Đọc hiểu: Nghèo - Nam Cao - Trắc nghiệm và Tự luận

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 31 Tháng mười 2023.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    Đọc hiểu: Nghèo - Nam Cao

    Trắc nghiệm và tự luận.

    Nam Cao viết về đề tài người nông dân nghèo khổ trước năm 1945 khá nhiều, một trong những tác phẩm thành công nhất viết về đề tài này phải kể đến truyện ngắn Nghèo. Chúng ta cùng Đọc hiểu truyện ngắn Nghèo của Nam Cao để nắm chắc nội dung và tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm nhé.

    1. Tóm tắt tiểu sử và con người Nam Cao

    Nam Cao (1915/1917 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri.

    Quê ông ở Lý Nhân, Hà Nam.

    Ông sinh ra trong một gia đình công giáo bậc trung.

    Thuở nhỏ ông học ở trường làng, sau đó được gửi xuống Nam Định học.

    Sau đó do thể chất yếu nên ông về nhà chữa bệnh rồi cưới vợ.

    Năm 18 tuổi ông vào Sài Gòn nhận làm thư kí cho một hiệu may.

    Khi trở ra Bắc ông dạy học tại Hà Nội.

    Năm 1943 ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc.

    Năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền ở Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã.

    Năm 1946 ông gia Hà Nội hoạt động Hội Văn hóa cứu quốc

    Năm 1948 ông gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam.

    Năm 1950 ông làm việc cho Hội Văn nghệ Việt Nam, tại tạp chí văn nghệ.

    2. Sự nghiệp văn học

    Quan điểm sáng tác của Nam Cao

    Ông theo quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh" : "Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than"

    Ông quan niệm: Tác phẩm "phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng" và "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có."

    Phong cách nghệ thuật của Nam Cao

    Đề cao tư tưởng con người: Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá "con người trong con người"

    Đi sâu khám phá nội tâm nhân vật

    Thường viết về những cái nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa triết lý sâu sắc

    Ông có phong cách triết lý trữ tình sắc lạnh.

    3 - Những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao

    Ông để lại khối lượng tác phẩm lớn với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký như các tác phẩm: "Sống mòn", "Lão Hạc", "Chí Phèo", "Giăng sáng", "Lão Hạc", "Chí Phèo", "Đôi mắt

    ĐỌC HIỂU NGHÈO- NAM CAO

    ĐỀ THAM KHẢO SỐ 1

    Đọc đoạn văn bản sau:

    Lược dẫn:

    (Gia đình anh chị Chuột gồm 4 miệng ăn đang ở trong hoàn cảnh nghèo đói phải vay tiền của bà Huyện để mua gạo, mua thuốc cho chồng ốm nặng. Chị đĩ Chuột phải nấu cám và vờ bảo là chè để dỗ hai con ăn cho đỡ đói, dành cơm trắng cho anh đĩ Chuột mong anh mau hết bệnh. Khi nồi cám được bê lên, lũ trẻ rất háo hức vì được ăn chè, nhưng được miếng thứ 2 thì thằng cu bé không thể nuốt trôi và khóc òa lên. Còn cái Gái đã lớn nên hiểu chuyện, nó và chị đĩ Chuột vẫn cố ăn những bát cám cho đỡ đói. Để dỗ thằng cu bé nín, chị đĩ Chuột liền bế nó vào chỗ anh đĩ Chuột đang nằm để hỏi han và xin chút cơm trắng cho thằng cu bé ăn. Anh đĩ Chuột biết vì sao nó khóc, cho nên khi chị đĩ Chuột vừa bế con ra để đi mua thuốc cho anh thì anh liền gọi cái Gái vào hỏi chuyện)

    .. Người cha khốn nạn nhìn đứa con chòng chọc, thở dài. Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu.

    - Thầy bảo gì con ạ?

    - Lúc nãy mẹ con mày ăn cám phải không?

    Gái gượng cười cãi:

    - Ăn chè đấy chứ.

    Bố nó chép miệng:


    - Khốn nạn, chè đâu mà ăn, cơm còn không có nữa là chè! Rõ mày khổ từ trong bụng mẹ..

    Cái Gái cúi đầu xuống không nói. Anh đĩ Chuột thở dài:

    - Con đi lấy cho thầy cái ghế buộc giậu (1), với sợi thừng ở gác bếp để thầy mắc lại cái võng, thế này cao quá.


