Đọc hiểu Ngôn chí bài 15 - Nguyễn Trãi Đọc văn bản sau: Am cao am thấp đặt đòi tầng, Khấp khểnh ba làn trở lại bằng. Quét trúc bước qua lòng suối, Thưởng mai về đạp bóng trăng. Phần du lẽo đẽo thương quê cũ, Tùng cúc bù trì nhớ việc hằng. Một phút thanh nhàn trong thuở ấy, Thiên kim ước đổi được hay chăng. (Ngôn chí 15, nguồn thivien.vn) Chú thích: Am: là căn nhà nhỏ, nhà tranh. Đặt: sắp đặt, sắp xếp Đòi: Nhiều Quét trúc: Lấy gậy trúc, cành trúc dò đáy nước để biết nông sâu mà lội qua Thưởng mai: ngắm hoa mai Đạp: bước chân lên; đạp bóng trăng: chân đi trên bóng trăng in dưới đất. Phần du: Quê hương (Phần Du: Tên làng của Hán Cao Tổ, lấy tên cây phần du mà đặt tên làng) Lẽo đẽo: Quyến luyến, đeo đẳng không rời ra được. Bù trì: Săn sóc, vun xới Việc hằng: việc làm hàng ngày, thường xuyên Thiên kim: ngàn vàng Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ, các phương thức biểu đạt sử dụng trong bài thơ trên. Câu 2. Dựa vào nội dung bài thơ, hãy cho biết bài thơ được sáng tác vào khoảng thời gian nào trong cuộc đời Nguyễn Trãi? Câu 3. Nghệ thuật đối xuất hiện trong những câu thơ nào? Nêu tác dụng Câu 4. Em hiểu như thế nào về nội dung hai câu cuối của bài thơ: Một phút thanh nhàn trong thuở ấy, Thiên kim ước đổi được hay chăng. Câu 5. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ. Câu 6. Nêu những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ. Câu 7. Theo em, những hình ảnh mai, tùng, cúc trong bài thơ có ý nghĩa biểu tượng như thế nào? Câu 8. Hãy khái quát chủ đề của bài thơ. Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Thể thơ: Thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn Các phương thức biểu đạt sử dụng trong bài thơ trên: Miêu tả, biểu cảm Câu 2. Dựa vào nội dung, ta có thể đoán biết bài thơ được viết vào thời điểm Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn tại quê nhà (Côn Sơn). Cảnh vật và tâm thế của tác giả trong bài thơ cho ta hiểu điều đó. Câu 3. Nghệ thuật đối xuất hiện trong hai câu thực và hai câu luận: Quét trúc >< thưởng mai; Bước qua lòng suối >< về đạp bóng trăng. Phần du >< Tùng cúc; lẽo đẽo >< bù trì; thương quê cũ >< nhớ việc hằng. Tác dụng: - Miêu tả cuộc sống thanh nhàn, gắn bó với thiên nhiên, qua đó bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước của Nguyễn Trãi. - Tạo sự cân xứng, hài hòa cho lời thơ. Câu 4. Nội dung hai câu cuối của bài thơ: Một phút thanh nhàn trong thuở ấy, Thiên kim ước đổi được hay chăng. Nguyễn Trãi quý trọng những giây phút thanh nhàn hiếm hoi trong cuộc đời nhiều lo toan bận rộn của mình; trân trọng, yêu quý cuộc sống ấy hơn cả ngàn vàng. Câu 5. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ: - Một tâm hồn thanh cao, giản dị, lánh đục khơi trong, không màng danh lợi: Từ quan về ở ẩn để vui thú với thiên nhiên, di dưỡng tinh thần; - Thẳm sâu trong tâm hồn Nguyễn Trãi vẫn là niềm ưu nước, ái dân, là tấm lòng trung hiếu vẹn tròn không gì lay chuyển. Nỗi niềm ưu ái ấy luôn đau đáu trăn trở trong ông, kể cả khi đã rời xa chốn quan trường. => Đó là tâm hồn đẹp của một nhân cách đẹp. Câu 6. Những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ: + Nguyễn Trãi đã Việt hóa thơ Đường luật, biến thể thơ nhiều quy cách gò bó của Trung Quốc thành thể thơ dân tộc: Xen các câu thơ lục ngôn vào bài thơ thất ngôn; biến hóa linh hoạt về nhịp điệu, phối thanh. + Sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày, phát huy sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc. + Sử dụng hiệu quả của phép đối, phép đảo ngữ.. + Chất trữ tình và chất triết lí đan cài tạo khiến bài thơ vừa giàu cảm xúc, vừa sâu sắc, thấm thía. Câu 7. Những hình ảnh mai, tùng, cúc trong bài thơ có ý nghĩa biểu tượng: Tượng trưng cho cái đẹp, tượng trưng cho sự thanh cao của tâm hồn. Nguyễn Trãi đưa những hình ảnh này vào thơ vừa thể hiện được tình yêu thiên nhiên, vừa khẳng định lẽ sống đẹp mà mình theo đuổi. Câu 8. Khái quát chủ đề của bài thơ: Bài thơ Ngôn chí 15 ngợi ca thú thanh nhàn, vui với cảnh vật thiên nhiên; thể hiện vẻ đẹp tinh thần của Nguyễn Trãi.