôi thứ nhất - Điểm nhìn của nhân vật tôi Câu 2 Nhân vật xưng tôi không bao giờ muốn nói với cha rằng những vết tím trên tay là do cha đánh vì sợ cha buồn thêm. 3 Hình ảnh người cha trong văn bản: - Là người đàn ông khốn khổ, tội nghiệp với bi kịch đau khổ: Vợ bỏ đi theo người khác, ông không sao thoát ra khỏi nỗi đau khổ, uất hận, chìm trong men rượu và trút giận lên con trong những cơn say.. - Là người cha có bản tính thiện, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. - Là người cha rất mực thương con. 4. Những hình ảnh kết thúc câu chuyện đem đến những cảm xúc: - Niềm xúc động, nghẹn ngào vì tình cảm cha con. - Niềm tin, sự ấm áp vì tình yêu thương của cô con gái hiểu chuyện, luôn thương và thông cảm đã kéo người cha trở về với bản tính lương thiện - Niềm xót thương, cảm thông và hi vọng vào sự thức tỉnh của người cha.. 5 Học sinh rút ra được thông điệp ý nghĩa. Ví dụ: - Mỗi người cần vun đắp, yêu thương và chung tay xây dựng mái ấm gia đình, để mái ấm luôn là những mái ấm, để yêu thương sẽ gieo mầm hạnh phúc - Muốn hạnh phúc viên mãn tròn đầy, hãy bên nhau bằng lòng thấu hiểu, tôn trong và vị tha - Đừng để trẻ em phải gánh lấy những tổn thương bởi bi kịch gia đình..