    Cái Gái lấy ghế và thừng vào. Anh đĩ bảo:

    - Để đấy cho thầy rồi ra vườn làm cỏ đi.

    Nó ra vườn, anh gượng ngồi dậy, xuống khỏi giường, mon men ra đóng chặt cửa buồng lại. Anh lấy cái thừng, làm một cái tròng chắc chắn, dùng hết sức tàn còn lại, trèo lên ghế, hai chân khẳng khiu run lẩy bẩy. Anh buộc cẩn thận một đầu dây lên xà nhà, buộc xong, mệt quá, anh đu vào cái thừng, gục đầu xuống thở. Anh thấy lòng chua xót, nước mắt giàn ra hai má lõm. Rồi anh quả quyết, anh đứng thẳng người lên, chui đầu vào tròng, cái thừng cứng cáp cọ vào cổ làm anh rùng mình, khóc nấc lên một tiếng. Cả cái thân hình mảnh dẻ bắt đầu rung chuyển như một tàu lá run trước gió. Bỗng anh ngừng bặt, ngây người ra nghe ngóng. Tiếng ai vừa gọi ngoài ngõ, tiếp đến cái Gái thưa và chạy ra, tiếng người kia the thé:

    - Bu (2) mày đâu?

    Tiếng cái Gái rụt rè đáp lại:

    - Bẩm bà, bu con đi vắng.

    - Đi vắng! Đi vắng mãi! Mày về bảo con mẹ mày nội (3) ngày mai không trả tiền tao thì tao đào mả lên đấy. Cái giống (4) chỉ biết ăn không.

    Anh đĩ Chuột rít hai hàm răng lại. Hai chân giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ xương bọc da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn gật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng.


    Ở ngoài ngõ, mẹ con chị đĩ Chuột vừa kêu khóc vừa van lạy. Bà Huyện nhất định bắt mẻ gạo (5) mới đong để trừ sáu hào (6) chị Chuột vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc.


    (Trích" Nghèo "– trang 22, 23 tập 1, Tuyển tập Nam Cao- NXB Văn học- 2002)

    Chú thích

    *Tác phẩm Nghèo: In trong Tiểu thuyết thứ bảy số 158 Ngày 5-6-1937 với bút danh Thúy Rư

    Truyện viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945.

    [1]: Giậu: Hàng rào

    [2] bu: Mẹ (cách gọi mẹ ngày xưa)

    [3] nội: Trong ngày

    [4] cái giống: Cái đồ

    [5] mẻ gạo: Chỗ gạo, thúng gạo

    [6] hào: Đơn vị tính tiền ngày xưa

    [​IMG]

    Lựa chọn đáp án đúng:

    Câu 1: Câu chuyện trong đoạn văn bản lấy bối cảnh thời gian nào?

    A. Xã hội phong kiến Việt Nam

    B. Đầu thế kỉ XX.

    C. Trước Cách mạng tháng Tám 1945.

    D. Sau Cách mạng tháng Tám 1945.

    Câu 2: Câu chuyện trong đoạn văn bản trên được kể theo ngôi kể thứ mấy?

    A. Ngôi thứ nhất.

    B. Ngôi thứ hai.

    C. Ngôi thứ ba

    D. Ngôi thứ nhất và thứ ba.

    Câu 3. Tác giả đã đặt điểm nhìn vào nhân vật nào?

    A. Nhân vật chị đĩ Chuột

    B. Nhân vật anh đĩ Chuột

    C. Nhân vật cái Gái

    D. Nhân vật tôi..

    Câu 4. Ngôn ngữ kể chuyện trong văn bản có đặc gì?

    A. Ngôn ngữ mộc mạc, thấm đẫm yêu thương.

    B. Chân thực, khách quan, mộc mạc mà thấm đẫm yêu thương..

    C. Ngôn ngữ mộc mạc gần lời ăn tiếng nói hàng ngày

    D. Chân thực, khách quan, lạnh lùng mà thấm đẫm yêu thương.

    Câu 5 . Chi tiết" Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu " trong đoạn văn bản thể hiện điều gì trong tình cảm của anh Đĩ Chuột?

    A. Thương vợ, thương con.

    B. Thương mình.

    C. Xót xa cho cảnh ngộ

    D. Bất lực với chính mình.

    Câu 6 : Dòng nào nói không đúng về thái độ của nhà văn được thể hiện trong đoạn văn bản?

    A. Phê phán xã hội thực dân nửa phong kiến.

    B. Lạnh lùng, tỉnh táo mà đầy yêu thương.

    C. Đồng cảm, xót thương với số phận đau khổ của người nông dân.

    D. Phê phán hành động của anh Đĩ Chuột.

    Câu 7: Dòng nào sau đây nêu đúng chủ đề chính của đoạn trích

    A. Ca ngợi tình thương của người cha với các con.

    B. Phản ánh tình cảnh bi đát của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và niềm xót thương của nhà văn.

    C. Gửi gắm khát vọng về một cuộc sống ấm no.

    D. Vạch trần tội ác của bọn thực dân phong kiến.

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 8. Từ cảnh ngộ của gia đình anh Đĩ Chuột, em có nhận xét gì về đời sống của người dân Việt Nam trước Cách mạng?

    Câu 9: Em có đồng tình với hành động lựa chọn cái chết của người cha trong đoạn văn bản trên không? Vì sao?

    Câu 10: So sánh điểm giống và khác nhau về cách nhìn cuộc sống người nông dân của Nam Cao qua truyện ngắn Nghèo và của Kim Lân qua truyện ngắn Vợ nhặt ?

    Đáp án tham khảo:

    Câu 1: C

    Câu chuyện trong văn bản lấy bối cảnh thời gian Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

    Câu 2. C

    Câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba, người kể tự giấu mình đi và gọi tên các nhân vật theo tên như: Chị đĩ Chuột, anh đĩ Chuột, cái Gái, thằng cu bé.

    Câu 3: B

    Tác giả đã đặt điểm nhìn vào nhân vật anh đĩ Chuột bởi anh là người mắc bệnh, anh cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình nên chọn cái chết để giải thoát.

    Câu 4. C

    Ngôn ngữ kể chuyện trong văn bản có đặc điểm: Ngôn ngữ mộc mạc gần lời ăn tiếng nói hàng ngày.

    Câu 5. A

    Chi tiết" Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu"trong văn bản anh đĩ Chuột là người thương vợ, thương con.

    Câu 6 :D

    Dòng nói không đúng về thái độ của nhà văn được thể hiện trong văn bản là: Phê phán hành động của anh đĩ Chuột.

    Câu 7. B

    Chủ đề chính của văn bản là: Phản ánh tình cảnh bi đát của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và niềm xót thương của nhà văn.



    Câu 8:

    Từ cảnh ngộ của gia đình anh Đĩ Chuột, ta có thể thấy đời sống của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng:

    - Đói khổ, cơ cực, lầm tham.

    - Bế tắc, bị đẩy vào bước đường cùng, thậm chí phải tìm đến cái chết..

    Câu 9:

    - Nếu đồng tình HS có thể lí giải: Đó là cách duy nhất mà anh có thể làm để vơi đi gánh nặng cho vợ con. Là cách anh thể hiện tình yêu thương với vợ con. Cũng là để anh giải thoát cho chính mình.

    - Nếu không đồng tình, HS có thể lí giải: Anh Đĩ Chuột lựa chọn cái chết là hành động mang tính chất tiêu cực, chỉ giải thoát được cho mình, bằng chứng là anh chết đi, vợ con anh vẫn không có cơm để ăn, vẫn chịu đói, vẫn phải khóc. Cái chết của anh, khiến vợ con anh càng thêm đau đớn, cuộc sống càng bi đát hơn..

    Câu 10:

    - Giống nhau:

    + Am hiểu cuộc sống của người nông dân: Nghèo khổ, túng quẫn, giàu tình người.

    + Cái nhìn cảm thông, yêu thương, trân trọng

    - Khác nhau:

    + Nam Cao: Bế tắc, đau khổ, tuyệt vọng.

    + Kim Lân: Lạc quan, tin tưởng, hi vọng một tương lai tốt đẹp​
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng mười hai 2023
  2. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    ĐỀ THAM KHẢO SỐ 2

    Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

    Thấy mẹ gắt, thằng cu không dám đòi ăn nữa, nhưng mặt nhăn nhó bịu xịu như muốn khóc. Chị đĩ Chuột thương hại, dịu dàng bảo:

    - Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về mà ăn.. chóng ngoan rồi bu thương.

    Nhưng nó không nhúc nhích, mà nó còn nhúc nhích làm sao được: Một nắm cơm nhỏ ăn từ sáng đã bị cái dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đánh phèo một cái rồi, còn chi. Nó ngồi phịch xuống đất, gục đầu vào ngưỡng cửa, ngáp..

    - Sắp chín chưa, bu?

    Quay ra vẫn thấy con nằm phục đấy, mắt lờ đờ như chết lả, chị Chuột chép miệng:

    - Thôi đây! Chín chả chín thì đừng, bắc mẹ nó ra cho chúng mày ăn không có chúng mày làm tội cũng chết. Chốc lại nheo nhéo, chốc lại nheo nhéo..

    Chị vừa lẩm bẩm, vừa dập lửa rồi bắc cái nồi ở trên bếp xuống, lấy một cái vỏ trai múc vào mấy cái bát sành sứt mẻ tứ tung, đặt ngay trên mặt đất. Thằng cu Bé vội vàng lê xích lại gần, hai mắt lóng lánh đổ dồn cả vào mấy bát "chè" màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút. Mồm nó nuốt nước bọt ừng ực, mũi nó nở hẳn ra như để hít lấy hương vị của khói chè ngon ngọt. Chị đĩ Chuột phải đưa tay cản nó lại, sợ nó sà vào mà bị bỏng. Chị bảo nó:

    - Còn nóng lắm, chưa ăn được. Con ra vườn gọi chị về cho chị ăn với không có phải tội chết, nó làm quần quật từ sáng tới giờ mà chưa được tí gì vào bụng.

    Không đợi dến hai tiếng, chị Gái hớn hở chạy về, lôi thôi lếch thếch trong mấy mảnh giẻ rách tả tơi, vừa đến bếp nó đã reo lên:

    - Sướng quá! Lại được ăn chè kia chứ! Có ngọt không bu? Bu lấy đâu được mật mà lại nấu chè thế?

    Chị Chuột mắng yêu con:

    - Úi chà! Tíu tít như con mẹ dại ấy! Tha hồ ăn đến chán chê, chỉ sợ không sao nuốt được thôi, con ạ.

    Rồi chị bảo thằng cu Bé:

    - Bé lại đây, bu cho ăn.

    Thằng cu ngồi xổm bên mẹ, hấc mặt lên, há hốc mồm ra như con chim non đợi mẹ mớm mồi. Một miếng vào mồm, nó đã vội nuốt thỏm đi, khen "ngon quá". Nhưng chưa kịp ăn miếng nữa, nó đã oẹ một cái, mũi đỏ lên, nước mắt ứa ra giàn giụa.

    - Sao thế?

    Nó chỉ hụ hị nhìn mẹ mà không nói, cũng không chịu há mồm ăn nữa. Cái Gái nhìn mẹ, xêu một miếng chè nữa ăn thử lại:

    - Nhạt quá, bu ạ.

    Chị Chuột mắng con:

    - Làm gì có nhiều mật mà ngọt. Có mà ăn cho no bụng là phúc rồi.

    Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại oẹ ra, và khóc òa lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bùng như người ngã nước. Cái Gái lấy ngón tay di một cục "chè". Rồi bỗng nói to lên:

    - À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nâu mà bu bảo chè!

    Nhưng mẹ nó đưa mắt nhìn nó, lấy ngón tay chỉ ra phía nhà ngoài nói khẽ, nhưng hơi gắt:

    - Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết.

    Rồi hai mẹ con lẳng lặng ăn, cố nuốt những bát cám đặc khè cho đỡ đói. Thằng cu nhất định không chịu ăn, ngồi khóc ti tỉ đòi cơm. Chị đĩ Chuột đành dỗ nó:

    - Thôi nín ngay, bu ăn xong bu xin thầy cho một miếng mà ăn.

    Chị bế con rón rén bước vào chỗ chõng nằm. Thằng bé vẫn sụt sịt. Anh đĩ Chuột giở mình, hơi nghiêng mặt quay ra. Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cho cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại càng xanh thêm. Mái tóc dài quá xòa xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ dễ sợ của con ma đói. Thấy vợ con, anh cố gượng nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch và vừa thở phều phào vừa hỏi bằng một thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại:

    - Nó làm sao thế?

    Chị đĩ Chuột xốc con lên một cái:

    - Nó vòi đấy chứ có làm sao? Cơm gạo đỏ không chịu ăn, đòi ăn cơm trắng của thầy cơ.

    - Thì lấy cho nó ăn, tôi ăn làm sao hết?

    Chị đĩ Chuột lấy liễn cơm chực moi cho con một ít. Nhưng anh bảo:

    - Mang cả ra cho nó ăn, tôi không ăn nữa đâu. Còn bao nhiêu vét cho cái Gái với bu em ăn hết đi, để nó thiu ra đấy.

    Chị đĩ Chuột cười, bảo chồng:

    - Thằng cu nó dở người, chứ mẹ con tôi ăn cơm đỏ đã no rồi, ăn vào đâu được nữa?

    Anh biết vợ nói dối, chực nói, nhưng lại thôi, buồn rầu buông một tiếng thở dài. Vợ lo ngại hỏi:

    - Bây giờ người thế nào, để tôi kể với ông thầy lang lấy thuốc.

    - Tiền đâu mà thuốc thang mãi?

    - Tôi vừa bán con chó mực với hai buồng chuối non được bốn hào.

    Chồng nhìn vợ, ngẫm nghĩ một chút rồi bảo:

    - Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khoẻ rồi, chỉ ăn cho nó khoẻ lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo đỏ, đừng đong gạo trắng ăn nhạt lắm ".

    (Nghèo – Tuyển tập Nam Cao, NXB Hội nhà văn, 1993)

    Lựa chọn đáp án đúng nhất:

    Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?

    A. Sử thi

    B. Truyện thần thoại

    C. Truyện cổ tích

    D. Truyện ngắn

    Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là?

    A. Tự sự

    B. Biểu cảm

    C. Miêu tả

    D. Thuyết minh

    Câu 3. Nhân vật chính trong bản trên là?

    A. Thằng bé con

    B. Chị đĩ Chuột

    C. Cái Gái

    D. Anh đĩ Chuột

    Câu 4. Xác định ngôi kể trong văn bản trên

    A. Ngôi thứ nhất

    B. Ngôi thứ hai

    C. Ngôi thứ ba

    D. Cả A và B

    Câu 5. Nội dung của văn bản trên là?

    A. Phản ánh nỗi khổ của gia đình chị đĩ Chuột.

    B. Phản ánh sự nghèo khổ của gia đình chị đĩ Chuột và tình thương con của người mẹ nghèo.

    C. Phản ánh hiện thực cuộc sống của người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám

    D. Hiện thực cuộc sống của người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám và tấm lòng nhân đạo của nhà văn Nam Cao.

    Câu 6. Trong văn bản, nhân vật cái Gái hiện lên là người như thế nào?

    A. Là đứa bé chăm chỉ, hiểu chuyện.

    B. Là đứa bé thương mẹ.

    C. Là đứa bé siêng năng.

    D. Là đứa bé thông minh.

    Câu 7. Câu nói của anh đĩ Chuột" - Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khoẻ rồi, chỉ ăn cho nó khoẻ lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo đỏ, đừng đong gạo trắng ăn nhạt lắm." có ẩn ý

    A. Muốn làm yên lòng vợ con

    B. Nỗi khổ tâm của một người chồng khi không làm được gì cho vợ con.

    C. Đưa câu chuyện bước sang một hướng khác.

    D. Tất cả đáp án trên.

    Trả lời câu hỏi tự luận:

    Câu 8. Chi tiết nào trong văn bản khiến em cảm động nhất? Vì sao?

    Câu 9. Nếu em là cái Gái, trong hoàn cảnh gia đình như vậy, em sẽ làm gì?

    Câu 10. Em hãy nhận xét hình ảnh người nông dân Việt Nam trước CM tháng 8.

    ĐÁP ÁN THAM KHẢO

    *Trắc nghiệm:

    Câu 1- D.
    Truyện ngắn

    Câu 2- A. Tự sự

    Câu3- B. Chị đĩ Chuột

    Câu 4- C. Ngôi thứ ba

    5- D. Hiện thực cuộc sống của người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám và tấm lòng nhân đạo của nhà văn Nam Cao.

    6-A . Là đứa bé chăm chỉ, hiểu chuyện

    7-D. Tất cả đáp án trên

    Tự luận

    Câu 8:

    *Định hướng

    -
    Chọn 1 chi tiết đặc sắc trong đoạn trích

    - Lí giải nét độc đáo về nội dung và nghệ thuật của chi tiết ấy.

    Câu 9


    Định hướng

    -
    Động viên mẹ,

    - Chăm chỉ học tập.

    - Làm việc giúp đỡ mẹ..

    Câu 10


    - Nghèo khổ, cơ cực.

    - Chân thật.

    - Luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

    - Luôn khát khao cuộc sống no đủ và một tương lai tươi sáng hơn.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...